Cây Bòng Bong: Bật Mí Công Dụng Trị Bệnh đường Tiết Niệu - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Mô tả dược liệu
  • 2. Thành phần hóa học
  • 3. Tác dụng dược lý
  • 4. Cách dùng và liều dùng
  • 5. Lưu ý khi sử dụng

Cây bòng bong còn có tên gọi là dây thòng bong, thạch vĩ, dương vong. Trong Đông y gọi là hải kim sa, bởi các bào tử trên cây nhiều như biển (tức hải), và có sắc vàng lóng lánh như cát vàng (tức kim sa). Đây là 1 loài cây quen thuộc thường trồng trong nhà làm cây cảnh, ít ai biết rằng đây cũng là một vị thuốc quý có nhiều công dụng chữa bệnh liên quan đến thận và tiết niệu như: Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật, sỏi niệu đạo… Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của vị thuốc dược liệu này.

1. Mô tả dược liệu

1.1. Tên gọi, danh pháp dược liệu

  • Tên gọi khác: Thòng bong, Hải kim sa, Thạch vi dây, Dương vong.
  • Tên khoa học: Lyofodium japonium.
  • Họ: Thòng bong (danh pháp khoa học: Schizaeaceae)

1.2. Đặc điểm tự nhiên

Cây bòng bong là một loại cây dây leo mọc hoang ở các bụi rậm hay bờ rào và có những đặc điểm nhận biết sau:

Bòng bong là loài thực vật dạng leo, thân rễ mọc bò và xanh tốt quanh năm. Loại cây này có cuống chính dày khoảng 2,4mm Lá cũng rất dài khoảng 16 – 30cm sẻ thành vài nhánh như lông chim. Lá mọc cách thành từng đốm trên cuống chính của cây. Lá xẻ lông chim 2 – 3 lần, các lá chét có hình tam giác, trục lá uốn ngoắn ngoèo, có lông, lá chét sinh sản giống với các lá thường, nhưng ngắn hơn. Trên mỗi mép lá chét con mang nhiều túi bào tử gọi là ổ túi bào tử là những hạt phấn nhỏ màu vàng nhạt hay nâu vàng, chất nhẹ, sờ nhẵn, cảm giác mát tay, nom tựa cát biển.

cây bòng bong
Hình ảnh bào tử của cây bòng bong – Bào tử nằm ở mép lá, có màu vàng nâu hoặc vàng nhạt.

1.3. Phân bố, thu hái, chế biến, bảo quản

Là một loại cây mọc hoang, thường mọc  leo bám vào những cây to hay hàng rào, bờ bụi và ven rừng tại các địa phương ở nước ta. cây này ưa ẩm, thường xuất hiện ở khu vực đất ẩm, dưới tán của cây to, nơi ít có ánh sáng mặt trời chiếu tới.

Để sử dụng làm thuốc, người dân thường lấy toàn bộ cây bao gồm rễ, phần dây leo và cả lá bòng bong.

Cây có thể thu hoạch quanh năm, được bào chế rất đơn giản:

  • Sau khi hái cây thuốc, rửa sạch sẽ bụi đất bám trên cây.
  • Có thể dùng trực tiếp cây thuốc tươi hoặc phơi sấy cho đến khi khô hoàn toàn và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trong đông y muốn bào chế vị thuốc hải kim sa thì làm như sau:

  • Vào tiết lập thu, khi các bào tử đã chín, thu hoạch dây leo vào lúc sáng sớm ngày nắng, vào thời điểm sương chưa khô.
  • Phơi khô ở nơi tránh gió.
  • Dùng tay chà xát và vò lá cây bong bong, cho các bào tử khô rơi rụng xuống, sau đó sàng lọc bỏ đi phần thân dây, thu được bào tử khô hải kim sa.
    Bào tử khô hải kim saBào tử khô hải kim sa.

1.4. Bộ phận dùng

Cả dây mang lá. Bào tử khô của cây được gọi là hải kim sa.

2. Thành phần hóa học

Cây bòng bong chứa flavonoid và một số axit hữu cơ.

