"Cây Đàn Bỏ Quên" Của Nhạc Sĩ Phạm Duy Và Niềm Thắc Mắc Cả Một ...

Ca khúc Cây Đàn Bỏ Quên được sáng tác vào khoảng giữa thập niên 1940, là một trong những ca khúc được sáng tác vào thời gian đầu của sự nghiệp đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Duy. Lúc sinh thời ông từng chia sẻ về ca khúc này:

“Tôi làm bài hát Cây Đàn Bỏ Quên từ lúc mười tám đôi mươi tuổi. Lúc đó tôi tham lắm, đã được người yêu tặng một bông hoa, để bông hoa ấy trên cây đàn. Nhưng rồi tôi tự hỏi cô ấy yêu cây đàn hay yêu tôi? Bây giờ tôi già rồi nên chắc tôi không cần phải tự hỏi nữa. Cô đó cách đây cũng 70 năm rồi, chắc đã yêu cây đàn và yêu cả người già này nữa”.

Hôm xưa tôi đến nhà em Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn Đêm khuya thao thức mơ màng Chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ…

Click để nghe Elvis Phương hát Cây Đàn Bỏ Quên trước 1975

Mọi người yêu ca khúc Cây Đàn Bỏ Quên, ai cũng lấy làm thích thú trước việc bỏ quên lại cây đàn, vì nhạc sĩ cùng cây đàn là “vật bất ly thân” mà khi mang đến đến nhà người yêu, lúc ra về lại để quên lại cây đàn thường như hình với bóng một bên mình. Đó là vì tính nghệ sĩ đãng trí thường hay là quên thật, hay là chàng nhạc sĩ cố tình quên cây đàn để có cớ trở lại thêm lần nữa? Dù là lý do nào cũng đều dễ thương và thú vị cả.

Xem bài khác

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và ca khúc Đồn Vắng Chiều Xuân: “nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa…”

Cảm xúc về ca khúc “Biển Dâu” (Lê Dinh – Phương Trà) – “Tôi yêu người còn hơn yêu tôi…”

Bỏ quên cây đàn để rồi mong cho mau đến ngày trở lại nhà em: “Đêm khuya thao thức mơ màng- Chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ”. Tâm tình của chàng trai đang yêu thao thức trông chờ mơ màng đến bóng dáng người yêu, làm cho người nghe nhạc cảm thông được nỗi mong chờ của người bỏ quên cây đàn, trông mong gặp lại cô gái hơn là gặp lại cây đàn.

Hôm sau tôi đến nhà em Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi? Bông hoa trên phím tươi cười Người tiên tặng đoá hoa đời xinh xinh

Suốt đêm thao thức mơ màng để rồi hôm sau đến thì không gặp được em: “Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi”. Suốt cả bài hát không cho biết em đi đâu, chỉ biết là chàng trai tìm đến nhà không gặp em nữa mà chỉ thấy bông hoa của cô nàng để trên cây đàn của mình. Cây đàn còn đó, tiếng hát lời ca mới đây thôi như còn vương vấn lại mà em đâu rồi?

Bông hoa người tặng trên phím còn tươi, còn nằm trên phím đàn thay cho biết bao lời mà “người tiên” chưa nói. “Người tiên” có thể là người con gái đẹp như tiên, hoặc là cô tiên ở trên trời xuống trần gian, tặng cho chàng trai “đóa hoa đời xinh xinh” đẹp tươi rồi lặng lẽ biến mất như chuyện trong cổ tích…

Tôi nâng niu cây đàn, tình tang Đem về say đắm, tôi nâng niu hoa tàn, tình tang Khi bông hoa úa vàng, tình tang Lòng tôi vấn vương, nhớ người hay nhớ hương? tình tang

Tôi nâng niu cây đàn như nâng niu dư âm của người yêu để lại, cây đàn bây giờ không chỉ đơn thuần gảy lên những âm bản tình ca như trước nữa, vì cây đàn từ hôm qua đã vấn vương dư hương hình bóng của người đẹp. Tôi đem đàn về mà say đắm nhớ nhung, nhìn đàn và hoa mà nhớ nhung người trong mộng, nâng niu cánh hoa tàn úa mà tình hoa thì vẫn tinh khôi tươi tắn mãi.

Bông hoa úa vàng nhưng lòng thì mãi vấn vương. “Nhớ người hay nhớ hương?” Bông hoa úa vàng nhưng hương của cành hoa như hương ngày cũ mãi còn, cho lòng tự hỏi: “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ – Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?”

Người đã đâu rồi, cánh hoa em tặng còn đây một đóa hoa đời, một tình hoa bi ai mộng mị mà thắm thiết mãi trong lòng.

Đàn ôi, thôi cứ lên tiếng than Hay cứ reo nỗi hoan Trên đường lên viễn phương

Người ôi  Tôi thường hay muốn biết Với tình hoa thắm thiết Yêu tôi hay yêu đàn? Yêu tôi hay yêu đàn?

Giờ đây chỉ còn đây cánh hoa tàn và cây đàn đã từng tỏ tình mong nhớ ngày bên nhau. Bây giờ chỉ còn mỗi cây đàn và “tình hoa thắm thiết” mà người đã gửi lại. Đàn ôi, thôi cứ than lời tình ca dang dở hay cứ reo lên nỗi hoan ca từ ngày mình gặp nhau. Để “trên đường lên viễn phương”, người trai sông hồ sẽ ôm ấp niềm vui nỗi buồn này mãi để viết lên những bản tình ca dâng tặng cho người và đời.

Click để nghe Duy Trác hát trước 1975

Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ông sáng tác bài này tại Bà Rịa, khi đang trên hành trình thiên lý theo gánh hát Đức Huy, khi mới ở lứa tuổi đôi mươi. Vì vậy sau khi tạm ghé lại thì phải lên đường viễn phương, vĩnh viễn để lại sau lưng câu chuyện giữa hoa và đàn, mà lòng người cứ liên tục lặp lại câu hỏi rằng người yêu tôi hay yêu tiếng đàn của tôi? Cho đến cuối đời, nhạc sĩ mới tự trả lời được có lẽ là em yêu cả hai. Yêu thì yêu vậy nhưng vì lý do nào đó mà người con gái đã không đáp lại tình yêu của người nghệ sĩ, để bài hát mãi vấn vương người nghe nhạc, cảm xúc về một chuyện tình có đó rồi nhưng rồi lại không. Người đến rồi đi qua đời tôi như một giấc mộng liêu trai, thầm gửi lại đóa hoa đời tỏa hương mãi mãi.

Bài: Trương Đình Tuấn Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Share 0 Tags: phạm duy

Từ khóa » Cây đàn Bỏ Quên Phạm Duy