Cây Ké đầu Ngựa: Vị Thuốc Đông Y Có Công Dụng Trị Bướu Cổ - YouMed

Nội dung bài viết

  • Ké đầu ngựa là gì?
  • Tác dụng của Ké đầu ngựa
  • Cách sử dụng Ké đầu ngựa
  • Bài thuốc từ Ké đầu ngựa
  • Kiêng kỵ

Ké đầu ngựa là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc này có khả năng giảm đau, ra mồ hồi, trị cảm cúm… rất hiệu quả. Sau đây, hãy cùng Youmed, tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

Ké đầu ngựa là gì?

  • Tên khác: Xương nhĩ, thương nhĩ tử, thương nhĩ, mac nháng (Tày), phắc ma…
  • Tên khoa học: Xanthium strumarium L.
  • Họ: Cúc (Asteraceae)
  • Tên dược liệu: Fructus Xanthii strumarii (Quả)

Bộ phận làm thuốc: Quả (Thương nhĩ tử) và toàn cây (Thương nhĩ thảo). Trong đó, quả do dược tính cao hơn nên thường được sử dụng.

Đặc điểm sinh trưởng

Theo các tài liệu, Ké đầu ngựa được tìm thấy đầu tiên ở châu Mỹ, sau đó khắp các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới châu Á, châu Phi…đều xuất hiện loài cây này.  Tại Việt Nam, cây phân bố từ vùng núi, trung du đến đồng bằng, nhất là các tỉnh phía Bắc từ Nghệ An trở ra.

Một số đặc điểm:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Thuộc loài ưa sáng, ưa ẩm. Ở các bãi trống ven đường đi, hoặc trên các đồng ruộng hoa màu mới bỏ hoang, cây thường tập trung thành đám lớn
  • Trồng vào mùa xuân,
  • Trong mùa hè, cây sinh trưởng khá nhanh. Vào mùa thu, sau khi có hoa quả sẽ tàn lụi dần.
  • Cây có nhiều hoa quả. Quả có gai móc, vướng vào lông của động vật, quần áo người để phát tán đi xa.
  • Được gieo trồng bằng hạt
  • Không kén đất, đất nào cũng trồng được ngoại trừ ngập úng, quá nhiều sỏi đá. Trước khi trồng nên làm đất bón phân cho tốt (Tro, đất sông…). Đào lỗ nhỏ cho vào 3-4 hạt, mỗi hố cách nhau 50 cm. Khoảng sau 10 ngày đươc tưới ẩm, cây sẽ mọc tươi tốt.
  • Có thể bón thêm ít đàm vào thời kỳ cây ra hoa. Sau khi trồng khoảng 4-5 tháng thì có thể bắt đầu thu hoạch.
Ké đầu ngựa là loài cây mọc hoang nhưng có tác dụng trị bệnh.
Ké đầu ngựa là loài cây mọc hoang nhưng có tác dụng trị bệnh.

Thu hoạch

Quả giả (Thương nhĩ tử): Vào mùa thu khoảng tháng 5-9, thu hái khi quả già. Cắt cả cành, phơi khô, đập cho rụng quả, lấy quả, bỏ lá và cành. Dược liệu quả có màu vàng, mặt ngoài có nhiều móc, trong chứa 2 hạt. Độ ẩm không quá 12%, quả non không quá 10%, bộ phận khác của cây không quá 1 % tro toàn phần không quá 4%.

Toàn cây (Thương nhĩ thảo): Cắt lấy cành và cây có mang lá và quả, loại bỏ tạp chất và lá khô úa, phơi khô hay sấy ở nhiệt độ 40 – 45 độ C. Thành phẩm có màu xanh lá, không mùi, vị ngọt, hơi đắng.

Mô tả toàn cây Ké đầu ngựa

Là cây thân thảo nhỏ, cao khoảng 2 m. Thân có khía rãnh, hình trụ, màu lục, có lông cứng bám trên.

Cây có lá mọc xen kẽ so le nhau, phiến lá chia thành 3 cạnh. Mép không đều tạo hình răng cưa, có khía hơi sâu tạo thành 3-5 thùy, lông ngắn cứng ở 2 mặt. Phiến lá hình tam giác, kích thước chiều dài 4 – 10 cm và rộng 4 – 12 cm. Lá có cuống, chiều dài khoảng 10 cm.

Cụm hoa có màu xanh nhạt, thường mọc ở kẽ lá hoặc mọc ở đầu cành. Trên cây, gồm có 2 loại hoa cùng gốc. Các đầu hoa ở phía trên nhỏ hơn là hoa lưỡng tính, không có mào lông, hình ống, tràng 5 thùy. Còn lại là hoa cái không có mào lông và tràng.

Quả bế đôi, dạng hình trứng, kích thước rộng 7mm, dài 12 mm. Có hai sừng nhọn ở đầu quả, còn gai móc phủ xung quanh.

Bào chế và bảo quản

Bào chế:

Cây Ké đầu ngựa thường được chế biến thành cao thương nhĩ (Vạn ứng cao) hoặc thương nhĩ hoàn (thuốc viên). Cách làm cụ thể như sau:

  • Cao thương nhĩ: Sau khi thu hoạch, lấy toàn bộ đem rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ. Đem tất cả nấu lên rồi bỏ bã, cô đặc thành cao mềm. Cao này dễ lên men
  • Thương nhĩ hoàn: Dùng toàn cây bỏ rễ, rửa sạch rồi nấu trong 1 giờ cho sôi lên, lọc lấy nước. Cho thêm nước rồi đun sôi làm tương tự như trên, rồi trộn 2 lần lại, nấu cô thành cao. Thêm lượng bột vừa đủ, trộn lên rồi vo viên.

Bảo quản: Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Đậy kín nắp lọ, không để dược liệu bị chảy ra ngoài.

