Cây Bụp Giấm (Atiso Đỏ) Và Những Lợi Ích Đối Với Sức Khỏe

Cây bụp giấm (Atiso đỏ)

Cây bụp giấm (Atiso đỏ)

Đặt lịch

Cây bụp giấm còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như atiso đỏ, đay Nhật, lạc thần hoa,… Tên gọi bụp giấm xuất phát từ bộ phận hoa giống hoa dâm bụt, trong khi đó lại mang vị chua giống giấm. Trong một số tài liệu Y học cổ truyền cho biết, cây bụp giấm có tính mát, được quy vào kinh Can và Đại trường. Loại dược liệu này có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, giải độc, thanh nhiệt và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý thường gặp.

cây bụp giấm (atiso đỏ)
Tìm hiểu những thông tin về cây bụp giấm: Đặc điểm, thành phần, công dụng, tính vị – quy kinh và một số ứng dụng lâm sàng

Tên gọi – Phân nhóm

  • Tên gọi khác: Atiso đỏ, Đay Nhật, Lạc thần hoa,…
  • Tên khoa học: Hibiscus sabdariffa
  • Họ: Thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae)

Đặc điểm sinh thái của cây bụp giấm

1. Mô tả cây bụp giấm

Cây bụp giấm là một loại cây thân thảo, mọc dựng đứng. Thân cây có màu tím hoặc đỏ tím, phân nhánh từ gốc. Khi trưởng thành, cây có thể cao tới 2m. Lá cây bụp giấm là lá nguyên có hình trứng, mép lá có hình răng cưa không đều. Hoa mọc ở nách lá nhưng mỗi nách lá chỉ mọc 1 hoa, cuống hoa rất ngắn. Quả hình trứng và có lông thô. Quả của bụp giấm được bao bọc bởi các đài hoa màu đỏ tươi. Thời điểm cây ra hoa thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm.

2. Cây bụp giấm phân bố chủ yếu ở đâu?

Cây bụp giấm là một loại cây ưa sáng, chịu hạn giỏi, có thể phát triển tốt ở những vùng đất khô cằn. Loại cây này có nguồn gốc xuất xứ từ Châu Phi và được du nhập vào nước ta được chục năm gần đây.

Ở nước ta, cây bụp giấm thường mọc hoang ở các bãi đất khô cằn hoặc được trồng khá nhiều để lấy hoa làm dược liệu. Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương,… là một trong những tỉnh thành trồng loại cây này nhiều nhất.

cây bụp giấm (atiso đỏ)
Cây bụp giấm còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: atiso đỏ, đay Nhật, lạc thần hoa,…

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

  • Bộ phận dùng: Sử dụng bộ phận hoa cây bụp giấm để làm thuốc hoặc làm mứt.
  • Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch hoa bụp giấm là từ khoảng đầu tháng 9 đến gần cuối tháng 11 hằng năm. Thu hoạch những phần hoa bụp giấm màu đỏ thẫm.
  • Chế biến: Sau khi thu hoạch, đem toàn bộ hoa bụp giấm rửa sạch bằng nước để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất và đất cát. Sau đó có thể sử dụng trực tiếp hoặc đem phơi nắng hoặc sấy khô để sử dụng dần.
  • Bảo quản: Hoa bụp giấm rất dễ nổi mốc, do đó nên bảo quản trong hũ thủy tinh hoặc bao bì kín và đem cất trữ nơi thoáng mát, tránh cất trữ trong môi trường ẩm ướt.
cây bụp giấm (atiso đỏ)
Sử dụng phần hoa của cây bụp giấm để bào chế thành thuốc chữa bệnh hoặc làm mứt, siro

Thành phần hóa học của cây bụp giấm

Hoa bụp giấm có chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe. Điển hình như:

  • Vitamin A
  • Vitamin C
  • Các axit béo không no
  • Axit citric
  • Axit tartric
  • Axit malic
  • Hibiscus
  • Polysaccharides
  • Cyanidin
  • Delphinidin…

Những công dụng của hoa bụp giấm

Với những thành phần trên, hoa bụp giấm không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh lý. Cụ thể hơn:

  • Một số thành phần có trong hoa bụp giấm có chứa một số hoạt chất có khả năng loại bỏ các độc tố trong gan. Từ đó giúp hỗ trợ điều trị các vấn đề liên quan đến gan như: viêm gan, xơ gan,…;
  • Kích thích nhu động ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và phòng ngừa bệnh táo bón;
  • Hàm lượng vitamin C có trong hoa bụp giấm được chiếm khá cao giúp làm tăng khả năng miễn dịch. Đồng thời ức chế một số vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, từ đó giúp phòng ngừa bệnh cảm cúm, ho, viêm họng hoặc một số bệnh lý thông thường;
  • Hoa bụp giấm có tác dụng giảm cân và chữa béo phì nhờ một số thành phần hoạt chất có khả năng ức chế men amylase, từ đó giúp gia giảm khả năng hấp thụ đường và tinh bột;
  • Thành phần có trong hoa bụp giấm có tác dụng ức chế khả năng hấp thụ của rượu vào máu. Do đó, nước từ loại dược liệu này rất thích hợp để giải rượu và bảo vệ gan;
  • Có tác dụng hạ nhiệt và hạ huyết áp nhờ dịch ép có trong lá và đài hoa.
cây bụp giấm (atiso đỏ)
Cây bụp giấm chứa nhiều thành phần vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe

Tính vị và quy kinh của vị thuốc hoa bụp giấm

Trong một số tài liệu của Đông y cổ truyền cho biết:

  • Tính vị: Hoa bụp giấm có vị chua, tính mát.
  • Quy kinh: Dược liệu hoa bụp giấm được quy vào kinh Can và Đại trường.

