Cây ăn Trái Vùng Bán ôn đới:Cây Bơ - NLS Bảo Lộc

Đây là loại cây ăn trái họ thực vật Lauraceae (họ Long Não) này có nguồn gốc từ miền Trung châu Mỹ La Tinh. Trái được gọi là Ahuacat nên tiếng Anh đọc trại ra là Avocado và tiếng Pháp là Avocat. Tên La Tinh là Persea Americana Miller.Cây được trồng trọt ở miền bán nhiệt đới và miền nhiệt đới khắp thế giới.Du nhâp và trồng nhiều ở cao nguyên miền Nam vào thập niên 1960. Trái mầu vàng vàng, ăn láng miệng như bơ nên được gọi là trái bơ.

Yêu cầu về khí hậu và đất đai:

Cây bơ là một cây cổ thụ có thể cao trên 20 m, tuy bề cao thay đổi nhiều tùy giống.Cây bơ tháp ít khi cao quá 10m.Cây được xếp vào loại luôn luôn có lá xanh (vạn niên thanh), tuy rằng nhiều giống lại rụng lá một thời gian ngắn trước khi trổ bông.Tán cây thường có hình khối, có khi mọc thẳng đứng ít cành, nhưng cũng có khi cành mọc ngay gần gốc, xoè rộng chiều ngang, đường kính đến 12m.Hoa tự là một chùm mọc từ nách lá hay ngọn.Hoa lưỡng tính, nhỏ, mầu vàng xanh lợt.Tùy giống hoa chia ra hai loại:

  1. Loại A vào ngày đầu tiên hoa nở thì vòi noãn thụ phấn được buổi sáng, nhưng hoa khép lại ngay buổi chiều hôm đó cho đến buổi chiều hôm sau mới nở lại để cho phấn rụng.
  2. Loại B ngày đầu tiên hoa nở buổi chiều.Vòi noãn lúc này thụ phấn đuợc.Ban đêm hoa khép lại.Đến buổi sáng hôm sau thì hoa nở lại để cho phấn rụng.

Những nơi nào không có ong hay sâu bọ giúp cho hoa thụ phấn thì phải trồng lẫn lộn với cây có hoa loại A lẫn với cây có hoa loại B thì cây mới có trái.Để có nhiều trái, trong vườn bơ nên có 25% cây loại A, 25% cây loại B, và số cây còn lại có thể thuộc lại nào cũng được.

Trái hình thuẫn, quả lê hay tròn, nặng từ vài chục gram đến 2kg.Vỏ khi trái chín mầu tím, nâu đỏ, xanh, xanh lợt hay xanh đậm.Cơm thịt là phần ăn được thì hay có mầu xanh lợt gần vỏ và mầu trắng vàng quanh hột, chứa từ 3% đến 30% dầu.Ở trái nhỏ hột, cơm có thể chiếm phân nưả. Nhưng ở trái hột to, cơm chỉ độ một phần mười trái mà thôi.

Cây mọc tốt ở nhiệt đới trung bình là 25º C, nhưng nhiều giống chịu đựng được một số thời gian nhiệt độ hạ thấp xuống dưới 15º C.

