Cây Lựu Hạnh đỏ - Mộc Nhiên Farm
Có thể bạn quan tâm
Đối với người Việt, cây lựu gần như là ký ức khó quên của những ai từng sinh sống ở vùng nông thôn. Hình ảnh đóa lựu còn được đưa vào thi ca"Dưới trăng quyên đã gọi hèĐầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông".(Truyện Kiều – Nguyễn Du)Không ai ngờ cây lựu mộc mạc thân thương ở miền quê đến nay đã trở thành một loài cây cực kỳ giá trị và có nhiều ứng dụng bất ngờ trong ẩm thực, làm đẹp và trong y học. Bên cạnh đó, chúng còn có cả một quá trình lịch sử rất ấn tượng. Ở bài viết này, Mộc Nhiên Farm đảm bảo sẽ mang đến cho các bạn những điều bất ngờ thú vị về loài cây có giá trị về nhiều mặt.
- Tên khoa học: Punica Granatum
- Tên tiếng Anh: Pomegranate (cây lựu), Double Flowering Pomegranate (cây lựu hạnh)
- Tên gọi khác: thạch lựu, an thạch lựu, thừu lựu, cây hoa hạnh, mẫu nhã, tạ thạch, sơn lực diệp, nhã lựu, tháp lựu, đan nhược, kim bàng, kim tương, tạ lựu,…
Đặc điểm nhận dạng của cây lựu
Nguồn gốc bí ẩn lâu đời
Có một vài tranh cãi về nguồn gốc xuất xứ của cây lựu. Nhiều thông tin khẳng định chúng bắt nguồn từ Ba Tư, nhưng cũng có những thông tin khác cho là cây lựu ban đầu được tìm thấy ở châu Phi và vùng Địa Trung Hải. Quay ngược thời gian về những năm tháng xa xưa mới thấy loài cây này đã có từ rất lâu đời và là một loại trái cây trên bàn ăn quý tộc. Nhìn chung, lịch sử phát triển của chúng không thể thiếu dấu chân đi qua các vùng miền từ Ba Tư đến Ấn Độ, từ Đông Nam Á tới Địa Trung Hải, từ châu Phi tới châu Mỹ.
Những đặc điểm chung của các loại lựu
- Cây lựu có rất nhiều loại với xuất xứ khác nhau nhưng có cùng một số đặc điểm. Chúng đều là cây thân gỗ, chiều cao có thể lên tới 8m khi thả đất. Hiện tại có nhiều giống mới được lai tạo với chiều cao thấp hơn. Riêng giống lựu bonsai chỉ phát triển đến khoảng 50cm.
- Lá mọc đối xứng, nhẵn mượt, màu xanh. Gân lá nổi rõ hơn ở mặt dưới, gân xếp theo hình lông chim. Tùy loại lựu mà lá có thể nhỏ hoặc lớn.
- Hoa lựu có hình chuông, hơi thuôn, dốc ngược, xòe 4 – 6 cánh ở đầu. Hoa màu đỏ tía hoặc đỏ tươi. Hoa lựu mọc đơn hoặc mọc từng cụm từ nách lá, mỗi cụm khoảng 4 – 5 hoa. Hoa thường nở vào mùa hè như dấu hiệu mùa hè đang đến. Hoa chỉ có 2 loại: cánh đơn của cây lựu có quả và hoa lựu hạnh (cánh kép, không quả). Cây rất sai hoa, trông cả cây như có vô vàn đốm lửa rực rỡ.
- Quả lựu không chỉ đẹp mà ăn còn rất ngon, không chỉ để trang trí ngoài vườn mà cắt trưng trong nhà. Quả có hình cầu, có loại vỏ màu trắng hơi vàng, có loại màu đỏ hồng khi chín lựng. Đường kính của quả khoảng 8 – 10cm. Phần đuôi tẽ ra một ít lá đài.
- Lớp vỏ quả lựu cấu tạo 2 lớp: 1 lớp vỏ cứng và dày bên ngoài, 1 lớp màng trắng xốp bên trong. Lớp màng trắng chia thành nhiều khoang, bên trong khoang là hạt lựu. Quả cho vị thơm mát, mọng nước, vị ngọt và chua thanh hài hòa. Một quả có từ 200 – 1400 hạt. Lựu là cây cho quả một mùa, kéo dài từ cuối thu sang xuân.
