Cây Kim Tiền (kim Phát Tài) - Cách Trồng Và Chăm Sóc Mang Về Tài Lộc

Nếu nhắc đến cây cảnh, không thể không kể đến cây kim tiền, đây là loại cây hội tụ đầy đủ các yếu tố về thẩm mỹ cũng như ẩn chứa nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

  • Đặc điểm cây long não và những tác dụng bạn chưa biết

Không chỉ vậy, cách trồng và chăm sóc cây kim tiền cũng khá đơn giản.

Để hiểu rõ hơn, hãy tham khảo qua những thông tin về cây kim tiền dưới đây nhé.

Đặc điểm cây kim tiền

Là loài cây cảnh nội thất khá nổi tiếng, cây kim tiền có vẻ ngoài khá độc đáo, dễ nhận biết. Dưới đây là một vài đặc điểm chính.

  • Tên: Kim tiền
  • Tên gọi khác: Kim phát tài, cây phát tài, cây kim tiền phát lộc
  • Tên khoa học: Zamioculcas zamiifolia
  • Họ: Ráy (Araceae)
  • Chi: Zamioculcas
Cây kim tiền
Cây kim tiền

Kim tiền có nguồn gốc từ các nước thuộc khu vực Đông Phi và Đông Nam Phi, là loại cây rễ chùm dạng bụi, quanh năm xanh tốt.

Thân cây mọng nước, to khỏe, đặc biệt là ở gốc. Gốc cây nằm sâu dưới đất và chỉ chỉa các thân con lên phía trên.

Các thân con mọc thành bụi, vươn thẳng lên trên, cây có chiều cao từ 18 – 50cm, nếu sinh trưởng ngoài tự nhiên có thể cao tới hơn 1m. Lá mọc trực tiếp trên thân con, mỗi thân sẽ có khoảng 5 – 9 cặp lá.

Lá cây kim tiền có dạng kép, dài từ 4 – 15cm, rộng 2 – 5cm. Lá có hình bầu dục, nhọn về phía 2 đầu, cuống ngắn và mập. Lá khá dày, có màu xanh thẫm, mặt lá sáng bóng đẹp mắt.

Mỗi thân có tuổi thọ khoảng 2 – 3 năm, nhưng với tốc độ sinh trưởng nhanh, các nhánh mới liên tục sinh sôi khiến cho bụi cây kim tiền có tuổi thọ lâu dài, rậm rạm.

Kim tiền sinh trưởng nhanh thành dạng bụi
Kim tiền sinh trưởng nhanh thành dạng bụi

Về đặc tính sống, kim tiền ưa sáng và có thể chịu bóng tốt, không chịu được ánh nắng gay gắt hay ngập úng. Nhu cầu nước trung bình, phù hợp với điều kiện nhiệt đới, ít tốn công chăm sóc.

Cây kim tiền có độc không

Theo nhiều nghiên cứu, trong cuống và lá của cây kim tiền có chứa canxi oxalat. Đây là chất có thể gây kích ứng lên các khu vực nhạy cảm như mắt, lưỡi, môi…

Nếu không may tiếp xúc hoặc ăn phải có thể gây kích ứng, mẩn ngứa, sưng tấy, đau rát. Tuy nhiên để nguy hiểm đến tính mạng thì phải tiếp xúc với một lượng lớn.

Dù vậy, để đảm bảo an toàn, nếu gia đình có trẻ nhỏ hay vật nuôi thì nên đặt cây ở các vị trí an toàn, tránh các trường hợp ngộ độc đáng tiếc.

Công dụng và ý nghĩa của cây kim tiền

Công dụng của cây kim phát tài

Dáng cây sum suê, xanh ngát, mang lại tính thẩm mỹ cao, cây kim tiền thường được lựa chọn để trồng trong chậu như cây để bàn, đặt các vị trí trong nhà.

Các vị trí thường đặc cây kim tiền có thể kể đến như bệ cửa sổ, bàn học, bàn làm việc, bàn tiếp khách, lễ tân… Các cây kích thước lớn có thể đặt ở hành lang, tiền sảnh.

Không chỉ có tác dụng làm đẹp, kim tiền còn có khả năng thanh lọc không khí, đào thải khí độc, làm giảm các tia có hại từ điện thoại, máy tính, rất phù hợp để đặt ở cửa sổ hay bàn làm việc cho dân văn phòng.

Kim tiền thường được trồng trong chậu nhỏ để làm cảnh
Kim tiền thường được trồng trong chậu nhỏ để làm cảnh

Với màu xanh dịu mắt, ngắm nhìn cây kim tiền cũng là một biện pháp thư giãn khá hiệu quả.

Nhiều người còn lựa chọn những chậu cây kim tiền để làm quà tặng trong các dịp lễ như tân gia, khai trương, thay cho các lời chúc ý nghĩa.