Cách dùng và liều lượng sử dụng hoa bụp giấm

  • Liều lượng sử dụng: Hiện chưa có con số thống nhất về liều dùng hoa bụp giấm, bởi liều dùng còn phụ thuộc và từng đối tượng và mục đích sử dụng.
  • Cách dùng: Hoa bụp giấm được dùng để hãm như nước trà, ngâm rượu hoặc chế biến thành mứt ngọt, siro.

Những bài thuốc phổ biến từ hoa bụp giấm

Hiện có rất nhiều cách sử dụng cây bụp giấm nhưng dưới đây là những cách dùng phổ biến nhất. Bạn đọc có thể tham khảo:

1. Trà hoa bụp giấm giúp giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp, lợi tiểu, nhuận tràng, giảm mỡ máu và giảm cân

  • Nguyên liệu: 70gr hoa bụp giấm tươi hoặc 30gr ở dạng khô.
  • Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ hoa bụp giấm vừa được chuẩn bị rồi đem hãm cùng với 650 – 700ml nước sôi. Sau đó, chắt lọc lấy phần nước, thêm một ít đường, khuấy đều và có thể sử dụng để thay thế cho nước trà.
trà hoa bụp giấm (atiso đỏ)
Trà hoa bụp giấm có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc và đặc biệt hơn là trong việc giảm cân

2. Hoa bụp giấm ngâm đường giúp phòng ngừa ho, hỗ trợ quá trình tiêu hóa

  • Nguyên liệu: Hoa bụp giấm tươi cùng với đường.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch toàn bộ hoa bụp giấm vừa được chuẩn bị để lại loại bỏ bụi bẩn và tạp chất rồi vớt ra để ráo. Cho toàn bộ hoa bụp giấm vừa được rửa sạch cùng với một lượng đường vừa đủ vào trong bình thủy tinh sao cho cứ một lớp hoa là một lớp đường. Cuối cùng, đậy kín nắp bình và bảo quản nơi thoáng mát. Sau 15 ngày ngâm là có thể sử dụng. Mỗi lần sử dụng 30ml tương ứng một ly rượu nhỏ để uống.

3. Bài thuốc rượu ngâm từ hoa bụp giấm giúp lợi mật, nhuận tràng, hỗ trợ hệ tiêu hóa

  • Nguyên liệu: 1kg hoa bụp giấm tươi hoặc 600gr ở dạng khô, 150 ml mật ong cùng với 3 lít rượu trắng 40 độ.
  • Cách thực hiện: Làm sạch tất cả hoa bụp giấm đã được chuẩn bị rồi vớt ra để ráo. Sau đó, cho toàn bộ hoa bụp giấm đã được làm sạch vào trong bình thủy tinh. Tiếp tục cho phần mật ong cùng với rượu trắng sao cho ngập hoa bụp giấm. Sau 10 ngày ngâm là có thể sử dụng với mỗi lần sử dụng 1 ly rượu nhỏ tương ứng với 30ml.

Một số lưu ý khi sử dụng hoa bụp giấm

Trước và trong quá trình sử dụng hoa bụp giấm, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong hoa bụp giấm tuyệt đối không nên sử dụng khi chưa có sự cho phép;
  • Không sử dụng hoa bụp giấm cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Bởi trong loại dược liệu này có chứa một số thành phần hoạt chất có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và con nhỏ;
  • Không nên lạm dụng hoa bụp giấm. Liều lượng sử dụng theo các chuyên gia đề nghị không vượt quá 2gr/ ngày;
  • Khi chế biến hoa bụp giấm, không nên chế biến ở nhiệt độ quá cao. Điều này có thể làm giảm giá trị và công dụng của dược liệu;
  • Không sử dụng đồng thời hoa bụp giấm cùng lúc với một số thuốc tân dược. Nếu sử dụng song song cùng lúc có thể gây ra hiện tượng tương tác thuốc và làm gia tăng tác dụng phụ.
cây bụp giấm (atiso đỏ)
Không sử dụng hoa bụp giấm cho phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ cho con bú

Với những thông tin được chia sẻ trong bài viết hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc trong việc điều trị bệnh tật và nâng cao sức khỏe. Hoa bụp giấm sẽ phát huy tối đa công dụng nếu bạn sử dụng vừa đủ và chế biến đúng cách. Vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc lương y trước khi sử dụng để phòng ngừa một số tác dụng phụ có thể xảy ra.

Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Có thể bạn đọc quan tâm:

  • Cây atiso: Công dụng và những bài thuốc
  • Lá hoa đu đủ đực – Công dụng chữa bệnh và cách sử dụng đúng
  • Tác dụng của đậu biếc đối với sức khỏe và sắc đẹp

Từ khóa » Bông Bụp Giấm Có Tác Dụng Gì