Cây Cỏ Sữa Lá Nhỏ: Mô Tả, Công Dụng & Bài Thuốc Trị Bệnh

Cây cỏ sữa lá nhỏ: Mô tả, công dụng & bài thuốc trị bệnh

Cây cỏ sữa lá nhỏ: Mô tả, công dụng & bài thuốc trị bệnh

Đặt lịch

Cây cỏ sữa có hai loại: cỏ sữa lá lớn và cỏ sữa lá nhỏ. Trong đó, cỏ sữa lá nhỏ (tên khoa học là Euphorbia thymifolia L) là vị thuốc dân gian được dùng phổ biến tại nước ta. Nhờ vào đặc tính kháng khuẩn, chúng có thể ức chế hoạt động của chủng khuẩn lỵ, tụ cầu vàng… nên được dùng để điều trị một số bệnh ngoài da, đường tiêu hóa như lỵ, mụn nhọt, mẩn ngứa. Ngoài ra, thảo dược cũng giúp lợi sữa ở đối tượng phụ nữ đang cho con bú.

cây cỏ sữa
Hình ảnh cây cỏ sữa lá nhỏ

1. Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Cỏ sữa lá nhỏ, Cẩm địa, Vú sữa đất, cỏ sữa đỏ, Thiên căn thảo, Nhả nậm mòn, Nhả nực nọi (Thái), Chạ cam (Tày).

Tên khoa học: Euphorbia thymifolia L

Họ: Thầu dầu Euphorbiaceae

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả: Cây có phần thân có màu trắng như sữa, phần lá nhỏ nên được gọi là cỏ sữa. Cây cỏ sữa mọc sát đất, thân bò, lá nhỏ (dài khoảng 7mm, rộng 4mm) hình bầu dục hay hình thuôn, tù đầu, có răng ở mép và lông bên mặt dưới. Cây ra hoa vào mùa hè. Cụm hoa có dạng xim co ở nách lá hoặc ngọn.

Phân bố: Cỏ sữa thường mọc hoang trên những kẽ gạch sân, xi măng, dọc đường ray xe lửa có dải đá vôi xanh, sân vườn, nơi có sỏi đá… Người ta tìm thấy cỏ sữa có nhiều ở các nước nhiệt đới: Ấn Độ, Indonexia, Philippin, Trung Quốc và Việt Nam.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Toàn bộ phần rễ, thân, lá cỏ sữa lá nhỏ đều có thể dùng làm thuốc trị bệnh.

Thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Cây nhổ cả gốc, đem rửa sạch, phơi hoặc sấy khô rồi dùng làm thuốc.

Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm.

4. Thành phần hóa học

Trong cỏ sữa lá nhỏ có chứa những thành phần sau:

  • Thân và lá chứa hoạt chất cosmoslin.
  • Rễ cây chứa araxerol, myrixylalcohol, tirucallol.

5. Tính vị

Cỏ sữa lá nhỏ có tính hàn, vị hơi chua.

6. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

Nhiều nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, nước chiết từ cây cỏ sữa có tác dụng ức chế sự sản sinh của chủng vi trùng gây lỵ và chủng tụ cầu vàng. Nhờ vậy mà cỏ sữa được ứng dụng điều trị một số bệnh đường ruột, bệnh ngoài da. Ngoài ra, người ta cũng dùng dược liệu trên trong việc làm thông sữa, kích thích tăng tiết sữa ở đối tượng phụ nữ đang cho con bú.

Bên cạnh tác dụng điều trị bệnh, cây cỏ sữa lá nhỏ cũng được ứng dụng làm thuốc diệt sâu bọ (Ấn Độ).

Theo y học cổ truyền:

Cỏ sữa có công dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, kháng khuẩn, thông sữa, thông huyết nên các thầy thuốc dân gian thường dùng cho những mục đích trị bệnh sau:

  • Trị kiết lị
  • Tăng tiết sữa ở đối tượng phụ nữ sau sinh.
  • Điều trị mụn nhọt, mẩn ngứa
  • Điều trị đi cầu ra máu tươi.

7. Liều dùng, cách dùng

Liều dùng dưới dạng thuốc sắc:

  • Trẻ em: 15 – 50 gam/ ngày.
  • Người lớn: 100 -150 gam / ngày.