Các loại hoa lựu
Hoa lựu cánh kép
Cây lựu cho hoa kép nhiều cánh nhưng không đậu quả (hay còn gọi là lựu hạnh). Hoa lựu hạnh nở quanh năm, hoa khá bền (khoảng 15 ngày). Đặc biệt mùa đông càng lạnh thì hoa càng đẹp, còn những nơi thiếu nắng thì cây lựu hạnh ít có khả năng ra hoa, nếu có thì hoa cũng sẽ xấu. Loại này trên thế giới hiện có 4 màu là đỏ cảm, đỏ cam pha sọc trắng, trắng, hồng. Nhưng hiện tại ở Việt Nam chỉ có duy nhất màu đỏ cam.
Hoa lựu cánh đơn
Đối với loại này, hoa có thể phát triển thành quả. Thân, cành và cây phát triển to. Với người Tây Ban Nha, hoa lựu là biểu tượng của phú quý, cát tường, phồn vinh. Vì vậy, không khó hiểu khi hoa lựu là quốc hoa của Tây Ban Nha, được vẽ trên quốc huy của nước này. Loại này có 2 màu hoa là màu đỏ cam và màu trắng.
Các giống lựu đang nổi trội trong thị trường cây cảnh Việt Nam
Cây lựu hạnh cho hoa quanh năm
Là giống lựu bông, không có trái nhưng hoa lại tuyệt đẹp. Mỗi bông hoa kết lại từ nhiều nhiều lớp cánh, tạo thành một khối hoa tròn um xinh xắn. Quá trình nở của hoa kéo dài, mỗi ngày hé thêm một chút xinh tươi. Từ khi ủ nụ tới lúc hơi hé cánh khoảng 6 - 7 ngày. Sau đó, hoa bung chầm chậm để đến khi thành một đóa tròn cưng rồi mới tàn dần. Đóa hoa khoe độ viên mãn trên cây chừng 10 ngày thì rụng cánh. Những bông hoa lấp ló từ sau tán lá xanh biếc, rồi bung tròn đỏ rực, như những đốm lửa thắp sáng cả không gian vườn bạn.
Lựu hạnh có tất thảy 4 màu: màu trắng, màu hồng, màu đỏ cam sọc trắng và màu đỏ cam rực rỡ. Hiện tại ở Việt Nam mới du nhập được màu đỏ cam, và cũng là dòng hoa đang rất HOT mà Mộc Nhiên Farm đã có bấy lâu.
Cây lựu hạnh mang những đặc điểm chung của cây lựu đã đề cập ở trên. Xét về đặc tính sinh trưởng và cách chăm sóc cũng không có gì khác biệt.
Cây lựu đỏ
Lựu đỏ Ấn Độ
Loại này hiện đang phổ biến nhất tại Việt Nam vì nhiều ưu điểm phù hợp sân vườn. Chiều cao có giới hạn khoảng 2m nên không cần vườn quá rộng. Kích thước phù hợp để trang trí cả những không gian nhỏ. Khoảng 1 năm trồng thì cây bắt đầu đậu quả. Cây rất sai hoa, cho năng suất cao, tỷ lệ đậu quả có phần nhỉnh hơn các loại khác. Quả màu đỏ hơi cam, thơm ngọt và mọng nước. Nếu trồng để lấy trái thì lựu đỏ là loại phù hợp nhất.
Lựu đỏ Việt Nam
Giống lựu này đã có ở nước ta từ rất lâu, gần như là loại lựu truyền thống mà ai ai cũng biết khi nhắc tới. Loại này có hoa màu đỏ hơi cam, vỏ trái màu ửng vàng hơi hồng nhẹ. Hạt màu đỏ và thân có gai nhiều.
Lựu lê Thái Lan
Ưu điểm của lựu lê là hoa nhiều và màu đỏ, hình dáng hoa như loại lựu cánh đơn. Tuy nhiên đây không phải loại lựu dành cho việc lấy quả vì quả rất nhỏ và thường không ăn được. Chủ yếu loại này trồng làm kiểng.
