Cẩu Tích: Cây Lông Cu Ly Bổ Can Thận

Nội dung bài viết

  • 1. Mô tả dược liệu Cẩu tích
  • 2. Thành phần hoá học
  • 3. Tác dụng dược lý
  • 4. Công dụng
  • 5. Kiêng kỵ khi dùng Cẩu tích
  • 6. Bài thuốc có Cẩu tích

Cẩu tích còn có tên khác là Lông cu ly, Cù liền, Lông khỉ, Kim mao; tên khoa học của Cẩu tích là Cibotium barometz (L.) J. Sm. thuộc họ Lông cu ly (Dicksoniaceae). Từ lâu Cẩu tích được dùng với công dụng: ngâm rượu hoặc sắc uống chữa đau lưng, nhức xương khớp, lông bịt vết thương giúp cầm máu. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tác dụng của Cẩu tích/ Lông cu ly.

1. Mô tả dược liệu Cẩu tích

1.1. Cây Lông cu ly

Cây lông cu ly là một loại quyết thực vật, mọc hoang khắp ở những vùng đồi núi của Việt Nam, nhiều nhất là vùng Tây Bắc. Bên cạnh đó còn xuất hiện ở một số nước Đông Nam Á và một số tỉnh miền Nam Trung Quốc. Phần thân rễ của cây có lông tơ vàng bao phủ, trông như con chó hay con cu ly.

Theo cách hiểu dân gian, Cẩu là chó, Tích là lưng, xương sống. Khi thuốc chưa thái có hình giống lưng của con chó nên gọi là Cẩu tích.

Cây cẩu tích
Cây cẩu tích

1.2. Dược liệu Cẩu tích

Cây thuốc này thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là vào khoảng cuối thu sang đông. Người dân thường thường đào lấy toàn bộ phần bẹ và những vùng có lông vàng của cây bao phủ, chặt bỏ toàn bộ cành.

Sau khi hái về thì rửa sạch, cắt bỏ rễ con, cuống lá và lông màu vàng phủ xung quanh thân rễ rồi thái mỏng, phơi khô. Có khi đồ hơi nước rồi mới phơi , tiến hành làm trong nhiều lần. Có trường hợp lại đồ với đậu đen 9 lần đồ, 9 lần phơi rồi cuối cùng thái mỏng, phơi khô.

Rang cát nóng: cho dược liệu đã thái phiến vào, tiếp tục rang cho cháy hết lông còn sót lại. Lấy ra để nguội, rửa sạch, ngâm nước 12 tiếng, đồ kỹ cho mềm, tẩm rượu 12 tiếng rồi sao vàng. Có thể tẩm muối ăn.

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Cẩu tích thái phiến
Cẩu tích thái phiến

2. Thành phần hoá học

Hoạt chất chưa rõ. Hiện mới biết trong thân rễ có tinh bột và các phospholipid theo các nghiên cứu đã được tiến hành.

Sơ bộ nghiên cứu vị thuốc Tục đoạn Việt nam thấy dịch chiết Tục đoạn có vị hơi ngọt, sau hơi tê lưỡi, có phản ứng acid với giấy quì, có phản ứng dương với các thuốc thử chung với alkaloit, phản ứng tanin cũng rõ rệt, có đường và có thể có saponin (Lê Anh 1961, Bộ môn Dược liệu).

3. Tác dụng dược lý

Các nghiên cứu chỉ ra rằng:

  • Thuốc sắc từ thân rễ của Cẩu tích có tác dụng chống loãng xương trên thực nghiệm. Và thúc đẩy sự hình thành xương, ngoài ra còn có tác dụng chống oxy hoá và kháng khuẩn. Tuy nhiên số nghiên cứu được công bố về loài cây này vẫn còn rất ít và cần được đẩy mạnh trong tương lai.
  • Ngoài thân rễ cẩu tích, người ta còn dùng lông vàng phủ xung quanh thân rễ để đắp các vết thuơng, vết đứt tay, đứt chân để cầm máu. Tác dụng này do các lông đó hút huyết thanh của máu và giúp cho sự tạo máu cục, làm cho máu chóng đông. 

4. Công dụng

Chỉ mới được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc bổ gan, thận chữa đau lưng, đau khớp xương, đau gối, chữa tê tay chân. Người già hay đi tiểu tiện nhiều lần.

Ngày dùng 10 – 18g dưới dạng thuốc sắc.

Còn dùng chữa bệnh phụ nữ ra huyết trắng, phụ nữ có thai mà lưng, người đều đau.

5. Kiêng kỵ khi dùng Cẩu tích

Những người thận hư hữu nhiệt, tiểu tiện bất lợi hoặc đỏ vàng không dùng được.

6. Bài thuốc có Cẩu tích

6.1. Đơn thuốc chữa ngang lưng đau nhức

  • Cẩu tích ẩm: Cẩu tích 16g, Ngưu tất, Thổ ti tử, Sơn thù du, Lộc giao (chưng), Đỗ trọng mỗi thứ 12g, Thục địa 16g, sắc uống.

Kinh nghiệm dân gian

  • Cẩu tích 15g, ngưu tất 10g, đỗ trọng 10g, sinh mễ nhân 12g, mộc qua 6g, nước 600ml. sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày. Có thể thêm 20ml rượu trong khi uống thuốc, nếu uống được rượu.

6.2. Trị chứng chân tay tê đau

Dùng các bài:

  • Huyết bảo đơn: Cẩu tích 16g, Chế Ô đầu, Tỳ giải mỗi thứ 12g, Tô mộc 8g, tán bột làm hoàn, mỗi lần uống 6 – 8g, ngày 2 lần, có thể sắc uống.
  • Cẩu tích ẩm: Kim mao cẩu tích, Xuyên Ngưu tất, Hải phong đằng, Mộc qua, Tang chi, Tùng tiết, Tục đoạn, Tần giao, Quế chi, Đương qui, Hổ cốt mỗi thứ 12g, Thục địa 20g, sắc uống. Có thể thêm rượu càng tốt, dùng tốt đối với bệnh nhân phong thấp có khí huyết hư.

Tóm lại, cẩu tích có tác dụng:

  • Chữa đau nhức ngang thắt lưng hoặc tê tay chân
  • Dùng lông để cầm máu

>> Ngoài vị thuốc Cẩu tích bạn còn có thể đọc thêm Cầm máu hiệu quả với Cỏ nhọ nồi

Những thông tin trên đây về cây Cẩu tích chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Từ khóa » Cây Culi