Cây Bàng Lá đỏ - Nguyễn Tường Thiết
Có thể bạn quan tâm
Cây bàng lá đỏ
Buông từ trên tít cao rơi lửng ở ngang chừng, những dây rễ con đan kết vào nhau bện thành từng chùm thả xuống như tấm rèm thưa vây che thân cây si già sần sùi, cổ kính: Hà Nội trong mắt tôi cũng đan kết dính quyện với nhau như thế. Trong cái nhìn của tôi không thể nào tròn vẹn là một Hà Nội những năm đầu của thiên kỷ mới mà luôn có lẫn cái nhìn cũ kỹ của chính tôi thời thơ ấu, có vương cái hồn những người cật ruột của tôi phơi bầy qua những dòng văn lãng mạn nổi tiếng một thời. Đêm Hà Nội có lễ hội. Tết Trung Thu năm nay lại rơi đúng vào tối thứ Bẩy. Tôi bước xuống từ lầu nhà Thủy Tạ thấy mình rơi vào dòng người tấp nập ngược xuôi xung quanh Bờ Hồ. Phố Lê Thái Tổ ôm sát nửa vòng hồ chứa cả một khối lượng không biết cơ man nào xe máy, tưởng như tất cả các chiếc xe của thành phố bỗng từ trăm ngả cùng lúc tuôn ra đi "thưởng trăng" nơi hồ Hoàn Kiếm. Trên những chiếc xe máy là cả một đàn thê tử: chồng thì gò lưng lách lạng, vợ ngồi sau ôm cứng bầy con; có xe ôi chao kẹp những ba đứa, những đứa bé nghếch mặt tay giơ cao chiếc que đèn lồng hay kéo sợi giây căng có buộc chùm bong bóng đủ màu. Đêm này, năm mươi năm trước, đứa bé đó là tôi tay xách đèn lồng đi tung tăng trong khu phố cổ, ngụp lặn trong thế giới của đồ chơi tháng Tám những phố Mã Mây, Hàng Bông, Hàng Hòm, Hàng Quạt, Hàng Bồ... Thằng bé đi qua phố Hàng Thiếc ngây người đứng xem những cái tàu thủy bằng thiếc chạy xịch xịch trong thau nước, con bướm sắt đẩy đi trên hè kêu leng keng chiếc cánh gập lên hạ xuống, tạt vào Hàng Mã nhìn những con giống bằng bột hình con thạch sùng, con kỳ lân, con phượng... màu sắc lòe loẹt, sặc sỡ. Nó hoa mắt nhìn những cỗ đèn Trung Thu đủ màu đủ kiểu ở phố Hàng Gai: đèn xếp, đèn quả trám, đèn con thỏ, đèn kéo quân, đèn ông sao... trong khi đâu đó từ hướng Hàng Trống đưa lại tiếng trống ầm ầm, xùng xoèng múa sư tử. Dưới ánh đèn xe chớp loạn, lẫn với tiếng người kêu gọi ồn ào là tiếng xe máy gầm rú, tiếng ô-tô bóp còi tin tin liên hồi. Qua mặt Hồ Gươm lặng chìm bóng tối mà khoảng sáng độc nhất sững lên ở cuối hồ là cái tháp rùa được thắp sáng màu trắng phớt xanh, hàng hàng ánh đèn xe chớp lóe làm thành những vệt sáng dài ngoằng ngắt hiện loáng thoáng qua hàng trăm thân cây sấu quanh hồ. Tôi thả người theo dòng xô đẩy về phía Tràng Thi. Đi cùng dòng với tôi là một đám chục người ngoại quốc chắc cũng vừa rời nhà Thủy Tạ, những anh chị ba-lô tây đầm cao to, họ bước đi nhìn thẳng làm ngơ trước những bàn tay chìa ra của đám con nít bán postcards bu quanh. Trên vỉa hè rộng lát gạch đỏ dòng người đi bộ đập vướng tránh né các hàng quà bánh bầy la liệt; thoảng trong gió đưa từ mạn hồ có mùi mực nướng thơm nồng, tiếng rao hàng mời mọc, những khoảng sáng của gian hàng quảng cáo chụp ảnh lấy liền với ánh điện quang giả pháo bông chớp lóe. Dưới chân ánh sáng cột đèn là từng đám ngồi chồm hỗm châu quanh bàn cờ tướng. Mấy anh công an trẻ măng mặc áo xanh ve đang xua đi mấy chị hàng rong. Phía sát ven hồ, dưới tàng cây liễu rủ, kín mít phủ lên bãi cỏ san sát những manh chiếu, những mảnh vải rộng, là đùm đề gia đình hóng mát. Tất cả vào đêm Trung Thu, cả cái khối người đông như bể kiến ấy, tôi tưởng như không có một ai buồn ngước mặt nhìn trăng; vả lại nếu có ngước nhìn cũng khó thấy, trên đầu những cây sấu, cây lim, cây si, cây điệp, cây liễu, cây bàng vấn vít giao nhau cành lá. Giọng ca Hồng Nhung đâu đây từ một cassette theo gió hồ đưa lời nhạc Trịnh Công Sơn: Hà Nội mùa Thu cây cơm nguội vàng... Cây bàng lá đỏ... Nằm kề bên nhau... Phố xưa nhà cổ... Mái ngói thâm nâu... Tôi đứng dừng lại trước đầu đường Hàng Trống. Phía bên kia đường là một dẫy nhà hàng, khách sạn; tôi giương mắt nhìn không thấy đâu dấu tích rạp chớp bóng Lửa Hồng nơi tôi đã xem những phim Tarzan thời thơ ấu. Ngay cái góc xéo đường Hàng Trống đâm ra bờ hồ là một tòa lầu kiến trúc cổ quét vôi vàng, trụ sở mang tên Trung tâm Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin. Một lần ngồi uống cà-phê nơi cái quán cóc Highland’s Coffee giữa tàng cây sấu bên bờ hồ, ông bố vợ tôi, người mà từ hơn tám mươi năm nay không hề rời khỏi làng Hoàng Mai Hà Nội, chỉ vào cái trụ sở ấy nói: Con biết không xưa kia nó là trụ sở hội Khai trí Tiến đức đấy! Một lát sau, trên khoảng đất ven hồ người đứng đông quá, hai thiếu nữ thấy khó lòng tiến lên được. Giữa lúc ấy có tiếng reo ầm ỹ từ phía Hội quán "Khai trí Tiến đức" đưa lại. Rồi phố Hàng Trống rẽ sang một cái ô-tô kết bông trắng thành hình cái thuyền trên có tám cô thủy binh... Trong làn không khí mờ bụi, ồn ào đầy tiếng cười và tiếng vỗ tay, những hoa giấy, những vòng giấy ngũ sắc ném tung lên dầu, lên người bọn lính thủy xinh xắn và như cố lôi giựt các cô xuống đất. Những chiếc ô-tô với hàm răng trắng lướt qua, những sợi dây hồng, dây tím rơi đầy đường: ( Xe trường nào thế? ( Trường taxi girls! Đáp lại câu trả lời ngộ nghĩnh, tiếng cười phá lên vang động (Thoát ly ( Khái Hưng). Tôi bỗng lặng đi. Những ký ức đóng băng từ một thời quá vãng chợt như rã ra hòa với thực tại và cái cảnh trí tôi hiện thấy trước mắt bỗng lướt qua êm như một ảo giác, mơ màng như không có thực. Tôi vừa rời đi từ một thành phố miền Tây Bắc nước Mỹ nơi tôi đã sống gần nửa đời mình, nơi cả rừng xe trên xa lộ chạy êm êm không một tiếng bóp còi. Dường như cái ồn ào hoảng loạn mà tôi không quen làm tôi nôn nao. Hình như hai chai bia Hà Nội làm tôi ngầy ngật. Tôi quay nhìn phía Hồ Gươm nơi tháp rùa sáng lên lung linh qua tàng cây liễu. Rồi tôi bỗng có cảm giác như mình đang đứng ở điểm giữa của một cái đèn kéo quân khổng lồ, những vệt đèn làm đường viền sáng quanh hồ như chênh lên và chiếc đèn kéo quân rập rình như muốn quay đi...
*
Chiếc xe buýt của hãng du lịch Café Sinh cuối cùng rồi cũng rời khách sạn Prince đường Lương Ngọc Quyến chạy kềnh càng qua những con đường rất hẹp của khu phố cổ. Mã Mây. Hàng Bạc. Hàng Bè. Cầu Gỗ. Từ trên tầm cao của xe những căn nhà cũ như thấp hẳn xuống. Hai bên con phố trên vỉa hè hẹp cây bàng, cây dâu da xoan đâm chìa cành lá lát sát chạm vào thành xe. Đến cuối phố Cầu Gỗ chiếc buýt làm một vòng qua bồn phun nước, nơi năm con phố cổ chụm đầu đâm vào Hồ Gươm. Phía bên kia đường Đinh Tiên Hoàng trông sang Đền Ngọc Sơn, thoáng qua hàng cây bờ hồ, một tòa nhà nhô cái tháp cao phô hàng chữ Múa rối nước Thăng Long. Chiếc xe đi vào lườn của Hồ Gươm, khung cảnh khu hồ quang đãng êm dịu của một buổi sáng vào thu, khác hẳn khung cảnh đêm Trung Thu hôm trước Bọn tôi năm người. Ba anh chị tôi và tôi được gọi là “Việt kiều”. Còn hai người kia là dân tại chỗ, một cô em họ và một người bạn của anh tôi. Ngay từ đầu chuyến du ngoạn mà hầu hết là ngoại kiều đã gặp chuyện lộn xộn phải khởi hành rất muộn. Chẳng phải do lỗi chúng tôi mà xe đi trễ. Chung quy chỉ vì chú tài xế, anh hướng dẫn và cô thâu ngân của hãng xe ham tiền. Nhưng những người ngoại quốc trên xe lại không biết thế: khi năm chúng tôi bước lên xe tôi đọc ở ánh mắt họ cái nhìn tức tối và ác cảm. Thời gian ở Hà Nội của anh em chúng tôi eo hẹp nên hôm trước chúng tôi có hỏi dò mấy hãng du lịch xem có tour nào đi chơi xa mà lại có thể đi về nội trong ngày. Trên tấm phích quảng cáo chuyến đi Ninh Bình Tam Cốc xem ra hấp dẫn vì thắng cảnh được tả một cách mỹ miều là một “Vịnh Hạ Long trên cánh đồng lúa”. Giá cho mỗi người là 17 đôn. Nếu thêm 5 đôn nữa thì lại được đi thăm Phát Diệm. Chị tôi và tôi quyết bắt cái tua Ninh Bình “ Phát Diệm chỉ vì muốn nhìn lại cái nhà thờ Phát Diệm mà hơn năm mươi năm trước chúng tôi tản cư về sống ở ngay bên cạnh. Khi lấy vé thì được biết cái tua ấy bị hủy. Chú bán vé giải thích: “Chúng cháu mở cái dịch vụ này chủ yếu là nhắm vào người nước ngoài, thế mà cái tỉnh Phát Diệm thì chỉ có độc một cái nhà thờ là đáng xem, nhà thờ thì ở bên Tây thiếu giống gì!”. Sau cùng thấy chị tôi cứ muốn đi Phát Diệm bằng được, chú ta chỉ sang phía bên kia đường: “Cô thử sang hỏi hãng bên kia. Họ đi nhiều chuyến, có thể có tua đi Phát Diệm”. Sau khi mua được vé, anh tôi dặn dò: “Ngày mai đón chúng tôi ở khách sạn Prince, nếu xe không đi Phát Diệm thì chúng tôi sẽ không đi đâu và lấy lại tiền vé” n “Chú cứ yên trí đi. Chúng em làm ăn đứng đắn!”. Hôm sau lúc chiếc buýt màu trắng đỗ trước khách sạn thì trên xe đã đầy người. Chúng tôi hẳn phải là khách rước sau cùng. Toàn khuôn mặt tây đầm nhô lên trong khung kính. Trước khi lên xe, chị tôi cẩn thận hỏi lại là xe có đi Phát Diệm không. Chú tài xế nói không. Anh tôi lúc đó đã bước hẳn trên xe vội quầy quả bước xuống, ngăn chúng tôi lên xe và đòi trả lại tiền. Anh hướng dẫn tour chạy vội lại, nhăn nhó: “Cô chú cảm phiền. Tối qua họ điện cho biết đường vào Phát Diệm bị mưa ngập lụt xe không đi được. Mời cô chú cứ lên xe đi Ninh Bình. Cháu sẽ hoàn lại tiền sai biệt cho cô chú.” “Hôm qua tôi đã nói là nếu xe không đi Phát Diệm thì chúng tôi không đi. Anh trả lại tiền cho chúng tôi và không nói lôi thôi gì nữa!”