Cấu Trúc Của Một CV Cơ Bản - Hướng Nghiệp GPO

Tiếp nối bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về định nghĩa CV và một vài lưu ý đối với CV, trong bài viết này, hãy cùng Hướng nghiệp GPO đi tìm hiểu về cấu trúc của một CV cơ bản và những bước để tạo một bản CV hoàn chỉnh nhé.

Cấu trúc của một CV cơ bản

Như đã trình bày trong bài viết trước, một CV cơ bản bao gồm 6 nội dung: Thông tin cá nhân, Trình độ học vấn, Kinh nghiệm làm việc, Chứng chỉ, Kỹ năng liên quan và các Hoạt động đã tham gia. Những nội dung này sẽ được trình bày tóm tắt trên từ 1 đến 2 trang giấy. Tuy nhiên với sinh viên, có khá ít kinh nghiệm làm việc thì hãy chỉ nên tập trung vào 1 trang giấy.

GPO - Cách gửi email và viết CV xin việc dành cho Sinh viên

Cách tạo và viết CV cơ bản

Sau khi đã có một cái nhìn tổng quan về nội dung cũng như cấu trúc của một CV cơ bản. Bước tiếp theo, cũng là bước quan trọng nhất đó là tiến hành viết và tạo CV. Dưới đây là các bước để bạn có thể tiến hành tạo một bản CV cơ bản nhưng vẫn chỉnh chu và đầy đủ thông tin.

Bước 1: Chọn mẫu CV

Hiện nay có rất nhiều trang web tuyển dụng cho phép bạn tạo CV trực tuyến như TopCV, YBox... với các phiên bản miễn phí và phiên bản mất phí với nhiều tính năng hơn. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng của sinh viên thì hoàn toàn có thể sử dụng tình năng miễn phí này. Hoặc bạn cũng có thể tìm những mẫu CV miễn phí trên mạng phù hợp nhất với bản thân.

Nếu có nhiều thời gian, bạn cũng hoàn toàn có thể tự thiết kế mẫu CV cho riêng mình bằng những công cụ phổ biến như Canva, Photoshop hay đơn giản là PowerPoint. Vừa tạo được nét đặc trưng riêng, không lẫn với bất cứ ai, vừa tạo dấu ấn đối với nhà tuyển dụng. Bởi đối với kinh nghiệm làm việc của mình, họ nhìn sơ qua đã biết bạn sử dụng mẫu CV của trang web nào.

GPO - Cách gửi email và viết CV xin việc dành cho Sinh viên

Bước 2: Điền CV

Trong 6 nội dung cơ bản của một CV, bạn hãy tập trung vào 2 nội dung chủ yếu là kỹ năng liên quan và những hoạt động đã tham gia bởi đối với sinh viên, không có quá nhiều kinh nghiệm làm việc hoặc kinh nghiệm làm việc gần như bằng không.

  • Thông tin cơ bản: Trong phần này, bạn cần chỉ ra Họ tên, Năm sinh, Giới tính, Số điện thoại, Email và Địa chỉ (Quận/Huyện + Tỉnh). Và hãy nhớ rằng luôn để ảnh lên CV thay vì là một avatar trống.
  • Trình độ học vấn: Nêu rõ năm học, chuyên ngành và trường mình đang theo học.
  • Kinh nghiệm làm việc: Tránh nêu ra những công việc phổ thông như phục vụ, bưng bê, bảo vệ… Còn nếu bạn may mắn có kinh nghiệm làm việc tại các Trung tâm anh ngữ, các công ty, tổ chức khác thì hãy mạnh dạn ghi vào. Trong trường hợp bạn không có kinh nghiệm làm việc, nên thay thế bằng Mục tiêu nghề nghiệp - thể hiện được ưu điểm và đam mê, mong muốn của bạn với công việc.
  • Chứng chỉ: Nếu có các chứng chỉ về Tiếng Anh, Tin học hay các chứng nhận tình nguyện… thì bạn hãy nêu ở mục này. Nếu không thì có thể bỏ qua.
  • Kỹ năng liên quan: Đây là điểm cộng thay cho phần kinh nghiệm làm việc. Hãy đọc và nghiên cứu thật kỹ bản mô tả công việc để nắm rõ những yêu cầu từ đó xác định những kỹ năng cần thiết đối với vị trí này. Sau đó dựa trên những kỹ năng thực tế mà bản thân có để điền vào CV. Và đặc biệt, đừng liệt kê những kỹ năng mà bạn không có bởi chắc chắn rằng nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được thông qua buổi phỏng vấn trực tiếp.
  • Hoạt động: Đây cũng là một phần mà bạn nên chú trọng. Đây là phần bạn có thể trình bày những chương trình bạn tổ chức tại câu lạc bộ, những cuộc thi mà bạn đã tham gia hay những hoạt động tình nguyện mà bạn đã từng hoạt động.

Bước 3: Định dạng CV

Sau khi hoàn thiện bản CV lần cuối cùng, hãy luôn nhớ định dạng lại dưới tệp PDF trước khi gửi email ứng tuyển tới nhà tuyển dụng để tránh mắc phải những lỗi không đáng có.

Tạm kết

Trên đây là những thông tin tổng quan về CV và các bước viết CV cơ bản dành cho sinh viên. Hướng nghiệp GPO hy vọng thông qua 4 phần trên, các bạn sẽ có một hình dung rõ hơn về Cách gửi email và viết CV xin việc dành cho Sinh viên. Và điều này sẽ trở thành công cụ để sinh viên có thể tiếp cận được những cơ hội việc làm, những cánh cửa nghề nghiệp rộng mở.

Phần trước: Cách gửi email và viết CV xin việc dành cho Sinh viên - Phần 3

Thùy Leah

Từ khóa » Cách Viết 1 Bản Cv Hoàn Chỉnh