Cây đào Và đời Sống Con Người

Ngày xuân nói chuyện CÂY ĐÀO VÀ ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

Võ Văn Chi Đào (*), âm Bắc Kinh táo, do chữ (*) mộc chỉ nghĩa và (*) triệu, âm Bắc Kinh zhào, chỉ âm đọc, nghĩa gốc là quả đào, là một loại cây thuộc chi Prunus L.(từ tên Latin của một số loài, dẫn xuất từ chữ Hy Lạp proune hay hay prounos), họ Hoa hồng - Rosaceae. Năm 1753, Carl Linnaeus đặt tên là Amygdalus persica L. dựa trên mẫu vật thu thập ở Iran (Perse trước đây); đến năm 1801 Batsch xếp vào chi Prunus với tên là Prunus persica (L.) Batsch. Đào được trồng hơn 3000 năm trước đây ở Trung Quốc; sách Trung Quốc Cao đẳng thực vật đồ giám ghi là có ở Hà Bắc, Thiểm Tây, Cam Túc, Giang Tây, Giang Tô, Triết Giang, An Huy, Vân Nam, Tứ Xuyên và Quý Châu. Từ Trung Quốc, đào được trồng lan sang các nước có điều kiện, tới Iran, Italia, Pháp về phía tây, đến Nhật, Hoa Kỳ, Achentina, về phía nam tới Bắc Việt Nam và Bắc Lào. 1.Đào là cây ăn quả : Đào cùng với táo tây, lê, cam, quít, chuối, dứa là những loại quả quan trọng nhất thế giới, sản lượng hàng năm đạt tới 7-8 triệu tấn. Ở Việt Nam chúng ta, đào được trồng ở Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình vào Thanh Hóa và các vùng núi tỉnh Nghệ Tĩnh. Đến đây có thể xem là miền cực Nam của sự phân bố của đào. Bởi lẽ ở các vĩ tuyến thấp, đào chỉ là cây cảnh trồng để chơi hoa hơn là ăn quả vì cây đào gần như thoái hóa so với các miền ôn đới, nụ lá nhiều hơn nụ hoa, quả nhỏ, chua và ít nước. Chỉ ở độ cao trên 300-400m ở các vùng núi thì mới có những cây đào thực sự có hoa nhiều, quả to. Ngay những giống đào ngon nhất của ta như đào Vân Nam trồng ở SaPa (Lào Cai) và đào Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cũng còn thua nhiều so với các giống đào ngon của các vùng ôn đới nóng. Quả đào thuộc loại quả có màu sắc, hình dáng và hương vị vào bậc nhất. Đào của nước ta trồng ở vùng cao tuy ra hoa kết quả bình thường, quả cũng to và cũng đẹp nhưng vì chưa chọn giống nên hương vị còn kém. Mặt khác cây đào lại có nhiều sâu bệnh nếu khí hậu ẩm, cần phải chăm sóc nhiều, vùng khí hậu thích hợp cũng có phần hẹp hơn so với mơ mận. Ta có thể trồng để tự túc là chính, triển vọng xuất khẩu không nhiều. Ở Trung Quốc, quả đào vừa có màu sắc, hình dáng và hương vị thơm, nên được gọi là “tiên quả”. Đào ở nơi tiên cảnh, mà theo truyền thuyết Trung Quốc, đến ba ngàn năm mới có quả, lại càng rất quý, ăn vào sẽ trường sinh bất tử. Tây Vương Mẫu bày yến đào tiên ở Dao Trì để cùng các vị tiên thưởng lãm. Theo “Hán Vũ Cố sự” thì Đông Phương Sóc đã ba lần ăn cắp đào tiên của Tây Vương Mẫu đem về cho Hán Vũ Đế. Vì lẽ đó, đào tiên có thể hiểu như cụ Đào Duy Anh, là quả đào của người tiên, chỉ vật rất quý, tục xưa cho rằng ăn được quả đào ấy thì sống mãi không chết, khi cụ giải thích hai câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều : Đào tiên đã lấm tay phàm, Thì vin cành quít cho cam sự đời. Đào tiên cũng đi vào thơ văn gần đây. Nguyễn Phi Nguyện trong tập thơ ”Tiếng hát dòng sông” có bài Quả đào tiên Dang tay bắt quả đào tiên, Đào rơi xuống thế, tiên lên vườn trời, Thẫn thờ nhặt quả đào rơi, Ăn vào nhớ nước bên trời Tương Giang. Đào ăn quả trồng ở các vùng thấp ở Nghệ Tĩnh, trung du và đồng bằng thường là những giống thoái hóa, có thể ăn quả nhưng quả nhỏ, cứng, có nhiều lông, hương vị kém. Những giống vùng cao như đào Mẫu Sơn, đào Bắc Hà, đào Sapa … tốt hơn, ra hoa vào tháng 2-3 hoa nhiều nở rộ, quả cũng to, có chất lượng hơn nhưng không đều. Lại có đào dẹt, hình thù xấu xí, giống cái bánh chay, cuống quả và múi quả đều ở hai chỗ lõm xuống, loại quả này ngọt hơn, nhưng nhỏ, được nhập từ Trung Quốc vào đầu những năm 1970. Đào của nước ta quả khó bóc, thịt quả ít chắc thường dính với hạch nên không thích hợp cho công nghiệp đồ hộp. Đào quả thường có lông mịn ở mặt ngoài. Muốn ăn, người ta phải dùng khăn hay vải bao lấy quả, vò cho rụng hết lông mới thái lát hoặc cắn ăn. Người sang trọng thường dùng quả lăn trên những đĩa xôi cho lông dính hết vào xôi mới dùng ăn. Đào chín có nhiều nước, độ chua trung bình, rất dễ tiêu; cũng là loại quả rất được ưa chuộng. 2.Đào là cây cảnh chơi hoa : Ở nước ta, mục đích trồng đào để chơi hoa cũng quan trọng không kém để ăn quả. Tại Hà Nội và các vùng lân cận, nhân dân ta đã phát triển một nghề trồng đào chơi hoa thật sự. Đào cũng được trồng ở các công viên, vườn hoa làm cây cảnh. Tác giả quá cố Vũ Công Hậu đã viết trong cuốn “Trồng cây ăn quả ở Việt Nam” : Phải lên các miền núi Mẫu Sơn, Trà Linh, Đồng Văn, Bắc Hà, SaPa v.v… trong nước hoặc tốt hơn nữa là ra nước ngoài vào mùa xuân xem đào nở hoa thì mới xác nhận đào là một trong những cây cảnh đẹp nhất và sau mùa rét nở hoa tập trung, số lượng rất nhiều, không nở lẻ tẻ, xen giữa lá xanh như ở vùng thiếu lạnh. Ở đây cây đào cũng không cần những điều kiện đặc biệt; mọc chon von đầu núi, ở cả chỗ đất cằn, không làm cỏ, không bón phân, thậm chí lại bị chặt bẻ cành lớn nhưng cây vẫn đẹp, vẫn đỏ rực những hoa màu đào. Đào được nhân giống bằng hạt. Đời sống cây đào lại ngắn, công tác chọn giống đòi hỏi ít thời gian hơn các cây dài ngày khác. Do trồng trọt mà người ta đã tạo được nhiều thứ đào khác nhau. Ta thường phân biệt : -Đào bích, có hoa đỏ thắm, nhiều cánh xếp sít nhau; lá có màu lục đậm, nhiều cành, nhiều hoa. -Đào phai, có hoa màu hồng, lá có màu xanh nhạt hơn so với đào bích, cây có nhiều hoa. -Đào bạch, có hoa màu trắng, ít hoa. Nhà thơ Nguyễn Duy đã mô tả hoa đào : Đào đỏ, đào phai, đào trắng nữa, Mùa xuân chấm phá ở trong lòng. Hoa đào cũng đẹp như đời vậy, Nhờ dáng cành cây vấp vểnh cong. Lại