Cây Lúa - Nhìn Từ Các Mã Biểu Tượng!

  • Người tiên phong đưa cây lúa nước lên vùng cao Thừa Thiên - Huế
  • Cây “lúa thiêng” của người Pa Cô trước nguy cơ tuyệt chủng

Thế nên cổ mẫu càng xa xưa càng quý vì đó là một mã biểu tượng chứa đựng trong đó biết bao các ý nghĩa sâu xa, thậm chí bí ẩn... Với cư dân vùng Đông Nam Á thì cây lúa là một cổ mẫu như vậy!

Nhìn từ mã sinh hoạt, thuở xa xưa người Việt đã gắn bó với cây lúa vì đó là thứ cây nông nghiệp nuôi sống họ. Câu tục ngữ “Cơm tẻ mẹ ruột” chắc chắn có từ rất lâu cho thấy họ quý trọng, biết ơn cây lúa như người mẹ đẻ ra mình. Gắn bó đến nỗi không có một sinh vật nào, trừ con người, lại có cả một hệ thống ngôn từ định danh phong phú như thế. Chỉ tính quá trình phát triển của cây lúa, thì: ngâm (giống), vãi, lên mầm, lúa ngồi, bén rễ, ngậm sữa, làm/vào đòng, uốn câu, cứng/sậm hạt, đỏ đuôi...

Quả thật cây lúa cho người nông dân vô vàn tác dụng, ngoài thóc gạo còn cho rạ, rơm. Ngày xưa hầu hết là nhà tranh. Cữ cuối năm, ít mưa gió, mái nhà sẽ được phủ màu vàng ươm, thơm ngậy của rơm rạ, bên ngoài trời rét nhưng vào nhà thì ấm sực. Mùa hè lại mát. Ngày nay, hầu hết nhà mái ngói hoặc bê tông vững vàng trước gió mưa nhưng không còn cái thi vị của rơm rạ ấm áp và mát mẻ... Rơm còn là thức ăn cho trâu bò. Tết nhất, gió mưa, bão bùng, lũ lụt, không đưa trâu bò ra đồng ăn cỏ thì sẵn có rơm cho chúng ăn tạm. Rơm để làm chổi, quét nhẹ tay, lại sạch. Rơm để ủ những luống rau mới gieo hạt hoặc chống sương muối. Rơm trộn với bùn thành một thứ keo trát vách. Rơm để làm ổ cho những ả gà mái đẻ trứng, mà hình như không phải là rơm chúng sẽ đi đẻ nơi khác!? Gần đây bà con dùng rơm ủ nấm, giúp nấm phát triển nhanh...

Cây lúa - Nhìn từ các mã biểu tượng! -0
Lễ rước Mẹ Lúa ở đền Hùng!

Ai ở nhà quê sẽ không bao giờ quên cảnh đêm trăng chơi “bịt mắt bắt dê” chung quanh những đống rơm rạ!

Hạt thóc, cho vào xay, giã, giần, sàng, ngoài những hạt gạo trong như ngọc (Các cụ gọi gạo là “ngọc thực” chắc có sự liên tưởng bề ngoài này!) còn có trấu, cám, tấm, mẳn... Vỏ trấu dùng làm chất đốt thay rơm rạ (bếp trấu). Ngày nay các lò ấp trứng thủ công vẫn chưa có cách gì thay được trấu trong quá trình làm nở những đàn gà, đàn vịt. Trấu để ủ hạt gieo rất tốt, giữ đất ẩm, tránh sương muối (Thứ nhất phân ngấu, thứ nhì trấu tươi). Cám để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ngày xưa cám là thức ăn của nhà nghèo: “Ra đường võng áo xênh xang/ Về nhà hỏi vợ cámrang đâu mày?”. Là những mảnh gạo nhỏ, tấm khéo nấu sẽ là đồ ăn ngon (No cơm tấm, ấm ổ rơm)...

Làm nghề nông rất vất vả. Cây lúa chỉ dễ tính thời kỳ gieo mạ (Tốt như mạ) còn lại là khó tính. Úng ngập thì thối, khô hạn thì chết. Bà con phải cô kết lại, đổi công cho nhau... nên phải đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ cùng lao động. Nhìn vào hình tượng cây lúa người nông dân lại thấy cuộc sống của mình có sự tương đồng với thứ cây thân thiết. Tuy là cây thân nhỏ, nhưng lúa lớn lên và phát triển trong một khóm, thân nọ nương vào thân kia, khóm nọ đỡ khóm kia, để chẳng may gió to bị rạp xuống thì chúng lại “nâng” nhau đứng dậy. Khi nặng hạt trĩu bông, khóm lúa không bị đổ hay nghiêng ngả. Chẳng khác những người chủ của chúng cùng đoàn kết nâng đỡ nhau vậy!

Ai người ở phố về quê, được ra cánh đồng làng lúc lúa tỏa hương sẽ thấy hồn dân tộc chính là mùi thơm của lúa tỏa ra ngào ngạt. Cả không gian dậy lên một thứ mùi vị nồng nàn, tinh khiết đồng quê không có ở bất cứ đâu. Đấy là quê hương! Đấy là dân tộc! Rất có lý khi nhiều người chọn “quốc hoa” là hoa lúa. Nét đặc trưng của hoa lúa là không tách ra để khoe mà đồng dạng với bông, bông hoa lúa cũng làbông lúa. Nó không khoe sắc, chỉ thoảng hương ngan ngát dịu dàng. Vì tự thụ phấn nên hoa không cần hương nồng nàn hay màu sắc quyến rũ mời gọi côn trùng. Khi vào mẩy, càng những cây lúa có bông nhiều hạt càng biết cúi xuống lặng lẽ, khiêm cung. Thì ra cây lúa cũng hiền lành, chân chất, khiêm tốn như chính những người nông dân chất phác hồn hậu vậy!