Vũ lượng trung bình cần khoảng 1.800mm ở xứ nhiệt đới và mùa nắng càng rõ rệt càng tốt.Quang kỳ không ảnh hưởng gì đến việc cây bơ trổ hoa cả.Khác với xoài và điều lộn hột, muà cây bơ nở hoa không bị thiệt hại vì mưa, trừ khi các trận mưa kéo dài quá một tháng tròn.Một điểm đáng lưu ý là cành nhánh bơ rất là dòn, dễ gẫy.Vì vậy nên tránh trồng cây bơ ở những vùng bão tố hay xẩy ra như là các đồng bằng dọc theo duyên hải Việt Nam từ Phan Thiết trở ra.Ngay cả những vùng khác, nếu cần nên trồng cây chắn gió to ở vườn bơ.Cây bơ trồng trên đất nào cũng được, miễn là trên đất thoát thủy tốt.Đất úng thủy thì cây bơ chết.Dù có trồng trên vồng, liếp cao đi nữa, nếu thủy cấp chỉ cách mặt đất có 90cm thì chỉ vài năm sau khi trồng là cây bơ sẽ chết.Đất cần có bề sâu trên 1m.Một vài giống bơ thuộc nhóm Antille (West Indian) cũng như nhiều loài cam quýt có thể chịu đất mặn E.C (độ dẫn điện) đến 8-16 mmho/cm nhưng cũng không bao giờ nên tưới bằng nước lợ (hơi mặn) có độ dẫn điện quá 2,25 mmho/cm, pH thích hợp từ 5-7.Vào mùa nắng mà thiếu nước, trái non sẽ rụng nhiều.

Giống Bơ:

Trong các loại cuả tông Persea, chỉ có ba loài cho trái ăn được:

  • Persea Americana Mill. (Persea gratssima Gaertn.).Hầu hết các giống trồng trọt đều thuộc lại thực vật này dù là giống cuả nhóm Antille hay cuả nhóm Guatemala.
  • Persea drymifolia Chamisso and Schleter, gồm các giống cuả nhóm Mexico, ít giá trị thương mại hơn.
  • Persea shiediana Nees, ít giá trị hơn nữa.

Các giống chính:

·Giống nhóm Antille (West Indian):

Các giống này có lá xanh lợt, trái khá lớn, nặng từ 400g đến 1,000g, vỏ láng và mỏng mầu xanh, đỏ hay tím.Cơm vàng, vàng xanh gần vỏ, trung bình chứa 6%-8% dầu.Các giống này tương đối ít chịu lạnh, khi nhiệt độ khí trời ít hơn 15ºC.Chúng thích hợp cho vùng đồng bằng hơn hơn là trên cao nguyên.Chúng ta có thể kể ra:

-Pollock có trái mầu xanh, hoa loại B, năng xuất kém, nhưng lại kháng bệnh ghẻ sùi (Scal, Sphaceloma perseae).

-Waldin có trái xanh, nhưng nhỏ hơn Pollock, hoa loại A, năng xuất trung bình và kháng ghẻ sùi.

-Ruelhe có trái xanh, nhưng còn nhỏ hơn cả trái Waldin nữa, hoa loại A, kháng ghẻ sùi, nhưng năng xuất cao.

-Các nhóm đáng kể hơn trong nhóm này là Tropp và Family.

Giống nhóm Guatemala:

Các giống này rất nhiều lá, lá mầu xanh đậm, chồi non mầu đỏ vàng thau. Trái trung bình nhỏ hơn nhóm trên, chỉ nặng từ 200g đến 800g, hình bầu rượu.Vỏ dầy và cứng, mầu xanh đậm láng, nhưng thường biến thành mầu đỏ khi trái chín.Hột nhỏ, cơm mầu vàng xanh chứa đến 20% chất béo.Các giống này chịu lạnh giỏi hơn giống Antille và trồng trên cao độ được.Có thể kể ra:

-Taylor, có trái mầu xanh, cỡ Ruelhe, hoa loại A, năng xuất kém, hơi kháng ghẻ cùi.

-Lula, có trái xanh, cỡ trái lớn hơn Taylor, hoa loại A, năng xuất cao, nhưng lại dễ nhiễm bệnh ghẻ cùi.

-Tonnage, trái cỡ Lula cũng mầu xanh, hoa loại B, năng xuất trung bình, hơi kháng ghẻ cùi.

-Brogdon, trái nhỏ nhất mầu tím đậm, năng xuất trung bình, hơi kháng ghẻ cùi.

Các giống trong nhóm đáng kể thêm là Norbal, Dickinson, Linda, Thompson, Edranol, và Eagle Rock.