. Lằng nhằng một hồi thì sau cùng cô thu ngân cũng phải mở cặp đếm đủ 110 đôn trả cho anh tôi. Mặt cô ta ngẩn ngơ như thể chính cô ta vừa mất số tiền to tát ấy. Trở lại khách sạn chúng tôi lên gác vào buồng bàn tính với nhau về chương trình thay thế chuyến du ngoạn hụt. Khoảng gần nửa giờ sau, khi tôi đinh ninh là chiếc buýt ấy đã rời khỏi Hà Nội từ lâu, thì (hỡi trời!) chiếc xe ấy với tất cả đám khách trên xe vẫn chưa nhúc nhích, vẫn còn đỗ ngay trước khách sạn! Có tiếng gõ cửa phòng và cái đầu của cô thâu ngân thò vào. Cô ta cười cười: “Mời cô chú lên xe! Chúng cháu đã thương lượng xong với khách trên xe và xe sẽ đi thêm Phát Diệm như là cô chú muốn. Chúng cháu phải đi lỗ vì không bắt họ trả thêm tiền” “Nhưng chúng tôi lại đổi ý không đi nữa rồi...” Anh tôi nói. “Vả lại đường đi Phát Diệm ngập lụt thế kia...” Cô thu ngân chắc vì không nghe câu nói láo của anh “tua gai” đương ngẩn mặt ra thì anh tôi nói tiếp: “Thôi, chúng tôi đồng ý đi. Nhưng cô đừng có lấy tiền đi Phát Diệm nhé! Chả lẽ cô cho họ đi miễn phí mà cô lại lấy tiền của chúng tôi...”. Xe bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi được xếp ngồi băng sau cùng. Thấy không khí trên xe căng thẳng tôi ngoắc anh hướng dẫn, lúc đó đang vịn thành cửa kính và là người duy nhất còn đứng trên xe: “Này chú, chuyện gì xẩy ra vậy? Xem ra chuyến đi chơi này tốn tiền mà không thấy ai vui vẻ hết, chuyện gì vậy?” “Thật cháu không hiểu được mấy con mẹ tây này! Ai đời cho đi chơi Phát Diệm không lấy tiền mà còn xưng xỉa. Lại còn một cặp giận dỗi không đi đòi lại tiền nữa chứ. May mà còn có cô chú đi nếu không chuyến này lỗ chổng gọng! Lại còn cái con bé này...”. Anh ta hất hàm về phía cô tây ba-lô ngồi trước tôi hai hàng ghế: “Bực mình đéo chịu được! Cháu chỉ muốn táng cho một cái! Mình có bắt nó đi đâu, xuống xe thì không chịu xuống, trả lại tiền thì không lấy, mặt cứ chầm hầm, cứ nói bua xùa cả lên là có cái hẹn tối nay ở Hà Nội nếu đi thêm Phát Diệm thì sợ về không kịp. Cháu đã bảo đảm về kịp mà...”. Tôi ngắt lời anh ta: “Này chú, tôi ở nước ngoài lâu năm tôi hiểu họ. Họ bực mình là phải. Lỗi ở các chú cả. Thứ nhất bắt họ ngồi chờ trong xe nửa tiếng đã là chuyện đáng tức. Hai nữa họ đi du lịch qua đây thời giờ rất giới hạn, làm cái gì cũng phải tính trước chương trình giờ giấc, các chú làm trật đường rầy của họ hết trơn, tức là phải!". Anh ta lặng yên không nói gì, ngoảnh mặt nhìn ra phố. Tôi nhìn theo và như một thói quen, tôi dướn người hướng về căn nhà xưa của mình khi chiếc xe lướt qua phố Hàng Bè. Lần đầu tiên nhìn lại dẫy phố đó, căn nhà đó, sao chúng nhỏ nhắn quá ngoài trí tưởng của tôi. Có thể là dưới tầm mắt của một cậu bé con thì thế giới cái gì chẳng là vĩ đại. Có thể là hơn phần tư thế kỷ sống ở nước ngoài cái tầm vóc lớn đã ăn sâu vào cảm quan tôi. Thăm lại một thành phố cũ "trở về mái nhà xưa" nơi tôi đã rời xa khi tôi mới tròn mười tuổi và chỉ trở về khi trên đầu mình đã hai mầu tóc, Hà Nội hiện về trong ngày đầu với một kích thước được rút bé đi rất nhiều: người, nhà, phố, hồ và dường như cả cái bầu trời Hà Nội nom cũng be bé xinh xinh. Nhưng chính cái huyễn hoặc về một không gian thu hẹp lại ấy cộng thêm cái háo hức đầy tính trẻ thơ muốn "đi tìm thời gian đã mất" của mình đã giúp tôi trong buổi sáng đầu tiên ấy thả bộ đi miệt mài cùng khắp Hà Nội mà không biết đến thế nào là mỏi mệt. Và tôi ngạc nhiên là cái Hồ Gươm trong trí tưởng của tôi năm mươi năm trước nó rộng mênh mang ấy tôi đã rảo bước đi trọn một vòng trong có đúng mười bẩy phút! Rõ ràng là số 15 đây rồi nhưng cái tiệm uốn tóc Thu Hương mang con số đó hoàn toàn không một chút gợi nhớ cái cửa hàng bán cau khô của mẹ tôi. Chỉ khi tôi ngước nhìn lên cao những cửa sổ chấn song sắt han rỉ ở căn gác và cái mảng tường quét vôi loang lổ hoang tàn vẫn còn nguyên xưa tôi mới thực tin rằng tôi đã tìm được căn nhà cũ của mình. Come back to Sorrento! Tiếng hát của anh Triệu tôi, theo điệu nhạc của bài Home, Sweet Home vang lên ở Sài Gòn, ở Đà Lạt: "Nhà tôi bên Hàng Bè âm u... Chiều chiều gió lay... Và đông người qua...". Cất cao giọng, anh tôi hát điệp khúc sau: "Rồi từ đó bước chân vô Nam... Lòng nhớ thương... Mười lăm Hàng Bè..." Cái vỉa hè ở trước nhà, tôi không tin được con mắt mình, nó hẹp một cách lạ thường, rộng chỉ vừa đúng một chiếc xe máy đặt ngang, thế nhưng đó là cả một thế giới của chúng tôi thời thơ ấu: chơi bi, đá cầu, đánh khăng, nhẩy giây, lò cò, ô quan... Thằng bé thơ thẩn chơi bi một mình ở đó. Lần đầu tiên thằng bé ý thức một cách mơ hồ nó có một người cha khác thường khi ông thợ húi tóc ở vỉa hè cạnh đó ngừng tay hất mặt về phía nó, bảo khách: "Con ông Tam đấy!" Phía bên kia con phố hẹp mà cây dâu da xoan trồng hai bên hè giao nhau những chùm hoa ngà trắng, căn nhà trước đây hai tầng bây giờ thành ba mang số 16 xưa kia là của thầy Bùi Hữu Đột, nay biến thành Sinh Café-Open Tour. Nhìn lên cái cửa sổ ở lầu hai tôi mỉm cười nhớ lại cái tinh nghịch của mình. Mỗi lần thầy dậy học đứng trước bảng đen ở căn lầu ấy mặt hướng ra phố thì thằng bé ở căn gác bên này dùng gương hứng ánh nắng hè chiếu tia phản xạ đúng vào mắt thầy! Thằng bé 9 tuổi ấy cũng đủ quỷ quái để mỗi lần thầy bị lóa mắt thì vội vàng ngồi thụp xuống ngay. Nó học cái trò "ném đá giấu tay" nhanh như cắt! (Sau này vào Nam thầy Đột có mở "cua"luyện thi trung học phổ phông môn lý hóa ở đường Công Lý và tôi là học trò của thầy. Một hôm sau khi thầy giảng bài toán quang học về "sự phản chiếu ánh sáng ở gương phẳng" tôi thú tội với thầy tôi là thằng bé đã nghịch chiếu vào mắt thầy khi còn ở Hà Nội. Tôi nhớ thầy có thốt lên "à ra đó là mày!" và thầy còn "khen" tôi là có khiếu về khoa học, biết áp dụng nguyên tắc vật lý từ lúc còn rất bé). Hai bên vệ đường loáng thoáng rải rác những căn nhà bé thấp mái ngói xưa cũ, những cây bàng cành lá tiều tụy, những chiếc lá xơ xác bám phủ bụi đường mất đi cái màu lá xanh bóng bẩy của những cây bàng trong thành phố, những hàng quán vắng trần trụi trên xe nhìn thống qua nhà những chiếc bàn ghế gỗ xiêu vẹo, trước quán những bảng chữ quen thuộc tôi thấy cùng khắp miền ngoại ô Hà Nội. Thịt chó. Cơm phở. Bia hơi. Chiếc buýt xuôi nam theo quốc lộ một, vượt qua một cái mốc thấp màu trắng ven đường. Phủ Lý 62 cây số. Sau những căn nhà thấp, những hàng tre bờ ao đã thấy xuất hiện và ở xa nữa cánh đồng lúa đã bắt đầu mở ra. Trên xe đám người yên lặng. Sau đêm Trung Thu thức khuya mấy người trong bọn tôi gật gưỡng. Tôi nhìn quanh xe. Nhìn thoáng thì trên xe chỉ có hai nhóm, nhóm người Việt thưa hơn nhóm ngoại kiều. Nhưng qua cách ăn mặc tôi thấy ngay nhóm người mình cũng xếp thành hai: "Việt kiều" gồm chúng tôi và một cặp rất trẻ. Nhóm kia là khách du lịch trong nước; đặc biệt trong số có hai bà đứng tuổi không thể lẫn được là dân địa phương: hai bà đi chơi mà cứ như đi dự dạ hội, mặc áo dài gấm, thứ áo mà xưa kia tôi chỉ thấy mẹ tôi mặc trong những dịp lễ tết. Đến Ninh Bình tôi lại khám phá ra là còn có thêm một tốp thư tư nữa, chỉ có hai người thôi, nhưng đó là chuyện sau. Cô thâu ngân vừa rời hàng ghế đầu tay lần vịn thành ghế đi về phía chúng tôi. Cô ngồi xuống một trong hai ghế trống ở băng trước (ghế trống chắc thuộc về một cặp đã giận dỗi bỏ không đi từ đầu), hướng về anh tôi ý muốn thâu tiền. Anh tôi móc nguyên bó tiền cô giao ban sáng, lấy lại 25 đôn, rồi đưa cô ta số còn lại: "Còn tiền này tôi sẽ đưa cô sau khi đến Phát Diệm. Sau chuyện sáng nay bây giờ thì tôi không còn biết tin ai!". Mặt phụng phịu, cô thu ngân nài nỉ: "Thôi mà, cô chú bồi duỡng chúng em tí chút, chúng em xin cám ơn!". Anh tôi cười (chắc vì cái từ lạ tai cô ta dùng), giao nốt số tiền cho cô ta: "Tôi bồi dưỡng cô chứ có ai bồi dưỡng cho tôi đây!". Cô gái về ghế, tôi nói với anh tôi: "Này anh Việt, bọn này nghi lắm! Hãng xe thì không biết là xe này đi Phát Diệm rồi. Ba cô chú này chắc cấu kết với nhau để chia chác ăn lẻ số tiền đi Phát Diệm của tụi mình. Hai mươi lăm đôn cũng ngon lắm! Có thế tụi nó mới bắt xe chờ nửa tiếng để thương lượng và nài tụi mình đi bằng được." Ở băng trên có người nói to tiếng. Rồi cô tây ba-lô đứng dậy. Bằng một giọng Anh ngữ lạ tai mà tôi ngợ là từ Úc châu, cô ta nói to với anh hướng dẫn tour than phiền về cái máy lạnh trên xe, hơi lạnh cứ nhè vào gáy cô ta mà thổi làm cô ta rét run. Bấy giờ tôi mới để ý là cái máy điều hoà không khí trên xe đã làm việc sốt sắng quá độ mà cô ta thì lại mặc đồ short, lạnh là phải. Anh hướng dẫn loay hoay đứng điều chỉnh cái núm ở trên cao để hướng luồng gió lạnh về phía khác, nhưng sau mười phút vật lộn với cái núm, anh ta bỏ cuộc. Hơi lạnh tiếp tục phì phà vào gáy cô gái Úc làm mấy sợi tóc tơ của cô bay tạt đi. Anh hướng dẫn chỉ vào cái ghế trống trước mặt tôi, đề nghị cô ta đổi chỗ ngồi. Nhưng cô gái Úc nhất định không chịu rời ghế, cứ ngồi đó mà chịu rét và tiếp tục cằn nhằn to tiếng với anh hướng dẫn, lôi cả câu chuyện ban sáng ra nói. Tôi nghe anh "tua gai" đáp lại bằng cách văng tục cũng to tiếng không kém nhưng cố nhiên bằng tiếng Việt Nam: "Đ... mẹ mày! Hôm nay đúng là ngày ông ra ngõ gặp gái..." Cô gái rất trẻ. Chắc khoảng hai mươi. Hàng ghế cô ta ngồi có ba người, hai người kia là một cặp vợ chồng già. Tôi đoán cô ta đi du lịch một mình. Nhìn nghiêng tôi thấy má cô ta có nhiều tàn nhang, khuôn mặt gẫy, mái tóc vàng sợi tóc rất nhỏ như tơ, phía sau gáy tóc buộc túm bằng sợi cao su. Chặp sau cô ta ngồi yên, tiếp tục đọc một cuốn sách dầy, bìa cứng, như một cuốn tiểu thuyết. Nhưng cô ta dường như không đủ kiên nhẫn để đọc lâu, chốc lát lại ngửng lên, ngó lung ra ngoài xe, nhìn đồng hồ tay, tiếp tục đọc thêm được chừng trang sách, rồi lại ngửng lên nhìn đồng hồ tay. Cứ thế! Xe qua Phủ Lý. Trung tâm thị xã những biệt thự khang trang là những công sở mới xây cất mái ngói còn nguyên màu đỏ tươi. Xe lướt qua Kho bạc Nhà nước, tòa nhà đồ sộ tôi thấy hiện diện ở tất cả các trung tâm những thị xã tôi đã đi qua từ nam ra bắc. Tôi nhớ câu nói tiếu của một người họ hàng: "Ở cái xứ sở này cái gì cũng thuộc về nhân dân hết, duy chỉ có kho bạc thì nhất trí phải là của nhà nước!". Phía xa sau những căn nhà của thị xã là một dải xanh của rặng núi vôi Ninh Bình, những khối màu lam lớp thẫm lớp nhạt đè chồng lên nhau vắt ngang chân trời. Cái màu xanh lam ấy đã ăn sâu vào ký ức tôi. Hơn năm mươi năm trước chúng tôi đã chạy loạn qua miền núi Ninh Bình để đến tạm cư ở Phát Diệm. Chiếc thuyền xuôi nam theo giòng sông Đáy đi giữa những rặng núi vôi ấy. Chúng tôi năm anh chị em, hướng dẫn bởi người chị cả lúc đó mới hai mươi tuổi đầu. Bố chúng tôi bôn ba sang Tàu, mẹ chúng tôi và người anh cả bị Việt Minh vây bắt ở phủ Thường Tín. Trong khung cảnh tan hoang ấy thằng bé 7 tuổi nhởn nhơ thò tay nghịch nước ở mạn thuyền và nhìn những rặng núi lam hùng vĩ và đẹp như cảnh thần tiên. Thuyền mơ trên giòng sông vắng... Buồn in bóng... trên ngàn dâu xanh... Núi lam khuất sau ngàn cây... Như bức tranh chiều lắng tơ xây mộng vàng... (Thuyền mơ - Dương Thiệu Tước) . Gần trưa, chiếc buýt đáp vào một bãi đậu xe rộng bên cạnh một bến nước với rất nhiều quán lá mở ra trước mắt một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa mộng mơ trong lòng rặng núi đá Ninh Bình. Mọi người trên xe vội vã quẳng đồ tùy thân trên những cái bàn dài trong quán, xếp hàng đứng đợi trước hai cái W.C. Lúc tôi trở lại quán thì một đám người bu quanh bàn. Giọng của cô gái Úc cất cao, đầy tức tối. Cô giơ tay phân bua là cô mới để cái ba-lô và chai nước suối ở trên bàn, cô vào W.C. lúc ra cái chai nước đã biến mất! Xem ra đám người bu quanh chắc chỉ biết là cô ta tức tối mà không biết cô ta tức tối cái gì. Thấy cô thâu ngân chạy lại, cô gái Úc trút hết căm phẫn vào cô ta, xổ ra một tràng. Trong khi đó ở ngay bàn bên cạnh, một bà trong số khách du lịch trên xe, bà mặc áo dài gấm, thản nhiên ngồi uống một chai nước lọc. Cô thâu ngân, với giọng nhỏ nhẹ lễ phép, hỏi bà là chai nước bà uống có phải là của bà ấy mang theo không. Bà ta trả lời là không, bà tưởng là chai nước để trên bàn ăn thuộc về nhà hàng nên cứ tự tiện lấy uống. Sau khi được biết là chai nước của cô gái Úc, bà còn nói là từ nẫy giờ đứng cạnh nghe cô đầm la lối mà cứ thắc mắc hoài không hiểu chuyện gì. Cô thâu ngân sai anh hướng dẫn vào quán mua một chai nước lọc mới nguyên hoàn lại cho cô gái Úc và chuyển lại lời xin lỗi của bà uống nhầm chai nước. Cô Úc mặt vẫn hầm hầm, không nhận chai nước, nói chai nước này phẩm chất không bằng chai nước của cô mua ở Hà Nội, hiệu La Viande, nhập cảng; còn chai nước anh hướng dẫn đưa là nhãn hiệu La Vie, sản phẩm nội địa. Anh "tua gai" nhìn tôi lắc đầu, lại văng ra một câu chửi tục, lần này còn "dữ dội" hơn là câu anh đã văng ra ở trên xe. Năm chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Ngồi cạnh tôi là một cặp mà trên xe tôi không để ý đến. Một cặp vợ chồng già, có lẽ nhiều tuổi nhất trong số khách trên xe. Người vợ nói chuyện với chồng bằng tiếng Pháp giọng nhỏ nhẹ và nói rất nhanh, nghe líu ríu như giọng trẻ con. Người đàn ông gương mặt Á châu, nom như người Nhật Bản. Bà kia chắc phải là người Pháp. Người chồng cầm đũa rất thạo, ông gắp luôn tay cho vợ. Tôi nhìn rõ cái đũa run rẩy trong bàn tay già nua. Người vợ vừa ăn vừa cười lúc cúc trong miệng, thỉnh thoảng lại rúc vào vai ông già nói khẽ vài lời nhỏ nhẹ nghe như tiếng chim sẻ kêu. Sự thân mật đầm ấm của cặp vợ chồng già trông cảm động. Nó nhô hẳn lên cái sự tương phản với nhiều cặp rất trẻ trong chuyến du lịch này. Cuối bữa ăn, ông quay mặt về người dọn bàn nói vài câu, lúc đó tôi mới biết ông ta người Việt. Bằng một giọng nói rất chậm của một người đã lâu lắm không có dịp dùng tiếng mẹ đẻ và với một giọng Hà Nội của một thời rất xưa cũ, ông yêu cầu một món ăn tráng miệng cho người vợ đầm của ông. Tôi bắt chuyện với ông ta và được biết ông sống ở Marseille bên Pháp đã trên 60 năm và đây là chuyến hồi hương đầu tiên của ông. Tôi cảm thấy như vừa có một người bạn đồng hành cùng đi trong chuyến hành hương tìm về quá khứ của mình. Ăn trưa xong tất cả ra bến xuống thuyền đi theo một nhánh nhỏ của sông Hoàng Long thăm ba cái động được gọi là Tam Cốc. Những chiếc thuyền nan nhỏ như chiếc lá liễu chỉ chở được một cặp. Thường thì cặp là vợ chồng hoặc bồ bịch. Chỉ những người đi riêng lẻ mới được xếp chung với nhau. Điều rắc rối và khó hiểu là những người tổ chức sắp xếp cứ nhất định bắt ly gián cặp vợ chồng già. Bà đầm Pháp gần như bị lôi xuống thuyền ngồi chung với cô gái Úc, trong khi ông già Việt lại bị cặp với một người trong bọn tôi. Tội nghiệp bà già, bà sợ hãi run rẩy cưỡng không chịu xuống thuyền. Còn ông chồng thì cực lực phản đối, nói là nếu không xếp ngồi cùng thuyền thì vợ chồng ông sẽ không đi. Sau cùng một người đứng tuổi chạy tới nói: "Người ta vợ chồng xếp cho người ta ngồi chung thuyền đi". Ông già lẩy bẩy ôm lấy vợ, tôi nghe ông nói nhỏ bằng tiếng Pháp với bà, thứ tiếng mà tôi còn hiểu được nghĩa những câu thông thường: "Em đừng sợ. Có anh đây. Anh không để chúng nó chia rẽ chúng mình đâu!". Trong suốt chuyến đi Tam Cốc tôi cứ bị ám ảnh bởi cặp vợ chồng bị ly gián và thắc mắc tại sao những người xếp thuyền lại cố tình không muốn họ ngồi chung một thuyền. Chiều hôm đó, trên chuyến xe buýt trở về Hà Nội tôi có hỏi người bạn của anh tôi, là dân địa phương, thì được anh cho biết là khi những chiếc thuyền lá ra sông phải đi ngang một trạm kiểm soát và bị đánh thuế: nếu trên thuyền có một người ngoại quốc thì thuyền bị đánh thuế cao, còn thuyền có người Việt thì đánh thuế thấp vì được xem như là khách du lịch trong nước. Những người tổ chức dịch vụ du lịch thu giá đắt đối với Việt kiều vì coi họ như người nước ngoài, nhưng khi đóng thuế thì tìm cách để xếp họ là người trong nước để hưởng thuế nhẹ. Việt kiều "yêu nước" bị móc túi hai lần! Mấy chục chiếc thuyền lá liễu lướt đi trên con sông cạn, nhiều đoạn sông thu lại nhỏ như một con lạch, len lỏi qua cánh đồng lau sậy, rồi mở ra trước mắt cánh đồng lúa vàng bát ngát, trên cánh đồng mêng mang đó lác đác đó đây sững lên như có ai cắm vào những khối núi đá xanh lam. Thuyền êm trôi dưới mái chèo nhẹ nhàng của các cô gái quê, tôi và người chị ngồi chung thuyền, hai người yên lặng và cùng nhau nhớ lại cái thời tản cư xa xưa. Lướt sóng đôi với thuyền chúng tôi là thuyền cô gái Úc, cô ngồi một mình một thuyền. Trong cái yên tĩnh của cảnh vật mà tiếng động duy nhất là tiếng khuơ nước của mái chèo, tôi nghe tiếng tôi cất lên bằng tiếng Anh với cô gái Úc: "Này, cô bé! (tôi dùng chữ young lady! ). Tôi hiểu được cái bực mình của cô. Nếu tôi ở đia vị cô tôi cũng sẽ bực mình y như cô vậy. Cái bà kia đáng lý ra phải hỏi trước khi uống, cứ tự tiện uống một chai nước không phải của mình là một việc làm không phải. Nhưng thôi, cô nên nhớ rằng đây là một chuyến đi nghỉ mát của cô, một vacation, mà mục đích của chuyến đi chắc chắn là để tìm sự thoải mái. Cô từ xa đến thăm xứ sở này, cô đã bỏ ra một số tiền không nhỏ cho chuyến du lịch, không lẽ chỉ đổi lấy toàn sự bực mình, sự đổi chác đó quả là không tương xứng. Trong một xã hội không toàn hảo, mà chả cứ gì ở nước này, ở đâu đâu cũng thế, sự bực mình lúc nào cũng có, không thể tránh được, nếu cô cứ xoáy vào nó cô sẽ chỉ trông thấy nó mà không nhìn thấy những cái lạ cái hay cái đẹp lúc nào cũng có đầy dẫy ở ngay trước mắt cô, rất đáng để cô chú ý và rất xứng đáng với số tiền cô bỏ ra cho chuyến du lịch này. Cô cứ tin tôi đi!". Cô gái Úc yên lặng không trả lời tôi. Trong ánh mắt cô tôi đọc thấy hình như là một sự ngạc nhiên: tôi không biết cái thoáng ngạc nhiên đó là do nội dung những lời tôi nói, hay chỉ vì cái khả năng diễn