Cây lúa - Nhìn từ các mã biểu tượng! -0
Lễ cúng thần Lúa của đồng bào Sẻ Triêng!

Rất nhiều nhạc sỹ, thi sỹ ca ngợi cây lúa, nhưng những người xa quê hay nhẩm thuộc bài hát “Hương lúa đồng quê” của Hoàng Giác vì đã nói thay tình cảm, nỗi lòng họ: “Về đây hỡi người lênh đênh nhớ quê/ Chân trời bâng khuâng mơ về/ Về với lúa vàng...”.  

Hẳn nhiên người Việt coi cây lúa là biểu tượng cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quý mến, trân trọng đến mức người Việt coi đó là biểu tượng cho sự no đủ, thiếu nó thì cuộc sống bấp bênh, tạm bợ, hết ý nghĩa: “Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”, “Cơm hàng cháo chợ”... Các thành ngữ “No cơm ấm áo”, “No cơm ấm cật”, “Mạnh về gạo bạo về tiền”... cho thấy người Việt luôn coi lúa gạo không chỉ là điểm tựa vật chất mà còn là điểm tựa về tinh thần. Từ gạo, người Việt lại chế biến ra biết bao là thứ bánh vừa là quà quê, vừa là món ăn thay cơm. Có một món ăn đặc sắc không có ở bất kỳ vùng văn minh nông nghiệp lúa nước nào khác, là cốm. Từ xa xưa cốm được coi là thứ “thời trân” hảo hạng. Nhà văn Thạch Lam từng ca ngợi“Cốm là thức dâng của đồng lúa bát ngát xanh”...

Triết học luôn tìm đến các phạm trù để khái quát các biểu hiện mang tính quy luật. Nếu vậy, cây lúa chắc chắn là một biểu tượng được triết học ưa thích. Quả thật, mỹ học cái đẹp của người Việt thiên về sự hài hòa, cân đối. Nhà nào có trai có gái được gọi là có nếp có tẻ tức có âm có dương. Thì nếp, tẻ chính là mượn ở kho từ vựng nói về cây lúa. Ngày Tết nhà nào cũng có cặp bánh chưng, có nhà thêm cặp bánh dầy. Vốn ra đời từ chuyện “Bánh chưng bánh dầy” cũng là một quan niệm triết học thô sơ về vũ trụ với trời tròn đất vuông!

Người trần sống bằng cơm gạo. Người âm cũng vậy. Người nào về với tổ tiên được con cháu cho ngậm nhúm gạo và đồng tiền lẻ để xuống cõi âm vẫn có thức ăn và mua sắm tiêu pha (!?). Cúng ông bà tổ tiên, nghèo lắm thì có tấm lòng thành “bát cơm quả trứng”. “Cúng cả năm không bằng ngày Rằm tháng Bảy”. Đó là ngày cúng các cô hồn lang thang cơ nhỡ: cháo hoa cho vào các lá đa để bên vệ đường... Ấm áp biết bao, thấm thía tận cùng!.

Hầu hết cư dân Đông Nam Á đều có biểu tượng tín ngưỡng thờ cúng cây lúa với tư cách nữ thần. Người Việt gọi thờ Mẹ Lúa và suy tôn Vua Hùng là thần Tổ gắn với nghề nông, dạy dân cày ruộng, cấy lúa. Ngày tế Lúa thần (Mồng một tháng Giêng và ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch), các vua Hùng lên đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh cầu trời đất, khấn Lúa thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình...

Người Malaysia cổ xưa gọi hồn lúa là công chúa mặt trời. Nghi lễ tổ chức long trọng ở ngoài đồng, rồi rước về nhà công chúa mặt trời được hóa thân vào một cô gái đẹp, mặc xiêm y màu vàng (màu lúa chín). “Công chúa” ngồi trên chiếc xe dán giấy trang kim sặc sỡ, xung quanh có nhiều bó lúa được xếp như những đóa hoa. Cư dân Thái Lan làm lễ cúng nữ thần lúa khi cây lúa ngoài đồng bắt đầu ngậm đòng kết hạt. Ở Lào có Lễ hội vun thóc (thóc vun thành đống lớn) tổ chức vào tháng ba để tạ ơn các thần và tổ tiên đã phù hộ cho vụ mùa bội thu. Người Campuchia cũng vào tháng ba tổ chức lễ tạ ơn hồn cây lúa và lễ rước lúa ra đồng…

Tại sao cây lúa lại biểu hiện trong hình tượng người nữ? Có thể lý giải dưới mấy góc độ sau: Một, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hái lượm và sau này là trồng trọt. Hai, đó là chứng tích của thời kỳ mẫu hệ. Ba, gắn liền với chức năng sinh sản, duy trì nòi giống thì người nữ rõ rệt hơn cả... Những điều đó có thể còn tranh luận nhưng chắc chắn có một quy luật chung ở mọi xứ sở thuộc văn minh nông nghiệp thì vòng đời cây lúa luôn là cơ sở tạo nên hầu hết những lễ hội lớn. Đấy cũng là lý do để người ta định danh “vùng văn minh lúa nước”!

Ngày nay, vựa lúa Đông Nam Á nuôi sống hàng tỷ sinh linh trên trái đất. Việt Nam năm 2022 này, dự kiến xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo. Khối ASEAN chọn hình ảnh bó lúa làm biểu tượng là đích đáng!

Từ khóa » Hình ảnh Quả Lúa