có loại đào ăn quả có hoa màu hồng nhạt, một lớp cánh mà ta gọi là đào đơn, cây to lớn hơn so với các thứ đào khác. Người ta thường trồng nhiều đào bích, đào phai để lấy hoa, và đào ăn quả để lấy quả. Đào bạch tuy đẹp nhưng khó trồng hơn. Người ta thường ghép những mầm đào bích vào gốc đào phai để có hoa to, màu thắm hơn. Ở ngoại thành Hà Nội có vùng đào Nhật Tân nổi tiếng. Hoa màu hồng thắm, búp hoa mũm mĩm, cánh to. Một cành đào chuẩn thường đậu từ 300 đến 600 hoa đẹp. Cũng giống đào này nhưng trồng ở nơi khác thì sắc đào không còn vẻ thắm. Người sành chơi đào ở Hà Nội có thể nhìn sắc hoa đào bán ở chợ để biết hoa từ vùng nào đến. Theo nhà nghiên cứu Toan Ánh, hoa đào cắm trong phòng đã đẹp nhưng nguyên ở trên cây lại càng đẹp hơn. Ông kể lại theo sách xưa; Đời nhà Đường bên Trung Quốc, Thôi Hộ, trong tiết thanh minh đi dạo chơi đến một cánh vườn có hoa đào mọc chung quanh. Thấy hoa đẹp Thôi đứng ngắm cảnh. Rồi khát nước. Thôi gõ cửa nhà đó vào xin nước uống. Cửa mở ra, một mỹ nhân đã đón tiếp Thôi một cách ân cần. Đôi bên tuy e lệ nhưng bắt đầu có lòng mến nhau. Rồi Thôi ra về không quên mỹ nhân và mỹ nhân cũng hằng nhớ tới Thôi. Năm sau, tiết Thanh minh tới, nhớ cảnh, nhớ người. Thôi lại tìm đến chỗ cũ ! Ôi ! Sao mà vắng vẻ, cửa đóng then cài ! Không được gặp người năm trước. Thôi liền đề một bài thơ trên cánh cửa. Đề đỗ thành nam trung Tích niên kim nhật th môn trung Nhân diện đào hoa tương ánh hồng Nhân diện bất tri hà xứ khứ Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Được dịch như sau : Đề ở trại phía nam đô thành Cửa đây năm ngoái, cũng ngày này Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây. Má phấn giờ đây đâu vắng tá ? Hoa đào còn rỡn gió đông đây. (Tương Như) Lại có bản dịch khác cũng hay : Ngày này năm trước nơi đây Hoa đào người đẹp hây hây ánh hồng. Giờ đây người đẹp còn không ? Hoa đào năm ngoái gió đông cợt cười. Đề xong thơ, họ Thôi bỏ đi. Cách một thời gian, chàng lại tìm đến chốn này thì nghe trong nhà có tiếng khóc lóc thảm thiết. Có một ông già ra hỏi Thôi : -Ông có phải là Thôi Hộ không ? Con gái tôi thấy thơ ông để nơi cửa, sinh ốm bỏ ăn mà chết. Nghe nói, Thôi cảm động lắm, vào trong nhà ôm lấy áo quan khóc lớn; Thôi Hộ đã đến đây. Người con gái, với tiếng khóc của Thôi, đã sống lại. Từ sự tích trên, những khái niệm đào hoa, đông phong đã đi vào vần thơ. Nhiều bậc tiền bối của ta đã ca tụng hoa đào. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã 15 lần nói đến cây đào, quả đào, ví dụ :

Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Như vậy, Nguyễn Du nhắc lại cho ta biết hoa đào hớn hở cười với gió đông lúc xuân sang. Và khi hoa đào đã tàn màu thắm tức là hết mùa xuân, và đúng vào lúc cây sen vừa nẩy lá xanh là sang mùa hè : Mảng vui rượu sớm cờ trưa, Đào đã phai thắm, sen vừa nảy xanh. Hàn Mặc Tử, trong bài “Với bàn tay ấy”, nói chuyện về tình yêu, cũng liên hệ gió đào với hoa xuân : Những lời huyền bí tỏa lên trăng Những ý bao la gội xuống trần Những tiếng ân tình hoa bảo gió Gió đào thỏ thẻ bao hoa xuân. Thế Lữ, trong bài “Mua hoa” đã gợi ta đến cảnh xuân : Trông khóm đào, mai bán khắp đường Ta cười tưởng nhớ cảnh quê hương Bồng lai muôn thuở vườn xuân thắm Sán lạn, u huyền, trong khói hương. 3.Cây đào nở hoa tượng trưng cho ngày Tết cổ truyền : Chơi hoa đào trong dịp Tết Nguyên đán đã trở thành tập quán đối với nhân dân ta, cũng có thể nói hoa đào tượng trưng cho ngày Tết ở miền Bắc, bởi vậy khi xuân tới, mỗi nhà thường cố cho có một cành đào để trưng bày ở phòng khách hoặc để cắm ở bàn thờ tổ tiên. Mùa hoa đào báo hiệu mùa xuân. Việc thưởng ngoạn hoa đào không riêng ở nước ta, mà ở Trung Quốc, cũng có mao đào, bạch đào. Người ta thường cắt cây đào gần sát gốc vào khoảng 25-28 tháng chạp để đem trưng bày vào dịp Tết. Chơi hoa đào, ngoài ý nghĩa chơi hoa trong ngày xuân, người ta còn bảo tồn cổ tục dùng cành đào để trừ ma quỷ, nghĩa là người ta còn nhằm vào ý nghĩa thiêng liêng. Về ý nghĩa thiêng liêng này, theo tác giả Toan Ánh, đã có một sự tích như sau : Xưa ở núi Sóc có một cây đào lớn. Dưới gốc cây đào này có hai vị thần trú ngụ là Thần Trà và Uất Lũy. Hai vị thần này cai quản một bầy quỷ. Mỗi khi có quỷ nào đi quấy nhiễu dân gian, dân gian kêu tới hai vị thần này, quỷ đó lập tức bị trừng phạt ngay. Để cho quỷ khỏi tới lộng hành, tranh cướp đồ cúng của Tổ tiên trong ngày Tết, người ta cắm trên bàn thờ một cành đào, lũ quỷ trông thấy cành đào không dám bén mảng tới. Tục cắm cành đào trên bàn thờ bắt đầu có và dần dần từ sự thờ cành đào người ta chuyển sang sự chơi hoa đào. Khi chặt cành đào ở vườn về, muốn giữ cho hoa được bền và làm cho tất cả nụ hoa đều nở, trước khi cắm vào bình có đựng nước, cần phải đốt qua cuống cành, ở nơi đã chặt, như vậy nhựa luyện trong cành hoa không chảy xuống nước mất đi, trái lại cành hoa lại hút được nhiều nước để nuôi các cành nhỏ và hoa lá. Thường cành đào lúc mới chặt chưa có hoa, chỉ nhu nhú nụ, sau khi được đốt, cắm vào bình một đôi ngày, hoa mới bắt đầu nở dần, và cả lá cũng đâm ra. Cành đào có thể giữ chơi được lâu hơn. Các cụ của chúng ta thích loại đào thất thốn, nghĩa là thứ loại đào cao không quá bảy tấc, hoa đỏ đậm hơn hoa đào có quả, và cũng có nhiều hoa hơn. Những cành đào thất thốn dùng cắm trong ngày Tết chi chít những hoa đỏ thắm, không có lá trông thật đẹp. Muốn có đào thất thốn được lớn khỏe, cao hơn chính giống, người ta thường dùng cành loại đào này ghép vào thân cây đào thường, loại đào lông có quả rất dễ trồng ở xứ lạnh. Muốn có đào nở đúng dịp Tết, người ta phải bỏ cành, tuốt lá, ủ gốc, đó là những thủ pháp mà người lao