đạt bằng Anh ngữ của tôi, tuy còn xa lắm mới đến chỗ toàn hảo, nhưng hẳn là hiếm thấy trong số những người cô được tiếp xúc ở Việt Nam. Tôi bước trên vỉa hè hẹp, tránh những vũng nước mà trận mưa đêm qua đã để lại trên khắp lối đi. Trước những căn nhà nhỏ của khu phố cổ những chiếc xe máy chắn chật vỉa hè, người đi bộ phải tách xuống mặt đường, bước qua những mương rác rưởi. Con phố cũ của tôi đã được hiện đại hoá bằng những Mini Hotel nhiều tầng, những cửa hàng dịch vụ du lịch với những phích quảng cáo trưng bày trước cửa. Free Internet! Trong những gian hàng dịch vụ, khách du lịch ngoại quốc tấp nập, những anh tây chị đầm với ba-lô trên vai ngồi đánh e-mail trên một dẫy những bàn máy vi tính. Tôi bước qua ngõ Gia Ngư. Khu chợ này vẫn lầy và nhiều rác như năm mươi năm trước. Đến đầu phố Hàng Bè ở góc Cầu Gỗ tôi đưa mắt tìm nhưng không thể nào nhận ra được đâu là căn nhà cho thuê xe đạp quen thuộc của tôi mà thuở nhỏ tôi đã thuê giờ đạp xe cùng khắp Hà Nội, thích nhất là đạp xe trên đường Cổ Ngư đến Quảng Bá để đi bơi ở rặng ổi. Theo phố Hàng Dầu tôi đi về phía Bờ Hồ. Trên vỉa hè, dưới bóng một cây si già, một hàng bán thịt bò khô làm sống dậy thời thơ ấu của tôi: ông bán hàng khuỳnh hai tay dốc dốc hai chai nước mắm, dấm vào hai cái đĩa mỏng bằng nhôm đặt trên cái bàn xếp, rưới đẫm hai thứ nước chấm trên những sợi đu đủ màu trắng xanh, mấy miếng gan cháy, mấy lát húng xanh xếp gọn ở trên. Hai đứa bé đứng chờ, mắt chăm chú nhìn vào đĩa, đầu chúng chỉ cao hơn chiếc bàn xếp có gang tay. Chúng nó đang nuốt nước bọt... Tôi đoán...Y chang như tôi năm mươi năm trước. Tôi quay đi, bụng nghĩ với cái dạ dầy từ lâu bị Mỹ hóa của tôi, nếu bây giờ tọng vào một đĩa ấy thì bảo đảm là đi cầu chết bỏ! Tôi bước sang bên kia đường, tìm về rạp xi-nê Philharmonique. Đó là rạp chớp bóng gần nhà tôi nhất. Thằng bé tối tối la cà đến đó chui luồn qua đám ông tây bà đầm, những người tây ăn mặc lịch sự đang tụm lại nói chuyện dưới cái vòm hiên cong chìa ra vỉa hè rộng để chờ giờ vào rạp. Nó đến đây để nhặt những tờ programme phim mà nó sưu tập. Lâu lâu gặp những phim nổi tiếng như Cuốn theo chiều gió nó cũng đánh bạo sổ tiếng tây bồi để xin bà đầm tờ programme mà bà cầm trên tay. Cái mái hiên vòm cong đó giờ đây không còn nữa. Rạp Philharmonique nay trở thành rạp trình diễn Múa rối nước Thăng Long (Water Puppets Show). Những ông tây bà đầm ăn mặc lịch sự và sang trọng kia, hơn nửa thế kỷ sau, được thay thế bằng những anh tây chị đầm ba-lô, quần đùi áo ngắn, đi đứng nghênh ngang hí hửng với chiếc nón cối Việt cộng ở trên đầu. Dựa theo trí nhớ tôi đi men theo vỉa hè đó đến vườn hoa Chí Linh, giữa vườn hoa vẫn còn tòa nhà bát giác xưa kia tôi đứng nghe hoà nhạc ở đó. Cuối vườn hoa tôi không tìm thấy dấu vết cái Ấu Trĩ Viên với cái hồ bơi lộ thiên nơi tôi đã tập bài học bơi đầu đời. Thay vào chỗ đó hình như là một biệt thư khang trang dùng làm sứ quán một quốc gia nào đó. Quay lại phía Hồ Gươm, ngang qua nhà bưu điện, tôi băng qua phố Đinh Tiên Hoàng. Ngồi trên ghế đá sát hồ, gần một cây cổ thụ mà thân cây uốn còng xuống la đà mặt nước, tôi nhìn ngắm ánh nắng sớm mai lấp lánh lăn tăn chạy trên mặt nước xanh và bàng hoàng chợt nhận thấy là Hà Nội đẹp quá! Đẹp hơn cả trong trí tưởng của tôi... Về phía Tràng Tiền, những hàng cây liễu rủ lá xuống mặt nước... sau những cây liễu một đám người già tập thể dục tai-chi, tay chụm nhau đưa cao quá đầu, cong người như múa. Trên vỉa hè rộng lát gạch đỏ những tấm bích chương cổ vũ làm đẹp thành phố để chuẩn bị kỷ niệm một ngàn năm ngày thành lập cố đô Thăng Long. “Chú đánh giầy!” Tôi giật mình. Hai đứa bé xà xuống chân tôi. Hai gương mặt cùng ngửng lên nhìn tôi chờ đợi. Tôi nhìn đôi giầy bám đầy bụi của mình, gật đầu. Thằng nhỏ con vừa giơ tay sờ vào giầy tôi thì bị thằng lớn hơn xô một cái mạnh ngã lăn chiêng. “Tao thấy chú này trước! Mày đừng có ăn tranh!”. Thằng nhỏ ngồi phắt dậy, văng một câu chửi tục tằn: “Đ... mẹ mày!”. Nó đứng tấn, lấy thế. Tôi can: “Thôi đừng đánh nhau. Cả hai đứa đều đánh giầy cho tao!”. Tôi cởi giầy, đưa cho mỗi đứa một chiếc: “Đây! Đánh cho kỹ nghe! Thằng nào làm kỹ hơn tao cho thêm tiền!”. Hai đứa, mỗi đứa một đầu ghế, giở hộp gỗ nhỏ, lấy xi, giẻ lau, lúi húi chà bóng chiếc giầy; thằng nhỏ lặng yên, thằng lớn vừa làm việc vừa huýt sáo. Chặp sau chúng đưa đôi giầy bóng loáng cho tôi. Tôi ngắm nghía rồi nói: “Hai đứa mày làm kỹ đây! Tao cho bằng nhau mỗi đứa hai ngàn! Tao biết giá mà!”. Tôi mở ví. Tiền Việt Nam là tiền lèo. Để cho ví khỏi cộm tôi chất toàn giấy bạc lớn. Rút ra tờ năm chục ngàn (khoảng hơn ba đôn), tôi đưa cho thằng nhỏ: “Tụi bay chia đều nghe chưa!”. Nhìn hai đứa bé mặt mày rạng rỡ, vừa đi khỏi vừa ôm bá cổ nhau, thốt nhiên tôi lặng người!. Đó đúng là hình ảnh của hai anh em tôi năm mươi mốt năm trước, tôi mười tuổi, em Thái tôi lên tám, hai đứa vẫn thường bá vai nhau đi trên con đường Bờ Hồ này. Tôi còn giữ bức ảnh cũ hai anh em tôi chụp chung đứng bên cây liễu cạnh hồ, cũng khuôn mặt rạng rỡ, cũng tay bá cổ nhau. Bức ảnh chụp hai tháng trước khi nó chết vì bệnh tê liệt. Tôi nhớ trước khi chết nó đòi được ăn thịt bò khô. Nó chết ở căn nhà số 15 phố Hàng Bè. Vào ngày thứ Hai, mồng Ba tháng Tư năm Năm mươi. Cái ngày dễ nhớ. Kể từ ngày đó tôi bị đôn xuống làm em út trong một gia đình còn lại sáu anh chị em. Rời chiếc ghế đá tôi đi không định hướng theo phía hai thằng bé đánh giầy. Tôi không biết đi đâu. Có quá nhiều chỗ để đi, có quá nhiều nơi để gợi nhớ, hầu như khắp Hà Nội đâu đâu cũng ghi dấu kỷ niệm đến nỗi tôi không biết bắt đầu từ đâu nữa. Tôi như những đứa bé mà bố tôi đã tả trong áng văn “Nhặt lá bàng”. “Chúng chạy vụt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đương chạy về một phía bỗng nhiên đứng dừng: một đám lá rơi lỏa tỏa trên người khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào”. Thốt nhiên tôi muốn nhìn lại tòa nhà đó, nơi tôi tin rằng bố tôi đã ngồi viết áng văn kia. Tòa biệt thự ấy tôi chỉ đến có một lần trong đời. Chiếc xe xích-lô chở hai mẹ con rời phố Hàng Bè. Đứa bé năm tuổi ngồi trong lòng mẹ. Xe đưa nó đến một biệt thự tọa lạc ở một nơi dường như xa xăm lắm, trong một khu phố tây trên con đường ngợp bóng cây mát. Mẹ nó nói với nó là đi thăm bố, người bố xa lạ mà nó không hình dung được khuôn mặt. Nhưng cái kỷ niệm đã mờ nhạt ấy không phải là nguyên cớ cho cái háo hức của tôi bây giờ muốn nhìn lại tòa nhà đó.Tôi tò mò muốn đến xem tận mắt một cái địa điểm đã được nhắc tới hoài hủy, đã ám ảnh tôi sau này khi tôi lớn lên đến độ, với tôi, nó gần như một linh địa. Chiếc xe buýt bỏ Quốc Lộ số 1 ở gần Hoa Lư đi vào một con lộ nhỏ hơn. Mốc chỉ đường cho thấy còn cách Phát Diệm 25 cây số. Xe chạy chừng chục cây thì tiến sâu vào vùng giáo xứ đánh dấu bằng những nghĩa trang bên đường với hàng trăm ngôi mộ mang dấu thập tự trắng, những ngôi nhà thờ tuy nhỏ nhưng nhiều vô kể, gây cảm tưởng là nhà thờ còn nhiều hơn những cấu trúc khác trong vùng. Gần vào thành phố, xe chạy dọc một quãng dài theo một con sông nhỏ ở mé trái rồi qua môt vài con phố rất hẹp nhà cửa hai bên bé nhỏ cũ kỹ trước khi đến nhà thờ chính tòa Phát Diệm. Chị tôi và tôi nhoài người ra cửa xe vừa kịp thoáng thấy ngôi tượng Chúa dang tay trên một tháp cao đặt chính giữa một cái hồ tròn bằng xi-măng rộng lớn nằm cách mặt tiền của nhà thờ một khoảng khá xa. Xe buýt đỗ dưới bóng một cây đa bên hông phải nhà thờ, được bao quanh bởi một bờ tường cao. Tôi theo đám du khách xuống xe qua một cái cổng ở bên hông bờ tường bước vào địa phận của nhà thờ. Mặc dù hồi bé tản cư sống gần cạnh nhưng tôi không nhớ một chút nào hình thù của nhà thờ, chỉ nhớ mang máng nó là một khối đen sừng sững. Tôi ngạc nhiên là nhà thờ Phát Diệm lớn quá, ngay cả đối với tầm mắt của tôi hiện giờ. Làm toàn bằng đá cẩm thạch, mặt tiền của nhà thờ là một khối xám xịt có hình thù như một cổ thành thu nhỏ mà tôi thấy trong Đại Nội ở Huế, với cái nóc nhà thờ là một dẫy kế tiếp những mái đỏ uốn cong vút lên như những mái chùa. Nếu không có cây thánh giá ở trên tít cao và ngôi tượng chúa dang tay thì chắc không ai biết kiến trúc đó là một nhà thờ Thiên chúa giáo. Tôi lấy máy ảnh bấm mấy tấm với anh chị tôi đứng trước mặt tiền nhà thờ và trước bức tượng Chúa. Trong khi tất cả đám du khách tiến vào thăm bên trong thì tôi tách ra; một mình, tôi lách khỏi cái cửa gỗ bên hông trái bước ra khỏi địa phận nhà thờ. Tôi muốn nhìn lại căn nhà xưa của chúng tôi. Đó là Phát Diệm của năm 1947. Thị xã hừng hực không khí kháng chiến. Từ căn nhà lá chúng tôi tá túc thằng bé là tôi nhìn ra nhà thờ Phát Diệm qua một rặng cây phi lao. Trong ký ức xa xăm của tôi có in tiếng gió rì rào trên đỉnh phi lao cao ngất. Thời gian của nó ở đây là một chuỗi dài những ngày hè nóng bức. Nó ê a đọc thuộc bài thơ đầu đời. Ai xui con cuốc gọi vào hè. Cái nóng nung người nóng