Cây Gáo Trắng - Giống Cây Mới Trong Lâm Nghiệp - Báo Tuyên Quang

Ông Lâm Thành Trung, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình cho biết, tại một số diện tích trồng keo nhiều chu kỳ xuất hiện nấm bệnh, khiến một số khoảnh rừng cây keo bị chết đứng nhiều năm nay, chưa có hướng khắc phục. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, đơn vị quyết định lựa chọn cây gáo trắng vào thay đổi chu kỳ đất, vì đây là loài cây có ý nghĩa lâm học, có khả năng thúc đẩy quá trình tái sinh lỗ trống rừng mưa nhiệt đới, phục hồi rừng thứ sinh nghèo kiệt.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình cây gáo trắng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình.

Tại nhiều địa phương, các nhà khoa học lâm nghiệp đã đánh giá cây gáo là cây “kỳ tích”, là một trong những cây gỗ tốt có tiềm lực cực lớn để gây rừng nhân tạo mọc nhanh, chỉ sau 5 - 8 năm là có sinh khối gỗ đạt từ 150 m3/ha trở lên. Gáo có thân thẳng đứng, gỗ vàng nhạt kết cấu đều, sợi thô và dài, không có mùi vị đặc trưng, dễ chế biến, khô nhanh, không dễ nứt, tính năng bám sơn tốt. Gỗ gáo dùng để sản xuất đồ gia dụng, thùng xe, trang trí kiến trúc, là nguyên liệu tốt để làm ván sợi nhân tạo, ván MDF, bột giấy... Ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, vỏ và lá của cây gáo này còn được chế biến làm dược liệu và làm thức ăn phục vụ cho chăn nuôi đại gia súc; đặc biệt là có tác dụng phục hồi rừng nghèo kiệt.

Mô hình được trồng khảo nghiệm bằng hạt theo hướng tập trung ở 2 mật độ khác nhau, đó là 1.300 cây/ha và 1.600 cây/ha để làm cơ sở đối chứng so sánh. Hiện nay toàn bộ diện tích cây gáo trắng được trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Tuyên Quang, sinh trưởng và phát triển tốt. Mục tiêu của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình là chăm sóc 9 ha gáo đạt sinh khối yêu cầu, đồng thời xây dựng mô hình nhân giống cây gáo trắng bản địa bằng hạt, sản xuất trên 50 nghìn cây giống phục vụ nhu cầu sản xuất của đơn vị và người dân. Qua đó, cung cấp vùng nguyên liệu cung cấp cho 2 nhà máy lớn của Tuyên Quang, đó là Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang và nhà máy giấy An Hòa.

Bà Phạm Thị Lành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, việc ứng dụng và thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho bà con nông dân. Trong giai đoạn tới, ngành tiếp tục đề xuất thực hiện các dự án đưa vào trồng một số cây trồng bản địa như cây chò chỉ, mục tiêu là tiếp tục nâng cao năng suất rừng trồng, đa dạng hóa cơ cấu giống cây lâm nghiệp cho người dân.

Từ khóa » Cây Hoa Gáo