Giống nhóm Mexico:

Các giống này tương đối có cây thấp, ít lá hơn, lá xanh lợt, có mùi hồi.Trái nhỏ, hình trái lê.Vỏ mỏng mầu đỏ hay tím.Hột lớn, cơm mầu vàng hay vàng đậm.Rất béo vì tỷ lệ chất béo cao, từ 25% đến 30%.Cây mọc dễ dàng ở mọi loại đất đai.Mức độ chiụ lạnh trung bình giữa hai nhóm kể trên.Tuy vậy, không nên trồng ở đồng bằng châu thổ miền Nam.Chúng ta có thể kể ra các giống: Mexicola, Puebla, Jalna, Gottfried, Duke, Winter, Mexican.

·Giống nhóm lai:

-Lai giữa Antille và Guatemala: như các giống Collinson, Winslowson.Các giống lai này cũng như các giống Antille có thể trồng ở vùng đồng bằng châu thổ ở đất đỏ Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai.

-Lai giữa Guatemala và Mexico: như các giống Fuerte, Ryan.

Giống lai Fuerte là giống được trồng nhiều nhất, Fuerte, có trái xanh láng bóng, hình trái lê, nặng 250g-450g, nhiều chất béo khoảngtừ 18% - 26%, hoa loại B, chịu lạnh khá, có khuynh hướng mọc ngang và ra trái cách niên.Cắt khoanh vỏ cành lớn hai ba vòng có thể giảm bớt đặc tính xấu này. Mỗi năm chỉ cần cắt khoanh vỏ một cành mà thôi.Cũng như đối với các cây ăn trái khác, ngoài việc khoanh vỏ cành, còn có thể làm giảm sự ra trái cách niên bằng cách lặt bớt hoa hay trái non vào năm được mùa hay xịt thuốc điều hòa sinh trưởng, thảo hạch như các hoá chất NAA, DNOC v..v.. Giống trồng nhiều nhất ở Florida để làm gốc tháp là Wadlin.Các giống chính Isael xuất khẩu là Fuerte, Nabal, Reed, Tova, Netaim, Horshim và Benik.Pinkerton trồng ở California, có trái xanh, khá to 500g-700g, hột nhỏ, tồn trữ được lâu và mùi vị ngon như các giống Tonnage, Pollock v..v.. cuả Florida.Ở đảo Réunion (Châu Phi) thì các giống Edranol, Fuerte, Haas được ưa thích hơn.

Những vùng cao trung ở Việt Nam nên lựa chọn thử nghiệm thêm các giống mọc tốt ở Hawaii nhu:

-Giống Beardlee, trái rất to, ngon, vỏ xanh, năng xuất cao và cây mọc thẳng đứng.

-Giống Chang, cây mọc thẳng đứng, trái xanh cỡ vừa, luôn luôn sản xuất nhiều.

-Giống Grêengold trái cỡ vừa, ngon, năng xuất cao.

-Giống Nishikawa, trái vỏ xanh, trái cỡ vừa hay rất to, ngon và năng xuất cao.

Các giống không ghi A hay B là các giống tự thụ tinh được, phấn tung ra suốt ngày. Tuy nhiên nên trồng, ít nhất là hai giống trong vườn, để bảo đảm luôn luôn có phấn thụ tinh.Các vùng cao nước, ta không nên trồng các giống nhóm Antille, nên trồng các giống nhóm Guatemala hay các giống lai.Có thể trồng thử giống bơ tím ăn ngon nhất là Haas, trái nhỏ và thuộc loại A.Một điểm khác đáng chú ý là có nhiều giống bơ mọc cao gần 9-10m và cành đâm ngang rộng lớn, lá xum xuê và rụng nhiều, bổi mục đất vườn tốt.Dưới bóng râm cây bơ, trồng chậu kiểng cây ưa bóng râm khác rất thích hợp.Ngoài ra có nhiều loại cỏ cho súc vật ăn cũng mọc khá tốt dưới các hàng cây bơ.