3. Tác dụng dược lý

3.1. Theo Y học cổ truyền

Theo các ghi chép Đông Y, bòng bong dược liệu có vị ngọt, tính hàn, quy vào 2 kinh là bàng quang và tiểu trường.

  • Tác dụng: Lợi thấp, giải độc, thanh nhiệt, thông lâm, tả thấp nhiệt ở tiểu đường, bàng quang.
  • Chủ trị: Sỏi đường tiểu, sỏi mật, thủy thũng, viêm thận, mụn nhọt sang lở, bỏng da.

Nhờ đó, trong Đông y, vị thuốc này được sử dụng để điều trị các bệnh sau:

  • Chữa viêm thận, phù thũng, phù nề.
  • Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật, sỏi niệu đạo.
  • Chữa các chứng tả thấp nhiệt gây viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu.
  • Chữa các chứng tiểu rắt, tiểu buốt, bí tiểu, tiểu tiện ra mủ, tiểu tiện ra dưỡng chất.
  • Điều trị bệnh viêm gan.
  • Dùng cho người bị mụn nhọt trên da, bị bỏng da hoặc chảy máu do tai nạn.

3.2. Theo Y học hiện đại

Hiện tại hải kim sa chủ yếu được sử dụng trong phạm vi nhân dân nên các nghiên cứu còn hạn chế.

4. Cách dùng và liều dùng

Hải kim sa được sử dụng chủ yếu ở dạng sắc với liều 12 – 24g/ ngày. Ngoài ra có thể dùng lá bòng bong tươi giã nát và đắp lên vùng da cần điều trị. Dưới đây là một số bài thuốc từ cây bòng bong ch

4.1. Bài thuốc chữa vết thương phần mềm

Đây là bài thuốc kinh nghiệm được đúc kết từ cụ lang Long Hải Dương

Bước 1: Lá trầu không tươi 40g, Phèn phi 20g. Dùng 2 lít nước nấu lá Trầu không xong để nguội, gạn lấy nước trong cho Phèn phi vào, đánh cho tan, đem lọc để rửa vết thương.

Bước 2: Sau khi rửa vết thương, băng bằng thuốc sau đây: Lá mỏ quạ tươi (Cudrania cochinchinensis) rửa sạch bỏ cọng, giã nhỏ đắp lên vết thương.

  • Nếu vết thương xuyên thủng thì đắp cả 2 bên: ngày rửa và thay băng 1 lần, sau 3 – 5 ngày thấy đỡ thì 2 ngày thay băng một lần.
  • Nếu vết thương tiến triển tốt nhưng lâu đầy thịt thay thuốc gồm lá Mỏ quạ tươi và lá Thòng bong hai thứ bằng nhau: Giã nát đắp vào vết thương, ngày rửa thay băng một lần, 3 – 4 ngày sau lại thay bằng thuốc: Lá Mỏ quạ tươi, lá Thòng bong, lá Hàn the 3 vị bằng nhau giã nát, đắp lên vết thương nhưng  chỉ 2 – 3 ngày mới thay băng một lần. (Theo tạp chí Đông y 4/1966)

4.2. Chữa ăn uống khó tiểu, bụng trướng đầy (tỳ thấp trướng mãn)

Hải kim sa (bòng bong) 30g, Bạch truật 8g, Cam thảo 2g. Sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang. (theo Tuyền Châu bản thảo)

4.3. Toàn thân phù thũng, bụng trướng như cái trống, nằm không thở được

Hải kim sa 15g, hạt Bìm bìm (khiên ngưu tử) 30g – một nửa để sống một nửa sao chín, Cam toại 15g, tất cả nghiền thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 8g bột thuốc sắc với một bát nước, uống vào trước bữa ăn hàng ngày. (theo Y học phát minh)

4.4. Chữa viêm gan

Hải kim sa 15g, Nhân trần 30g, Xa tiền thảo 20g, sắc nước uống mỗi ngày một thang. (theo Giang Tây thảo dược)