nóng ghê. Ngõ trước vườn sau um những cỏ... Nó nhớ nhất là những đêm hè đi ra cánh đồng nhìn những đốm sáng bay la đà trong không gian, những đốm sáng chớp tắt chớp tắt. Đầu cành gọi bạn oanh xao xác. Trong tối đua bay đóm lập lòe... Cùng với đứa em trai, nó đi bắt những con đom đóm bỏ lọ rồi hai đứa chui vào màn chụm đầu vào nhau, tay nó lắc lắc cái lọ trong đó mấy con bọ toả ánh sáng mờ mờ xanh trong. Trong cảnh chơi đùa ấy thằng bé con cảm thấy một cách mơ hồ không khí nghiêm trọng ở chung quanh. Nó nhớ là người chị cả của nó với nét mặt âu lo chụm đầu nói chuyện với những người nhiều tuổi trong họ cùng đi chung trong chuyến tản cư. Phải mãi mãi rất nhiều năm sau này nó mới biết được nội dung những câu chuyện đó. Người ta đang tung tin đồn vu cáo bố nó ăn cắp hai triệu đồng công quỹ bỏ trốn sang Tầu và toàn quốc đang dấy lên phong trào mạ lị bố nó và cụ Nguyễn Hải Thần. Nhưng cái không khí nghiêm trọng nó cảm thấy rõ ràng hơn không phải ở trên gương mặt những người lớn tuổi mà là ở những gì nó chứng kiến trong khu vực xung quanh nhà thờ. Từ trước căn nhà lá nhìn qua rặng phi lao, những đoàn dân quân tự vệ trang bị vũ khí thô sơ, mỗi người đeo một giỏ đá ở bên hông, chạy rầm rập, hô to vang dội: Đức Cha Lê Hữu Từ. Muôn năm! Muôn năm! Đức Cha Lê Hữu Từ. Muôn năm! Cả thị xã Phát Diệm vùng lên những lời ca kháng chiến. Thằng bé 7 tuổi học thuộc bài ca đầu tiên trong đời nó. Năm mươi năm sau mỗi lần hát lại, tôi như sống dậy trong cái hồn của đứa bé kia. Bài hát đầu đời cũng là bài hát hận thù. Bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi. Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than... Dưới ách quân tham tàn gian ác sài lang... Giặc phát xít cướp và giết dân lành... Khi tôi lách qua cửa nhìn ra ngoài, cái rặng phi lao trong trí tưởng của tôi vụt mất. Trước mặt tôi là một con phố hẹp, một bên là bờ tường hông nhà thờ, bên kia là một dẫy nhà một từng san sát nhau. Cả một vùng trống trải xưa kia được lấp đầy bằng những căn nhà chi chít. Cái khung cảnh xưa kia giờ đây chỉ còn lại trong tâm tưởng của ba anh chị em tôi, những người còn lại trong đám năm chị em lưu lạc kia. Tôi bước vào một quán nước trước mắt. Hoàn Hải - Cà fê - Kem ly - Sinh tố. Quán vắng. Tôi gọi một cốc nước chanh quả. Ngồi một mình trên một chiếc ghế nhựa thấp tôi vừa lấy ngón tay xoay tròn cục nước đá vừa nhìn chung quanh. Bên kia đường, khuôn mặt cô gái Úc thò ra cửa ngó dáo dác ra ngoài. Khi thấy tôi cô quả quyết bước ra đường vào ngay quán như thể cô có dụng ý đi tìm tôi. Vẫn cái giọng như còn giận dỗi cô nói ngay với tôi khi vừa đặt chân vào quán: “Này ông! Hồi nãy ở trên thuyền ông có khuyên tôi không nên bực mình vì đây là vacation. Ông nói hay lắm. Nhưng tôi không giấu ông là tôi rất bực mình đây! Chuyến đi Phát Diệm của ông đã làm hỏng chương trình của tôi. Tôi không tin là sẽ về kịp Hà Nội tối nay. Nhưng thôi thế cũng tạm được đi. Tôi đã tạm tin rằng đi viếng cái nhà thờ này đối với ông nó cũng quan trọng như cái hẹn của tôi. Tôi chỉ tức mình là từ lúc xuống xe ông không thèm nhìn cái nhà thờ này lấy một phút. Ông bỏ ra đây ngồi chơi trong khi tất cả mọi người chiêm ngưỡng cái nhà thờ lạ lùng này. Vậy thì ông đi Phát Diệm làm gì cho phí thì giờ.” i “Cô hãy ngồi xuống đây cái đã rồi tôi sẽ nói cô nghe vì sao tôi đến đây. Chuyện nó hơi dài dòng.”. Tôi đứng lên, mở tủ kính lấy ra một chai nước cất, tôi trả tiền ở quầy rồi đưa chai nước cho cô gái Úc: “Lúc nãy tôi để ý thấy nhà hàng này có bán chai nước suối giống hệt nhãn hiệu cái chai cô mua ở Hà Nội. Vậy tôi thay mặt cái bà uống nhầm chai nước của cô sáng nay mà tôi biết chắc là bà ta vô tình, để hoàn trả cô chai nước này.” Cô gái Úc nhận chai nước, nói cám ơn, rồi ngồi xuống cái ghế thấp cạnh tôi. Bằng một giọng từ tốn tôi giải thích về chuyến đi của tôi. Một người sinh đẻ ở Hà Nội nhưng đã rời xa Hà Nội trên năm mươi năm, hiện sinh sống ở bên Mỹ. Với tôi chuyến trở về này không có ý nghĩa một chuyến du lịch thông thường mà là một cuộc hành hương tìm về quá khứ của mình. Tôi kể về thời thơ ấu của tôi, về chuyến chạy loạn đến vùng Phát Diệm và tạm cư ở ngay sát nhà thờ này. Đó là lý do tôi đã bỏ ra ngoài để tìm lại dấu tích nơi chúng tôi đã sống hơn một nửa thế kỷ về trước. Tôi kể về người chị cả của tôi lúc đó mới hai mươi tuổi đầu đã hướng dẫn bốn người em bị lạc cả bố lẫn mẹ tan tác chạy đi giữa cơn ly loạn. Tôi nói: “Cả bố mẹ tôi và người chị ấy đã qua đời từ lâu. Mới cách đây không lâu ba anh em chúng tôi từ Pháp và từ Hoa Kỳ đã mang di cốt của mẹ chúng tôi từ Pháp về Sài Gòn, sau đó lại di chuyển di cốt của bố mẹ chúng tôi và người chị cả về chôn cất nơi nguyên quán ở Hội An. Trên chuyến xe hỏa xuyên đêm từ Sài Gòn đi Hội An tôi nằm ngủ ôm cái bình tro của người chị cả. Tôi đã nói với chiếc bình đó. I am so sorry... bởi vì khi chị còn sống tôi đã không có được một lời gọi là tử tế đối với chị, mà trái lại tôi thấy chị chỉ là một người khó tính và dở hơi, đến độ tôi chỉ muốn lánh xa. Tôi có hứa với cái bình đó là nếu có dịp tôi sẽ đi lại đoạn đường mà chị đã hướng dẫn các em đi qua trong thời kỳ tản cư để thấy được cái can trường của người con gái hai mươi tuổi đầu như chị. Gọi là một chút ghi ơn muộn màng. Và, như một sự rất tình cờ, cái tour Ninh Bình- Phát Diệm này nó thỏa được điều hứa của tôi.” Khi tôi ngừng nói, cô gái Úc lặng lẽ rời quán. Tôi ngồi thêm một chặp uống hết cốc nước rồi tôi đứng dậy đi qua con phố trở vào trong địa phận nhà thờ. Tôi không nhìn thấy đám du khách đâu, tự hỏi không biết họ còn đang ở trong nhà thờ hay đã ngồi đợi trên xe buýt. Dưới bóng mát một gốc cây tôi thấy anh hướng dẫn đứng một mình đang phì phà điếu thuốc. Gặp tôi anh nói ngay: “Này chú! Cái cô gái điên đó nó điên thật rồi! Cả buổi sáng thì nó tức tối cà khịa, giờ thì nó lại khóc hu hu ở trên xe. Cứ bua xùa cả lên! Chả ra làm sao cả!” Tôi đi về phía cây đa. Chiếc xe buýt dưới bóng cây hình như trống trơn. Tôi bước lên không nhìn thấy một ai trên xe. Rồi ở cuối xe một cái đầu ngửng lên. Tôi thấy đôi mắt cô ta mọng lên đẫm ướt. Cô nói với tôi, đúng cái câu tôi đã nói với chị tôi: I am so sorry... Rồi cô đứng lên, đặt tay lên vai tôi: I apologize. I didn’t know that this trip meant so much to you... (Tôi xin lỗi. Tôi không biết chuyến đi này mang ý nghĩa lớn với ông như thế.) "Trương chậm bước lại vì chàng vừa nhận thấy mình đi nhanh quá tuy không có việc gì vội và cũng không nhất định đi đến đâu. Từ lúc nãy, vô cớ chàng thấy lòng vui một cách đột ngột khác thường nên tự nhiên chàng đi nhanh làm như bước đi cần phải ăn nhịp với nỗi vui trong lòng." (Bướm trắng- Nhất Linh). Tôi cũng bước chậm lại vì nhận thấy mình đi nhanh quá. Nhưng tôi khác anh chàng Trương tôi biết là tôi đi đến đâu và cái háo hức trẻ thơ muốn đến ngay thay vì nỗi vui đã khiến tôi nhanh bước. Lúc nãy ở nhà Thủy Tạ tôi đã hỏi dò đường đến phố Quan Thánh. Từ cái ngã năm có bồn phun nước ông già chỉ đường cho tôi giơ tay về phố Hàng Đào nói cứ đi thẳng hướng đó, đi quá Chợ Đồng Xuân thì đến. Ông ta còn bảo đường xa lắm sao không đi xe ôm. Tôi nói tôi thích đi bộ. Bước qua đường ở cái ngã năm là một thử thách cho những người ở nước ngoài về. Cả một rừng xe máy, ô-tô nườm nượp không ngừng. Khi nào không thấy xe lớn thì cứ chậm chậm qua đường không đợi xe vãn. “Xe tránh người chứ người không tránh xe”. Một người họ hàng khuyến cáo tôi ở Sài Gòn. Đoàn xe máy cứ như đâm lao thẳng vào người tôi cho đến sát gần thì đám xe tách qua hai bên. Nơi này xưa kia là bến đỗ của tàu điện. Nơi này xưa kia vang lên tiếng xe leng keng. Nơi này xưa kia người chị cả dẫn đứa em út đi ăn kem ở quán Mụ Béo. Tất cả bây giờ không còn nữa. Kể cả người chị. Thay vào đó là quang cảnh những ngoại kiều đi lại tấp nập, những cô đầm nép vào nhau sợ hãi líu ríu dắt nhau qua đường. Tôi đi trên những con đường ngắn nối tiếp nhau. Hàng Đào. Hàng Ngang. Hàng Đường. Đồng Xuân. Hàng Giấy. Qua chợ Đồng Xuân tôi thấy đường đi không xa như tôi tưởng và mỉm cười nghĩ tới ông già chỉ đường cứ đề nghị tôi đi xe ôm. Đường trong khu phố cổ rất ngắn, qua rất nhiều ngã tư có đèn xanh đèn đỏ. Tôi nhớ tới lời của bố tôi: “Nhớ giữ nhịp đi của mình, đừng có để bị cái đèn xanh đèn đỏ nó chi phối mình đi nhanh hơn hay chậm hơn. Đến, thấy đèn đỏ mình ngừng. Đến, thấy đèn xanh mình đi. Nếu trong đời sống mình lúc nào cũng giữ được cái nhịp sống như vậy thì mình sẽ sống được một cuộc đời thoải mái.”. Bố tôi rất ít nói. Nhưng khi ông nói bao giờ cũng ngầm một ý nghĩa sâu xa. Đập vào mắt tôi là cái bồn tròn chứa nước Hàng Đậu. Trí nhớ của tôi vụt hiện ra hình ảnh chiếc xe xích lô mẹ con tôi ngồi năm mươi sáu năm trước, chiếc xe lượn vòng tròn quanh cái bồn nước ba từng bằng đá xám to lớn bề thế chạy vào một con đường rợp bóng lá bàng. Trong ký ức của tôi có tiếng ve sầu kêu râm ran. Tiếng ve kêu thoạt to rồi cứ nhỏ dần trôi về phía cuối đường, ở đó như vỡ ra tiếng ve lại nổi ran lên. Chiếc xe đỗ ở ngã tư, trước tòa nhà 80 Quan Thánh. Thằng bé con ghi nhớ toà biệt thự có một khoảng vườn rộng phía trước bao bởi hàng rào thấp. Nhưng nó nhớ nhất và khoái trí nhất là khi mẹ con nó bước vào cổng, người lính Việt Quốc ở chòi canh đứng nghiêm tắp bồng súng chào. Đó là năm 1945. 