Cây Hương Thảo (Rosemary) - MỘC NHIÊN FARM

Rosemary – Cây hương thảo là một "người tình" có mùi hương riêng biệt. "Người tình" thơm nức gợi nhớ nhiều đến các món ăn hấp dẫn. Đây là loài thảo mộc rất quen thuộc với người mê cây và cả người mê đồ ăn. Không chỉ thế, dược tính của chúng đã được công nhận và vẫn còn tiếp tục được các nhà khoa học nghiên cứu. Tuy nhiên, có một số lưu ý cần thiết để đảm bảo trồng cây đúng cách. Trong bài viết này, Mộc Nhiên Farm sẽ hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc để các bạn tự tin trồng nhé.

  • Tên khoa học: Salvia rosmarinus
  • Tên tiếng Anh: rosemary
  • Tên gọi khác: cây mê điệt, cây dương chổi, mê điệt hương

Cây hương thảo

Nguồn gốc và phân bố cây hương thảo

Đây là một loại thảo mộc cùng gia đình với các loại khác như oregano, xạ hương, húng quế, oải hương. Tên khoa học Rosmarinus có gốc Latin, mang ý nghĩa là “sương của biển”. Cây có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải, và đến nay loài thực vật này vẫn phát triển rất tốt ở vùng biển. Cây đã trở nên phổ biến ở rất nhiều nơi trên thế giới với nhiều tác dụng bất ngờ.

Rosemary - hương thảo: một loại thảo mộc phổ biến với nhiều tác dụng bất ngờ.

Đặc điểm của cây hương thảo

  • Thân lâu năm hóa gỗ, thường mọc thành cây thẳng đứng, có nhiều nhánh liên kết tỏa ra xung quanh. Cây có thể phát triển thành bụi lớn 1m. Đôi khi cũng có những cây cao tới 2m tuy trường hợp này khá hiếm.
  • Thân cây mảnh. Lá dài và dẹp, hình kim, màu xanh xám. Bề mặt lá hơi nhám rất nhẹ. Cây có hoa màu xanh tím, dài khoảng 1cm.
  • Mùi hương là nét nổi bật để nhận diện cây. Hương thơm có trong tất cả các bộ phận từ thân tới lá và hoa. Nếu đặt cây ở khu vực có gió, chỉ cần gió thổi qua cũng đủ hít hà. Thích nhất là lùa tay quệt nhẹ vào lá, mùi thơm vương lại trên tay.

Cây hương thảo mọc thành bụi thẳng đứng và tỏa nhánh xung quanh.

Cây hương thảo (rosemary) và bề dày lịch sử thú vị

Tuy được tìm thấy trên bia đá tận 5000 năm trước Công nguyên nhưng không ai chắc chắn hương thảo bắt nguồn từ đâu. Nhiều sách ghi lại Địa Trung Hải là nơi cây bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, cũng có một vài thông tin khác.

Mãi đến sau Công nguyên, một số những thông tin khoa học về rosemary được tìm thấy trong sách như trong Natural History (Lịch sử Tự nhiên) của Pliny the Elder hay sách về thảo dược của một nhà thực vật học người Hy Lạp.

Rosemary có bề dày lịch sử thú vị.

Vào cuối thời nhà Hán, rosemary đã xuất hiện ở Trung Quốc và sau đó nữa thì có mặt ở Anh. Tuy nhiên chỉ tới năm 1338, rosemary mới được ghi lại trong các văn bản về thảo dược ở Anh quốc. Vào đầu thế kỷ 17, cây hương thảo đã được đặt chân đến châu Mỹ, từ đó nhanh chóng lan đến Nam Mỹ và lan rộng khắp thế giới.

Thời xưa, đặc biệt là ở Anh, người ta rất coi trọng các loài thảo mộc. Dân gian đã truyền miệng nhau rằng hương thảo tượng trưng cho tình yêu và là cách người ta tỏ bày tình yêu của các chàng trai thượng lưu thời đó, tương tự như hoa hồng ngày nay. Ngoài ra, theo truyền thống từ rất lâu, cây hương thảo được sử dụng cho mục đích y học và nấu ăn – những điều vẫn còn giá trị tới ngày nay.

Nhiều tác dụng tốt của hương thảo là lý do để cây được chuộng dùng trong đời sống hằng ngày.

