Cây Hòa Bình Rà Phá Bom Mìn Cho Bình Yên Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Những bức thư đặc biệt
Có lẽ ở bất cứ đâu, trong bất cứ cuộc chiến tranh mang tính chất như thế nào, nỗi đau của người mẹ mất đi những đứa con của mình là nỗi đau tột cùng không thể diễn tả được bằng lời. Daniel Cheney, một phi công Mỹ hy sinh tại chiến trường Việt Nam khi anh vừa tròn 21 tuổi thanh xuân, để lại nỗi đau như vậy cho mẹ và những người thân trong gia đình. Một vết thương lòng còn ám ảnh cho tới tận nhiều năm sau này. Đối với bà Rae Cheney, nỗi đau ấy không ngày nào giống ngày nào. Những năm tháng được sống bên con luôn hiện về trong bà.
Daniel là một chàng trai luôn tràn đầy sức sống. Ngày Daniel còn nhỏ, bà vẫn thường xuyên ngắm hai con chơi đùa trong trang trại của gia đình. Hồi nhỏ Daniel rất nghịch ngợm, đôi khi khiến bà và mọi người trong gia đình phải nghĩ ra các hoạt động cho Daniel tham gia để bớt nghịch ngợm hơn. Ấy vậy mà người con trai của bà đã mãi mãi ra đi ở tuổi 21 bởi một thứ gọi là “chiến tranh”. Suốt những năm tháng sau đó, bà Rae Cheney sống trong vô vàn cảm xúc lẫn lộn và có cả những giây phút cay đắng, phẫn uất khi nghĩ tới cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Việt Nam đã trở thành cái tên xuất hiện trong nhiều cơn mộng mị của nỗi đau một người mẹ nhớ về người con đã ra đi mãi mãi.
Cũng chính vì nỗi đau đó, khi người con gái cùng chồng thực hiện dự án có tên gọi Peace Trees, thành lập một tổ chức kết nối những người bạn phải sống với chiến tranh trên khắp thế giới, bà dù không phản đối nhưng không bao giờ nghĩ mình sẽ là một người tham gia vào dự án. Bà không sợ bất cứ thứ gì liên quan đến chiến tranh có thể gây tổn thương tiếp trong lòng bà nhưng Việt Nam luôn là cái tên bà muốn lảng tránh.
Đúng lúc ấy, con gái bà, Jerilyn và chồng đã hỏi mẹ: “Mẹ có muốn tham gia cùng chúng con không?”. Dự án cần một người đảm trách việc viết thư cảm ơn những người ủng hộ và tài trợ từ khắp mọi nơi. Bà biết dự án của các con mình hướng tới những điều tốt đẹp với mong ước cải tạo mối quan hệ Mỹ - Việt nên bà luôn ủng hộ và đồng tình, nhưng quả thật bà không sẵn lòng tham gia. Không chỉ lúc đó mà đã nhiều lần trong bà có hai nguồn cảm xúc luôn đối chọi nhau mãnh liệt. Khi nghĩ tới Việt Nam và chiến tranh, đôi khi bà cảm thấy rất giận dữ. Nhưng ngay sau đó, tự bản thân bà lại nghĩ: mình cần xem lại khi tất cả mọi người xung quanh đều đang cố gắng làm một điều gì đó để hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp, mình cần thay đổi bản thân mình. Và thế là bà đồng ý, nhận lời tham gia vào tổ chức của con gái và con rể mình.
Cây xanh đầu tiên được trồng bởi tổ chức. |
Trong suốt 15 năm từ khi bà bắt đầu tham gia cho tới ngày bà lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam năm 2010, tổng cộng số thư bà viết đã lên tới 8.000 bức. Mỗi lần viết một bức thư là một lần bà nghĩ tới những bà mẹ ở bên kia thế giới – những bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng có những nỗi đau mất mát trong lòng. Những ý nghĩ cứ lớn dần lên theo từng bức thư và bà thực sự mong muốn một lần được gặp những bà mẹ Việt Nam giống như mình và nói rằng họ có những điểm tương đồng, có những tình yêu và nỗi đau trong sâu thẳm trái tim. Nhưng suốt 15 năm đó, bà không bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ đến Việt Nam. Cho tới tận khi ngồi trên máy bay để tới sân bay Nội Bài, bà Rae Cheney nhận ra rằng đây là mảnh đất mà bà đã cố lảng tránh trong suốt những năm tháng qua. Ở tuổi 90, bà mới thực sự đặt chân tới Việt Nam và tổ chức Peace Trees đã làm thay đổi con người bà, những suy nghĩ và cuộc sống của bà đã thay đổi theo hướng tích cực hơn, ý nghĩa hơn rất nhiều.
Chuyến đi tới Việt Nam lần này mang nhiều ý nghĩa đối với bản thân người mẹ Mỹ ấy. Không chỉ được tận mắt chứng kiến những hoạt động, thành quả của tổ chức của con gái và gia đình mình trên mảnh đất Quảng Trị, nơi đã xuất hiện sự tồn tại Làng hữu nghị Peace Trees và hàng ngàn cây xanh trên mảnh đất trước đây đầy ắp những bom mìn còn sót lại của chiến tranh, bà còn được thực hiện điều mong muốn bấy lâu của mình.