động hàng hoa Nhật Tân đã kế thừa được của ông cha để cốt sao đào phải nở đúng Tết. Thường cứ khoảng ngày 15 tháng 11 âm lịch, người ta tuốt hết lá là hoa sẽ nở đúng dịp. Người ta say mê vun bón ngày đêm suốt tháng chạp để đạt được ngày giờ đã định cho đào nở hoa. Nếu cao tay hơn, người trồng hoa có thể thúc cho cành đào đâm những quả đào sớm nhỏ li ti như nụ hoa lá sau Tết chừng mười hôm. Đó là “lộc” mà những người lao động ở tất cả các nghề các ngành đều ước mơ có sự may mắn và có lộc trong năm mới. Người mua hoa cũng ao ước mua được cành hoa Nhật Tân chuẩn như vậy. Ngày nay, đào bích không chỉ trồng ở miền Bắc mà cũng đã được trồng thành công ở Đà Lạt. Ngày Tết, các cành đào Đà Lạt cũng góp phần trang điểm cho phòng khách và bàn thờ của các gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, thay thế cho cành hay chậu mai vàng. 4.Đào đi vào tình cảm, vào cuộc sống của nhân dân ta : Màu đỏ tươi của hoa đào rất hợp với cảnh xuân lạnh miền Bắc Việt Nam . Cành đào làm cho căn phòng thêm huy hoàng, tươi sáng. Đào không có hương thơm, nhưng sắc của hoa đào hợp với khung cảnh Tết, làm tăng hương sắc của các hoa khác trong dịp xuân, tăng thêm ý vị của ngày Tết dân tộc, đem đến niềm vui và hạnh phúc cho mỗi gia đình. Đào đã thật sự đi vào văn hóa Việt Nam . Đào cũng đã đi vào tâm hồn người Việt. Dân làng Nhật Tân còn truyền tụng câu chuyện là : Khi Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh và tiến về Thăng Long, dân làng Nhật Tân đem đến tặng vua và đoàn quân chiến thắng nhiều cánh đào thắm của làng hoa Hà Nội. Và sau chiến thắng, vua Quang Trung cũng cho người tốc hành mang cành đào vào báo tin cho Ngọc Hân công chúa và làm quà tặng ngày xuân. Đào đã đi vào thơ văn. Trong Cung oán ngâm khúc, có những câu thơ liên quan đến hoa đào : Ánh đào kiếm đâm bông não chúng Khóe thu ba gợn sóng kinh thành Đào kiếm là má đào; má người con gái đẹp đỏ hồng như hoa quả đào chín. Sân đào lý mây lồng man mác Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng Đào lý là cây đào, cây mận (thường trồng ở sân nhà quyền quý) chỉ người quyền quý. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du viết về người con gái đẹp Xót thay đào lý một cành Một phen mưa gió tan tành một phen. Trong Bích câu kỳ ngộ có câu : Mày liễu mặt hoa, đào nguyên một lối đâu mà tới đây. Đào nguyên là nguồn suối nơi trồng nhiều cây đào có hoa rơi đầy mặt suối, chỉ nơi tiên ở, có cảnh đẹp. Ta cũng hay nói số đào hoa; chỉ người con trai được nhiều phụ nữ yêu mến hoặc dùng Liễu yếu đào tơ để chỉ người con gái trẻ mảnh mai, yếu ớt. Người ta còn đặt nhiều tên cây có liên quan đến đào : Ké hoa đào, Muồng hoa đào, Đào lộn hột, Phi đào thảo v.v… 5.