Cây Mắt Nai - Đặc điểm, Công Dụng, Cách Trồng Và Chăm Sóc

Cây Mắt Nai – Hay còn gọi là Cây Mắt Nhung có nguồn gốc từ Tây Ấn hay Brazil. Với màu sắc tím, đỏ tía kết hợp cùng hoa trắng đặc biệt, loài cây này thực sự là cây yêu thích cho những ai có nhu cầu trang trí khu vườn với tông nền tím hay viền lối đi. Thêm nữa, nó rất dễ trồng và chăm sóc, khả năng phát triển nhanh nên càng được ưa chuộng hơn trong những năm gần đây. Cùng chúng tôi tìm hiểu về loài cây này nhé.

Đặc điểm của cây mắt nai

Mắt nai là loại cây có lá mọc đối xứng với nhau theo từng cặp. Phiến lá có hình như trái xoan và dài khoảng 3-6cm, rộng 2-3 cm và nhọn ở phần cuối lá. Phần mép là có lông nhỏ, hơi nhám cùng với các gân lá nổi lên.

Lá mắt nai không có màu xanh như những loại lá khác mà chúng có màu tím đậm. Cuống lá mọc dài từ thân đến cuối dài khoảng 2 -3 cm.

Phần thân của mắt nai cũng có màu tím đậm tương tự như lá. Tuy nhiên, thân của loại cây này mảnh, mềm và có nhiều nước. Cây có nhiều cành mọc chồi ra, mỗi nách lại có các lá mọc lên, hình tròn và lâu tàn.

Những bông hoa mắt nai cũng khá đặc biệt. Hoa nhỏ li ti có màu trắng giống như những bông tuyết rất nổi bật. Hoa của cây thường nở nhiều vào tháng 4, 5. Những bông hoa màu trắng tuyết nở trên những chiếc lá màu tím sẽ tạo nên một khung cảnh đẹp mặt. Hoa nở thành từng nhóm, một thụ và 2 lép.

Cây Mắt Nai - Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc 1

Công dụng của Cây mắt nai

Do mắt nai là cây trồng nền có thể cắt tỉa tạo hình theo mong muốn của người trồng nên chúng thường được sử dụng để trồng làm chữ nổi tại công viên, khu đô thị, bệnh viện… Cây hoa có màu trắng tạo thảm, phủ nền lá tím vô cùng đẹp mắt.

Không chỉ được sử dụng để trồng làm chữ nổi, làm nền loài cây này còn được trồng xen kẽ với các loại cây khác như chuỗi ngọc, lá đắng, cô tông mài. Mục đích của việc trồng xen kẽ này đó chính là tận dụng được màu tím đậm đặc biệt của cây để giúp cho các loài cây khác trở nên nổi bật hơn, từ đó sẽ tạo nên một không gian vô cùng tự nhiên.

Ngoài ra, mắt nai còn được sử dụng để làm các thảm thực vật cho các khu đô thị. Đây sẽ là nơi để mọi người vui chơi, ngắm cảnh và chụp ảnh.

Cây mắt nai còn được trồng trong các sân vườn, biệt thự, dọc các bó vải để làm viền. Loại cây này cũng có thể trồng trong chậu thay cho sân vườn.

Cây Mắt Nai - Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc 2

Cách trồng hoa mắt nai

Cây mắt nai ưa sáng nhưng có thể chịu được bóng bán phần, chịu khắc nghiệt và hạn rất tốt. Đất trồng không cầu kỳ, cây có thể trồng trên đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng tuy nhiên chịu úng lại rất kém. Nếu đất bị ngập úng sẽ làm rễ thân cây bị thối rữa, mục. Cây mắt nai ít bị sâu bệnh vì vậy không cần phải dùng đến thuốc hóa học.

Nhiệt độ thích hợp trồng hoa mắt nai

Có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới và nắng nóng nên cây mắt nai có khả năng chịu đựng nhiệt độ rất tốt. Mùa hè là khoảng thời gian cây phát triển mạnh mẽ nhất. Nhiệt độ thích hợp cho cây phát triển từ 25-27 độ C.

Nếu gieo hạt giống thì cần nhiệt độ thấp hơn một chút, từ 20 – 25 độ C. Ở nhiệt độ này, hạt giống sẽ nảy mầm thành cây giống.

