"Cây Kéo Vàng" ở Xóm Lao động - Tuổi Trẻ Online

Gb7IyhVA.jpgPhóng to
Đỗ Minh Sơn đang tạo mẫu tóc cho khách hàng

Cái nghề phụ xe mà Sơn làm quá khác với nghề làm tóc. Đấy là chưa kể đến việc khi làm phụ xe, Sơn trông giống như một “người rừng” nếu so với một anh thợ làm tóc sành điệu. Vậy mà không biết trời đất run rủi thế nào Sơn lại quay sang nghề làm tóc.

Duyên với nghề

Trong một chuyến đi, Sơn ghé nhà một người quen trên đường Cách mạng Tháng Tám (TP.HCM), sự hào nhoáng của tiệm làm tóc đã làm Sơn choáng ngợp. Và điều thú vị hơn là anh chủ cửa hiệu làm tóc còn chấp nhận “người rừng” Đỗ Minh Sơn trở thành một thợ phụ của cửa hàng khi Sơn dò hỏi. Ngay ngày hôm sau, Sơn đã trở thành một thành viên của tiệm làm tóc.

Hơn 2 năm làm thợ tại đây cũng là thời gian Sơn phải chiến đấu với “anh phụ xe” trong con người mình: từ cách ăn nói quê kệch thô lỗ, cách ăn mặc quê mùa, cho đến việc rèn luyện bàn tay khéo léo của một thợ làm tóc chuyên nghiệp. Không ít lần Sơn tưởng phải bỏ giữa chừng vì quá nản...

Nhưng rốt cục thì cậu thanh niên sinh năm 1979 này cũng làm được, thậm chí còn xuất sắc hơn cả các bạn cùng làm vì Sơn tự bảo mình “lấy cần cù, bù ngu si”. Khi làm tóc cho khách hàng, mỗi mẫu tóc đều được Sơn coi như một thử thách với việc làm sao để tạo cho khách hàng một phong cách riêng, một vẻ đẹp riêng với kiểu tóc do Sơn tạo. Làm được một mẫu tóc ưng ý cho khách hàng, Sơn “huýt sáo” cả ngày, khách hàng không hài lòng vì kiểu tóc mình tạo, Sơn cũng trằn trọc suốt đêm.

Năm 2005, Sơn ra Hà Nội làm và cuối năm thì quyết định “ra riêng” dù trong túi không tiền (tiền công làm thợ của Sơn chỉ giúp cậu trang trải cuộc sống hàng ngày). Cũng chính vì không tiền và phải rất vất vả trong việc vay mượn nên cửa hiệu tạo mẫu tóc của Sơn chỉ có thể ở một ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân. Không ai nghĩ sẽ đến tiệm làm tóc này để tạo kiểu tóc mà chỉ đơn thuần là... cắt tóc.

Thế nhưng, những khách hàng đến hiệu làm tóc này lại vô cùng ngạc nhiên với tay kéo của anh chàng cắt tóc đẹp trai và vui tính. Họ không chỉ được tạo những kiểu tóc sành điệu, hợp thời trang mà quan trọng hơn kiểu tóc đó hợp với dáng điệu và con người của họ. Khách hàng chỉ lấy làm lạ là tại sao một “tay kéo xịn” như vậy lại làm nghề cắt tóc trong một khu dân cư nghèo. Khi được hỏi Sơn chỉ cười... Ít người biết rằng, cửa hiệu đó cũng là cửa hiệu có vị trí tạm ổn và đặc biệt nhất là hợp với túi tiền của Sơn vì chỉ bắt trả trước có 2 tháng tiền nhà với giá thuê vừa túi tiền.

Tham gia và đoạt giải ba Khu vực phía Bắc và giải Tư vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Nhà tạo mẫu tóc Xuất sắc 2006 do Tạp chí Thời trang Trẻ tổ chức, cuộc sống của Sơn cũng không có nhiều thay đổi. Sơn vẫn chỉ là chủ một cửa hiệu làm tóc tại một nơi... ít người đi làm đẹp nhưng với lượng khách hàng đông hơn trước.

Có công thì trời không phụ...

Có lẽ “ông trời” muốn thử thách Sơn nên đã “xui” ông chủ nhà đòi lại nhà khi Sơn mới bắt đầu đông khách chưa được 2 tháng. Lang thang đi tìm chỗ thuê mới với các tiêu chuẩn mà nghe cũng biết là “bótay.com”: địa điểm đẹp, rẻ, trả tiền trước... ít thôi (vì Sơn không có tiền). Ba ngày trước khi bị “ra đường”, Sơn tình cờ tìm được địa điểm tại số 12 ngõ 443 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) với mức giá thuê “vừa phải” nhưng nhu cầu làm đẹp quanh khu vực này thấp hơn vị trí trước.

Nhưng sự cố gắng trong công việc của Sơn đã được đền đáp khi một số khách hàng cũ đã tự tìm đến cửa hàng mới. Và cũng rất may vì cửa hàng ở gần vị trí có rất đông học sinh, sinh viên ở nên cũng có một lượng khách nhất định.

Địa điểm không thuận lợi, nhu cầu làm đẹp của cư dân xung quanh cửa hàng không cao nhưng Sơn vẫn tìm thấy những niềm vui đặc biệt với chính những khách hàng ít làm đẹp này. Sơn tâm sự: “Khi họ ít làm tóc thì tóc của họ là tóc nguyên bản, khi mình tạo mẫu tóc cho họ thì mình có thể tạo ra một kiểu tóc sành điệu, hợp với khuôn mặt, dáng vóc của họ và còn đúng với ý tưởng của mình nữa. Điều đó thật tuyệt vời"...

Không tự hài lòng với tay nghề của mình, trong khi còn rất lo lắng về vốn để đủ cho một cửa hàng hoạt động vững vàng, Sơn luôn có niềm đam mê là tiếp tục học để nâng cao tay nghề. Sơn cho rằng mình còn trẻ, nên tiếp tục học nâng cao là điều vô cùng cần thiết. "Lớp học nâng cao thì có nhiều, chỉ có điều học phí đắt quá, tới tận 1.200 USD/khoá học...Nhưng thế nào tôi sẽ theo học. Tôi không bao giờ tiếc tiền vào việc học!".

Từ khóa » Cây Kéo Vàng Là Gì