Cây Cỏ Xước: Mô Tả, Tính Vị, Cách Dùng & Bài Thuốc

Cây cỏ xước: Mô tả, tính vị, cách dùng & bài thuốc

Cây cỏ xước

Cây cỏ xước

Đặt lịch

Cây cỏ xước còn có tên gọi khác là Ngưu tất nam, Thổ ngưu tất. Dược liệu này không chỉ được sử dụng trong các món ăn mà còn dùng trong các bài thuốc cổ truyền để điều trị các bệnh lý về xương, xơ vữa động mạch, rối loạn kinh nguyệt, chóng mặt, vàng da,… ngoài ra còn có tác dụng thanh nhiệt, bổ gan, thận.

Cây cỏ xước còn có tên gọi khác là Ngưa tất nam, Thổ ngưu tất

1. Tên gọi – Chủng loại

Tên gọi khác: Ngưa tất nam, Thổ ngưu tất

Tên khoa học: Achyranthes aspera

Họ: Thuộc họ Dền (Amaranthaceae)

Chủng loại:

  • Cỏ xước lông trắng (Achyranthes aspera var. argentea)
  • Cỏ xước xù xì (Achyranthes aspera var. aspera)
  • Cỏ xước Ấn Độ (Achyranthes aspera var. indica)
  • Cỏ xước màu xám đỏ (Achyranthes aspera var. rubrofusca)

2. Đặc điểm sinh thái

+ Mô tả:

Cây cỏ xước là loài thực vật thân thảo sống được vài. Khi trưởng thành, cây cao khoảng 0,6 – 1 mét. Thân cây hình vuông, có lông tơ. Các cành mọc đối xứng nhau. Lá cây cỏ xước là lá đơn nguyên mọc dối, mép lá có khía răng cưa hình lượn sóng. Rễ có hình trụ dài. Hoa mọc ở đầu nhánh hoặc kẽ lá. Quả hình bầu dục, có lá bắc nhọn như gai, tạo thành gai nhọn.

+ Phân bố:

Cây cỏ xước phân bố ở khắp các nước châu Phi, châu Âu, Đông và Nam Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Ấn Độ, Campichia, Myanmar, Malaysia,… Ở Việt Nam, cây cỏ xước được tìm thấy ở các vùng đất bỏ hoang, bờ sông, hai bên đường, sườn đồi, đặc biệt là các vùng có khí hậu thuận lợi như: Điện biên, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu,…

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

Bộ phận dùng: Sử dụng toàn bộ cây để làm thuốc (kể cả rễ).

Thu hái: Thu hái quanh năm.

Chế biến: Rửa sạch những cây thu hoạch về để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất, rồi đem thái thành những đoạn ngắn, có thể dùng tươi hoặc khô.

Bảo quản:

  • Đối với cây cỏ xước dùng tươi, cần sử dụng ngay sau khi chế biến, nếu không dùng hết có thể bảo quản trong ngăn lạnh của tủ lạnh.
  • Đối với cây cỏ xước phơi khô, cần bảo quản trong hộp hoặc bọc kín, đậy kín bao bì sau mỗi lần dùng để sử dụng được nhiều lần, tránh để ẩm móc.

4. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học có trong cây cỏ xước:

  • Nước
  • Protid
  • Glucid
  • Chất xơ
  • Tro
  • Caroten
  • Vitamin C

Trong rễ cây cỏ xước có chứa: Acid oleanolic (Sapogenin).

Trong hạt có chứa:

  • Hentriacontane
  • Saponin
  • Acid oleanolic
  • Saponin oligosaccharide
  • Acid oleanolic
Cây cỏ xước thường mọc ở vùng đất hoang, dọc bên sông, sườn đồi

5. Tính vị

Cây cỏ xước có vị chua, đắng, có tính bình (một số tài liệu khác ghi nhận cây cỏ xước có tính mát).

6. Quy kinh

Chưa được quy vào kinh nào.

7. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại: Chưa được nghiên cứu.

Theo Y học cổ truyền:

Trong nền Y học cổ truyền, cây cỏ xước được sử dụng khá nhiều trong các bài thuốc, bởi cây cỏ xước có những tác dụng:

  • Chữa các bệnh về xương khớp
  • Thanh nhiệt
  • Bổ gan, bổ thận
  • Mạnh gân cốt
  • Lợi tiểu
  • Lưu thông và làm giảm Cholesterol trong máu
  • Chữa tăng huyết áp
  • Xơ vữa động mạch
  • Máu hôi không sạch cho phụ nữ sau sinh
  • Đau bụng kinh
  • Rối loạn kinh nguyệt

8. Liều dùng – Cách dùng

Cách dùng: Thái nhỏ dược liệu đem sắc lấy nước uống hoặc giã nát đắp lên vùng đau.

Liều dùng: Sử dụng 15 – 30 gram/ lần.

9. Bài thuốc

Dưới đây là các bài thuốc sử dụng cây cỏ xước được dân gian sử dụng, bạn đọc có thể tham khảo:

Bài thuốc chữa viêm gan, viêm thận, viêm bàng quang: Sử dụng cỏ xước, cỏ tháp bút, mộc thông, mã đề (hạt lá bông), sinh địa, cỏ rễ tranh và bột hoạt thạch mỗi loại 15 gram đem sắc lấy nước uống; có thể chia làm 3 phần nhỏ sử dụng mỗi ngày.

