Cây Lác, Một Loại Cây Trồng Cho Thu Nhập Cao Tại Xã Đức Mỹ

Đức Mỹ là xã của huyện Càng Long, trước đây sản xuất nông nghiệp được xem là nguồn thu nhập chính của người dân và cây lúa là loại cây trồng chính. Tuy nhiên, đất đai nhiễm phèn, kém màu mỡ và thường xuyên bị xâm nhập mặn vào mùa khô nên năng suất lúa ngày càng thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhưng với quyết tâm xóa bỏ thế độc canh cây lúa, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các giống cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Với đặc điểm là vùng nước lợ và đất nhiễm phèn, nhưng lại là nơi thích nghi tốt cho cây lác phát triển, Đức Mỹ đã thực hiện chuyển đổi thành công từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lác có thu nhập cao. Từ năm 2000 đến nay, cánh đồng lác của xã phát triển rất nhanh, năm 2018 diện tích canh tác cây lác đạt 626 ha, thuộc dạng lớn nhất tỉnh Trà Vinh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân canh tác bình quân 2,5 vụ lác/năm, với giá lác hiện tại 12.000 – 14.000đ/kg, nông dân thu lãi 140 – 160 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đồng thời giúp xã đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

C:\Users\HPYeShin\Downloads\hinh cay lac.jpg

Ảnh: Người nông dân xã Đức Mỹ thu hoạch lác

Song hành việc trồng lác, người dân xã Đức Mỹ còn mở cơ sở dệt chiếu, dệt thảm nhằm tạo thêm việc làm cho lao động nông nhàn và phát triển làng nghề. Năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đức Mỹ.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân xã Đức Mỹ đang phối hợp cùng các ngành chức năng, các nhà khoa học,…đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm cơ giới hóa một số công đoạn trong sản xuất nghề lác; hỗ trợ, đưa sản phẩm làng nghề tham dự các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho cây lác nhằm từng bước đưa cây lác Đức Mỹ đến với các thị trường lớn trong và ngoài nước./.

Tin, Ảnh: Huyền Trân

Thành viên Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Từ khóa » Cây Lác Nước