Cây Mắt Nai - Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc 3

Chọn đất trồng hoa mắt nai

Chuẩn bị đất tơi xốp có sử dụng phân hữu cơ, mùn để cây có đà phát triển. Bạn có thể  trộn hỗn hợp gồm đất, phân hữu cơ hoai mục và rác mùn theo tỷ lệ 5:3:2. Cho đất vào khay trồng, chỉ đổ lượng đất bằng 1/3 so với độ sâu của khay. Nếu trồng ở ngoài thì đất phải được cày bừa kỹ cho tơi xốp, làm sạch cỏ và xử lý trước khi trồng bằng thuốc nấm để tiêu diệt các mầm mống sâu bệnh có nguy cơ trong đất. Nếu đất chua cần thiết phải xử lý bằng vôi. Lưu ý cần phải làm cho đất thông thoáng để tạo điều kiện cho bộ rễ của cây phát triển, tránh hiện tượng đóng váng trên mặt đất sau khi tưới, việc xới đất nhỏ là rất cần thiết nhưng không nên xới đất quá vụn, sẽ phá vỡ cấu tượng của đất, rễ thiếu oxy để hô hấp, giai đoạn cây con rất dễ bị chết.

Gieo hạt lên khay trồng đã được cho đất và làm bằng phẳng bề mặt. Sau khi gieo bạn phủ một lớp đất mỏng lên trên, tưới đẫm nước, vài ngày sau cây sẽ nảy mầm, sau khi cây đạt chiều cao từ 5-6 cm, có khoảng 3 – 4 lá, thì có thể tách ra đem trồng vào chậu.

Ánh sáng

Cây ưa nắng, trong điều kiện ánh sáng gay gắt, cây vẫn ra hoa đều và đẹp. Tuy nhiên, trong giai đoạn vườn ươm, để cây con sinh trưởng tốt cần tránh ánh sáng trực tiếp, ươm cây ở những nơi thoáng, có mái che. Vẫn có thể trồng trong bóng râm nhưng cây sẽ không ra nhiều hoa và hoa không rực rỡ như khi trồng ngoài nắng.

Tưới nước

Sau khi trồng cây con, cần tưới đẫm 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm và chiều muộn. Lưu ý bạn nên tưới nhẹ nhàng, tránh để bùn đất bắn lên mặt lá. Đặc biệt nên phủ một lớp rơm rạ mỏng lên mặt luống. Khi cây đã lớn, chỉ cần tưới nhẹ vào gốc mỗi sáng sớm, không nên tưới nhiều vì cây hoa mắt nai không ưa nhiều nước.

Bón phân

Lần 1: Sau khi trồng 10 – 15 ngày: cần bón phân đạm và kali theo tỉ lệ 1:1

Lần 2: Khi cây đã phân nhánh mạnh và bắt đầu ra nụ bón đạm và kali tỉ lệ 1:2

Lần 3: Khi cây ra 90% nụ chỉ bón đạm.

Cây Mắt Nai - Đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc 4

Những lưu ý khi trồng hoa mắt nai

Khi thân cây mắt nai cao lên, do cành nhỏ nên lúc cây có hoa thì cành có thể bị cong vì sức nặng. Do đó nên tiến hành cắt tỉa để cây chuyển lại giai đoạn phát triển thân lá.

Bệnh phấn trắng: Xuất hiện ở cây mắt nai khi độ ẩm không khí cao. Vết bệnh dạng bột phấn màu xám trắng, bệnh chủ yếu hại trên lá, khi bệnh nặng xuất hiện cả trên thân cành và nụ hoa. Bệnh này làm rụng lá, thối nụ và hoa không nở. Biện pháp : phun Anvil 5 SC.

Bệnh gỉ sắt: Xuất hiện ở cây hoa mắt nai khi nhiệt độ cao, mưa nhiều. Vết bệnh có dạng ổ nổi, màu da cam hoặc màu sắt gỉ, xuất hiện ở cả 2 mặt lá. Bệnh này làm lá vàng, cháy lá và rụng sớm. Biện pháp: Phun thuốc Zineb 80 WP.

Cách chăm sóc hoa mắt nai

Nhu cầu dinh dưỡng của cây mắt nai không quá cao tuy nhiên bạn vẫn cần bón lót đầy đủ, có thể dùng các loại phân hữu cơ hoai mục để giúp cây phát triển đều và ra nhiều nụ, sai hoa và cho hoa màu sắc rực rỡ.

Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm, công dụng, cách trồng và chăm sóc Cây Mắt Nai do baokhuyennong.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng bài viết của chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần thiết nhé!

Xem thêm:
  • Cây Cối Xay – Đặc điểm, Công dụng và những lưu ý khi sử dụng
  • Cây Sổ – Đặc Điểm, Công Dụng Và Những Lưu Ý Khi Sử Dụng
  • Cúc Họa Mi – Loài hoa hoang dại tượng trưng cho tình yêu
  • Hoa Huệ – Đặc điểm, Nguồn gốc và Ý nghĩa của Hoa Huệ
  • Cây Bàng Singapore – Cây cảnh nội thất đẹp, có giá trị phong thủy cao

Từ khóa » Cây Mắt Nai Là Gì