Cách dùng:

  • Thuốc sắc, bôi ngoài da.
  • Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Tham khảo thêm: Cây cỏ mần trầu: Thành phần hóa học và cách dùng chữa bệnh 

8. Bài thuốc

Cỏ sữa lá nhỏ có thể ứng dụng trong một số bài thuốc trị bệnh sau:

Điều trị kiết lỵ: 80 gam cỏ sữa lá nhỏ, 50 gam lá mơ lông tươi đem sắc uống hằng ngày. Trẻ em dùng nửa liều trên.

Điều trị thiếu sữa, tắc tia sữa: 100 gam cỏ sữa lá nhỏ, 40 gam hạt cây gạo đem sắc uống hằng ngày. Kiên trì dùng 5 – 7 lần sẽ có kết quả.

Điều trị mụn nhọt, ngứa: Cỏ sữa lá nhỏ đem giã nhuyễn, đắp lên vị trí bị nhọt, ngứa ngoài da. Nên kết hợp thuốc đắp với thuốc tươi uống để tăng hiệu quả chữa trị.

Trị đại tiện ra máu: 100 gam cỏ sữa lá nhỏ, 50 gam cây huyết dụ đem đun với 1 lít nước sôi, dợi đến khi nước cạn còn 400 ml thì tắt bếp, uống trong ngày.

Điều trị lỵ thể nhẹ:

  • Đem 100 gam cỏ sữa lá nhỏ rửa sạch, thái nhỏ, đem sắc với 400ml, đợi khi nước cạn 100 ml thì ngưng. Uống 2 lần mỗi ngày.
  • Hoặc: đem 100 gam cỏ sữa lá nhỏ, 80 gam Cây rau sam sắc với 300 ml, đợi khi nức cạn còn 150 ml thì tắt bếp. Chia làm 3 phần, uống trong ngày, dùng liên tục 5 – 7 ngày.
  • Hoặc: đem 100 gam cỏ sữa lá nhỏ, 20 gam lá mơ lông, 25 gam hạt cau, 100 gam rau sam sắc uống. Chia làm 3 phần, uống hết trong ngày.

Mụn nhọt ngoài da chưa vỡ mủ: 100 gam cỏ sữa đem giã nát, đắp lên vùng da bị nhọt. Đắp 2 lần / ngày.

Mẩn ngứa ngoài da: Cỏ sữa rửa sạch, giã nát thoa vào vùng da bị ngứa hoặc nấu nước để rửa.

Thiếu sữa sau sinh: 100 gam cỏ sữa, 40 gam hạt cây gạo sắc lấy nước, dùng nước trên nấu cháo ăn 1 lần/ ngày. Dùng liên tục trong vòng 4 – 7 ngày.

Xem thêm: Cây cỏ xước: Cách dùng & bài thuốc

9. Lưu ý

Cây cỏ sữa có hai loại: cỏ sữa lá to (Euphobia hirta L. Euphorbia pilulifera L cùng họ) và cỏ sữa lá nhỏ. Cả hai loại đều có khả năng chữa lỵ nhưng loại lá nhỏ được dùng phổ biến hơn (theo kinh nghiệm của Viện nghiên cứu Đông y).

Theo Power và Browning, cỏ sữa lá lớn có chứa chất nhựa và axit galic, glucozit độc chưa xác định được.Hoạt chất có trong cỏ sữa lá lớn liều nhỏ có thể gây ngừng hô hấp, tim đập chậm, gây xót niêm mạc dạ dày ở động vật.

Ở nhiều quốc gia khác, cây cỏ sữa lá lớn được ứng dùng trong điều trị một số bệnh về mắt như đau mắt, loét giác mạc; bệnh ho hen. Tại Việt Nam, cây cỏ sữa lá lớn được phối hợp với vị thuốc hoàng đằng để sản xuất thuốc trị lỵ mang tên codanzit (1975).

Trên đây là một số thông tin về cây cỏ sữa (lá nhỏ) được dùng trị bệnh phổ biến trong dân gian. Hy vọng thông tin trên sẽ hữu ích đến bạn. ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán, phương pháp điều trị thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Có thể bạn quan tâm

  • Cây cơm cháy: Công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý
  • Cây cỏ tranh: Đặc điểm sinh thái và Tác dụng dược lý

Từ khóa » Cây Cỏ Sản Là Cây Gì