CÂY DỪA - CÂY CỦA SỰ SỐNG
Có thể bạn quan tâm
Rất khó có loại cây trồng nào như cây dừa. Dù “ba chìm bảy nổi” do lắm thứ, nhưng dừa vẫn một mực thủy chung đi theo con người như hình với bóng. Dừa cùng với con người không chỉ trong chiến đấu, mà còn góp phần đắc lực trong việc xây dựng lại quê hương. Dừa thủy chung với con người từ cái ăn đến chỗ ở, từ mở mắt chào đời đến răng long tóc bạc, mà lá dừa vẫn “tươi xanh mãi đến giờ”.
Theo thống kê năm 2010, cả nước có khoảng 200.000 ha dừa. Cây dừa có mặt từ Bắc chí Nam, nhiều nhất là đồng bằng sông Cửu Long với trên 70% diện tích, kế đến là các tỉnh Nam Trung bộ từ Đà Nẵng trở vào. Dừa không chỉ sống ở đồng bằng, mà cả miền trung du, đồi núi chập chùng cũng có dáng đứng của dừa. Dừa sống sung túc những vùng nước ngọt, phù sa quanh năm tươi mát, dừa vẫn sống tốt cùng nước lợ, thậm chí còn tạo thêm nét duyên dáng cho bãi biển Quảng Ninh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Bình Thuận, Vũng Tàu,… Ở đâu và bất kỳ hoàn cảnh nào, dừa cũng “đem lại mọi thứ cần thiết cho đời”.
Các nước phương Tây không có trồng dừa, nhưng con người nơi đây coi nước dừa như “nước của sự sống”. Ở Malaysia, dừa là một loại “cây có cả ngàn công dụng”. Còn đối với Philippines, dừa được gọi là “cây của sự sống”. Trong các nghi lễ tôn giáo của đạo Hindu (Ấn Độ), quả dừa được dâng lên các vị thần. Sản phẩm từ dừa là một phần của lễ khai mạc hay khánh thành công trình xây dựng, nhà cửa, tàu bè, v.v.. ở nhiều nước châu Á. Người dân bang Kerala ở miền nam Ấn Độ coi nó là "Quê hương của Dừa". “Cũng giống như cây dừa càng lâu năm thì càng ngọt, đời sống người theo Chúa Cứu Thế lâu chừng nào càng ngọt ngào thể ấy” - Mục sư tiến sĩ Ngô Minh Quang đã so sánh như vậy.
Nhưng dừa có tự bao giờ? Câu trả lời đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Nhà thơ Lê Anh Xuân từng “hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ?” và “Nội nói: Lúc nội còn con gái/Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân”.
Không biết cớ sự gì mà người đời lại “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”. Tôi tự hỏi dừa Bến Tre có gì lạ?. Ngoài diện tích hiện có trên 52.000ha, ở đây “dừa che bộ đội, dừa vây quân thù”. Dừa cũng biết lợi dụng sức chảy của nước, mà đoàn kết lại để tạo nên “bè thần” đánh sập cầu Bình Chánh, cắt đứt huyết mạch giao thông bộ, ngăn bước tiến của quân thù trên Tỉnh lộ 26 xưa. Dừa là trạm canh gác giặc, là điểm “chém dè” lúc túng đường khi giặc ruồng bố, là cột cờ của quân giải phóng, là “trạm thông tin” dán áp-phích tuyên truyền cổ động,… và cũng là nơi làm rơi rụng mấy chiếc trực thăng. Dừa không chết, dừa rất ngoan cường: “Dừa bị thương dừa không cúi xuống/Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời/Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng/Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài”. “Lá dừa xanh long lanh ánh nắng/Theo đoàn quân thành lá ngụy trang /Nếu rụng xuống dừa ơi không uổng/Dừa lại cháy lên ánh đuốc soi đường” (Thơ Lê Anh Xuân).
Dừa là vật liệu cho con người làm nhà che nắng, che mưa, là cái nôi cho trẻ thơ, là cái giường cho tuổi già yên giấc ngủ. Trong lúc khốn khó, không chỉ có “cầu tre lắc lẻo”, mà “cây cầu dừa” bắt nối đôi bờ se duyên trai gái và trong thực tế rất vững chãi để nối lại tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau.