4.5. Đi lị ra máu

Dây và lá thòng bong 60 – 90g, sắc kỹ với nước, chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày. (theo Phúc Kiến dân gian thảo dược)

4.6. Chữa ỉa chảy (phúc tả)

Thòng bong cả cây, sắc nước uống. (theo Mân Nam dân gian thảo dược)

4.7. Chữa di tinh, mộng tinh (mộng di)

Dây thòng bong đốt tồn tính, nghiền mịn, mỗi lần dùng 4 – 6g hoà với nước sôi uống. (theo Phúc Kiến dân gian thảo dược)

4.8. Chữa đái ra dưỡng chấp (cao lâm)

Dùng Hải kim sa 40g, Hoạt thạch 40g, Cam thảo 10g. Tất cả đem tán nhỏ, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g. Dùng nước sắc với khoảng 20g Mạch môn (củ tóc tiên) hoặc 10g Cỏ bấc đèn (đăng tâm thảo) để chiêu thuốc. (Thế y đắc hiệu phương)

4.9. Chữa tiểu tiện lẫn sỏi sạn (thạch lâm)

Dùng Hải kim sa 30g, Hoạt thạch 30g, Bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, Kim tiền thảo 60g, Xa tiền thảo (cỏ mã đề) 12g. Sắc kỹ với nước, chia 3 phần uống trong ngày (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

4.10. Chữa tiểu tiện xuất huyết

Hải kim sa tán thành bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g, hoà với nước đường cùng uống (Phổ tế phương).

Hải kim sa (chỉ dùng dây), Biển súc: mỗi thứ 15 – 20g, sắc nước uống (Tứ Xuyên Trung thảo dược).

 4.11. Trà lợi tiểu – Dùng trong các trường hợp tiểu tiện khó khăn

Hải kim sa 60 – 90g, sắc với nước, thêm chút đường vào uống thay trà trong ngày. (Phúc Kiến dân gian trung thảo dược)

4.12. Chữa viêm tuyến vú

Hải kim sa 25 – 30g, sắc kỹ với nửa phần nước nửa phần rượu, chia 3 phần uống trong ngày. (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

4.13. Phụ nữ ra nhiều bạch đới (huyết trắng)

Dùng dây thòng bong 1 lạng, cắt thành những đoạn nhỏ, nấu kỹ với thịt lợn nạc thành món hầm, bỏ bã thuốc, ăn thịt và uống nước canh. (Giang Tây dân gian thảo dược nghiệm phương)

4.14. Chữa bỏng lửa

Hải kim sa thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng bôi vào chỗ bị bỏng. (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách)

4.15. Chữa mụn rộp loang vòng

Dây và lá thòng bong tươi đem giã nát, đắp vào nơi bị bệnh ngày 2 lần. (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách)

4.16. Ong vàng đốt bị thương

Dùng lá thòng bong tươi giã nát, đắp vào chỗ bị thương. (Quảng Tây Trung thảo dược)

5. Lưu ý khi sử dụng

  • Khi dùng cây thảo dược tươi nên ngâm rửa kỹ càng bằng nước muối pha loãng để làm sạch bụi đất, chất bẩn, hóa chất có thể có.
  • Khi đắp thuốc lá từ cây dược liệu cần phải vệ sinh sạch sẽ vết thương trước khi băng bó, tránh nhiễm trùng.
  • Dược liệu khô nên chọn mua loại chất lượng cao, được sấy khô hoàn toàn, có màu vàng nâu đều, không bị sâu mọt, nấm mốc hay còn nhiều bụi đất.

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc cũng thông tin cần biết về cây Bòng bong và những bài thuốc chữa bệnh từ loại cây này. Tuy nhiên, thông tin chỉ mang giá trị tham khảo, công dụng dược lý của loại dược liệu này chưa được giới nghiên cứu dược lý công bố chính thức về công dụng của loại dược liệu này. Do đó khi quý vị muốn áp dụng các bài thuốc trên cần có sự tham khảo của bác sĩ hoặc những người có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Từ khóa » Cây Lá Bỏng Chữa Sỏi Thận