Cây Hương Thảo: Đặc điểm, Tác Dụng Và Cách Trồng - Eva

Cây Hương thảo không chỉ được sử dụng làm đồ trang trí trong văn phòng, nhà ở, mà còn có nhiều công dụng thiết thực như đuổi muỗi, giảm căng thẳng, tăng cường trí nhớ, chữa bệnh,... nhờ vào tinh dầu và hương thơm. Bản thân cây hương thảo cũng là một gia vị ngon cho bữa ăn.

Đặc điểm cây hương thảo

Cây hương thảo hay còn có tên gọi khác là cây tây dương chổi, cây mê điệt, đây là loại thực vật có hoa thuộc họ nhà Hoa môi. Mê điệt hương có danh pháp khoa học là Rosmarinus officinalis L. Cái tên Rosmarinus được đặt theo tiếng Latin, trong đó Ros có nghĩa là sương, marinus ý chỉ biển, ý nghĩa là sương của biển.

Cây hương thảo: Đặc điểm, tác dụng và cách trồng - 1

Hình ảnh cây hương thảo

Thân hương thảo nhỏ nhiều lá, phân nhánh, cao từ 1 - 2 m, thường mọc thành bụi. Lá cây hình dải, dẹp, có màu xanh sẫm, có mép gập xuống, nhẵn ở mặt trên và có lông trắng ở mặt dưới. Hoa hương thảo dài khoảng 1cm, có nhiều màu như xanh, trắng, tím, hồng, lá kim. Điểm đặc trưng của cây hương thảo là có mùi thơm dễ chịu nên được nhiều gia đình hoặc dân văn phòng lựa chọn bài trí trong phòng.

Cây hương thảo có tác dụng gì?

Cây hương thảo có rất nhiều tác dụng đối với con người, từ những tác dụng đơn giản như giúp đuổi muỗi, là gia vị không thể thiếu trong một số món ăn đến những tác dụng trong y học. Sau đây là chi tiết những tác dụng của hương thảo.

1. Tác dụng của cây hương thảo đuổi muỗi

Mùi thơm của cây tây dương chổi có thể khuếch tán trong phòng rộng 15m2 vẫn ngửi thấy. Cây đặc biệt phù hợp với nhân viên văn phòng, bà mẹ sau sinh và trẻ em. Cây hương thảo có mùi thơm dễ chịu, mùi thơm từ tinh dầu của nó có thể đuổi muỗi một cách tự nhiên mà không cần sử dụng các loại thuốc diệt muỗi có mùi khó chịu trên thị trường.

Cây hương thảo: Đặc điểm, tác dụng và cách trồng - 2

Cây hương thảo có khả năng đuổi muỗi hiệu quả

Chính bởi công dụng đuổi muỗi của cây tây dương chổi, nên ngày nay, người ta đã chiết xuất cây hương thảo thành tinh dầu để nâng cao tác dụng đuổi muỗi. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại tinh dầu cây tây dương chổi như: tinh dầu cây mê điệt hương thuần, tinh dầu hương thảo kết hợp cùng sả, tinh dầu hương thảo kết hợp cùng quế, tinh dầu hương thảo kết hợp cùng cam,....

2. Tác dụng của cây hương thảo trong nấu ăn

Cây hương thảo có thể ăn được và là gia vị cực kỳ thông dụng, có vị đắng nhẹ. Đây là một trong những loại gia vị không thể thiếu khi chế biến các món ăn Âu. Khi kết hợp chế biến cùng với các món ăn có thể tăng thêm mùi vị cho món ăn như luộc, hấp, nấu hay sốt. Mùi của cây hương thảo có thể át được mùi tanh của thịt cá tôm, tạo thêm vị đặc biệt khi làm các món nướng như tôm nướng, gà nướng hay pizza.

Cây hương thảo: Đặc điểm, tác dụng và cách trồng - 3

Ở Việt Nam, hương thảo còn dùng cho món luộc, sốt, nấu, hấp

Ở một số nhà hàng Âu, cây hương thảo không chỉ là gia vị giúp tạo mùi vị đặc trưng cho món ăn mà còn được sử dụng để trang trí trên đĩa để kích thích vị giác, giúp thực khách ăn ngon miệng hơn. Đặc biệt, nhánh hương thảo là nguyên liệu không thể thiếu khi làm beaf steak.