Ứng dụng của cây hương thảo

Cây hương thảo đuổi muỗi

Trồng cây hương thảo xen kẽ trong vườn sẽ làm giảm muỗi và côn trùng. Đây cũng là một trong những lý do nhiều người muốn có. Mùi hương dễ chịu vừa giúp thư giãn vừa làm một số loại côn trùng tránh xa.

Các cách sử dụng rosemary tươi để đuổi muỗi

  • Cắt một cành dài treo ngược ở nơi không khí lưu thông tốt thì mùi hương sẽ tỏa nhẹ trong phòng.

Treo thảo mộc là một cách truyền thống để phơi khô và bảo quản dùng dần.

  • Làm xịt phòng: cắt vài nhánh hương thảo khô hoặc tươi, giã nát để tinh dầu dễ tiết ra, đun sôi rồi cho vào chai xịt. Dùng như một dạng xịt phòng.

Xịt phòng bằng nước hương thảo.

  • Phơi khô, cắt vụn và bỏ vào túi mỏng hoặc vải lưới. Mùi thơm có thể giữ rất lâu. Thả túi này trong tủ quần áo hoặc treo nơi có gió, mùi hương tỏa quanh không gian. Đối với túi thơm cần tránh để túi bị ẩm mốc. Nếu khu vực bạn ở có mùa lạnh, độ ẩm không khí cao thì không ưu tiên dùng phương pháp này.

Túi thơm hương thảo.

  • Nấu một nồi nước và thả hương thảo vào, mùi hương lan tỏa vừa át đi mùi ẩm mốc hoặc mùi thức ăn, đồng thời muỗi sẽ tạm lánh xa.

Tinh dầu hương thảo

Nguyên liệu:

  • Lá cây hương thảo, dầu nền (dầu thực vật, không mùi). Tỷ lệ 1:1.
  • Lọ thủy tinh có nắp đậy
  • Nồi chưng cất hoặc nồi giữ nhiệt

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch lá thương thảo, để ráo.
  • Cho dầu nền, lá vào nồi. Nấu khoảng 10 tiếng.
  • Sau đó để nguội. Tinh dầu tiết ra từ lá hương thảo đã hòa vào với dầu. Lọc xác lá bỏ đi, cho nước vào lọ.
  • Bảo quản trong tủ lạnh. Mỗi lần dùng vài giọt để đốt đèn xông.

Tinh dầu hương thảo.

Cây hương thảo trang trí

Không phải ai cũng trồng hương thảo để làm món ăn nhưng hầu như rất nhiều người muốn đem về nhà để hít hà mùi hương. Cây tỏa hương khá rộng nên hay được đặt trên bàn làm việc, phòng ngủ hoặc ở kệ bếp. Đôi khi cây bị chết khô, người ta vẫn cắt đem vào phòng vì mùi hương còn lưu lại trên cây hàng tháng trời. Vị trí tốt nhất cho hương thảo là ở ngoài nắng và đất luôn có độ ẩm cũng như thoát nước tốt. Vì vậy, cây cũng phù hợp để trồng trang trí ở cửa ra vào, viền các bồn hoa hoặc các góc vườn có nắng.

Vị trí tốt nhất để trồng hương thảo là nơi có nhiều nắng.

Sử dụng cây hương thảo làm gia vị

Hương thảo là một gia vị gần như không thể thiếu trong các món Âu, đặc biệt đối với thịt gà, thịt bò và thịt cừu. Không chỉ kích thích khứu giác khi mang lại mùi vị hấp dẫn, nó còn cung cấp vitamin cho cơ thể.

Các hình thức sử dụng lá hương thảo trong ẩm thực

Lá được sử dụng ở hai hình thức: lá tươi để ướp và làm trà, bột khô để ướp đồ ăn. Mùi hương giúp khử bớt mùi tanh của thịt cá và tăng thêm gia vị. Lá hương thảo cũng rất phù hợp với cà chua, khoai tây, các món súp và nước sốt.

Món ăn rắc lá hương thảo sẽ dậy mùi và kích thích khứu giác.

Trong số các loại gia vị Âu, hương thảo gần như được biết đến nhiều nhất. Chúng có thể dùng tươi khi ngắt trực tiếp từ vườn, đặt lên các món nướng hoặc bỏ vào ly nước giải khát. Nhưng không phải ai cũng trồng đủ nhiều để sử dụng nên dạng khô hoặc bột cũng rất được ưng dùng.