Con người đã sớm biết kết hợp chất béo của dừa, vị ngọt đậm đà của mía, độ mặn nồng của biển, hòa quyện với hương thơm đồng nội để tạo nên hương vị quê hương. Tép rang dừa, cá bống kho dừa, mắm chưng với nước cốt dừa, bí rợ hầm dừa… là những món ăn thường nhật khó quên. Lươn um dừa, ếch, nhái xào dừa, thịt trâu xào lá lốt, thịt bò xào lá cách với nước cốt dừa ngon hết chỗ chê. Trong những ngày tư, ngày tết, dù nghèo cũng phải có nồi thịt heo kho tàu với dăm ba trứng vịt và tôm lóng, nhưng kho với nước dừa thì càng thấm đậm tình người, tình đất. “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” đi vào thơ ca và đến nay vẫn giữ vững thương hiệu, “Kẹo Mỏ Cày vừa thơm, vừa béo” tiếng bay khắp gần xa, cũng có sự góp mặt của dừa.
Con người đang “phanh da xẻ thịt” cây dừa để làm tăng thêm giá trị. Những bàn tay người thợ đã “thổi hồn” vào cây dừa để tạo ra hơn 2.500 sản phẩm phục vụ cho đời. Đến cơ sở thủ công mỹ nghệ Trường Ngân, thân và gáo dừa làm đũa, muỗng, nĩa, đĩa, bình, ly, tách, hộp đựng thuốc, gạt tàn thuốc, gương, lược, túi xách tay, đồi mồi, tôm, cua, ếch, nhái, bình hoa, có cả các loại cúp bóng đá,… trông thật là xinh. Rất khó tưởng tượng nổi ở đồ chơi cho trẻ em, ngoài búp bê còn có cả xe lôi có người kéo, đến xe ngựa, xe lôi đạp, xe lôi máy, rồi Vespa, xe Jeep,… ẩn chứa một ý nghĩa thật thú vị: “Ôn lại kiến thức cho đời”. Chà dừa (có người gọi là râu) là sản phẩm lồng đèn, lẵng hoa. Mo nan làm thuyền hoa. Cọng lá dừa có giỏ xách, lẵng hoa. Sơ dừa làm đủ các loại thảm hình thù con thú, con cá. Trái dừa nào có hình dáng đẹp thì làm 12 con giáp, năm nào con đó, nhưng “lọt vào năm Thìn và Tỵ, với Rồng và Rắn thì dài mà trái dừa lại tròn, phải mất gần 3 năm mới tạo được hình thù” – ông chủ cơ sở Trường Ngân lúc còn sống đã nói vậy. Còn trái dừa xấu thì làm giò lan, tổ chim, cũng xuất kgẩu sang được các nước khó tính như Pháp, Hà Lan. Trái dừa điếc cũng đến được Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với biểu tượng trái bóng bầu dục. Trầm lặng vào hình thù ngộ nghĩnh của 3 chú khỉ đang che mắt, che tai và che miệng sẽ lóe lên một triết lý phương Đông: “Việc xấu không nhìn, lời xấu không nghe, nói có hại cho người không nói”.
Dầu dừa thô là mặt hàng truyền thống, nhưng vì sức cạnh tranh yếu nên nhường chỗ cho cơm dừa nạo sấy, sản xuất ra để xuất khẩu, đem về ngoại tệ cho đất nước. Kẹo dừa vẫn là mặt hàng có thương hiệu mạnh. Sản phẩm mới là sữa dừa và bột sữa dừa ra đời góp mặt cùng bè bạn gần xa. Nước dừa ngày xưa không sử dụng, cùng lắm là mấy bà mấy chị nông dân nấu kẹo lại, gọi là nước màu dừa, nay vẫn hái ra tiền, thậm chí là ngoại tệ, nay lại thêm một sản phẩm có cái tên mới đó là thạch dừa. Vỏ dừa có hai thành phần chính, chỉ xơ dừa ngoài việc làm các loại thảm, còn một phần cùng với mụn dừa tạo ra nhiều sản phẩm khác như ván lót sàn, nệm ghế,… phục vụ cho người.