Cây hương thảo: Đặc điểm, tác dụng và cách trồng - 4

Cây hương thảo được dùng làm gia vị trong nấu nướng

3. Cây hương thảo giúp phát triển tư duy và trí não

Mùi thơm của cây hương thảo giúp tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn từ đó tăng khả năng tập trung, tư duy logic và ghi nhớ tốt hơn. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh mùi của cây hương thảo giúp con người tư duy và ghi nhớ tốt hơn. Đặc biệt, tinh dầu cây tây dương chổi kích thích phát triển trí não của trẻ em, giúp trẻ hoạt bát hơn, học tốt và nhanh thuộc bài hơn.

4. Cây hương thảo có nhiều tác dụng trong y học

Cây mê điệt hương có vị chát, nóng, mùi thơm nồng, hơi se, có tính tẩy uế và chuyển máu. Theo y học phương đông, sử dụng tinh dầu cây hương thảo giúp thông ruột, lợi tiểu và lợi mật. Ở phương tây, cây hương thảo được sử dụng làm pomat và thuốc xoa trị thấp khớp và đau nửa đầu. Theo nghiên cứu khoa học, sử dụng cây hương thảo và các chế phẩm từ cây tây dương chổi giúp đầu óc thư giãn, thoải mái hơn từ đó giúp tăng khả năng tư duy và phát triển trí óc.

Cây hương thảo: Đặc điểm, tác dụng và cách trồng - 5

Chiết xuất tinh dầu từ cây hương thảo có tác dụng chữa bệnh

Một tác dụng của cây mê điệt hương mà rất ít người biết đến đó là phòng ngừa và điều trị ung thư. Thật vậy, ung thư là căn bệnh khiến cho nhiều người lo sợ. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cây hương thảo có tác dụng tương tự như một chất oxy hóa giúp bảo vệ tế bào luôn khoẻ mạnh. Từ đó ức chế các tế bào ung thư phổi, phòng ngừa và điều trị ung thư da.

Không chỉ ngăn ngừa và điều trị bệnh ung thư, cây hương thảo còn ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer. Giúp giảm thiểu tình trạng sa sút trí tuệ ở cả người lớn và trẻ nhỏ, cải thiện khả năng nhận thức ở người lớn tuổi.

Ngoài ra, cây hương thảo còn giúp điều trị rối loạn lipid máu. Lý do là vì dịch của cây mê điệt hương có tác dụng giảm tích tụ chất béo trong cơ thể, từ đó hạn chế khả năng tăng cân. Nghiên cứu đã thử nghiệm thành công ở động vật.

Ý nghĩa của cây Hương thảo

Không chỉ có những tác dụng với đời sống và y học, cây hương thảo còn mang những ý nghĩa khác:

1. Cây hương thảo có nhiều ý nghĩa trong đời sống

Trong phong thủy, cây hương thảo là loại cây có khả năng kết nối 2 thế giới âm dương lại với nhau. Một số tài liệu còn cho rằng, cây tây dương chổi mang ý nghĩa tri ân cho những người đã khuất. Bên cạnh đó, cây mê điệt hương còn có khả năng xua đuổi tà mà, mang lại sự may mắn và bình an cho gia chủ nên thường được trồng trong nhà rất nhiều.

2. Cây hương thảo hợp mệnh gì?

Cây hương thảo là loài cây mang đến sự may mắn và bình an cho gia chủ, do đó bất cứ bản mệnh nào cũng đều có thể trồng cây tây dương chổi trong phòng. Tuy nhiên cần bài trí cây đúng cách để tận dụng hết yếu tố phong thủy giúp gia chủ thêm vượng khí.

Tốt nhất với những người thuộc mệnh Hỏa nên đặt cây theo hướng Nam - Tây Nam, còn với người thuộc mệnh Mộc thì nên đặt cây theo hướng Đông - Đông Nam. Ngoài ra, nên đặt cây ở gần vị trí có ánh sáng để giúp cây có thể sinh trưởng tốt hơn.

Kỹ thuật trồng cây Hương thảo bằng cành

Một loại cây nhỏ bé mà sở hữu vô vàn ứng dụng thiết thực như vậy, bạn đã có chưa? Nếu chưa, hãy cùng bắt tay vào trồng cây với vài bước đơn giản chúng tôi đề cập dưới đây nhé.

1. Chọn cây hương thảo giống

Cây hương thảo có thể trồng từ cắt cành nhân giống hoặc mua sẵn cây tại các cửa hàng có bán. Nếu như cắt cành từ hàng xóm hay bạn bè thì nên cắt cành dài khoảng 5 - 10cm tỷ lệ sống của cành sẽ cao hơn khoảng 70 - 90%.

