Cây Hoa Sói, Công Dụng Làm Thuốc Và độc Tính Cần Lưu ý

Cây hoa ngâu, cây hoa sói có vị trí không thể phủ nhận trong tâm thức người Việt. Người ta không chỉ trồng hoa sói làm cảnh quan, lấy hoa ướp hương cho trà mà còn dâng hoa cúng Phật.

Trên Tuyên đỉnh (Cửu đỉnh triều Nguyễn), hoa sói trắng cũng được chạm khắc và trở thành 1 trong 162 họa tiết tiêu biểu cho sản vật, sông núi Việt Nam (1).

Không chỉ thế, cùng với hoa bưởi, hoa khế, hoa quế, hoa chanh… hoa sói đã đi vào ca dao bằng những lời chào bông đùa, bay bướm mà vẫn rất có duyên:

“Một cành hoa sói, một gói hoa chanh,Ai mua em bán một cành năm quan” (2).

Không chỉ thơm, hoa sói còn đẹp ở nét trang đài, mỗi cụm hoa tựa như đang ngậm ngọc. Có lẽ vì thế mà dân gian liên tưởng và đặt cho nó những cái tên rất đẹp như châu lan, trân châu, kim tác lan (kim túc lan)… Ở Trung Quốc, trà ướp hoa sói cũng được gọi là châu lan trà.

Vẻ đẹp của hoa sói
Vẻ đẹp của hoa sói

Về cái tên hoa sói, dân gian giải thích rằng khi hoa tỏa hương đầy đủ nhất, thanh bạch nhất thì cũng là lúc các cánh hoa chia thành ba múi, tựa như mõm con sói trắng.

Vài nét về cây hoa sói

Cây sói có tên khoa học là Chloranthus spicatus Thunb Makino. Đây là loài thân thảo, sống lâu năm và thường cao dưới 1 m. So với các loại cây cho hoa thơm khác thì cây sói ưa bóng râm và ưa ẩm. Vì vậy, người ta thường trồng cây trong chậu, đặt trong chỗ ít nắng hoặc trồng ven nhà, gần những nơi có nước… Hoa sói có màu vàng trắng, rất thơm, mọc thành cụm và mỗi đóa hoa đều được bao bọc trong lá bắc.

Công dụng làm thuốc và độc tính của cây hoa sói

Trong Đông y, cây sói cũng được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, toàn cây hoa sói có vị cay ngọt, hơi chát, tính ấm và đều có độc (độc nhất là ở gốc và rễ). Vì vậy, khi dùng hoa sói, cây sói để làm thuốc cần hết sức thận trọng.

Gốc và rễ cây sói: Gốc và rễ cây sói có chứa tinh dầu thơm và là nơi chứa nhiều chất độc. Tuy nhiên, theo y học cổ truyền, chúng vẫn được tận dụng để điều trị mụn nhọt, đinh độc chưa làm mủ bằng cách giã nát rồi đắp ngoài da.

Bên cạnh đó, gốc rễ cây sói cũng được dùng ngâm rượu xoa bóp khi bị phong tê thấp, đau buốt gân xương hay đòn ngã tổn thương (nếu không ngâm rượu thì có thể lấy toàn cây tươi, giã nát và đắp lên).

Cây sói
Cây sói

Toàn cây hoa sói: Tác dụng chung của cây sói là hoạt huyết, sát trùng, trừ ngứa và kích thích. Trong y học cổ truyền, toàn cây hoa sói được dùng điều trị sốt, cảm mạo, thiên đầu thống và động kinh (mỗi ngày dùng khoảng 10 g, sắc lấy nước uống). Tuy nhiên, khi dùng cần lưu ý liều lượng để tránh bị ngộ độc (3) (4).

  • Tham khảo: Cây ba đậu – Loài cây có độc tính bảng A “cực kỳ nguy hiểm”

Nghiên cứu về cây sói

Các nghiên cứu về cây sói chưa nhiều và cũng chỉ tập trung ở thành phần hoạt chất cùng lịch sử sử dụng trong nhân dân.

Theo tạp chí Chemistry of Natural Compounds, ở Châu Á, cây hoa sói được xem như vị thuốc cổ truyền điều trị gãy xương và cao huyết áp (5). Về hoa sói, các tạp chí ghi nhận đây là loại hoa chứa tinh dầu với nhiều thành phần hoạt chất có tính kháng khuẩn cao (6).

  • Tham khảo: Ấu tẩu (ô đầu phụ tử) cây thuốc có độc tố và lưu ý khi sử dụng

Nguồn tham khảo

  1. Cửu Đỉnh, https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%ADu_%C4%90%E1%BB%89nh_(Nh%C3%A0_Nguy%E1%BB%85n), ngày truy cập: 11/ 02/ 2020.
  2. Hoa sói, https://cadao.me/the/hoa-soi/, ngày truy cập: 11/02/2020.
  3. Nhiều tác giả, Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà, NXB Văn hóa dân tộc, trang 246.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 926.
  5. Composition of Essential Oils from Chloranthus elatior and Ch. spicatus from Vietnam, https://link.springer.com/article/10.1007/s10600-016-1575-x, ngày truy cập: 11/02/2020.
  6. Chemical Composition of the Essential Oil of Chloranthus serratus from China, https://link.springer.com/article/10.1007/s10600-017-1936-0, ngày truy cập: 11/02/2020.

Từ khóa » Cây Hoa Sói Trắng