Đào là cây thuốc quý : Nhiều bộ phận của cây được sử dụng làm thuốc trị bệnh từ lâu đời trong nhân dân ta : (Hình cây đào làm thuốc) 1. Quả đào : (Đào tử) quả đào không chỉ là loại quả dùng ăn ngon mà còn là vị thuốc. Trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh viết : Đào tử : Quả đào, vị cay chua, ngọt, tính nhiệt và độc, ăn ít thì bổ khí đẹp da, ăn nhiều thì phát nhiệt, đổ mồ hôi. Trong Lĩnh Nam bản thảo, quyển thượng, Hải Thượng Lãn Ông ghi : Đào tử ấy tên gọi quả đào Cay, chua, ngọt, nóng, độc xen vào Ăn vừa thêm khá, tươi nhan sắc Ăn lắm thì sinh phát sốt cao Ngày nay người ta đã biết thịt quả chứa chất màu (carotenoid, lycopen, cryptoxanthin, zeaxanthin), 15% đường, acid hữu cơ (acid citric, tartric), vitamin C, acid chlorogenic, tinh dầu v.v… Quả đào có vị ngọt chua, tính ấm có tác dụng sinh tân, nhuận tràng, hoạt huyết, tiêu tích. 2. Hạt đào : (Đào nhân) Quả đào có ba lớp vỏ, lớp vỏ ngoài có màu sắc và có lông, vỏ quả giữa nạc dùng ăn và vỏ quả trong hóa gỗ mà ta gọi là hạch đào. Phải đập vỡ hạch mới có nhân bên trong, tức là hạt đào thực sự. Hạt đào là vị thuốc chủ yếu của cây đào được sử dụng ở nước ta, ở Trung Quốc và nhiều nơi khác. Tuệ Tĩnh đã viết trong Nam dược thần hiệu : Đào nhân : Óc hạt đào vị ngọt hơi đắng, tính bình không độc, công dụng hạ khí nhuận tràng, thông huyết ứ thành hòn, điều kinh, chữa các chứng tê thấp, lan nóng âm ỉ trong xương. Hải Thượng Lãn Ông đã viết trong Lĩnh Nam bản thảo, quyển thượng : Đào nhân tục gọi nhân hạt đào Lành, ngọt, bình, hơi đắng, có dầu Hạ khí, nhuận tràng, thông máu cục Điều kinh, trừ tỳ (tà) nóng xương lao. Và trong quyển hạ : Đào nhân tính nó vốn cam hàn, Thông kinh nhuận hoạt, đại tràng an, Ứ huyết, thổ đờm, đều chữa được, Đào nhân làm chủ giải thiên nan, Cách dùng bỏ vỏ sao cho kỹ Huyết hà huyết khối thảy tiêu tan. Ngày nay, chúng ta biết là hạt đào chứa 50% dầu béo, 3,5% amygdalin, 0.40-0,70% tinh dầu, men emusin, acid prusic, cholin, acatylcholin, các acid béo gồm acid palmitic, arachidic, palmitoleic, oleic, linoleic, gadoleic, licosatrenoic. Các sterol gồm cholesterol, (Alpha 5) campesterol, (Beta-) sitosterol, (Alpha5) avenasterol, (Alpha7) stigmasterol. Đào nhân có vị đắng ngọt, tính bình, có tác dụng phá huyết thông kinh, thông tiện, giáng áp chỉ khái. Được dùng trị mụn nhọt, kinh bế, phụ nữ sinh đẻ xong đau bụng, viêm ruột thừa, bí đại tiện, chó dại cắn. Liều dùng 4,5-9g sắc nước uống. Đào nhân để nguyên vỏ lụa và đầu nhọn, giã giập dùng sống có tác dụng phá huyết; nếu ngâm nước nóng cho tróc vỏ lụa, cắt bỏ đầu nhọn, sao vàng thì có tác dụng hoạt huyết. -Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng máu : Đào nhân, Hồng hoa, Ngưu tất, Tô mộc, Mần tưới, Nghệ vàng, mỗi vị 8-15g sắc uống. -Chữa bí đại tiện : Đào nhân 40g luộc ăn vào lúc đói. -Chữa bại liệt nửa người : Lấy 2000 nhân hạt đào đã bóc vỏ cho vào 1,5 lít rượu đế ngâm 21 ngày, sau đó vớt