Bài thuốc chữa viêm cầu thận, vàng da, đái ra máu: Sử dụng 30 gram rễ cỏ xước cùng với rễ cỏ tranh, mã đề, mộc thông, huyết dụ, lá móng tay, huyền sâm mỗi loại 15 gram; đem sắc lấy nước uống, chia làm 3 lần uống mỗi ngày.

Bài thuốc chữa thấp khớp đang sưng: Sử dụng rễ cỏ xước, nhọ nồi, hy thiêm thảo mỗi loạn 16 gram cùng với 20 gram phục linh và 12 gram ngải cứu, 12 gram thương nhĩ tử. Đem sao vàng rồi sắc lấy nước uống. Hoặc có thể áp dụng bài thuốc khác: dùng 40 gram cỏ xước, 30 gram hy thiêm, 10 gram thổ phục linh, 20 gram cỏ mực, 12 gram ngải cứu, 12 gram quả ké đầu ngựa; đem sắc lấy nước uống.

Cây cỏ xước có vị chua, đắng, có tính bình có nhiều công dụng điều trị bệnh

Bài thuốc chữa viêm đa khớp dạng thấp: Sắc lấy nước uống với các dược liệu: 20 gram rễ cỏ xước tẩm rượu (sao vàng); tang ký sinh, dây đau xương mỗi loạn 16 gram; độc hoạt, tục đoạn, đường quy, thục địa, bạch thược, đảng sâm, tần giao mỗi loại 12 gram; quế chi, xuyên khung mỗi loại 8 gram cùng với cam thảo và tế tân mỗi loại 6 gram.

Bài thuốc chữa bệnh gút: Sử dụng rễ cỏ xước, lá lốt, rễ bưởi bung, rễ cây vòi voi mỗi loại 15 gram, đem thái mỏng rồi sao vàng. Sau đó sắc đặc lấy nước dùng 3 lần mỗi ngày.

Bài thuốc chữa huyết hư, kinh nguyệt không đều: Sử dụng 20 gram rễ cỏ xước, 30 gram rễ gai cùng với cỏ cú, ích mẫu, nghệ đen mỗi loại 16 gram đem sắc lấy nước uống, sử dụng liên tục trong vòng 10 ngày.

Bài thuốc chữa suy thận, vàng da: Dùng rễ cỏ xước, mã đề (dùng cả cây), cúc bách nhật (cả cây), cỏ mực mỗi loại 30 gram; đem sắc lấy nước dùng.

Bài thuốc chữa xơ vữa động mạch, huyết áp cao, ù tai, mờ mắt: Sử dụng 16 gram cỏ xước, 20 gram cỏ mực, 16 gram đường quy, 10 gram nấm mèo cùng với hạt muồng (sao vàng), xuyên khung, hy thiêm mỗi loại 12 gram; đem sắc lấy nước uống, vớt bã nấm mèo ra nhai kỹ và nuốt trôi cùng với thuốc.

Bài thuốc trị mụn: Gĩa nhỏ cây cỏ xước rửa sạch, rồi đem đắp lên vùng bị mụn khoàng 20 – 30 phút. Mỗi ngày thực hiện 1 – 2 lần trước khi đi ngủ.

Bài thuốc chữa sổ mũi, sốt: Dùng cỏ xước và đơn buốt mỗi loại 30 gram, sắc mỗi ngày một thang thuốc.

Bài thuốc chữa quai bị: Giã nhỏ cỏ xước rồi vắt lấy nước cốt để sức miệng, phần bã được dùng để đắp lên vùng bị đau.

Bài thuốc chữa chóng mặt, nhức đầu, rối loạn tiền đình, co giật, táo bón: Dùng 30 gram cỏ xước cùng với 20 gram hạt muồng sao, đem sắc lấy nước dùng mỗi ngày.

10. Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây cỏ xước để điều trị bệnh, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Không sử dụng cây cỏ xước để điều trị bệnh cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với thành phần có trong dược liệu này.
  • Thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng có vấn đề về dạ dày, tiêu hóa, nếu sử dụng không đúng cách sẽ bị đau bụng, tiêu chảy.
  • Không sử dụng cho phụ nữ mang thai, bởi thuốc có thể gây ra quái thai. Phụ nữ cho con bú cần cân nhắc giữa việc cho con bú và sử dụng thuốc, bởi thuốc có thể truyền sang con thông qua đường cho bú.

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về cây cỏ xước. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng dược liệu này để điều trị bệnh khi chưa có chỉ định. Tốt nhất, bạn đọc nên tham khảo ý kiến tham vấn từ bác sĩ để có cách điều trị tốt nhất.

Xem thêm:

  • Nghệ vàng: công dụng, liều dùng, những bài thuốc & một số lưu ý khi dùng
  • Nga truật: Tính vị, Tác dụng dược lý và Một số bài thuốc

Dược liệu này không thay thế các loại thuốc đặc hiệu.

Từ khóa » Cây Cỏ Xước Công Dụng