80 phố Quan Thánh vừa trở thành trụ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng. Tôi bước qua vườn hoa Hàng Đậu. Phía bên kia, gắn trên trụ điện là tấm bảng sắt sơn màu xanh dương đề "Phố Quán Thánh". Cái dấu sắc trên chữ Quan làm tôi ngạc nhiên. Đã bao nhiêu năm trời tôi đọc sai mà tôi không biết, hay là cái dấu sắc chỉ được thêm vào sau này? Phố Quán Thánh của năm 2001 mà tôi đi qua có quán café Trung Nguyên. Tiếng hát Hồng Nhung vẳng từ trong quán ra phố. Hà Nội mùa Thu... Mùa Thu Hà Nội... Mùa hoa sữa về... Thơm từng cơn gió... Mùa cốm xanh về... Thơm bàn tay nhỏ... Trịnh Công Sơn vừa chết. Khắp nước người ta để tang bằng những bản nhạc của anh. Bản nhạc này, được nghe từ trong lòng Hà Nội, tôi ngậm ngùi nhớ tới người nhạc sĩ, tới kỷ niệm đã có với anh. Một buồi chiều mùa Thu ở Huế năm 1967, một buổi chiều có nắng vàng hanh, có mưa bụi bay "mưa không ướt áo" như anh nói, chúng tôi vừa ăn bún bò ở dốc Nam Giao xong, về nhà anh đường Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam. Anh ở trên lầu hai một chung cư dài nhìn ra hàng cây long não. Chúng tôi đứng trên lan can nhìn ra hàng cây. Anh nói cái hàng cây long não đó gợi hứng anh viết nên một số bài hát của anh. Anh giải thích là về mùa Đông lá cây thưa đi, mùa Hè lá cây rậm rì, mùa Xuân "hàng cây lá xanh gần với nhau" (Mưa hồng). Mới hai tuần lễ trước tôi ở Sài Gòn, một người tôi quen biết, người đó có cơ hội tham dự cả hai đám tang, có nói với tôi: "Ở Sài Gòn, 38 năm sau đám tang của nhà văn Nhất Linh, mới lại có một đám tang đông đảo với thành phần sinh viên tham dự nhiều như thế." Tôi đừng lại trước ngã tư Quán Thánh - Hàng Bún. Tòa nhà đó phải là ở đây, nhưng tôi không nhận ra. Tôi dò con số 80. Con số đó thuộc một căn nhà ở cuối một ngõ cụt rất ngắn. Căn nhà hai từng với bức tường quét màu vôi vàng loang lở. Tôi quay trở ra ngoài ngõ, băng qua bên kia phố Quán Thánh, nhìn từ xa ngược lại. Tôi nhìn ra cái mái ngói nâu nhô lên cao của toà nhà mang số 80 cuối ngõ và tôi hiểu ra: cái vườn hoa nhỏ phía trước biệt thự đã biến mất, thay bằng những căn nhà nhỏ chắn mặt tiền biệt thự chỉ chừa môt con ngõ nhỏ đi vào cổng. Tôi băng trở lại con ngõ, nhìn kỹ vào tòa nhà cũ kỹ kia. Cái nôi của Tự Lực Văn Đoàn bây giờ bị chia cắt thành từng mảng nhỏ với rất nhiều hộ ở chen chúc, những người đàn ông vai trần nhô lên trên cửa sổ trên gác, đang giương mắt tò mò nhìn người khách lạ, máy hình lủng lẳng trên vai, lăng xăng chạy tới chạy lui dưới ngõ. Ngay trước ngõ là mấy sạp hàng quán, mấy chị bán hàng cũng quay nhìn ông khách kỳ lạ. Tôi sửa soạn máy ảnh, cẩn thận hỏi mấy người bán quán: “Này chị, tôi chụp ảnh được không chị?”( “Được mà, chú cứ chụp thoải mái!”. Tôi nghe chị ta nói với người bán bên cạnh: “Di tích lịch sử đấy nghe! Tháng trước tao cũng thấy có mấy người đến đây chụp ảnh.” Nhớ tới đoạn văn Nhặt lá bàng của bố tôi, tôi lại chạy ra ngoài, băng qua đường. Ở ngã tư, đối diện với toà nhà 80 là một khách sạn lớn, mang tên Khách sạn Hữu Nghị. Tôi đứng rất lâu dưới mái hiên khách sạn. Ở vị trí đó tôi có thể nhìn được bao quát: vừa thấy được cái mái ngói nâu của tòa biệt thự vừa thấy được mấy cây bàng ở phố Hàng Bún. Tôi lặng người đối diện với cái khung cảnh mà trong bao năm đã trở thành “linh địa” trong tâm khảm tôi. Dưới mái ngói thâm nâu của toà nhà cổ kính kia, tôi hình dung bố tôi ngồi sau cánh cửa sổ nhìn ngắm những cây bàng chỗ tôi đang đứng. Giữa hai thế giới là một khoảng cách bẩy mươi năm chiều dài của một đời người. Cây bàng ông nhìn thấy là cây bàng lá xanh. Cây bàng tôi thấy bây giờ là cây bàng lá đỏ. Lời tiên tri ghê gớm của bố tôi trước khi chết, mười hai năm sau đã trở thành sự thực. Một người anh họ tôi, nhà văn Tường Hùng, đã từng san sẻ rất nhiều tâm tình và kỷ niệm với bố tôi. Trong một lần gặp gỡ anh có tâm sự với tôi: “Chú Tam rất mê thơ Huy Cận. Chú thích thơ Huy Cận hơn thơ Xuân Diệu. Hai câu thơ sau đây chú thường ngâm cho anh mà chú cho là một kiệt tác trong dòng thơ hiện đại:
Đồn xa quằn quại bóng cờ Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về. (“Chiều xưa” - Huy Cận)
Thốt nhiên tôi hiểu vì sao bố tôi yêu hai câu thơ ấy. Bằng vào một cảm nhận có tính cách linh liêng hay bằng vào một thứ cảm quan có mang di truyền tính, tôi không biết, nhưng tôi trông thấy giống như ông đã trông thấy, qua hai câu thơ, cái quằn quại của tâm hồn ông và cái hồn xưa hiện về ám ảnh ông khôn nguôi. Tôi nhìn thấy ông quằn quại lựa chọn giữa những cái phải làm có tính cách vĩnh cửu với những cái phải làm có tính cách cấp thiết, cái quằn quại giữa con người văn nghệ và chính trị, giữa tâm hồn nghệ sĩ và tâm hồn cách mạng, giữa hai con người nhập một của ông. Giờ đây nhìn lên cái mái ngói kia tôi thấy bàng bạc cái hồn xưa hiện về. Dưới mái nhà đó đã có những con người cùng có những trái tim rung động như nhau, cùng chia sẻ những kỷ niệm thần thánh nhất của cuộc đời mình, cùng nhau tạo dựng được cả một vùng trời văn học. Rồi bỗng thoắt - vào cái thời điểm mà chiếc xích lô chở mẹ con tôi đến căn nhà đó - tan hàng đứt gánh “anh đi đường anh tôi đường tôi” và hơn thế nữa thuộc hai khối lạnh lùng giết hại lẫn nhau, nhân danh lý tưởng. Thất tinh của Tự Lực Văn Đoàn, trừ một Thạch Lam đã ra đi trước, sau năm 1945, tách làm hai đều nhau ba người theo hai bên bờ khác nhau của Giòng sông Thanh Thủy, của Giòng sông Bến Hải, hai tác phẩm cuối đời của bố tôi, một đã hoàn tất một còn trong dự tưởng. Tôi còn giữ một số trang bản thảo của tác phẩm dự tưởng ấy. Cuốn truyện dài mang tên Hai con mắt bố tôi chưa viết được bao nhiêu nhưng trong mấy trang đầu đã thấy Thanh và Ngọc, câu truyện của các nhân vật Giòng sông Thanh Thủy được tiếp tục. Tôi nhớ là Hai con mắt sau được bố tôi đổi thành Giòng sông Bến Hải, nhưng tài liệu này đã bị thất lạc sau biến cố tháng Tư năm 1975. Nếu trong Giòng sông Thanh Thủy bố tôi dẫn đầu cuốn truyện bằng một lời của Pascal: “Bên này dẫy núi Pyrénées là sự thực, bên kia là sai lầm”, thì ở trong tác phẩm dự tưởng Giòng sông Bến Hải, mở đầu có hai câu thơ sau đây của bố tôi, cũng là hai câu thơ chót của đời ông:
Cùng nguyền giữ tấm lòng Nhân Tình yêu Tổ Quốc, tình thân Bạn Bầy. (Nhất Linh 24-1-1961)
“Trong hương trầm của đêm 30 Tết và mắt mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất hoặc mất tích... tôi có mấy lời cảm xúc này - và cũng là chúc thư luôn thể - với một bài thơ để gửi các anh em cũ (bất cứ từ khu nào)... Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác...” (Nhất Linh - 2 giờ sáng, mồng 1 Tết năm Quý Tỵ 14-2-53) Đứng ở gốc cây bàng nhìn toà nhà 80 Quán Thánh, cũng như bố tôi năm nào trong hương trầm của đêm 30 Tết, mắt tôi cũng mờ đi vì thương cảm. Bố tôi đã ra đi được non 40 năm. Thất tinh của Tự Lực Văn Đoàn nay tụ hội đầy đủ ở thế giới bên kia, biết đâu anh linh còn vương vấn bên kia đường, dưới cái mái ngói thâm nâu của tòa nhà cổ kính kia. Rời Phát Diệm chiếc xe buýt trở lại Ninh Bình. Theo chương trình xe còn đi Hoa Lư thăm đền vua Đinh Tiên Hoàng và đền vua Lê Đại Hành trước khi trở về Hà Nội. Đi qua Hoa Lư chị Thoa tôi quay sang tôi nói: “Em nhớ hồi nhỏ mình học thơ lịch sử không, giống như Bà Trưng quê ở Châu Phong..., Đến Hoa Lư lại nhớ đến câu Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh. Con quan thứ sử ở thành Hoa Lư. Khác thường từ thuở còn thơ. Rủ đoàn mục thụ mở cờ bông lau. Mình học thơ sử từ hồi còn bé thế mà mãi đến giờ mới được thăm ông Đinh Bộ Lĩnh và cố đô Hoa Lư.” Tôi nói: “Còn những bài hát về lịch sử như bài Bóng cờ lau của Hoàng Quý, hồi bé hát nhiều thế bây giờ chả nhớ được gì. Em chỉ nhớ là nhạc của Hoàng Quý nó tươi mát và trẻ trung lạ thường! à này, chị có biết cậu thích nhạc của ai nhất không? Cậu mê nhất là nhạc Đặng Thế Phong. Sau đó là Văn Cao. Thứ nữa mới đến Phạm Duy. Nhưng cậu thích lời nhạc Phạm Duy. Cậu mê cái câu này. Người về ấm lũy tre xanh... Cậu nói sao mà hay thế! Em tiếc là chưa được gặp ông Phạm Duy. Nếu gặp thế nào em cũng nói với ông ta như thế!" Xe dừng ở một bãi đậu cách Đền một khoảng xa. Khách trên xe chưa bước xuống thì như ong vỡ tổ một đám đông những người bán hàng đã ồn ào kéo tới. Họ bám theo đám khách du lịch suốt dọc con đường nhỏ dẫn đến Đền Vua. Những đứa bé bán kẹo, những cô gái bán nước uống, những bà già bán bánh trái kèo nài mời mọc. Biết là nhắm vào khách ngoại quốc không ăn thua gì, đám bán hàng chỉ tấn công vào đám người Việt. Nhìn những đứa bé lem luốc và những bà già áo quần