Dừa có gần như toàn bộ dưỡng chất cần cho cơ thể. Trẻ bị tiêu chảy được khuyến khích uống nước dừa pha muối. Nước dừa làm đẹp da, mượt tóc và từng được dùng làm dịch truyền trong Thế chiến thứ II và trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mỹ của nhân dân Việt Nam,… Nhân dừa non rất tốt cho tiêu hóa, dùng chữa các bệnh viêm loét dạ dày. Vỏ xanh, xơ ở ngoài được dùng rửa vết thương, bỏng, chàm, lở. Sọ dừa đốt thành than cầm tiêu chảy, chống phóng xạ. Cùi non ăn bổ tâm tì, cùi già ép lấy dầu, bó chữa gãy xương, chế mỹ phẩm. Rễ dừa cầm máu, lợi tiểu,…
Từ dừa, tất cả đều hái ra tiền và cùng góp mặt với xã hội, giải quyết hàng chục ngàn lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Không chỉ có xoá đói, giảm nghèo, mà còn tham gia tích cực cho phát triển về sau.
Đúng là từ trong nhà bếp, bàn ăn đến phòng ngủ, phòng khách sang trọng, từ đồ chơi của trẻ em đến gương, lược của phụ nữ, cây gậy cho người già, từ trong nhà đến những nơi trang trọng, từ trong nước ra nước ngoài, thậm chí còn “ngang nhiên” đến các thị trường khó tính, cũng có mặt sản phẩm từ dừa.
Dừa làm nhạc cụ, dừa đi vào làng tranh Đông Hồ, vào nhạc, vào thơ. Nhạc sĩ Giao Tiên khắc họa cây dừa Bình Định rất đỗi tự nhiên, nhẹ nhàng, đầm ấm và sâu lắng: “Dừa ơi dừa bao nhiêu năm tháng/Cho anh thuở dừng chân dịu dàng/Dừa ơi em cùng yêu nước non/…/Yêu dừa xanh yêu cuộc sống lành/Gặp chàng Trường Sơn tay trắng/Hẹn nhau dừa lớn nên duyên/Thương nhau mốt đợi mai chờ/Thương nhau đắp bồi cho dừa/Dừa càng cao duyên quê thắm đượm/Bởi vì em là cô gái Tam Quan/…
Xung quanh cây dừa chỉ có nhớ và thương. Đối với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thì “Mỗi lúc đi xa, dừa ơi ta nhớ lắm nghe”. Nhớ là nhớ cái “Vườn trái trái xum xuê, biển khơi tôm cá đầy ghe, nhớ con sông dài Hàm Luông bến ta quen ghé, lại nhớ tóc ai dài còn mang dáng đứng Bến Tre”. Một nhạc sĩ khác thì lại thương cái “dáng đứng Bến Tre” ở chỗ “Áo bậu đỏ cánh kiến, da bậu vàng phù sa”, “Mắt ngời xanh nước biển, tim bậu hồng lòng qua”, thương ở tiếng “Guốc bậu rụng tiếng lá, thoang thoảng mùi làm duyên, thoáng mùi thương quá đỗi - mùi tình Lục Vân Tiên”, thương còn ở “Bóng dừa vương áo mỏng, in đậm chùm yêu thương”. Quá thương, nên nhạc sĩ bật lên thành tiếng “Chèn ơi quá dễ thương!”
Nhìn người để ngẫm lại ta. Chỉ có một sản phẩm là nước dừa đóng chai, mà năm 2009, Mỹ đã thu về 50 triệu USD. Vậy là cây dừa ở Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng. Có lẽ, cái đang cần khắc phục chính là ở chỗ lợi ích cá nhân, chỉ muốn một mình ăn trọn, mặc cho cây dừa đốn rồi lại trồng, trồng lại đốn. Nhưng đối với nhà thơ Trần Đăng Khoa, cây dừa vẫn hồn nhiên, không buồn: “Tiếng dừa làm dịu nắng trưa/Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo/Trời trong đầy tiếng rì rào/Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra.../Đứng canh trời đất bao la/Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi” (Cây dừa – Trần Đăng Khoa).
(25-04-2014)
Nguồn: www.bentre.gov.vn/festialdua