Nên kể ra ở đây là trái bơ ngón tay, còn gọi là bơ Cocktail.Trái nhỏ như ngón tay vì lẽ phôi cuả hoa đã thụ phấn chết đi sau đó.Nguyên do là vì gió nóng như gió Lào, gió Nam hay nhiệt độ đột ngột lên cao tạo ra.Cây các giống nhóm Mexico hay giống lai hay sinh ra loại trái bơ ngón tay này.Trái bơ này hột lép hay không hột.Hái trái lúc còn xanh và để trái chín dần.

Nhân Giống:

Cây bơ có thể trồng bằng hột được, nhưng thường cho trái xấu, không giống với cây mẹ nên phải dùng cây tháp mới được.Trước đây Việt Nam du nhập nhiều giống cây bơ, phần lớn trồng bằng hột.Sau hơn ba mươi năm trồng trọt, thế nào cũng chọn được giống thích nghi cho những vùng sinh thái khác nhau rồi, từ cao nguyên xuống đồng bằng miền Nam.Nay cần bắt đầu tuyển chọn lại các cây giống tốt ít bệnh năng xuất cao, hợp với thị trường, thị hiếu xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước để tháp và trồng thử ở miền Trung hay miền Bắc.Nếu cần thì du nhập thêm một số cây tháp hoặc mắt tháp cuả các giống kể trên, nhân các giống này để phổ biến cho bà con làm nườn, sau khi định danh lại cho đúng các nhóm phù hợp từng vùng đất đai ở Viêt Nam.Cây bơ trồng bằng hột cần đến 5-6 năm mới ra trái trong khi cây bơ tháp có thể ra trái sau khi trồng 2-3 năm mà thôi.

Hột đem ương phải từ trái đã chín, càng tươi càng tốt, lựa ở trái không nhiễm bệnh, nhất là không bệnh virus “cháy nắng”.Nên xử lý bằng cách nhúng hột vào nước ấm, khoảng 50ºC trong nủa tiếng đồng hồ.Đặt hột ở liếp ương, giỏ tre hay bao nhựa dẻo, chon còn chừa đầu nhọn lòi lên trên.Cắt 1cm đầu nhọn có thể làm hột mau nẩy mầm hơn.Liếp ương nên che lược bớt ánh sáng đi và nên tưới nhẹ nhiều lần. Bình thường thân mầm sẽ nhú lên sau 3-4 tuần lễ, nhưng một vài trường hợp có thể sau đến 2-3 tháng hột mới nhú mầm.

Cây con dùng làm gốc tháp sau 4 tháng chưa thành gỗ, có đường kính 6mm và có 2-3 cặp lá.Cây lựa chọn làm gốc tháp thích hợp nhất thuộc nhóm Guatemala.Lựa chọn cho đúng cành tháp hay mắt tháp rất quan trọng.Lẽ dĩ nhiên là phải lựa trên cây đã cho nhiều trái, trái to, đẹp và có chất lượng tốt.Chồi tháp phải là chồi ngọn vào lúc mà mầm sắp nẩy ra, sau thời kỳ nghỉ.Các chồi ngọn này bao quanh ngoài phần trên tàn cây nơi chồi sẽ đâm lộc mạnh về sau nhờ thoáng khí và ánh sáng nhiều.Cắt lấy cành tháp 10-15cm kể từ đầu ngọn.Mầm phải rồi, đầy nhựa nhưng chưa nẩy ra.

Tháp tiếp thân (veneer grafting), tháp chẻ thân (cleft grafting), tháp mầm (mắt) ngủ (chip budding) trên cây bơ đều được cả. Tuy nhiên, trên cây bơ tháp tiếp thân dễ thành công nhất.