Bột hương thảo là một gia vị Âu phổ biến.

Lưu ý: lượng hương thảo dùng làm gia vị nên giới hạn phù hợp, nếu bỏ quá nhiều sẽ phá mất vị ngon của thức ăn, thậm chí có vị đắng gắt rất khó chịu.

Cách sấy khô hương thảo

  • Ngắt các cành hương thảo dài và đều màu lá đậm
  • Rửa sạch, để ráo nước
  • Sử dụng lò nướng hoặc lò sấy để sấy: xếp các nhánh hương thảo vào khay, sấy khô trong 3 tiếng, nhiệt độ 50 độ C
  • Để nguội đến khi không còn hấp chút hơi nóng nào thì cất vào lọ dùng dần.

Sấy khô hoặc giã nhuyễn hương thảo để dùng dần.

Cách bảo quản hương thảo để nấu ăn

  • Ngâm nhánh hương thảo trong dầu oliu và trữ đông. Cũng có thể đặt lá vào giấy xịt ẩm, bỏ vào túi zip, đặt trên ngăn đông.
  • Ngâm lá hương thảo vào khay đá viên, để tủ đông. Khi cần dùng, lấy vài viên đá thả vào nước súp.
  • Có thể xay/giã nhuyễn hỗn hợp gồm dầu oliu, lá hương thảo cùng các loại gia vị khác. Sau đó đổ vào lọ thủy tinh và cất trên ngăn đá. Hỗn hợp có kết cấu sệt, dùng nêm nếm gia vị.

Bột hương thảo.

Tinh dầu hương thảo trong ngành công nghiệp mỹ phẩm

Mùi hương của hương thảo có tác dụng thư giãn, hỗ trợ các hoạt động trí não, cải thiện trí nhớ, tăng cường hệ miễn dịch và tuần hoàn. Ngoài ra, chúng còn làm giảm căng thẳng.

Ngày nay người ta biết nhiều đến ứng dụng làm tinh dầu, nước hoa và xà phòng của loài thảo mộc này. Xà phòng từ rosemary có tính kháng viêm hiệu quả. Một số loại bệnh dị ứng nhẹ ở da, không phù hợp sử dụng các loại hóa chất, thì sữa tắm hương thảo có thể là lựa chọn tốt nhất.

Nước hoa tinh dầu từ cây hương thảo.

Cây hương thảo có tác dụng gì trong y học?

Những quan niệm trong y học truyền thống

Nhiều thông tin được ghi lại trong các sách y học cổ truyền của nhiều nước. Trong đó có nhắc đến cây hương thảo có vị chat, tính nóng, mùi hương nồng. Chúng được dùng như một vị thuốc đông y vì có kích thích sự tiết dạ dày và ruột, lợi mật và ích tiểu. Theo truyền thống, chúng còn dùng để cải thiện trí nhớ và tăng cường hệ miễn dịch. Việc ngửi mùi hương và ăn đều tốt cho sức khỏe.

Công dụng của cây hương thảo được ghi lại trong nhiều sách y học truyền thống.

Cây hương thảo và y học hiện đại

  • Là nguồn cung cấp vitamin B6, canxi và sắt
  • Dùng tinh dầu hương thảo xoa lên vị trí nhức mỏi và mát xa để giảm đau
  • Hỗ trợ giúp ổn định huyết áp và an thần, cải thiện tình trạng thiếu hụt nhận thức
  • Chứa chất chống oxy hóa. Được sử dụng trong xà phòng, sữa tắm, kem dưỡng, thuốc kích thích mọc tóc.
  • Có tính sát khuẩn
  • Tốt cho hệ thần kinh
  • Chống ung thư
  • Bảo vệ gan

Cây hương thảo tiếp tục được nghiên cứu về khả năng điều trị bệnh Alzheimer.

Hiện nay, các công trình nghiên cứu khoa học về dược tính của cây hương thảo đang tập trung chú ý tới nhóm polyphenol diterpenes. Nhóm diterpenes của hương thảo được xem xét trên khả năng điều trị đối với bệnh Alzheimer. Hiện tại không có thuốc điều trị bệnh này và các nhà khoa học hy vọng có thể tìm được cách nào đó trong tự nhiên. Cây hương thảo có tiềm năng khá lớn.