sờn rách tôi thấy cái nghèo khó của vùng quê miền Bắc, cái nghèo khó như bị ướp nguyên từ cả trăm năm nay, tương phản với đời sống những nơi thị tứ tôi đã đi qua. Chị tôi mua mấy thứ, vì tội nghiệp mà mua, chứ tôi biết những thứ đó chị tôi cũng sẽ đi cho chứ không ăn được. Tội nghiệp ông già Việt kiều và bà vợ đầm. Hai người không đi được nữa vì bị bu quanh, phải rớt lại phía sau. Hai tay ông già đầy bánh trái không còn chỗ nào để cầm nữa, dưới nách còn cặp thêm chai nước, mà đám con nít vẫn không buông tha. Vì số người bán quá đông mà người mua ít tôi đọc thấy sự thất vọng trên khuôn mặt của những người không bán được hàng. Nhất là hình ảnh bà già đứng ở ven đường, một bà già răng nhuộm đen của một thời xưa, bà xuất hiện như thể vừa ngoi lên từ trong vùng sâu quá khứ của tôi. Khăn vấn, áo cánh trắng, chiếc quần đen bạc thếch, khuôn mặt nhăn nhúm, bà giơ hai bàn tay về phía trước. Sức nặng của thời gian làm lưng bà còng xuống. Rõ ràng bà chìa tay không phải ăn xin. Bà ta bán hàng. Nắm kẹo vừng lẩy bẩy trên lòng bàn tay. Nhưng bà không tranh được với những thằng bán kẹo xông xáo, bà bị đẩy lui về phía sau. Phía bên tay mặt cái cổng vào đền là một hàng chữ khắc trên đá đen "Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng". Qua cổng đền du khách chia làm hai nhóm đi theo anh hướng dẫn viên nói tiếng Anh và cô thâu ngân giải thích bằng Việt ngữ. Tôi không đi theo nhóm nào, tôi lấy máy hình chụp ảnh anh chị tôi trong tốp người Việt theo cô thâu ngân. Phía trong cùng của ngôi đền là tượng của Đức Vua đặt trong một gian tối mờ mờ, giữa những cây cột gỗ lim đen bóng và mùi hương trầm phảng phất. Hai bà du khách mặc áo gấm đốt nhang và xì xụp khấn, dưới ánh chớp lóe của những chiếc máy ảnh từ phía du khách ngoại quốc. Tôi thấy chiếc áo dài gấm của hai bà trông không kệch cỡm như khi đi thuyền sáng nay nữa, mà trái lại rất thích hợp trong khung cảnh này. Trong khi hai hướng dẫn viên giải thích về lịch sử vua Đinh Tiên Hoàng tôi thơ thẩn đi dạo quanh, tôi nhìn cái sân rộng dưới chân với những viên gạch Bát Tràng nâu đã thâm bóng lại và thời gian đã làm mòn trũng đi ở giữa những viên gạch. Trên sân, những bông hoa giấy đỏ thắm trồng trong những chậu sành lớn. ở ngang hông đền thờ một cái cửa nhỏ khoét trên bức tường thành, qua cánh cửa mở là cánh đồng lúa chín vàng rực ở bên ngoài. Tôi tiến về phía cửa. Bên ngoài vắng ngắt không một bóng người. Cánh đồng lúa trải ra bát ngát, một con trâu gầy gò đang gặm cỏ ở gần và mùi lúa chín thoảng về làm sống dậy khứu giác tôi cái mùi quê đồng cỏ nội của thời quá khứ xa xưa. Ngay khi tôi toan quay trở vào đền, tôi chợt thấy ngay gần tôi, sát phía ngoài của bờ tường một bà già đang ngồi gục ngủ, cái nón lá bên cạnh. Tôi không biết có phải bà bán kẹo mà tôi đã thấy trước khi vào đền hay không nhưng áo quần bà mặc và cái đầu tóc vấn thì giống hệt. Thốt nhiên tôi lặng người. Hình ảnh bà già ấy đúng là hình ảnh của mẹ tôi, đầu vấn khăn, chiếc áo cánh trắng, chiếc quần lĩnh đen, đang cúi xuống chà chà cho sạch những miếng cau khô ẩm bị xanh mốc. Cái hình ảnh quen thuộc đó của bà nó ăn vào ký ức tôi từ thời tấm bé, từ căn nhà 15 Hàng Bè Hà Nội cho đến 39 Khu chợ An Đông Sài Gòn. Bao nhiêu năm tháng qua, bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, ngay sát cạnh cái đời sóng gió tơi bời của bố tôi, bà cứ lui cui cúi xuống vân vê chăm sóc những hạt cau khô từng hạt từng hạt không rời, xem chúng như những hạt quý nuôi dưỡng chúng tôi. Hai mươi năm qua từ ngày mẹ tôi mất hình ảnh của tôi về bà bao giờ cũng là hình ảnh buồn bã, cái buồn bã như thấm đọng vào đời bà, như thấm sâu cả vào trong tiếng cười ròn của bà nữa. Một buổi trưa tôi nằm ngủ lơ mơ trong căn gác ở chung cư chợ An Đông. Trong giấc mơ ngắn ngủi của tôi có tiếng khóc nức thảm thiết khiến tôi choàng dậy. Tiếng khóc như vừa xuyên thủng giấc mơ vì khi tỉnh giấc tôi còn nghe rõ tiếng khóc nức ấy đưa lên từ nhà dưới. Tôi nhẩy hai bước một xuống cầu thang. Dưới nhà, trên tấm giường phản gỗ, mẹ tôi đang cười ròn tan, cười chẩy cả nước mắt vì mắt bà đỏ hoe! Mẹ tôi vừa cười vừa vỗ vỗ lên vai bà khách: "Giời! Lâu quá mới gặp lại bà! Dễ từ cái thời ở Hà Nội. Gặp nhau nói chuyện cũ với bà, ôi sao vui quá!". Mẹ tôi ngừng nói khi trông thấy gương mặt thảng thốt của tôi. "Trời, mợ cười mà con cứ nghĩ là mợ khóc, làm con hết hồn!". Mẹ tôi quay sang bà khách: "Đấy, đứa con út của tôi đấy! Bố nó thương nó nhất nhà. Lúc bố nó chết, có bao nhiêu sách bố nó giao cho nó hết. Tôi chỉ sợ sau này nó cũng đến khổ như bố nó thôi...".
Ví mà tôi đổi thời gian được Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười (Thơ Trần Thiện Đạo)
Nhìn trước sau không có ai, tôi lấy ví tiền rút ra mấy tờ giấy bạc lớn rồi sợ bà già thức giấc tôi rón rén bỏ tiền vào trong chiếc nón lá. Khi tôi quay trở vào trong thì vừa vặn đám du khách cũng đi ra về phía cổng đền. Chiếc xe taxi bỏ Hồ Hoàn Kiếm rẽ qua phố Tràng Thi. Xe đi vào khu phố tây của Hà Nội. Nó khác khu phố cổ ở những vỉa hè rộng, những cây sấu cao to thay thế những cây dâu da xoan thấp bé và những biệt thự màu vôi vàng y nguyên từ thời thuộc địa thấp thoáng qua những hàng rào sắt chạy dài dọc theo vỉa hè. Đến đường Điện Biên Phủ tôi bảo tài xế chạy chậm cho tôi dò tìm số nhà. Xe ngừng, tôi dặn anh tài xế đúng một giờ sau trở lại đón tôi ở đấy. Ngày hôm trước đứng dưới gốc bàng nơi ngã tư Quán Thánh - Hàng Bún tôi sực nhớ tới một người. Dưới mái nhà kia người đó đã từng san sẻ nhiều kỷ niệm với bố tôi, là người mà có thể tôi đã gặp trong toà nhà đó năm mươi sáu năm trước mà vì còn quá nhỏ tôi không nhớ, là người duy nhất đang ở thành phố này có thể giúp tôi làm cây cầu nối liền quãng thời gian gần bẩy mươi năm, khoảng cách giữa hai lần bố con tôi cùng nhìn về cây bàng này. Trở về khách sạn tôi quay điện thoại xin gặp nhà thơ Huy Cận. Sau khi tự giới thiệu là con của nhà văn Nhất Linh từ nước ngoài về muốn đến thăm ông, ở đầu dây có tiếng thốt lên mừng rỡ bằng một giọng rất nặng Huế: "Có phải anh là anh Triệu không?" ( "Không, cháu là em của anh Triệu." (Tôi nhớ ngay đến bài thơ "Tựu trường" của Huy Cận 1938 với lời đề "Tặng em Triệu"). Nhà thơ nói với tôi là đúng hai giờ trưa mai ông có thể tiếp tôi một tiếng đồng hồ tại tư gia. Ông còn nói là mặc dù có tuổi ông vẫn còn làm việc ở Nhà Văn hóa và thời gian đó là thuận tiện nhất cho ông. Nhìn đồng hồ tay tôi thấy mình đến sớm 10 phút. Nhớ tới lời dặn của ông tôi chờ bằng cách tản bộ trên vỉa hè rộng của khu phố tây. Buổi sáng nay Hà Nội rào rào một trận mưa lớn. Tôi đi dưới hàng cây sấu cao. Sau trận mưa ban sáng những chiếc lá xanh trở nên đậm màu hơn và trên vỉa hè, trên mặt đường phủ lên môt lớp hoa sấu vàng mỏng. Vỉa hè còn ướt nhẹp nước mưa. Tôi giẫm đi trên hoa sấu nhỏ li ti những cánh hoa vàng nhạt mỏng manh mọng nước. Đó là một toà nhà quét vôi vàng nhạt với kiến trúc cổ, trước nhà một cánh cổng sắt sơn màu xanh lá cây. Đúng hai giờ một ông già dáng đi nặng nề từ trong nhà bước ra tay cầm chùm chìa khóa tra vào ổ cánh cửa sắt. Cửa mở. Trước mặt tôi là Huy Cận. Trước mặt tôi là tác giả câu thơ "Bèo giạt về đâu hàng nối hàng..." bố tôi đã trang trọng viết trên trang đầu bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới (Bèo giạt) mà tôi đã nâng niu cất giữ trong suốt 40 năm qua. Huy Cận hướng dẫn tôi vào nhà qua một lối đi lát gạch có đặt nhiều chậu cây kiểng. Trong phòng khách ông tiếp tôi có treo trên tường bức tranh vẽ chân dung nhà thơ Xuân Diệu. Trên một cái tủ đen có trưng hai bằng tưởng thưởng lồng trong khung kính, qua hàng chữ đỏ lớn tôi đọc thấy "Huân chương Độc Lập" và "Giải thưởng Hồ Chí Minh". Ngồi xuống ghế, tôi nói ngay với ông cái mục đích rất giản dị của tôi là xin được gặp ông để nghe ông nói về những kỷ niệm ông đã có với bố tôi. Tôi xin ông không nói chuyện chính trị bởi vì giữa ông và bố tôi đã đi trên hai con đường khác nhau mà cả hai bên tôi nghĩ đều rất hãnh diện về sự lựa chọn của mình. Xem ra ông cũng đồng ý với tôi trên căn bản đó. Tuổi già không làm khuôn mặt ông hom hem như nhiều khuôn mặt những người tuổi ông tôi đã thấy ở Hà Nội. Mặt ông vẫn giữ được vẻ đầy đặn có thể gọi là tròn trịa. Với cặp mắt húp húp Huy Cận nhìn tôi và bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi: "Cháu Thiết năm nay được bao nhiêu tuổi?". Sau khi tôi nói tuổi của tôi, trầm ngâm hồi lâu rồi ông nói, giọng ngậm ngùi: "Cháu có biết không? Thế là cháu đã già hơn bố cháu bốn tuổi khi bố cháu mất đấy!". Rồi ông hỏi tôi về đời sống của tôi, của các anh chị tôi, có những ai còn ở trong nước không và nhất là hỏi thăm anh Triệu mà ông đã san sẻ kỷ niệm dưới tòa nhà 80 Quán Thánh (anh Triệu tôi là con nuôi của nhà văn Khái Hưng). Ông cũng hỏi anh em chúng tôi còn lại bao người. Tôi trả lời chúng tôi còn lại năm. Huy Cận nói: "Bố mẹ cháu có trên mười người