Cây Lồ ô Trong đời Sống Người S'tiêng - Báo Bình Phước

Từ ngàn xưa người S’tiêng Bình Phước đã gắn bó máu thịt với núi rừng, chính vì vậy các nguồn lợi sẵn có từ núi rừng cũng được họ khai thác sử dụng hiệu quả. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, đồng bào S’tiêng đã sử dụng cây lồ ô để tạo nên nhiều loại vũ khí đánh giặc thô sơ nhưng rất hiệu quả như gậy tầm vông, các loại chông gai, mũi tên độc...

Các vật dụng được làm bằng nguyên liệu cây lồ ô

Ngày nay đến với các sóc ấp, nơi người S’tiêng sinh sống, chúng ta luôn bắt gặp những hình ảnh quen thuộc làm từ cây lồ ô, từ ngôi nhà, các vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ... Dù là ngôi nhà sàn của người S’tiêng nhóm Bù Lơ ở vùng cao, hay ngôi nhà dài của nhóm người S’tiêng Bù Dek sinh sống ở vùng thấp thì nguyên liệu chính dùng để dựng nhà phần lớn là từ cây lồ ô. Từ cột, kèo, vách ngăn, sàn nhà... trong đó cây làm đòn nóc ngôi nhà là quan trọng nhất, phải chọn được cây lồ ô già, thẳng và không cụt ngọn. Bởi theo quan niệm của người S’tiêng, sử dụng cây cụt ngọn sẽ mang đến những điều không tốt lành cho gia đình.

Chiếm vai trò chủ đạo phải nói đến những vật dụng hằng ngày, từ chiếc gùi đến dụng cụ đựng hạt giống, cán dao, cán xà gạc, giỏ, nơm, đồ xúc cá, hay như ống cây sử dụng để nấu cơm lam, canh thụt, ống đựng nước... đều làm từ cây lồ ô. Với sự tài hoa và khéo léo, cây lồ ô còn được người S’tiêng tạo ra nhiều nhạc cụ như: đàn đinh tút, đàn tre, sáo talet, kèn bầu... có âm thanh du dương trầm, bổng gửi gắm tâm hồn với thế giới vạn vật.

Trong lễ hội truyền thống, các vật dụng được sử dụng như cần uống rượu, ống đựng rượu, đựng nước, hay như ánh lửa bập bùng của đêm hội cũng được tạo ra từ cây lồ ô. Cây nêu là biểu tượng cho lễ hội của người S’tiêng, chỉ những người đàn ông có hiểu biết sâu sắc, cùng với sự khéo léo của đôi bàn tay mới làm ra được cây nêu. Trong đó vật liệu chính để làm cây nêu cũng chính là cây lồ ô. Là nơi trú ngụ của thần linh, nơi để con người giao tiếp với các vị thần - theo tâm thức của người S’tiêng, do đó, cây nêu được thiết kế rất cầu kỳ với nhiều điều phải kiêng kỵ cả khi làm cũng như lúc dựng nêu. Thân chính của cây nêu được chọn rất kỹ bằng một cây lồ ô già, to, thẳng và đặc biệt không được cụt ngọn. Trên cây nêu còn được trang trí rất nhiều họa tiết như ngôi nhà, hình chim điểu, bông lúa... các chi tiết trang trí này phần lớn cũng được làm bằng nguyên liệu từ cây lồ ô. Có thể nói rằng, cây lồ ô được người S’tiêng sử dụng như một vật liệu đa năng, có hiệu quả phong phú trong đời sống thường ngày.

Là nguyên liệu được sử dụng lâu đời và trở thành nét văn hóa truyền thống của cộng đồng, vừa gần gũi, bình dị với nhiều tính năng tiện dụng, nên người S’tiêng rất có ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ loại cây này. Mỗi khi hái măng rừng, người S’tiêng chỉ hái những mụn măng non. Và khi thực sự cần thiết người S’tiêng mới chặt cây, với quan niệm “vạn vật hữu linh” nên họ tin rằng khi chặt phá cây không có mục đích thì sẽ bị thần cây trách phạt. Đây là điều không tốt lành trong tâm thức đồng bào S’tiêng.

Hiện nay, với sự phổ biến của nhiều chất liệu mới thay thế để sản xuất những đồ dùng, vật dụng hằng ngày nhưng không vì vậy mà vai trò của cây lồ ô bị lãng quên trong đời sống người S’tiêng. Các vật dụng, đồ dùng được làm ra từ nguyên liệu cây lồ ô vẫn được đồng bào sử dụng, ưa thích và nó đã trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người S’tiêng.

Đức Ngự

Từ khóa » Cây Lồ ô Là Ai