Ý nghĩa của cây hương thảo

Văn hóa dân gian và phong tục

Đối với người Ai Cập, La Mã và Hy Lạp cổ đại, hương thảo có ý nghĩa linh thiêng. Chúng quen thuộc và quan trọng đến mức được đưa cả vào văn học (tác phẩm Don Quixote, Shakespeare).

Những nhành cây hương thảo  ý nghĩa linh thiêng đối với nền văn hóa Hy Lạp cổ đại.

Ở Châu Âu và Úc có truyền thống coi hương thảo là biểu tượng để tưởng nhớ trong tang lễ, đặc biệt các buổi lễ long trọng tưởng niệm trong chiến tranh. Thay vì thả hoa vào mộ phần, người ta ném những nhành hương thảo.

Lịch sử ghi lại rằng các học giả người Hy Lạp thường đeo vòng hoa hương thảo trên đầu. Phong tục này có lẽ vừa mang tính truyền thống vừa là lý giải cho dược tính của chúng: tốt cho trí não và cải thiện trí nhớ.

Mùi hương của rosemary tốt cho trí não.

Ý nghĩa của cây hương thảo trong thời hiện đại

Có một vài niềm tin là cây hương thảo mang đến điềm lành và sự may mắn. Cũng có người tin cây có sự kết nối âm dương, có lẽ xuất phát từ một số phong tục và ý nghĩa linh thiêng từ xa xưa.

Cách trồng cây hương thảo

Giá thể

Cây hương thảo không chịu được úng, vì vậy cần giá thể thoát nước thật tốt. Một số thành phần phù hợp cho giá thể này: đất đỏ, đất trộn sẵn có bán ở cửa hàng cây cảnh, đất thịt, trấu hun, mùn dừa, cát, vỏ lạc, và các loại phân hữu cơ đã ủ hoai. Hướng dẫn trộn giá thể sẽ được gửi kèm với cây.

Giá thể thoát nước tốt là điều kiện đầu tiên để rosemary phát triển ổn định.

Điều kiện sống

Có khá nhiều quan điểm về cách trồng hương thảo. Một trong những ý kiến có từ rất lâu là cây ưa bóng mát và có thể trồng trong nhà. Có thể việc cây phát triển rất tốt ở Đà Lạt, châu Âu… làm cho nhiều người lầm tưởng. Trong nhiều tài liệu về điều kiện sống của cây ở nước ngoài, tất cả đều nhấn mạnh hương thảo cần nắng và nếu không thể cung cấp đủ nắng thì hơi vất vả để cây phát triển khỏe mạnh.

Nhất định khu vực trồng phải nhiều nắng và thoáng gió để cây hương thảo phát triển tốt nhất.

Qua rất nhiều thử nghiệm của nhiều người chơi lâu năm thì rosemary ưa nắng và thoáng nhưng cần tránh nắng quá gắt. Việc đủ đầy ánh nắng sẽ hạn chế rất nhiều các vấn đề của cây. Chỉ cần thỏa mãn các điều kiện về giá thể ở trên, việc đặt cây hẳn ra ngoài nắng mưa sẽ không còn là nỗi lo của bạn nữa.

Nếu muốn trồng cây trong nhà, nên đặt cây ở sát cửa kính hoặc nơi cửa sổ phía Nam nhiều nắng. Nếu không đủ nắng, có thể sẽ cần sự hỗ trợ của đèn trồng cây.

Bụi cây hương thảo khi được chăm sóc đúng cách.

Cách chăm sóc

Nếu đã thỏa mãn điều kiện giá thể tốt thì việc tưới đẫm cây là cần thiết. Có thể tưới 1 ngày 2 lần trong mùa nóng quá. Khi trời mưa thì nên hạn chế bớt để tránh ẩm lá.

Cây hương thảo không cần phải bón phân mỗi tuần. Có thể 1 – 2 tháng bổ sung phân hữu cơ một lần.

Thường xuyên cắt tỉa các nhánh cây dài để cây liên tục ra nhánh mới và lá luôn mạnh khỏe.

Cắt tỉa cây hương thảo để ra nhánh mới.