Ngoài ra, cùng loại lựu cánh đơn, gần đây còn xuất hiện thêm lựu đỏ Ai Cập và lựu tím với chất lượng quả rất tốt và năng suất khá cao.
Lựu Nhật Bản bonsai
Nhiều người nhầm loại lựu cảnh hay bán ở tiệm là lựu Nhật Bản. Tuy nhiên, loại lựu cảnh đó sau một thời gian sẽ phát triển cao lớn nên không phù hợp để làm cây bonsai trang trí. Trái lại, lựu Nhật Bản chỉ có thể cao tới 50cm. Lá cây lựu cảnh ngoài tiệm tuy nhỏ nhưng vẫn lớn gấp 3 lần lá của cây lựu cảnh Nhật Bản. Sự khác biệt này hơi khó phân biệt qua ảnh, nhưng nếu đặt cạnh nhau thì dễ thấy rõ.
Lựu Nhật Bản phù hợp để bàn, làm cảnh, tạo dáng bonsai nhỏ xinh. Không những thế, giống bonsai này vẫn siêng hoa và quả. Hoa của chúng dạng cánh đơn, lá rất nhỏ. Quả có màu trắng, khi chín ửng hồng như lựu Việt Nam.
Cách trồng và cách chăm sóc cây lựu hạnh
Điều kiện sinh thái
Trong điều kiện lý tưởng, lựu hạnh sẽ trở thành cây thân gỗ lâu năm với tốc độ sinh trưởng trung bình. Cây rất khỏe, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc.
Cây ưa nắng, sáng, thoáng gió. Có thể đặt lựu hạnh ở vị trí nắng nửa ngày hoặc thậm chí nắng từ sáng tới chiều càng tốt. Cần tưới nước đầy đủ cho cây và bổ sung các loại phân hữu cơ hoai mục để cây cho năng suất tốt nhất.
Chọn cây
Để có một khởi đầu suôn sẻ cho cây lựu hạnh, tốt nhất nên chọn những cây tươi tốt, lá xanh mướt và khỏe mạnh. Tránh chọn những cây có dấu hiệu lá chuyển vàng, thiếu sức sống. Nếu các bạn không ngại trồng cây nhỏ thì cây giống của Mộc Nhiên Farm đảm bảo là lựa chọn số một. Kèm theo mỗi cây trồng, vườn gửi bạn hướng dẫn trộn giá thể cam kết cây khỏe mạnh và phát triển ổn định.
Đất trồng
Cây lựu hạnh khá dễ tính. Chúng không đòi hỏi khắt khe về đất trồng. Gần như cây có thể phát triển tốt ở tất cả các vùng và với bất kỳ loại đất sẵn có. Tuy nhiên, Mộc Nhiên Farm vẫn khuyến khích khách hàng trồng cây lựu hạnh trên đất pha cát có phân mục, đất phù sa, đất nhiều dinh dưỡng. Nhìn chung thì bất kỳ cây nào có nền tảng đất trồng dinh dưỡng vẫn sẽ cho năng suất cao hơn.
Lựu hạnh ưa nắng và chịu hạn tốt. Tuy nhiên, cây sẽ đỏng đảnh nếu bị ứ nước. Vì vậy, nếu trồng trong chậu, tối ưu nhất là chuẩn bị giá thể tơi xốp. Có thể trộn thêm tro trấu và cám dừa, thêm lỗ thoát nước để giá thể luôn tơi thoáng.
Bón phân cho cây lựu hạnh
Loại phân: phân hữu cơ hoai mục
Lưu ý với cây trồng trong chậu, nên hạn chế bón phân đạm vì đạm làm cành dài và ít hoa. Vào mùa sinh trưởng, nên bón định kỳ 15 – 20 ngày/ lần. Trước khi cây ra hoa, nên bổ sung phân có lượng P và K cao. Cuối mùa đông nên bỏ thêm phèn super phốt phát (P = phosphate).
