Cây Lục Bình (bèo Tây) - Cách Trồng Và Chăm Sóc đúng ... - Canh Điền

Trước đây cây lục bình được xem là cây vô tác dụng, tốc độ sinh trưởng của cây rất nhanh làm bít tắc mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản, gây thiếu oxy cho các loài thủy sản. Bên cạnh những nhược điểm đó, còn có những ưu điểm rất nổi bật mà ngày nay cây lục bình đã được khai thác triệt để bởi những tác dụng của nó. Cây cũng là một vị thuốc đông y chữa bệnh rất hiệu quả.

Mục lục ẩn I. Giới thiệu tổng quan II. Đặc điểm của cây III. Tác dụng 1. Tác dụng trang trí, làm cảnh 2. Tác dụng chữa bệnh 3. Tác dụng khác IV. Cách trồng và chăm sóc 1. Cách trồng cây 2. Cách chăm sóc

I. Giới thiệu tổng quan

Tên thường gọi:Cây Lục Bình
Tên gọi khác:Cây bèo tây, cây bèo Nhật Bản, Lộc bình, Phù bình
Tên khoa học:Eichhoriaceae crassipes solms
Họ thực vật:Pontederiaceae (họ Bèo Tây)
Nguồn gốc xuất xứ:Cây Lục Bình xuất xứ từ vùng đầm lầy Amazon ở khu vực Nam Mỹ, Braxin
Nơi sống:Cây Lục Bình mọc hoang dại sống nổi trên dòng sông nước hoặc sống ở nơi đất ẩm ướt.
Phân bố:Cây lục bình được trồng ở khắp thế giới và được du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1905, được trồng nhiều và mọc hoang dại chủ yếu là ở sông nước khu vực miền Nam.
Màu sắc của hoa:Hoa lục bình màu tím nhạt.
Cây lục bình
Cây lục bình còn gọi là Cây bèo tây, cây bèo Nhật Bản, Lộc bình, Phù bình

II. Đặc điểm của cây

  • Hình dáng bên ngoài: Cây Lục Bình là loài thực vật thủy sinh, thân thảo sống trôi dạt trên mặt nước, khi gặp đất mùn phù sa rễ thường bám vào đó để bén rễ và sinh sản. Thân cây chia thành nhiều bẹ lá.
  • Kích thước: Cây cao trung bình khoảng 30 – 50cm.
  • Rễ: Rễ cây lục bình là dạng rễ chùm có màu đen dài khoảng chừng 1m buông dài xuống nước. Cây lục bình thường trôi theo dòng nước, khi trôi dạt vào bờ gặp bùn đất rễ cây bắt đầu bén và sinh sản ra thành những mảng bèo.
  • Lá: Lá cây lục bình là dạng lá đơn, hình tim gần tròn, lá mềm, láng bóng, nhẵn màu xanh lục, gân lá hình cung dài và hẹp. Các bẹ lá cuốn vào với nhau trông giống như những cánh hoa. Cuống lá phình to ra như bong bóng, trong lõi xốp điều đó giúp cho cây nổi được trên mặt nước.
  • Hoa: Lục Bình là hoa lưỡng tính có dạng chùm, mỗi nhánh có khoảng 4 – 6 hoa, hoa có 5 cánh, có 3 nhụy dài và 3 nhụy ngắn màu tím nhạt với điểm nhấn là một chấm vàng trên cánh hoa.

III. Tác dụng

1. Tác dụng trang trí, làm cảnh

Cây lục bình thường được trồng trong ao chơi, hồ nước rộng, hay trong bể cá trang trí. Cây thường được trồng kết hợp với các loài cây như: cây hoa súng, cây hoa sen để tạo cảnh quan trong các tiểu cảnh nước, tạo cảnh quan cho các hồ sinh thái.

2. Tác dụng chữa bệnh

Cây lục bình tên gọi theo đông y là Phù bình hay còn gọi là bèo cái) có vị cay, tính mát, không độc, kết hợp với một số vị thuốc khác như: Lá dâu (tang diệp), cối xay, bạc hà… có tác dụng làm ra mồ hôi, chữa các chứng cảm mạo có sốt, chữa các bệnh truyền nhiễm ở giai đoạn đầu, lợi tiểu, tiêu viêm, giải độc.

Lá phù bình tươi rửa sạch giã với muối đắp lên vùng bị đinh nhọt nhiều lần sẽ giảm sưng đau. Nếu là vết thương đã mưng mủ thì sẽ nhanh vỡ mủ và giảm đau.

Lá và thân cây phù bình phơi hoặc sao khô, thơm sắc uống kết hợp cùng nhiều vị khác có tác dụng chữa Viêm hạch.