Phòng và chữa bệnh

Thỉnh thoảng cây hương thảo sẽ bị nấm hoặc rệp. Khi bị nấm, lá có thể rụng lả tả, thân sùi trắng và mềm nhão. Có thể rắc vôi xung quanh mặt chậu để chữa nấm và xịt lá thật mạnh mỗi ngày để trị rệp. Nếu giá thể tốt, cây sẽ nhanh chóng vượt qua các bệnh này. Các bạn đừng lo lắng quá nhé!

Cách trồng cây hương thảo bằng cành

Cắt cành hương thảo và tuốt lá phía gốc để giâm.

Cắt cành hương thảo và tuốt lá phía gốc để giâm.

Chọn cành đã hóa gỗ hoặc hóa gỗ gần hết để khi ngâm nước không bị thối cành. Cắt độ dài khoảng 15cm, tuốt lá dưới gốc, sau đó ngâm vào nước. Mỗi khi thấy nước đục thì thay nước mới, hoặc cạn bớt nước mà không đục thì thêm nước vào. Nước ngập khoảng 4 – 5cm. Sau 2 tuần ra rễ được khoảng 3 – 4cm, có thể đưa cây ra giá thể trồng.

Ngâm cành hương thảo cho ra rễ.

Đưa cây ra giá thể.

Vì lúc này rễ còn ít, nên ưu tiên loại giá thể xốp nhất, hoặc trồng vào cát trước. Khi cành bén rễ quanh cốc giá thể thì chuyển qua chậu lớn hơn.

Tại sao cây hương thảo bị héo

Hiện tượng hương thảo bị héo một phần hoặc héo toàn bộ cây khá phổ biến. Có nhiều lý do như: thiếu nước, bị úng và thối rễ, cây thiếu ánh sáng nên kém phát triển và héo dần. Việc trồng được cây hương thảo tuy không khó nhưng đôi khi vì một vài sơ suất mà chúng ta không giữ cây được lâu như mong muốn.

Những lưu ý cần thiết khi trồng cây hương thảo

Từ kinh nghiệm của bản thân và từ những phản hồi khách hàng chia sẻ, Mộc Nhiên Farm tổng hợp lại một số lưu ý sau:

  • Nhiều bạn quá yêu mùi hương của lá, thích đi qua đi lại quệt tay vào để vương mùi thơm nên đặt cây ở trong nhà. Việc thiếu ánh sáng sẽ làm cây không thể phát triển và về lâu dài sẽ kiệt sức dần.

Cây ưa nắng, thoáng gió và không chịu nắng quá gay gắt. Chỉ cần giá thể tơi xốp là cây phát triển khỏe mạnh.

  • Tuy có khả năng chịu hạn tốt nhưng nếu thiếu nước cây sẽ dần khô lá.
  • Vào mùa nóng chói chang cần che mát cho cây. Tuy ưa nắng cả ngày nhưng nắng gắt quá sẽ dễ làm cây kiệt sức.
  • Nếu giá thể không đủ thoáng, mùa mưa dễ làm cây úng rễ. Kể cả việc tưới quá dư nước và tưới quá nhiều lần nhưng bầu rễ còn trữ nước cũng sẽ gây nấm bệnh, bị thối rễ và phát sinh bệnh phấn trắng.
  • Đất sét quá nặng cũng làm rễ bị bí và khó phát triển. Nếu giá thể có nhiều xơ dừa, khả năng cao về sau cây sẽ bị úng.
  • Bón phân quá đậm với tần suất dày sẽ gây hiện tượng sốc rễ.

Trồng rosemary không khó. Các bạn đừng quá lo lắng nha.

Kết luận

Với những hướng dẫn chăm sóc ở trên, Mộc Nhiên Farm hy vọng việc trồng cây hương thảo không còn là khó khăn đối với các khách hàng thân thương nữa. Hãy mạnh dạn đem loại thảo mộc dễ thương này về nhà nhé.

Thích nhất là mỗi buổi sáng ra vườn xịt nước, lướt qua những chậu rosemary, cả khu vườn như được đánh thức bởi hương thơm thoang thoảng trong không khí sớm mai. Đi qua một nhành hương thảo, chắc rất ít người kiềm chế được cái tay thích ngắt nhéo, chỉ để bàn tay còn vương mãi một mùi hương thư giãn, rồi mùi hương ấy cứ vấn vít cả ngày...

Hoa rosemary

©Copyright by Moc Nhien Farm

Từ khóa » Cây Hương Thảo Rosemary