Có nhiều loại hương thảo với những đặc điểm riêng biệt. Có những cây phát triển cao và rậm, một số cây có xu hướng leo. Cây có hoa màu tím, cây lại có hoa sắc xanh hoặc trắng. Người ta ưa chuộng nhất là cây hương thảo thân thẳng trồng chậu hoặc nở hoa tím. Do đó, nếu mua cây giống thì nên lựa chọn cây thân trắng là đẹp nhất. Còn nếu xin từ bạn bè hoặc hàng xóm thì có thể xem trước hoa của cây để lựa chọn.

2. Chọn đất trồng cho cây hương thảo

Do cây hương thảo có bộ rễ khá nhạy cảm, cần loại đất thoát nước tốt. Vì vậy, khi chọn đất trồng cây mê điệt hương nên chọn đất tơi xốp, đủ ấm và giàu chất dinh dưỡng. Do đó, bạn nên chọn loại đất mùn hữu cơ để trồng vì nó rất giàu dinh dưỡng giúp cây có thể sinh trưởng tốt. Hiện nay, loại đất được nhiều người sử dụng để trồng cây hương thảo là đất trộn xơ dừa hoặc đất trộn mùn gỗ. Vì hai loại đất này có độ tơi xốp và thoát nước khá tốt.

3. Cách trồng cây hương thảo bằng cách giâm cành

Trước hết, chọn nhánh cây mê điệt hương khỏe mạnh, dùng dao cắt một đoạn khoảng 10cm, tuốt sạch lá 3cm ở gốc đoạn đã cắt. Sau đó, cắm cành vào ly nước lạnh (đảm bảo nước không ngập đến lá để tránh lá úng nước). Cuối cùng, đặt nhánh cây ở nơi khô ráo, thoáng và có ánh sáng nhẹ.

Sau 3 tuần khi nhánh cây tây dương chổi đã mọc rễ và ra lá non thì đem ra chậu trồng. Lưu ý, cây hương thảo phù hợp với khí hậu mát mẻ, ấm áp nên thời điểm trồng hương thảo theo phương pháp giâm cành tốt nhất là vào cuối xuân hoặc đầu thu.

Cây hương thảo: Đặc điểm, tác dụng và cách trồng - 6

Kỹ thuật trồng cây hương thảo bằng giâm cành

Cách chăm sóc cây hương thảo

Để cây hương thảo có điều kiện phát triển tốt nhất, bạn cần chú ý những yếu tố sau đây để giúp việc chăm sóc thuận lợi hơn. Từ đó khiến cây sinh trưởng tốt và nở hoa đẹp:

1. Ánh sáng phù hợp

Cây hương thảo (Rosemary) là một loại thảo mộc tuyệt vời có thể trồng trong nhà vì chúng khả năng thích nghi tốt và có sức sống mạnh mẽ. Giống như các loại thảo mộc Địa Trung Hải khác, cây hương chịu hạn và phát triển mạnh trong bệ cửa sổ đầy nắng. Tuy nhiên, nếu đặt ở chỗ nắng nóng quá lâu thì lá sẽ bị cháy, teo dần, khô tinh dầu và cây sẽ chậm phát triển, thậm chí chết cây. Vị trí nên để cây ở nơi có ánh nắng vào buổi sáng sẽ giúp lá cây hương thảo trở nên xanh hơn do quá trình quang hợp.

2. Cách bón phân phù hợp

Chế độ phân bón cần đều đặn mỗi tuần với liều lượng nhỏ. Cây hương thảo cao từ 35 - 50cm chỉ cần khoảng 100 - 200ml phân bón/gốc mỗi tuần. Ngâm một muỗng cafe phân NPK tím (15-5-20-3.5 TE) trong 1 lít nước khoảng 12 giờ để phân tan hết rồi tưới đều dưới gốc cây vào sáng sớm hoặc chiều mát. Thỉnh thoảng có thể thay đổi bằng phân Super Lân, phân hạt Dynamic Lifter với liều lượng ngâm tương tự. Thêm vào đó, có thể sử dụng phân bón lá như B1 và phân hữu cơ như phân dê, trùn quế. Giúp cây phát triển, lá cây xanh tốt, mọng hơn.

3. Cách tưới nước phù hợp

Cây hương thảo là loài thực vật rất dễ sống nên bạn chỉ cần tưới đẫm 1 lần vào buổi sáng hoặc chiều mát là được. Trong trường hợp thời tiết hanh khô, có thể bổ sung thêm nước cho cây để giúp làm mát cây. Tuy nhiên, không nên tưới quá nhiều trong một lần vì sẽ gây ứ đọng nước dưới đáy chậu, gián tiếp gây thối rễ và hỏng cây.