nhân đào đem phơi khô sấy giòn, tán nhỏ mịn, trộn với nước cháo cho vừa dẻo làm viên to bằng hạt đậu đen, mỗi ngày uống 30 viên với một thìa rượu ngâm nước của nó. -Chữa đau vùng tim đột ngột : Lấy 30g nhân hạt đào bóc vỏ giã nhừ, cho vào một chén nước đun kỹ để uống 3 lần. 3. Hoa đào : (Đào hoa) có vị đắng tính bình, không độc, có tác dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được dùng trị thủy thũng, cước khí, tiêu đàm, tích trệ, đại và tiểu tiện bất lợi, kinh bế. Liều dùng uống trong 4-8g, dạng thuốc sắc, dùng ngoài giã hoặc tán bột bôi, rắc. Tuệ Tĩnh đã sử dụng hoa đào để trị bệnh sản hậu, đại tiện không thông : Hoa đào phối hợp với hạt Vông vang, hoạt thạch, hạt cau già với liều lượng bằng nhau, phơi khô, tán mịn lấy bột; mỗi lần uống 8g với nước trắng vào lúc đói. Để làm sắc mặt tươi đẹp, da dẻ mịn màng : Dùng hoa đào tán nhỏ, trộn với máu mào gà, bôi lên mặt, khoảng 2-3 ngày sau, thuốc tróc đi, da sẽ mịn màng. Để chữa chàm mặt, dùng hoa đào phơi hay sấy khô, tán mịn, uống mỗi lần nửa thìa cà phê với nước ấm. Để chữa phù, đại tiện táo bón, dùng hoa đào 3-5g, sắc uống. 4. Cành đào (Đào chi) Hải Thượng Lãn Ông ghi trong Lĩnh Nam bản thảo, quyển hạ : Đào mộc Bắc quốc đào viên kết bạn hiền Hồng hoa lá biếc, thực đào tiên, Lá kia sắc uống máu thăng thượng Cành nó đem ăn đau nhức yên. Cành đào có vị đắng, tính bình, dùng trị trẻ em ra mồ hôi trộm, lao phổi ho ra máu, đau vùng tim bụng, các vết mẩn sưng do côn trùng đốt. Liều dùng uống trong 40-80g dạng thuốc sắc; dùng ngoài nấu nước rửa. 5. Vỏ thân, vỏ trắng của đào (Đào thụ bì) : Vỏ thân đào có vị đắng, tình bình, không độc; dùng trị thủy thũng, sán khí phúc thống, phế nhiệt suyễn muộn, tràng nhạc, mụn nhọt sưng lở, bỏng, cháy. Uống trong, dùng 12-20g, dạng thuốc sắc; dùng ngoài giã nát đắp hoặc nấu nước rửa, nước súc miệng. Ø Chữa phù thũng : Vỏ đào ngâm rượu uống. 6. Lá đào (Đào diệp) : Lá đào có vị đắng, tính bình, có tác dụng khử phong thấp, thanh nhiệt, sát trùng. Được dùng trị cảm mạo phát sốt, đau đầu, phong tê, sốt rét, đại tiện không thông, loét dạ dày, mẩn ngứa, lở chân. Dùng trong, sắc nước uống; dùng ngoài nấu nước rửa hoặc giã đắp. Người ta đã biết trong lá đào có amygdalin, tanin, courmarin, chất vô cơ; còn có 3 loại men pectin esteraze; cũng cần lưu ý là trong lá đào có acid cyanhydric có thể gây ngộ độc. Lá đào là vị thuốc thường dùng trong dân gian; dùng vỏ tươi xát tắm trị ghẻ lở, mẩn ngứa, chốc đầu, dùng ngâm chữa viêm kẽ chân. Cũng dùng phối hợp với lá dâu tằm giã đắp tại chỗ chữa vết thương, vết đứt. -Chữa đại tiện không thông; dùng lá đào một nắm to, giã vắt lấy nước cốt uống. -Chữa sốt rét : Lá đào tươi 70g, nấu nước uống ngày 1 lần, uống liên tiếp trong 5 ngày. -Chữa mày đay : Lá đào 500g, thái nhỏ, ngâm vào 500ml cồn hay rượu ngon trong