Ý nghĩa của cây kim tiền

Như đã nói ở trên, cây kim tiền thường được dùng làm quà tặng vì mang nhiều ý nghĩa, vậy những ý nghĩa đó là gì?

Trong phong thủy, kim tiền có dáng vươn cao, uy nghĩ vững chãi, các lá mọc đối tỏa ra như bàn tay hứng lộc. Tượng trưng cho tài lộc, thịnh vượng, người trồng cây kim tiền trong nhà sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong công việc, cuộc sống.

Đặc biệt nếu chăm sóc tốt, cây ra hoa thì tài lộc càng nhiều.

Vào các dịp lễ Tết, người ta thường buộc các sợi chỉ đỏ lên cây kim tiền để cầu mong tiền tài, thịnh vượng trong suốt một năm.

Cây có ý nghĩa mang về tài lộc
Cây có ý nghĩa mang về tài lộc

Tham khảo thêm thông tin về cây phát lộc, cây phát tài, đều là những cây mang lại nhiều tài lộc cho gia chủ nhé.

Cây kim tiền hợp mệnh gì? tuổi nào?

Một trong những yếu tố giúp cây kim tiền được yêu thích chính là không kén tuổi. Cây phù hợp với tất cả các mệnh, các tuổi nên bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này.

Ngoài ra, để cây phát huy tối đa yếu tố phong thủy, bạn nên chú ý một vài điểm sau:

  • Những người mệnh mộc, hỏa là phù hợp nhất với cây kim tiền, khi trồng sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi.
  • Những người mệnh thổ nên trồng cây kim tiền trong các chậu có màu nổi bật, ví dụ như đỏ, cam hoặc hồng để tăng hiệu quả.
  • Mệnh kim, thủy thì nên trồng cây trong chậu màu nhẹ nhàng như vàng, trắng… như vậy sẽ cân bằng yếu tố âm dương.

Cây kim tiền nên đặt ở đâu?

Bạn có thể đặt cây kim tiền ở nhiều vị trí, cả trong nhà và ngoài trời. Nếu cây nhỏ thì có thể đặt ở bệ cửa sổ, bàn làm việc, bàn học, bàn tiếp khách, ban công. Nếu chậu cây lớn hơn thì có thể đặt ở tiền sảnh, hành lang…

Đặt cây ở hướng Đông, Đông Nam và Nam của ngôi nhà hoặc phòng sẽ phù hợp với yếu tố phong thủy, giúp tài lộc tăng cao.

Không đặt cây ở đối diện cửa ra vào hay trong phòng ngủ, dễ dẫn đến mất cân bằng âm dương, vận khí không tốt.

Cách trồng cây kim tiền

Có sức sống tốt và khả năng sinh trưởng nhanh, cách trồng cây kim tiền không hề quá phức tạp. Bạn có thể tham khảo quy trình dưới đây.

Chọn chậu trồng cây

Trước khi trồng, bạn cần xác định trước là mình muốn đặt cây ở đâu, từ đó chọn ra loại chậu có kích thước phù hợp.

Ngoài ra, cần chọn màu chậu hợp phong thủy, chậu phải có lỗ thoát nước đầy đủ, tránh ngập úng.

Chuẩn bị đất trồng

Đất trồng là yếu tố vô cùng quan trọng, rất may cây kim tiền có thể sống trên nhiều loại đất khác nhau, nhất là đất chua. Ngoài ra bạn nên trộn thêm ít xơ dừa, mùn xốp, sỏi nhỏ và phân chuồng để tăng dinh dưỡng, độ tơi xốp và khả năng thoát nước.

Nhân giống cây kim tiền

Tùy nhu cầu về số lượng mà bạn có thể chọn phương pháp nhân giống bằng lá hoặc bằng cành.

Nhân giống cây kim tiền bằng lá:

Với cách nhân giống này, bạn có thể nhân giống với ố lượng nhiều, nhưng thời gian cho cây lớn sẽ lâu hơn một chút. Cách làm như sau:

Từ cây mẹ, chọn ra lá ở gần sát gốc, to khỏe, màu xanh đậm, ngắt hết cả phần cuống. Ngâm phần cuống vào dung dịch kích rễ trong khoảng 2 tiếng.

Sau đó cắm lá vào chậu đất đã chuẩn bị từ trước, sâu chừng 1cm. Tưới đẫm nước ở lần đầu tiên, sau đó tưới phun sương duy trì độ ẩm cho đất 2 – 3 ngày một lần.

Sau khoảng 1 tháng là lá sẽ mọc nhiều rễ và sinh trưởng thành cây con, bạn tiếp tục chăm sóc để cây lớn, sinh trưởng thành bụi.

Nhân giống cây bằng lá
Nhân giống cây bằng lá

Nhân giống cây kim tiền bằng cành:

Khi nhân giống bằng cành, cây con sẽ phát triển nhanh hơn, nhưng không thể làm với số lượng nhiều. Phương pháp như sau:

Từ một bụi kim tiền lớn, chọn ra một một thân con cỡ vừa, lá xanh thẫm, không có dấu hiệu sâu bệnh. Dùng dao sắc cắt sát gốc, không để thân dập nát.