Mầm cây tháp chẻ thân thì không cần thúc cho mầm mọc.Nhưng các cây tháp khác đều cần thúc cho mâm mọc sau khi đã tháp 3-4 tuần lễ.Lúc này phải tháo bao tháp đi.Thúc bằng cách khía một lằn ngang ở thân gốc tháp 2-5cm trên và cùng một bên với mầm đã tháp.Khi mầm đã mọc vài cm thì cắt hay xén nghiêng ngọn gốc tháp với dao sắc ngay trên mắt tháp.Chỉ để mọc một mầm, các mầm trên hay dưới đều cắt bỏ đi. Phải cột chống đỡ chồi mầm đang mọc cho khỏi gẫy. Khi mầm này mọc chừng 30-50cm thì bấm ngọn và chỉ để cho 4-6 cành ngang mọc mà thôi.Có thể trồng cây tháp sáu tháng sau khi tháp, nhưng trồng chậm sau khi cây được 12 tháng thì hơn.

Khi trồng phải tháo bỏ giỏ hay bao nylon ra và phải chôn thế nào cho gốc mọc rễ đầu tiên ngang trên mặt đất.Đặt bầu vào đầu mùa mưa, nếu không mưa thì phải tưới nhiều khi trồng xong.

Chiếc cành hay giâm cành bơ ít thích hợp.Một vài giống có thể giâm cành được khá dễ dàng.Nhân giống cây bơ bằng phương pháp cấy mô đã thành công nhiều ở Israel.

Xén Tạo Hình:

Chỉ bắt đầu tạo hình khi cây cao được 1m.Xén ngọn, tất cả cành từ mặt đất đến bề cao 70cm. Các vết xén đều phải bôi thuốc trừ nấm bệnh.Nếu cây mọc mạnh và nghi ngại là giống không tốt thì có thể xén hẳn gần gốc.Bôi thuốc trị vết xén.Nhiều chồi non mới sẽ đâm ra và sau đó sẽ tháp gỗ giống tốt như đã nói ở trên.Cũng có thể xén phần ngọn và các cành chính cuả cây giống xấu hay đã lâu mà không thấy ra trái.Các cành cụt còn lại sẽ đâm tượt, đâm chồi và sẽ được tháp cành giống tốt như đã nói ở trên.Chỉ cần cột chống đỡ hai ba mầm tháp là đủ.Bình thường người ta để lại 2-3 cành không xén để che tượt tháp móc và chống đỡ cây trong vòng một năm sau đó mới xén hết.

Chăm Sóc Cây Bơ:

Sau khi thu hoạch mùa đầu thì phải xén tỉa chăm sóc cây.Không nên để cây mọc cao quá 8m và lan rộng quá đường kính 4-5m bề ngang.Tuy cây tháp ra hoa, ra trái vào năm thứ ba, nhưng người ta khuyên nên ngắt bớt hay ngắt hoàn toàn hoa cho đến năm thứ năm.

Muốn cây bơ mọc nhanh và mọc tốt thì phải bón phân.Bón 100-150g phân hổn hợp loại chứa 6-10% N, 6-10% P2O5, 6-10% K2O và 4-6% Mg cho mỗi cây hai ba tháng một lần khi cây còn nhỏ.Sau đó tăng dần đến 400-500g.Cây đã ra trái thì phải giảm nồng độ P2O5 xuống còn 2-4%.Đất có pH cao thì phải bón phân vi lượng chelat sắt hay có khi cả kẽm lẫn mangan nữa.

Dấu hiệu thiếu kẽm trên cây bơ cũng hay xẩy ra như là thiếu kẽm trên cây cam quýt.Lá thiếu kẽm thì nhỏ đi, vàng sọc gân xanh, trái tròn hẳn lại.Xịt dung dịch chứa 0.5 đến 5kg sulfat kẽm trong 100 lít nước hay 0.2% Oxyt kẽm lúc lá non đã trổ hẳn ở ngọn thì rất hữu hiệu.Rất có thể kẽm được hấp thu qua khí khổng ở lá cây bơ như trên lá cam quýt và như vậy phải xịt mặt dưới lá.