Hoa phù bình có tác dụng an thần, giải độc, lợi tiểu, làm phát tán phong nhiệt thường dùng để chữa các chứng ho gió, ho có đờm do viêm họng, viêm phế quản thể hen.

Ngoài ra, Người bệnh cao huyết áp cũng nên dùng hoa phù bình sao khô pha trà uống có tác dụng ổn định huyết áp.

3. Tác dụng khác

Ngó và hoa lục bình cũng được sử dụng như một món ăn dân dã và quen thuộc của cư dân vùng sông nước miền Nam. Ngó có vị cay, hơi ngọt thường dùng để xào, luộc, kho cá, kho tôm, tép. Hoa lục bình dùng để nấu canh hoặc dùng trong nghệ thuật ướp trà.

Cây lục bình là nguồn thức ăn từ tự nhiên để chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản như: Trâu, bò, lợn, gà, cá…

Lục bình ở dạng tự nhiên có khả năng hấp thụ một số kim loại nặng như: Chì, thủy ngân.. nên có thể trồng cây để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.

Toàn bộ cây lục bình băm nhỏ, dùng men vi sinh ủ thành phân hữu cơ, phân chuồng, cũng được dùng để ủ nấm rơm. Đây là một loài cây vừa gần gũi, vừa hữu ích đối với con người cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Cây bèo tây
Cây bèo tây trồng trong các tiểu cảnh nước, tạo cảnh quan cho các hồ sinh thái

IV. Cách trồng và chăm sóc

1. Cách trồng cây

Cây lục bình được nhân giống bằng cách gieo hạt nhưng phương pháp này rất lâu nảy mầm và chỉ có các nhà lai tạo giống chuyên nghiệp mới sử dụng phương pháp này. Ngày nay thường dùng phương pháp tách cây con để trồng.

Có nhiều cách để trồng loại cây này, có thể trồng từ bóng đèn, trồng trong chậu nước, trồng trong chậu đất ẩm. Dưới đây là hướng dẫn cách trồng cây lục bình cảnh trong môi trường đất.

  • Chọn giống

Chọn cây mẹ to mập, lá xanh tốt không sâu bệnh, bộ rễ dài và nhiều rễ tơ. Tách lấy cây non hoặc cây bánh tẻ đều được phải tách cả rễ cây.

  • Thời vụ trồng

Ở miền Nam, cây lục bình có thể trồng được quanh năm, đối với miền bắc nên trồng cây vào các mùa xuân, hè, thu để cây sinh trưởng tốt nhất.

  • Đất trồng và cách trồng

Dùng chậu hoặc khay to để chứa đất, cây lục bình thường sống thủy sinh nên đất trồng cây lục bình cũng phải là đất thịt pha chút cát ẩm ướt hoặc đất mùn phù sa. Sau khi đã chọn được giống cây nên tiến hành trồng.

Vì bộ rễ lục bình rất dài nên phải chọn chậu hoặc khay cao để bộ rễ phát triển tốt nhất, dùng tay hoặc vật sắc nhọn đào thành hốc đất, đặt cây giống lục bình và vùi đất, nén chặt đất xung quanh cây để cây không bị đổ nghiêng.

2. Cách chăm sóc

Sau khi trồng nên để chậu cây lục bình vào chỗ râm mát, cây ưa nước nên nếu chậu cây bị khô nước nên tưới nước xăm xắp cho cây tránh cây héo chết.

Mỗi năm nên thay ít nhất một lần đất, nên chọn đất cát phù sa ven sông để thay, vì đây là đất thích hợp nhất để cây phát triển.

Khi cây ra mầm lá có thể bón thêm phân chuồng mục để tăng lượng dinh dưỡng nuôi cây. Cây lục bình sinh sản rất nhanh nên không cần bón thêm nhiều loại phân khác.

Sau khi cây ra nhiều nhánh con, nên tỉa sạch những lá già, vàng úa để thoáng cây và tránh sâu bệnh hại cây. Mỗi ngày nên bê chậu cây ra đón nắng một lần vào lúc nắng sớm hoặc nắng chiều, không mang ra lúc nắng trưa nhiệt độ cao sẽ làm héo cây non.

Cây lục bình trước đây là cây có giá trị kinh tế thấp “rẻ như bèo”,nhiều nơi còn phá bỏ cây vì cho rằng cây chỉ có hại. Nhưng lại rất ít người biết đến giá trị của cây này, hãy cùng chia sẻ rộng rãi để nhiều người biết về tác dụng của cây lục bình nhé.

4.4/5 - (7 bình chọn)

Từ khóa » Cách Trồng Cây Bèo Sen