con. Cháu có biết vì sao cháu có đông anh em thế không? Mỗi lần bà Nhất Linh mang bầu thì ông Nhất Linh lại nói với tôi là sau mỗi lần sinh đẻ bà khỏe hẳn ra chứ không như những người đàn bà khác ngại đẻ, cho nên có nhiều con cũng là một cách tốt để bả sống lâu.". Bố tôi đối xử với bạn bè và những người cộng tác với ông hết sức chân tình. Huy Cận ghi nhận. Ông kể với tôi là ông không bao giờ quên được một đêm đông ông đến thăm bố tôi, thấy ông trên người chỉ có cái áo phong phanh, bố tôi đã cởi ngay chiếc áo lạnh pa-đờ-suy mà bố tôi đang mặc khoác lên người ông và tặng luôn ông chiếc áo lạnh đó. Rồi bỗng như lóe ra một kỷ niệm vui, trong cặp mắt húp húp của ông già ấy tôi thấy ánh một nét trẻ thơ: "À, mà chuyện này bà Nhất Linh không biết đâu! Chỉ có tôi với ông Nhất Linh biết thôi! Chúng tôi có san sẻ riêng với nhau câu chuyện về một thiếu nữ. Tôi không biết ông Nhất Linh có mê thật cô ấy không, nhưng ông đặt một bí danh cho thiếu nữ ấy là ‘cô áo trắng’. Bài thơ "Áo trắng" của tôi ông muốn tôi đề tặng ông. Cháu biết không, cô áo trắng là cô Thu trong Bướm trắng của ông Nhất Linh đấy.". Tôi hỏi Huy Cận là ông có biết bài thơ "Ngậm ngùi" của ông đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và bản nhạc này rất thịnh hành ở miền Nam đến độ với bài "Ngậm ngùi" người nhạc sĩ Phạm Duy đã làm mờ nhà thơ Huy Cận. Ông không trả lời vào câu hỏi nhưng ông nói: "Bài thơ ‘Ngậm ngùi’ có tư tưởng mới lắm nghe! Sáu bẩy mươi năm trước mà tôi đã viết câu ‘anh hầu (chứ không phải em hầu) quạt đây!’. Mới lắm nghe!". Tôi nhìn đồng hồ thấy đã nói chuyện với ông gần một tiếng. Trước khi đứng dậy cáo từ, tôi nhìn thẳng vào mắt Huy Cận, tâm tình: "Này chú, cháu có thắc mắc này, và cháu nghĩ biết đâu cũng có những người khác có cùng thắc mắc như cháu, đó là một người, một nghệ sĩ đã từng sáng tác được những câu thơ như chú trong cái thời 1930 ấy, những vần thơ lãng mạn trác tuyệt như thế đến như bố cháu cũng phải cảm mà lấy tên Bèo giạt đặt cho một tác phẩm để đời của mình, một người có cái tâm hồn ấy không thể nào là bản chất của một người cộng sản được." Huy Cận ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời: "Hỏi thật cháu chứ câu này có phải của ông Nhất Linh nói không?" Khi tôi nói là không phải và tôi cũng không biết bố tôi có cái thắc mắc như tôi hay không, thì ông không trả lời, chỉ nói nhẹ nhàng: "Cháu nghĩ là người cộng sản không có tâm hồn sao?" rồi ông nói lảng sang một câu chuyện khác. Huy Cận tiễn tôi ra cửa. Bàn tay ông run rẩy tra khóa vào ổ khoá chiếc cửa sắt. Chúng tôi ra ngoài hè đường. Chiếc xe taxi đã đậu chờ sẵn dưới bóng một cây sấu. Ông ngoắc tôi đi theo ông đến một hiệu photocopy ở cách đó mươi nhà. Ông làm mấy phóng ảnh đưa tôi. Đó là bốn bức ảnh chụp Khái Hưng, Nhất Linh, Xuân Diệu, Thế Lữ với lời đề tặng Huy Cận của từng người một từ hơn sáu mươi năm trước. Rồi ông và tôi bước trở lại chỗ chiếc taxi đậu. Giây phút trước khi tôi lên xe, Huy Cận quàng tay qua người tôi. Tôi cảm thấy bàn tay ông nặng xuống bả vai. Qua giọng nói của ông và qua bàn tay ông truyền vào người tôi, tôi cảm nhận được cái xúc động của ông già 82 tuổi đó, cái xúc động nó rõ ràng là mạnh mẽ hơn một sự ngậm ngùi: "Việc gì anh ấy phải chết. Việc gì bố cháu phải chết..." Dọc đường trở về Hà Nội, trên xe buýt cô gái Úc có một lúc rời chiếc ghế ở hàng trên xuống ngồi trên chiếc ghế ngay trước tôi. Khoảng thời gian cô ngồi nói chuyện với tôi, tôi thấy đó cũng là lúc cô tỏ ra thanh thản nhất trong suốt chuyến đi chơi. Tôi được biết cô ta ở thành phố Sydney bên Úc. Cô ta đã để ra ba tháng hè để đi du lịch và đúng như tôi đoán cô ta du lịch một mình không có bạn đồng hành. Nghe cô gái tả về hành trình đã qua của cô tôi ngạc nhiên về cái tinh thần phiêu lưu mạo hiểm của cô và chắc cũng là của nhiều những cô gái tây phương trẻ trung của thế hệ mới này. Chuyến đi bằng đường bộ của cô khởi đi từ thượng lưu sông Dương Tử bên Trung Quốc trong vùng núi Tứ Xuyên. Bằng đường bộ trong một tháng trời cô đi xuôi nam xuống biên giới Việt Hoa, qua ngã Lào Cay cô vào Việt Nam. Hai tuần lễ ở Sapa, cô leo núi Fansipan và sống với người H’mông ở trên núi. Cô ở Hà Nội có hai ngày. Ngày mai cô sẽ rời Hà Nội sớm đáp xe đi qua Lào, qua ngõ Điện Biên Phủ. Chương trình của cô sau đó là băng qua Thái Lan bằng đường bộ và sẽ bay về Úc từ Bangkok. Cô hỏi tôi là tôi đã đi Sapa chưa, tôi nói chưa, cô nói đấy là một nơi rất đẹp của Việt Nam và là một chỗ phải đi. Tôi nói với cô gái Úc: "Thành phố nơi chúng tôi sinh sống, Seattle của tiểu bang Washington, rất giống thành phố Sydney nơi cô ở. Tôi biết như vậy là vì coi TV chiếu thế vận hội mùa hè ở Sydney, đoàn lực sĩ chạy đường trường trên những con đường của thành phố. Tôi thấy Sydney cũng giống như Seattle có rất nhiều cây, rất nhiều nước vì cả hai thành phố đều nằm sát vùng vịnh. Ở bên Úc chúng tôi cũng có nhiều người bạn và họ hàng sinh sống, vì thế chúng tôi sẽ qua thăm đất nước của cô trong thời gian gần đây." Tôi còn nói vợ chồng tôi rất thích đi du lịch và đề nghị khi nào cô có dịp ghé Seattle thì tôi sẽ làm hướng dẫn viên và cô cũng làm như thế khi chúng tôi đến Sydney. Cô gái Úc trở lại chỗ ngồi sau khi chúng tôi trao đổi địa chỉ e-mail. Đọc cái địa chỉ mà cô ta ghi cho tôi trên một mẩu giấy, tôi biết được tên cô ta. Bên ngoài xe trời mùa thu miền Bắc chụp bóng tối xuống rất sớm. Về đến gần Hà Nội thì đèn trên xe đã thấy bật sáng, hai bên đường ánh đèn điện vàng mờ trong những hàng quán. Ngoại ô Hà Nội về đêm trông hoang vắng đìu hiu. Xe vào trong thành phố. Tôi thấy cô gái Úc đứng dậy nhìn ra ngoài. Cái vẻ nóng ruột hiện rõ trên nét mặt cô. Luôn tay nhìn đồng hồ, cô nhắc lại đến hai bà lần với anh hướng dẫn là nhớ nói với chú tài xế ghé Hồ Gươm cho cô ta xuống trước khi xe đến bãi đỗ. Tôi thấy anh hướng dẫn gật đầu lia lịa, có vẻ chịu đựng như không còn buồn cà khịa với cô tây ba-lô nữa. Tôi suy nghĩ. Tôi đã làm hỏng chuyến đi chơi này của cô gái chỉ vì cái nhà thờ Phát Diệm. Tôi đoán trong lúc nói chuyện với tôi hồi nãy sở dĩ trông cô thanh thản chắc là vì lúc ấy cô đinh ninh là sẽ không về kịp Hà Nội nên cô bỏ cuộc thôi không nghĩ đến cái hẹn của mình nữa. Nhưng đến khi xe vào thành phố, xem lại giờ thì chắc là cô nghĩ không đến nỗi nào, và chính vì thế nên cô mới lại nóng ruột. Cái hẹn nào mà quan trọng thế? Tôi tưởng tượng nếu tôi ở vị trí cô ta và tôi cũng trẻ như cô ta. Với cái tuổi đó cái hẹn gì là quan trọng nhất? Có lẽ bị ảnh hưởng bởi những dòng văn lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn, tôi hình dung một câu chuyện tình. Sáng sớm mai cô ta phải rời Hà Nội. Cái hẹn tối nay là cơ hội chót để cô gặp người ấy. Một anh tây ba-lô cũng đi du lịch một mình như cô, người Úc, người Đức, người Mỹ; điều đó không quan trọng, cái quan trọng là hai người đã gặp nhau và hợp nhau. Cô đã quên không lấy địa chỉ của người đó. Nếu lỡ hẹn cô đã mất đi một cơ hội lớn nó có thể làm lệch hẳn đời cô. Vì cô ta cứ nhất định muốn xuống xe ở Hồ Gươm, vậy thì chỗ hò hẹn phải là cái nhà Thủy Tạ thơ mộng kia. Khi chiếc xe buýt đến bờ hồ, cô gái bỏ chỗ đứng tiến đến chờ sẵn ở sát cửa. Đến đường Đinh Tiên Hoàng, chỗ đối diện với đền Ngọc Sơn, cô gái Úc ra hiệu xe ngừng. Chiếc buýt đỗ lại bên hè, thả cô gái xuống rồi chạy ngay. Tôi dướn người nhìn qua khung kính. Trên vỉa hè đèn sáng trưng, cô gái Úc vừa đi tất tả vừa lục trong ví sách tay lấy ra một cái gì như tấm vé, trình cho cô gái đứng trước rạp và biến mất vào trong. Rạp hát vắng ngắt. Cảnh vật ban đêm ở chỗ đó khác hẳn quang cảnh tôi đã thấy ban ngày. Tôi nghe mình nói thầm với tôi. Bye bye Christina! Bye... Cái mái hiên vòm cong đó giờ đây không còn nữa. Rạp Philharmonique nay trở thành rạp trình diễn Múa rối nước Thăng Long (Water Puppets Show). Những ông tây bà đầm ăn mặc lịch sự và sang trọng kia, hơn nửa thế kỷ sau, được thay thế bằng những anh tây chị đầm ba-lô, quần đùi áo ngắn, đi đứng nghêng ngang hí hửng với chiếc nón cối Việt cộng ở trên đầu.
Seattle, mùa Giáng Sinh 2002
Từ khóa » Cây Bàng Lá đỏ Của Tướng Vĩnh
-
Cây Bàng Lá đỏ Của Trung Tướng Vĩnh - YouTube
-
Cây 10 Tỷ đồng Của ông Phan Văn Vĩnh Khủng Cỡ Nào? | Báo Dân Trí
-
Chiêm Ngưỡng Cây Bàng Lá đỏ độc Nhất Vô Nhị Của Tướng Vĩnh
-
Chiêm Ngưỡng Cây Bàng Lá đỏ Bão Táp Mưa Sa Của Cựu Trung Tướng ...
-
Nửa Ngày Rau Dưa Với Trung Tướng Phan Văn Vĩnh
-
Bị Cáo Khai Mua đồng Hồ Hơn 1 Tỷ Từ Bán Cây: Vườn Cây Cảnh ở Nam ...
-
SH.686.Kỳ Lạ Cây Bàng Lá đỏ Rễ Buông Như Rễ Sanh.
-
Giới Trẻ đổ Xô Check-in Với Hàng Cây Bàng Cực "chill" Bên Dòng Sông ...
-
[soha] Cây Cảnh 10 Tỷ | Diễn đàn Game VN
-
Vẻ đẹp Nao Lòng Mùa Lá đỏ Của Cây Bàng Cổ Gần 250 Tuổi - Đô Lương
-
Hà Nội Rực Rỡ Trong Sắc Bàng Thay Lá - Báo Nhân Dân
-
Lá đại Tướng Quân Chữa đau Lưng Hiệu Quả Hay Không?
-
Cây Cảnh 10 Tỉ, Chiếc áo Và Lọ Thuốc Bổ Gan Của Cựu Trung Tướng ...