Sâu Bệnh:

Các bệnh sau đây quan trọng trên cây bơ:

-Cercospora purpurea gây ra các đốm tím trên lá và trên trái.Trị bằng phun thuốc chứa dung dịch căn bản đồng.

-Sphaceloma perseae là bệnh ghẻ sùi ở lá và ở trái.Giống Lulu là giống dễ nhiễm bệnh này.Trị cũng bằng cách phun ngừa thuốc có căn bản đồng.Lần đầu tiên phun vào lúc cây mới trổ nụ hoa.Sau đó, phun them 3-5 lần nữa, lần cuối 3 tuần trước khi trái chin.

-Collettotrichum gleosporioides gây ra đốm lá hay nứt nẻ, thối trái.Cành bị bệnh thì chết dần từ ngọn.

-Phytophthora cinnamoni gây ra bệnh thối gốc rễ.Cây dễ nhiễm bệnh khi đất ngập nước hay quá ẩ ướt.Cây bị bệnh thì trở mầu xanh lợt và héo.Cành chết mòn dần, chưa có cách trị.

-Virus “cháy nắng” làm lá, cành có sọc trắng hay vàng, cần lưu ý khi du nhập cành tháp.

-Sâu bọ ít trầm trọng trên cây bơ.Nhưng một đôi khi có thể bị sâu đục cành, rệp dính, nhện đỏ, bù lạch phá hại.Muỗi Helopeltis có thể quan trọng ở vườn ương, chích các chồi non.Tầm gửi Loranthus có thể hút nhựa làm khô cành.

Thu Hoach:

Năng xuất vườn bơ rất biến thiên.Một cây trưởng thành 10-12 tuổi có thể cho đến 300-500 trái.Một vườn sản xuất tốt cho chừng 6-12 tấn trái một năm mỗi hecta.

Việc bảo quản trái bơ tương đối dễ dàng, nhưng muốn có mùi vị thơm ngon, phải hái trái gần chín hoàn toàn.Cơm lúc này tuy đã bắt đầu mềm, nhưng vẫn còn cứng chắc.Hái trái cẩn thận đừng làm trái bị sờn, vết, nên hái có cả cuống.

Trên thế giới mức sản xuất ước lượng trên 1,500,000 tấn trái bơ hàng năm.So sánh với nhiều trái cây khác thì trái bơ có giá trị dinh dưỡng cao.

Trái bơ chứa 3-30% dầu và dầu này có thành phần tương tự như dầu olive.Trái bơ còn chứa nhiều sinh tố A, khá nhiều sinh tố B và C, năng lượng cao nhưng lại không có đường, cho nên thích hợp cho người bị bệnh tiểu đường ăn.Dầu trái bơ ép ra từ trái xấu không xuất khẩu được dùng để làm kem thoa mặt cho mịn da.Hột có thể xay làm thực phẩm nuôi gà con.

Các vùng cao, đất ráo nước, không bi gió to, gió Lào thổi và có nước tứơi tiêu, nên thử giống bơ cho từng tiểu khí hậu để bổ xung thực phẩm dinh dưỡng.Theo kiểu các món ăn hàng ngày bình dân của dân Mexico.Ngoài việc xắt lát cục nhỏ trộn vào các món ăn, đặc biệt với tôm xắt nhỏ hay thịt cá rô phi, cuốn với bánh tráng bột bắp.

Người Âu Mỹ ưa ăn trái bơ tươi làm xà lách trộn dầu giấm, hay ăn khai vị.Nấu trái bơ sẽ mất hết mùi vị, nhưng nhiều sản phẩm trái bơ đông lạnh cũng đã được tiêu dùng.Trái bơ có giá trị xuất khẩu cao, nhưng đòi hỏi tổ chức khá tinh vi, như Israel đã làm ở thị trường Âu Châu.

G.S. Tôn Thất Trình

Irvine, CA

Từ khóa » Cây Xứ ôn đới