Quá ké (Thương nhĩ tử) là bộ phận thường được dùng để làm thuốc.
Quả ké (Thương nhĩ tử) là bộ phận thường được dùng để làm thuốc.

Tác dụng của Ké đầu ngựa

Thành phần hóa học

Ké đầu ngựa có nhiều thành phần hóa học đa dạng như: Alcaloid, iot, chất béo và saponin…

Cụ thể: 30% chất béo, 1,3% chất glucozit, 3,3% chất nhựa và vitamin C. Bên cạnh đó, còn chứa các chất như xantheti, xanthamin, cacboxi atratylozit…và một số chất độc cho gia súc như hydroquinon, cholin…

Dầu béo trong Ké đầu ngựa có dạng lỏng, màu vàng nhạt, không có mùi, có vị giống với dầu thực vật.

Quả chứa alcaloid, sesquiterpen lacton như xanthinin, xanthumin, xanthatin (có tác dụng kháng khuẩn), iod hữu cơ (220 – 230 microgam/1g quả).

Rễ chứa beta sitosterol, stigmasterol.

Toàn cây còn là nguồn phân hữu có tốt vì có nhiều đạm.

Cứ 1 g thân hoặc lá cây chứa đến 200 microgam iot, còn 1 g quả chứa 220 – 230 microgam. Đặc biệt, khi nước sắc quả cô đặc trong 15 phút để thành cao thì cứ 1g cao sẽ có 300g iot. Thời gian cô đặc càng tăng thì cao càng chứa hàm lượng iot càng nhiều.

Tác dụng Y học hiện đại

  • Hạ đường huyết: Do carboxy atractylozit ở dạng muối có độc tính này.
  • Sát khuẩn: Nhờ quả chứa các hoạt chất như xanthamin và xanthetin.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh bướu cổ: Nhờ toàn hàm lượng iot khá cao có trong cây.
  • Hạ sốt, giúp tiểu thông lợi, cường độ co bóp cơ tim giảm.
  • Giúp chống các tác nhân gây dị ứng, ngứa da, kháng histamin cho cơ thể.
  • Do có chất xanthumin nên dược liệu có thể ức chế thần kinh trung ương.
  • Kháng viêm nhờ -sitosterol-D-glucosi, rất tốt trong trường hợp lở loét hay mụn nhọt.

Tác dụng Y học cổ truyền

  • Tính vị: Tính ấm, vị ngọt nhạt, hơi đắng, hơi có độc.
  • Quy kinh: kinh Phế
  • Công dụng: Làm ra mồ hôi, tán phong, giảm đau, tiêu độc mụn nhọt, sát trùng…
  • Chủ trị: Các chứng phong hàn (ngoại tà xâm nhập), cảm lạnh, tê dại, mờ mắt, mụn nhọt, lở loét, bướu cổ, đau răng, đau họng, đau đầu, sổ mũi, viêm mũi xoang…

Cách sử dụng Ké đầu ngựa

Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Ké đầu ngựa có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc dạng viên, dạng cao, dùng ngoài da, hoặc làm thức uống hằng ngày…

Liều dùng:

  • Quả: 6-12g/ ngày
  • Cành và lá: 10-16g/ngày.
  • Hoặc dùng mỗi ngày từ 15 – 30g Ké đầu ngựa khô, rửa qua bằng nước sạch, nấu sôi với nước, làm thức uống hằng ngày.
  • Dùng ngoài không có liều lượng chính xác. Dưới dạng thuốc mỡ từ quả tán nhỏ, bôi vào những vùng da ngứa, bị cắn do sâu, bọ…
  • Cao thương nhĩ: 6 – 8 g/ngày. Đem cao hòa tan với nước ấm rồi uống, dùng trong khoảng 1 tháng.
  • Thương nhĩ hoàn: 16-20g/ngày chia thành 3 lần uống trước bữa ăn.

Bài thuốc từ Ké đầu ngựa

Hỗ trợ điều trị bướu cổ, cung cấp iod cho cơ thể

Ké đầu ngựa 15g, Xạ đen 40g, đem 2 loại sắc nước uống, chia 2 lần trong ngày.

Hoặc dùng toàn cây hay quả khoảng 4 – 5g nấu với nước uống hằng ngày.

Trị đau nhức xương khớp, viêm khớp

Ké đầu ngựa 20g, Vòi voi 40g, Lá lốt 20g, Ngưu tất 10g, đem tất cả hãm với nước sôi rồi chia thành nhiều lần uống một ngày.

Hoặc Ké đầu ngựa 12g,  rễ Cỏ xước 40g, Hy thiêm 28g, Thổ phục linh 20g, cỏ Nhọ nồi 16g, Ngải cứu 12g. Đem tất cả dược liệu trên đi sao vàng rồi sắc nước uống trong vòng 1 tuần.

Trị đau răng

Ngậm nước từ quả Ké sắc ra, trong vòng khoảng 5-10 phút rồi nhổ ra. Thực hiện nhiều lần trong ngày để giảm tình trạng đau răng.

Trị viêm mũi, viêm xoang

Ké đầu ngựa 16g, Bạch chỉ, Cát cánh, Cam thảo mỗi vị 4g, Hạ khô thảo 12g, Tân di 8g, Bạc hà 6g, sắc uống.

Kiêng kỵ

  • Mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào của trong bài thuốc.
  • Không dùng quả Ké đầu ngựa mọc mầm để chữa bệnh, bởi chúng có chứa độc tính có thể gây phản ứng phụ.
  • Thiếu máu gây tình trạng đau đầu không nên dùng.
  • Hạn chế dùng dược liệu cùng thịt heo.

Ké đầu ngựa không chỉ là loài cây quen thuộc, mà từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Từ khóa » Ké Quả