Cây hương thảo: Đặc điểm, tác dụng và cách trồng - 7

Tưới nước thường xuyên giúp cây tươi tốt

Nếu cây hương thảo bị khô lá thì ngưng tưới, kê cao đáy chậu, tuốt hết lá đen và cành hỏng đi. Sau vài ngày mà tình hình không khả quan thì dỡ cây ra khỏi chậu, phơi bầu đất cho khô bớt nước và trồng lại vào chậu thoát nước tốt hơn. Lót vào đáy chậu gỉ than, cục xốp hay đá sỏi và đất trộn thì đập nhỏ gỉ than trộn cùng.

Cây bị rũ ngọn, lá héo. Đây là hiện tượng thiếu nước. Kiểm tra đất thấy khô cứng và đã lâu ngày không tưới. Cách khắc phục đó là tưới bổ sung nước. Nếu đúng là thiếu nước thì ngay ngày hôm sau cây đã tươi tốt trở lại. Nên duy trì thói quen kiểm tra đất, nếu thấy khô và cây héo thì hãy tưới nước.

4. Cách phòng trừ sâu bệnh cho cây hương thảo

Khi cây hương thảo bị sâu ăn lá hoặc lá đổi sang màu trắng bạc, có đốm thì bạn nên dùng thuốc bảo vệ thực vật Sec Saigon phun nhẹ cho cây. Tuy nhiên, chú ý chỉ phun khi bạn trồng cây ở ngoài vườn. Đối với cây được trồng trong chậu có thể thay thế bằng thuốc xịt muỗi, hoặc mang cây ra vườn rồi mới phun thuốc để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên cắt tỉa lá bị bệnh, lá già và loại bỏ cành héo khô, cành kém phát triển. Kết hợp tìm, loại bỏ các loại sâu gây hại là phương pháp phòng trừ sâu bệnh tốt nhất cho cây hương thảo. Chăm sóc cây tốt thì bạn sẽ không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Những lưu ý khi sử dụng cây hương thảo

Cây hương thảo có nhiều tác dụng đối với cả sức khỏe cũng như môi trường sống của con người. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng với liều lượng nhỏ, vừa phải. Một số trường hợp sử dụng lượng lớn có thể gây ra tác dụng phụ cho cơ thể như: co thắt, nôn mửa, phù phổi, thậm chí là hôn mê.

Theo nghiên cứu khoa học, lá cây mê điệt hương có thể tương tác với một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ không mong muốn như thuốc ức chế men chuyển sử dụng trong điều trị bệnh cao huyết áp, thuốc chống đông máu và thuốc lợi tiểu. Vì vậy, khi sử dụng lá cây tây dương chổi để điều trị bệnh tâm lý hay để nấu ăn thì nên kiểm tra xem người thân có ai đang sử dụng những loại thuốc kể trên không. Nếu bạn đang sử dụng những loại thuốc này, khi đi ăn ở nhà hàng nên nói với nhân viên phục vụ hoặc nhà bếp để đầu bếp tránh sử dụng lá cây hương thảo làm gia vị.

Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh sự an toàn của cây hương thảo đối với thai phụ và phụ nữ đang cho con bú. Vì vậy, khi có người nhà đang mang thai hoặc cho con bú thì không nên sử dụng cây tây dương chổi.

Da trẻ em mỏng, rất dễ kích ứng, vì vậy, nên để cây mê điệt hương tránh xa tầm với của trẻ em vì có thể gây kích ứng, viêm da cho trẻ.

Trên đây là những chia sẻ về nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng, cách chăm sóc và những lưu ý khi sử dụng cây hương thảo. Hy vọng qua bài viết trên đây, quý bạn đọc có thể hiểu được tác dụng của cây hương thảo và áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Cũng như sử dụng cây hương thảo như một gia vị tăng mùi vị cho món ăn.

Xin cảm ơn!

Trồng cây cau tiểu trâm giúp lọc không khí, tăng may mắn cho người mệnh Mộc Trồng cây cau tiểu trâm giúp lọc không khí, tăng may mắn cho người mệnh Mộc Xuất thân từ Trung Mỹ và phát triển ở một số quốc gia như Mehio hay Guatemal, cây cau tiểu trâm đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu và được phần đông gia... Bấm xem >>

Từ khóa » Cây Dạ Hương Thảo