Cấu Tạo Cấp Hai Của Rễ Cây, Tầng Phát Sinh Bần Lục Bì ... - Dược Liệu

1. Đặc điểm cấu tạo cấp hai của rễ cây

Cấu tạo cấp hai của rễ cây gặp ở đa số các cây lớp Ngọc lan để phù hợp với sự phát triển. Ở các cây lớp Hành, rễ chỉ có cấu tạo cấp một trong suốt đời sống của cá thể.

Khi cây tiếp tục sinh trưởng, kích thước tế bào lớn lên, vách tế bào cũng dày lên, mức độ hóa gỗ và hóa bần tăng lên. Khi rễ chuyển sang cấu tạo cấp hai thì cây đã xuất hiện những lá đầu tiên. Sự phát triển này do hoạt động của hai tầng phát sinh ngoài và tầng phát sinh trong.

2. Các tầng phát sinh

2.1. Tầng phát sinh ngoài

Tầng phát sinh ngoài còn gọi là tầng phát sinh bần – lục bì, hay được gọi tắt là tầng sinh bần. Tầng này thường xuất hiện ở vị trí từ trụ bì trở ra biểu bì.

Tầng phát sinh này gồm một lớp tế bào có khả năng phân chia mạnh tạo ra bên ngoài những lớp tế bào đều đặn có vách hóa bần. Và bên trong tạo ra những tế bào có vách mỏng gọi là lục bì. Các lớp bần, tầng sinh bần và lục bì được gọi là chu bì.

Sự hoạt động của lớp bần làm cho các mô bên ngoài nó bị chết đi và bong ra. Các mô ấy gồm như nội bì, vỏ cấp một và biểu bì. Tầng sinh bần hoạt động một thời gian rồi ngừng. Sau đó có thể xuất hiện một tầng sinh bần khác, tạo nên nhiều chu bì. Các phần ngoài sẽ thành thụ bì.

Cấu tạo cấp hai của rễ cây
Cấu tạo giải phẫu của rễ cây lớp Ngọc lan

2.2. Tầng phát sinh trong

Tầng phát sinh trong còn gọi là tầng phát sinh libe – gỗ, hay được gọi tắt là tầng sinh gỗ.

Một số tế bào có vách mỏng nằm giữa bó libe cấp một và bó gỗ cấp một bắt đầu phân chia và sinh trưởng tạo nên một dải tế bào có khả năng phân sinh. Các tế bào này kéo dài ra và phân chia theo hướng tiếp tuyến. Tế bào sẽ nối với tế bào phân sinh của trụ bì đối diện với phần gỗ trước, tạo thành một vòng tròn liên tục uốn lượn gọi là tầng sinh gỗ.

Tầng sinh gỗ hình thành libe cấp hai ở bên ngoài và gỗ cấp hai ở bên trong; sự hoạt động này làm cho vòng tầng sinh gỗ tròn dần lại do gỗ cấp hai ở vị trí đối diện với libe cấp một sinh ra trước. Dưới áp lực của các mô cấp hai, các tế bào của bó libe cấp một bị bẹp lại và khó nhận ra.

Ngoài ra, sự hoạt động của tầng phát sinh libe – gỗ cũng tạo thành tia ruột. Tia ruột cấu tạo bởi các tế bào có vách mỏng bằng cellulose. Tia ruột cấp hai đảm nhiệm sự trao đổi chất và khí giữa mô mềm ruột với các tổ chức bên ngoài.

Cấu tạo cấp hai của rễ cây./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Từ khóa » Cấu Tạo Cấp 2 Rễ Cây Lớp Ngọc Lan