Cách bón phân tốt nhất là chia làm nhiều lần, mỗi lần 1 lượng ít. Ngoài ra, nên có phần phân lót trong giá thể ngay khi trồng.
Tỉa cành
Việc tỉa cành có 2 ý nghĩa quan trọng. Trước là tạo dáng đẹp cho cây lựu hạnh, tập trung phát triển các cành khỏe mạnh hơn. Sau là để thúc chồi khi đến kỳ ra hoa. Lúc này những chồi yếu và cành yếu cần được tỉa bớt để tập trung dinh dưỡng cho đợt hoa đều, nhiều và đẹp nhất.
Thu hoạch và bảo quản
Lựu hạnh không cho quả nhưng đối với những những loại cho quả thì cách thu hoạch cũng rất quan trọng. Lựu trắng khi chín vỏ chuyển vàng, lựu đỏ thì vỏ chuyển màu hồng, lựu tím vỏ sẽ chuyển sang màu tía đậm. Căn cứ theo màu sắc mà biết đã tới lúc thu hoạch hay chưa.
Không nên vặt quả vì có thể gây nứt vỏ và giảm chất lượng. Việc thu hái nên được thực hiện khi trời khô, không mưa để bảo đảm vị ngọt. Quả hái xong nếu cần vận chuyển nên được lót giấy lụa mềm. Để bảo quản được lâu, trữ quả trong các thùng mạt cưa để dành. Quả lựu là trái cây có giá trị kinh tế cao vì hàm lượng dinh dưỡng xuất sắc. Vì thế cần cẩn thận trong quá trình thu hoạch.
Ý nghĩa của cây lựu
Về phong thủy
Nhắc tới cây lựu, người ta sẽ nghĩ ngay tới những sự thịnh vượng đủ đầy. Điều này được thể hiện qua những chùm quả trĩu cây, mọng nước hoặc những chùm hoa đỏ rực sáng tươi như pháo nổ tưng bừng. Với ý nghĩa phong thủy và trang trí thì cây lựu bonsai là một trong những lựa chọn tuyệt vời.
Vì ý nghĩa đó, cây lựu được coi như một biểu tượng tốt đẹp. Cây thường được đặt ở trước nhà để hút tài lộc và xua đi những điều không may mắn. Không chỉ có ý nghĩa phong thủy, cây cũng đặc biệt được dùng để trang trí. Vào mùa hoa trái trĩu cành, có thể cắt những cành đẹp nhất đem vào trưng bày trong phòng khách.
Ở một số nơi, người ta tìm kiếm những cây lựu cổ thụ để sở hữu như một loài cây may mắn. Lựu cổ thụ có thể tới hơn 100 năm tuổi, thân cây bề thế như một vị thần hộ mệnh cho gia chủ. [Xem thêm loại cây khác cùng ý nghĩa sung túc may mắn]
Cây lựu và những ý nghĩa lịch sử
Nào giờ Ad chỉ biết trồng cây chăm cây bán cây, tới khi đọc về cây lựu thì Ad như lạc vào mê hồn trận. Chao ôi cây gì mà có cả thâm niên lịch sử ngàn năm vô cùng thú vị. Ad tóm tắt cho các bạn nghe vài chuyện thôi nha, còn mà muốn đọc nhiều hơn, các bạn vào đây nhé.
Trong văn học và nghệ thuật
Xa xưa nhất, tính theo thời gian lâu đời nhất là trong Kinh Thánh, cây lựu đã được nhắc tới như một loại quả quý tộc. Tuy không mang ý nghĩa tôn giáo, nhưng có một số trích đoạn trong Cựu Ước đã nhắc tới loại quả này như một lễ tế thượng phẩm. Đây là loại trái cây mà người ta mang đến cho Mô – sê để chứng minh sự màu mỡ của “miền đất hứa”. Quả lựu được thêu cả lên áo, dệt trên tranh mà chỉ những người có địa vị xã hội mới sử dụng.
Trong thần thoại Hy Lạp cũng nhắc tới quả lựu như dấu hiệu của sự trù phú, máu và nước mắt. Xuất phát từ sự quen thuộc của người Hy Lạp đối với loại trái cây này cũng như với nền văn hóa của thần thoại và nghệ thuật, thì những tác phẩm lấy cây lựu, quả lựu, hoa lựu làm cảm hứng đã không còn xa lạ.