Bà Rae Cheney và mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Moan. |
Trong lễ khánh thành một thư viện mới tại thôn Khe Đá, tỉnh Quảng Trị, bà đã được gặp người mẹ anh hùng Hồ Thị Moan, người cũng đã mất con trai và con gái trong chiến tranh. Hình ảnh hai người phụ nữ đều đã bước qua tuổi 90, cùng cắt dải băng đỏ khánh thành thư viện Hoà Bình, cùng uống chút rượu cần và ôm nhau thắm thiết có lẽ là hình ảnh không thể nào quên được đối với nhiều người. Bà Rae đã thực sự cảm nhận được rằng nỗi đau mất con trong chiến tranh là như nhau, bà mong muốn được trở thành bạn với những bà mẹ Việt Nam anh hùng và tin rằng họ mãi mãi sẽ là bạn.
Xây mầm sống trên mảnh đất bom mìn
Tổ chức Peace Trees hướng tới công việc rà phá bom mìn, giúp người dân xây nhà, trao học bổng, tạo công ăn việc làm và trồng cây xanh trên mảnh đất an toàn sau khi gỡ bỏ hết bom mìn. Ngày nay, Làng hữu nghị Peace Trees tại Quảng Trị là nơi đã từng là tụ điểm của nhiều bom mìn sót lại. Ngay từ cuộc rà phá bom mìn lần đầu tiên năm 1996, có 2.000 cây xanh đã được trồng.
Lần đầu tiên đến Việt Nam, Jerilyn đã chứng kiến tận mắt những đứa trẻ bị thương do nhặt lựu đạn, chứng kiến những nỗi buồn trong mắt của người dân, nhìn thấy những ngôi nhà đơn sơ u tối không có điện nước. Chị và các bạn đã thảo luận với người lãnh đạo thuộc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, tổ chức một cuộc rà soát bom mìn tại toàn bộ nơi dân sinh sống với diện tích 19,5 hecta. Chính nơi ấy giờ đã trở thành Làng hữu nghị Peace Trees ngày nay được thành lập năm 2002 với 100 ngôi nhà cho 650 người dân sinh sống, cùng với trường mầm non và thư viện.
Cho tới nay, Jerilyn và tổ chức của mình đã rà soát được hàng vạn tấn bom mìn trên gần 200 hecta đất, xây dựng được nhiều trường học, thư viện, sân chơi an toàn cho trẻ em cũng như những hoạt động ý nghĩa giáo dục kiến thức về bom mìn với nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau. Năm 2010, bà Rae Cheney cùng con gái, và ông Lê Đình Quang, đại diện Peace Trees tại Việt Nam đã được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương vì hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc.
Từ năm 1998 đến nay, tổ chức đã đón hơn 40 đoàn tình nguyện viên từ Mỹ đến với mảnh đất Quảng Trị để viếng thăm hữu nghị và trồng cây. Hơn 42.000 cây đã được trồng tại các Khu di tích Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, sân bay Tà Cơn, Lâm viên hữu nghị, Làng hữu nghị Cây Hoà Bình, Trường PTTH Lê Quý Đôn, Trường PTTH Vĩnh Định, Trường THCS Triệu Tài. Ngoài các hoạt động tìm kiếm và phá hủy bom mìn, vật liệu nổ, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tổ chức Cây Hòa Bình còn tập trung vào các hoạt động phát triển cộng đồng bao gồm chương trình hỗ trợ y tế khẩn cấp, hỗ trợ phát triển kinh tế, xây giếng nước sạch… 250 gia đình có nạn nhân bom mìn và phụ nữ nghèo tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có cơ hội thoát nghèo, phát triển kinh tế làm giàu, đời sống hộ gia đình được nâng cao
Từ khóa » Cây Xanh Hoà Bình
-
Vườn Cây Hòa Bình địa Chỉ Bán Cây Xanh Công Trình, Cây đô Thị Giá Rẻ
-
Mua Bán Cây Xanh Tại Hòa Bình Chuyên Cây Đại Thụ Cổ Thụ
-
CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN CÂY XANH HÒA BÌNH
-
Home Breadcrum Cung Cấp Công Ty Cây Xanh Hòa Bình
-
CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN CÂY XANH HÒA BÌNH
-
Thi Công Cây Xanh Tại Hòa Bình
-
Cây Xanh Hòa Bình
-
Dự án Cây Hòa Bình - Sở Ngoại Vụ Quảng Trị
-
Công Ty CP Thương Mại Dịch Vụ Cây Xanh Hoà Bình - Việt-Biz
-
Tổ Chức Cây Hòa Bình Việt Nam Hỗ Trợ Quảng Trị Xử Lý Hơn 100.000 ...
-
CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN CÂY XANH HÒA BÌNH - VinaBiz
-
Tổ Chức Cây Hòa Bình Việt Nam Nỗ Lực Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh
-
Hòa Bình Phấn đấu Trồng Hơn 300.000 Cây Xanh Trong Năm 2021