Cắt tỉa bớt phần lá sát gốc rồi để ở nơi râm mát, khô ráo khoảng 3 tiếng cho vết cắt khô. Sau đó mang thân con vừa cắt cắm xuống đất, hòa dung dịch kích rễ với nước và tưới cho ẩm đất.

Che chắn cẩn thận để tránh ánh nắng gắt, tưới nước 2 – 3 ngày một lần để duy trì độ ẩm cho cây, khoảng gần 1 tháng là rễ sẽ bám chắc, cây sẽ phát triển thành một bụi mới.

Cây còn có thể nhân giống bằng thân con
Cây còn có thể nhân giống bằng thân con

Cách chăm sóc cây kim phát tài

Cây kim tiền có sức sống rất tốt, lại phù hợp với khí hậu nhiệt đới nên quá trình chăm sóc khá dễ dàng. Dưới đây là vài lưu ý chính.

Tưới nước

Cây kim tiền không cần quá nhiều nước, bạn có thể dùng bình phun sương tưới cho cây 1 – 2 lần mỗi tuần. Khi tưới chỉ cần đất đủ ẩm, tưới nhiều có thể khiến cây bị ngập úng.

1 tháng bạn có thể tưới đẫm 1 lần, sau đó mang chậu cây ra ngoài trời phơi nắng, vừa giúp cây quang hợp vừa chống ngập úng.

Ánh sáng

Là loài cây ưa sáng nhưng vẫn có thể sống thiếu sáng, bạn có thể đặt cây kim tiền ở nhiều vị trí. Tuy nhiên, nên tránh những nơi tiếp xúc nhiều với ánh nắng trực tiếp mặt trời.

Khi đặt cây ở cửa sổ hay ban công, nên tránh cửa kính, đặt lệch một chút hoặc che chắn cẩn thận để tránh cháy lá.

Đặt cây ở nơi nhiều sáng
Đặt cây ở nơi nhiều sáng

Dinh dưỡng

Khi cây còn nhỏ và ở giai đoạn vừa mọc thân mới, hãy bón thúc bằng một ít phân NPK. Tiếp đó, cứ 3 – 4 tháng lại bón cho cây một ít phân NPK.

Nên rải ra xung quanh gốc, sau đó tưới nước để cây dễ hấp thu, không bón quá sát gốc, có thể khiến cây bị cháy.

Nhiệt độ

Cây sinh trưởng tốt trong mức nhiệt độ từ 20 – 28 độ C. Nếu nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể khiến cây chậm phát triển.

Không bật máy lạnh nhiệt độ quá thấp trong thời gian dài, nếu nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, cây sẽ bị chết.

Cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh, vàng lá

Hàng tuần, hãy dùng khăn ướt lau sạch bụi bẩn trên lá, vừa giúp cây xanh đẹp, vừa hỗ trợ quá trình quang hợp cho cây.

Nếu thấy lá hư, lá vàng thì cần cắt tỉa để loại bỏ để tránh lây lan, sau đó điều chỉnh lượng nước tưới cũng như ánh sáng cho phù hợp.

Cây ít khi bị sâu bệnh, nhưng thi thoảng vẫn bị rệp tấn công, bạn nên quan sát cả mặt trên và dưới của lá để sớm phát hiện và phun thuốc trị kịp thời.

Cây kim tiền giá bao nhiêu?

Hiện nay, trên thị trường có nhiều đại lý bán cây kim tiền, do đó giá cả có đôi chút khác nhau. Nhìn chung sẽ được chia làm 2 loại là tiền cây và tiền chậu.

Các loại cây nhỏ, cây để bàn cao khoảng 15 – 30cm thì có giá dao động từ 50 – 150k tùy dáng cây và loại chậu.

Cây cỡ vừa, cao từ 30 – 55cm sẽ có giá giao động từ 150 – 250k, tùy dáng cây và mẫu mã, chất liệu chậu.

Những cây cỡ lớn, cao trên 55cm sẽ có giá từ 200 – 500K, thậm chí cao hơn tùy kích thước, kiểu dáng và chất liệu chậu.

Bạn nên liên hệ trực tiếp với đại lý để được tư vấn kỹ càng hơn.

Trên đây là những thông tin chi tiết về đặc điểm cây kim tiền cũng nhu cách trồng, cách chăm sóc sao cho hiệu quả.

Hy vọng bạn đã có đủ kinh nghiệm để tự mình trồng một cây, tô điểm thêm cho vẻ đẹp ngôi nhà cũng như mang về nhiều tài lộc, may mắn.

Chúc bạn thành công.

Từ khóa » Chăm Sóc Cây Kim Phát Tài