Đối với người Ai Cập cổ đại, quả lựu chính là sự thịnh vượng và tham vọng.
Ý nghĩa hiện nay
Hiện nay, quả lựu vẫn còn mang ý nghĩa biểu tượng với người Hy Lạp. Đây là món quà tân gia mà khách sẽ mang đến, đặt dưới bàn thờ gia tiên của ngôi nhà, như một lời chúc về sự may mắn và giàu có. Các đồ trang trí bằng lựu cũng phổ biến ở cửa hàng gia dụng.
Có rất nhiều câu chuyện gắn liền với ý nghĩa của cây lựu trong lịch sử của nhiều đất nước và văn hóa khác nhau. Đối chiếu theo trình tự thời gian, có thể thấy quả lựu đã có từ rất lâu đời, có thể vài ngàn năm trước công nguyên. Chúng được đặt trên các bàn ăn thịnh soạn nên chắc chắn đây là một loại quả có giá trị cao.
Cây lựu với rất nhiều công dụng tuyệt vời
Trong y học
Rễ, thân, lá
Đây là một vị thuốc trong y học dân gian. Tất cả các bộ phận đều được dùng làm dược liệu. Trong đó, vỏ quả lựu được sử dụng nhiều nhất. Quả có vị chua ngọt, vỏ quả chua sáp, vỏ rễ và vỏ thân đắng chát. Toàn bộ đều có tính ấm.
Thời gian thu hoạch tốt nhất cho vỏ thân và vỏ rễ là bất kỳ lúc nào trong năm. Quả và vỏ quả thì được thu hoạch vào khoảng tháng 6 – 7. Như đa phần các loại dược liệu dân tộc, chúng đều được rửa sạch và phơi khô hoặc sấy khô. Vỏ quả nên bỏ lớp màng trắng bên trong, sao qua cất kín dùng dần. Thời gian sử dụng là 2 năm, nếu thấy ẩm mốc thì nên bỏ.
Quả lựu
Có rất nhiều nghiên cứu hiện đại về các tác dụng truyền thống của quả lựu, vỏ lựu và cây lựu. Trong đó phải kể đến những tác dụng lớn của quả lựu, như sau:
- Kháng khuẩn
- Chống ký sinh trùng
- Ức chế tế bào ung thư
- Chống viêm mãn tính
- Tác dụng đối với bệnh tim mạnh, bệnh gan, phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt
- Hạ huyết áp
- Hỗ trợ điều trị viêm khớp, rối loạn cương dương
- Ngoài ra, trái lựu rất giàu vitamin C, vitamin B. Lượng chất béo và protein trong nó thấp.
Những thông tin về y học và dược liệu được Mộc Nhiên Farm tham khảo ở một số nguồn sau. Nếu cần dùng làm thuốc, vui lòng tìm hướng dẫn chuyên môn.
https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/thach-luu
https://www.sciencedirect.com/topics/agricultural-and-biological-sciences/punica-granatum
Giá trị dinh dưỡng trong ẩm thực
Quả lựu có thể làm những món ăn gì?
Vì giá trị dinh dưỡng quá lớn, quả lựu càng ngày càng được tận dụng trong ẩm thực. Bên cạnh món nước ép rất dễ thực hiện và cũng cực kỳ dễ uống, quả lựu còn mang đến những món ăn hấp dẫn.
Trong một bài báo viết về giá trị của quả lựu, ngoài những kết luận về dược tính của chúng, Tiến sĩ – Lương y: Phùng Tuấn Giang – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam – gợi ý một số món ăn dễ chế biến từ quả lựu như nước sốt, sữa chua, nước ép và salad. Ngoài ra, vì phổ biến ở nhiều đất nước, các món ăn từ lựu trên thế giới rất đa dạng và phong phú.
Cách tách hạt lựu
Việc tách hạt lựu có vẻ là công đoạn tỉ mỉ và khó khăn đối với nhiều người. Nhưng chỉ cần biết một chút mẹo thì việc này sẽ dễ dàng ngay thôi.