vòng 2 ngày, lọc bỏ bã, lấy nước bôi, ngày 2-3 lần. -Chữa chốc lỡ, rôm sẩy, sưng âm hộ : Giã lá đào tươi xoa, xát. 7. Rễ đào (Đào căn) Rễ đào có vị đắng, tính bình, không độc. Dùng trị hoàng dàn, thổ huyết, nục huyết, kinh bế, ung thũng và trĩ. Uống trong, dùng 80-120g, sắc nước; dùng ngoài nấu nước rửa. -Chữa phụ nữ nhiều năm kinh không thông, da vàng, môi trắng, bụng có khối u : Rễ đào 600g, rễ Ngưu bàng 600g, rễ Cỏ roi ngựa 600g, Ngưu tất 1200g. Các vị chặt nhỏ, cho vào 60 lít nước, đun sôi cô đặc còn 20 lít, lọc bỏ bã. Uống trước bữa ăn với rượu nóng, ngày 2 lần, mỗi lần độ 15-20g. 8. Nhựa đào (Đào giao) : Tuệ Tĩnh đã ghi trong Nam dược thần hiệu : Đào giao : Nhựa cây đào, vị đắng, tính bình và rất mạnh, công dụng hành huyết trừ tà, làm cho đậu hãm có thể mọc lại, thông đái gắt, giải nhiệt khát, trị hư lao. Hãi Thượng Lãn Ông ghi trong Lĩnh Nam bản thảo : Đào giao tục gọi nhựa cây đào Vị đắng, tính bình, tính mạnh sao Thông huyết, trừ tà, giương đậu hãm Chữa lâm, giải khát, nóng hư lao Ngày nay, chúng ta biết trong nhựa đào có l- arabisone, d- xylose, l- rhammose và acid d-glucuronic. Đào giao có vị ngọt đắng, tính bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ lỵ, dùng trị đái ra sỏi sạn, đái ra máu, đái ra dưỡng trấp, đái đường, lỵ. Uống trong, dùng 20-40g, sắc nước hoặc làm hoàn, tán. - Chữa đái ra dưỡng trấp : Nhựa cây đào 12-20g tán nhỏ, uống với nước sắc. Dây tơ hồng (30g) làm thang. -Chữa đái đường : Dùng nhựa đào 20g tán bột uống với nước sắc Địa cốt bì (vỏ rễ Câu kỷ) và râu ngô, mỗi vị 30g làm thang. 9. Tầm gửi cây đào (Đào ký sinh) Tuệ Tĩnh ghi trong Nam dược thần hiệu : Đào ký sinh : Tầm gửi cây đào, vị đắng cay, tính không độc, trị lao trẻ con, đái vàng xương giơ, mặt xanh bủng, trị trúng thuốc độc, đau tim. Hải Thượng Lãn Ông ghi trong Lĩnh Nam bản thảo : Đào ký sinh tầm gửi cây đào, Đắng cay, lành, chữa trẻ em lao Đái vàng, xương lộ, mặt xanh thủng Bệnh cổ, tim đau, chữa khỏi mau. 10. Quả đào héo (Đào nô) Tuệ Tĩnh ghi trong Nam dược thần hiệu : Đào nô : Quả đào héo trên cành, vị đắng, tính hơi ấm và hơi độc, công dụng trừ các khí độc, phá hòn cục, trừ trúng ác, có thai bị thương ra huyết, trừ nọc sốt rét. Lấy quả đào còn non, xanh mà tự khô héo còn dính trên cành là đúng. Hải Thượng Lãn Ông ghi trong Lĩnh Nam bản thảo. Đào nô là quả héo trên cành Vị đắng, hơi ôn, tính cũng lành Phả kết, trừ tà và trúng ác Thai tổn thương, sốt rét cũng lành. Ở Trung Quốc, người ta dùng quả non còn xanh bị rụng được phơi hay sấy khô (bích đào can). Nó có vị chua, đắng, tính bình, có tác dụng chí huyết, liễm hãn, dùng chữa ra mồ hôi trộm, di tinh, thổ huyết, ra máu trong thời kỳ mang thai. Có thể nói, ít có loại cây nào có nhiều ý nghĩa đối với con người về mọi mặt như cây đào

Từ khóa » Dải Lụa đỏ Trên Cây Tầm Gửi