- Dùng dao khía làm 4 – 5 phần, bẻ ra. Hạt sẽ tự tách ra khỏi lớp màng trắng bên trong. Để dễ hơn, có thể lấy thìa đập dập phần vỏ ngoài, tự các hạt sẽ bung ra khỏi các khoang màng và rớt xuống. Cách này sẽ làm dập khoảng chục hạt, nhưng khá nhanh gọn.
- Ngâm trong nước: Khía quả lựu làm đôi và bẻ ra, ngâm trong nước, hạt sẽ chìm và phần cùi nổi lên.
- Bỏ quả lựu vào ngăn đông một lát, khi đó hạt lựu tự tách khỏi cùi rất nhanh.
Công dụng của lựu trong việc làm đẹp
Với nhiều giá trị dinh dưỡng đặc biệt, cùng với lượng vitamin dồi dào, những năm gần đây, người ta đã đưa quả lựu vào nghiên cứu tác dụng đối với việc dưỡng da và làm đẹp. Từ đó các sản phẩm từ chiết xuất quả lựu đã ra đời: kem dưỡng, serum, tinh dầu.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra khả năng chữa lành vết thương nhanh cho làn da và chống lão hóa từ tác động do ánh nắng. Theo Tiến sĩ Leong từ Đại học Y Virginia, một nghiên cứu gần đây cho thấy chiết xuất tinh dầu của lựu kích thích sản xuất collagen, thúc đẩy khả năng tự phục hồi của da.
Nhìn chung, những khám phá về tác dụng của quả lựu đối với làn da đã đem lại một tia sáng mới cho ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Kết luận
Càng về sau này, quả lựu càng có giá trị kinh tế rất cao. Chile, Peru, Ai Cập, Israel, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện cung cấp lựu cho thị trường châu Âu. Tính cạnh tranh trong việc sản xuất và xuất khẩu lựu rất cao giữa Nam Phi và Nam Mỹ. Trung Quốc đã tự túc được nguồn cung cấp, trong khi Ấn Độ hiện đang cung cấp cho các thị trường Nam Á khác.
Ở Việt Nam, ngoài việc trồng và nhân giống cây lựu, vẫn có một lượng khách lớn đặt các nguồn quả lựu từ nước ngoài về để thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng cho gia đình. Hơn bao giờ hết, có vẻ như việc sở hữu một vài cây lựu trong vườn nhà đã trở thành một xu hướng nhất định. Điều này cũng dễ hiểu khi giá trị dinh dưỡng và ứng dụng của lựu càng ngày càng đa dạng.
©Copyright by Moc Nhien Farm
Từ khóa » đặc điểm Của Hoa Lựu Hạnh
-
38+ Cây Lựu Hạnh, ý Nghĩa Và Cách Phân Loại Các Loại Lựu
-
Cây Lựu Hạnh – Cây Hoa Lựu – Lựu Kép
-
Rực đỏ Hoa Lựu Hạnh
-
Cây Lựu Hạnh – Lựu Hoa Đỏ Siêu Hoa - Cây Cảnh Miền Bắc
-
Cây Lựu Hạnh - Cây Đô Thị
-
Cây Lựu Hạnh Là Cây Gì? Ý Nghĩa Cây Lựu Hạnh
-
CÂY HOA HẠNH - Cây Xanh Hạc Thành
-
Cây Lựu Hạnh ( Lựu Hạnh Đỏ ) Mua Bán Giao Hàng Toàn Quốc
-
Cây Lựu Hạnh
-
Cây Lựu Hạnh Hoa Đỏ - Chợ Hoa Online
-
Cây Lựu Hạnh Hoa đỏ - Hoa đẹp Mắt Mà Còn Có Quả ăn Rất Ngon.
-
Cây Lựu Hạnh Loại Cây Xanh Đô Thị Có Hoa Giá Rẻ
-
Mua Bán Cây Lựu Hạnh (hoa đỏ, Kép) Trồng Sân Vườn, Biệt Thự
-
Cây Hoa Lựu Hạnh - Cây Xanh Việt Nam