Cây Nở Ngày Đất Với Những Công Dụng Chữa Bệnh Bất Ngờ

Cây nở ngày đất

Cây nở ngày đất

Đặt lịch

Cây nở ngày đất còn được biết đến với tên gọi khác là cây nở ngày, bởi phần hoa của loại cây này chỉ nở vào ban ngày. Trong một số tài liệu Y học cổ truyền có ghi chép, flavones, flavoides glycosides và gomphrenol là ba thành phần hoạt chất chính có trong cây nở ngày đất có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gút, đau nhức xương khớp, bệnh tiểu đường, sốt, cảm cúm,… Tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm những thông tin khác về loại dược liệu này.

cây nở ngày đất
Tổng hợp những thông tin liên quan đến cây nở ngày đất: Đặc điểm sinh thái, thành phần, công dụng và những bài thuốc hay

Tên gọi – Phân nhóm

  • Tên gọi khác: Cây nở ngày, Cây bông trắng, Cây bạc đầu,…
  • Tên khoa học: Gomphrena celosioides
  • Họ: Thuộc họ Rau dền (Amaranthacease), bộ Cẩm chướng (Caryophyllales)

Đặc điểm sinh thái của cây nở ngày đất

1. Mô tả cây nở ngày đất

Cây nở ngày đất là thực vật thân thảo, thường mọc bò sát mặt đất hoặc dựng đứng. Đây là loại cây dễ sinh sôi và phát triển với tuổi đời cao. Chiều cao trung bình của cây nở ngày đất là 25cm. Lúc còn non, cây có nhiều sợi lông tơ nhỏ và rụng hết lông khi về già, Rễ cây là loại rễ cọc to.

Cây được phân thành nhiều nhánh nhỏ đâm ra từ gốc. Mỗi nhánh thường mang 5 – 7 lá nhỏ, phiến là dày, có nhiều sợi lông tơ nhỏ, lá thường mọc đối. Cuống lá nhỏ. Hoa của cây nở ngày đất là loại lá nhỏ, có màu trắng. Cánh hoa cứng và thon nhọn. Nhụy hoa có màu nâu. Hoa có 5 lá đài và 5 nhị dính thành ống, bầu hình trứng. Cây thường ra nhiều hoa và quả quanh năm.

2. Cây nở ngày đất phân bố nhiều ở đâu?

Cây nở ngày đất chủ yếu mọc hoang ở những bãi đất trống, đồng ruộng, bụi rậm, đặc biệt là những vùng có khí hậu khô nóng.

Ở nước ta, cây nở ngày đất được tìm thấy khá nhiều, tập trung nhiều nhất là các tỉnh phía Tây Nam và một số tỉnh thành ở miền Trung. Ngoài ra, loại cây này cũng xuất hiện khá nhiều ở một số nước trên thế giới, phổ biến nhất là Châu Phi, Châu Mỹ, Ấn Độ, Úc, Malaysia, Brazil,…

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản

  • Bộ phận dùng: Sử dụng toàn bộ các bộ phận của cây nở ngày đất để bào chế thành thuốc, bao gồm phần: lá, thân, rễ và cả hoa.
  • Thu hái: Thu hái quanh năm.
  • Chế biến: Sau khi thu hái, đem rửa qua nhiều lần với nước sạch để loại bỏ lớp đất cát, bụi bẩn và tạp chất, sau đó có thể dùng ngay ở dạng tươi. Nếu sử dụng ở dạng khô, cần thái thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi khô để dùng dần.
  • Cách bảo quản: Bảo quản dược liệu khô trong bao bì kín để phòng các sâu bọ, côn trùng xâm nhập. Nên cất trữ ở nhiệt độ phòng, nơi thoáng mát, tránh nơi ẩm ướt.

Thành phần hóa học của cây nở ngày đất

Trong một số tài liệu mới nhất cho biết, trong cây nở ngày đất chủ yếu chứa các thành phần hoạt chất sau:

  • Flavones
  • Flavonoides glycosides
  • Gomphrenol
cây nở ngày đất
Flavones, flavoides glycosides và gomphrenol là ba thành phần hoạt chất chính có trong cây nở ngày đất

Công dụng của cây nở ngày đất

Trong y học hiện đại vẫn chưa có những công bố chính thức về những tác dụng chữa bệnh của cây nở ngày đất. Tuy nhiên, trong một số tài liệu nghiên cứu gần đây cho biết, loại cây này có một số thành phần có tác dụng đáng kể trong việc cải thiện các triệu chứng đau nhức, sưng viêm, điển hình là các bệnh lý thuộc hệ xương khớp.

Một số công dụng khác của cây nở ngày đất là công dụng làm giảm các triệu chứng sốt, cảm cúm do virus, vi khuẩn gây ra. Đồng thời, gây ức chế hoạt động của các độc tố tích trữ trong máu.

Một số bài báo cáo khác còn cho biết, cây nở ngày đất có tác dụng kháng khuẩn khá phổ biến với mức độ gram dương, gram âm nên đáp ứng hiệu quả cho những trường hợp mắc bệnh liên quan đến nấm Candida albicans. Từ đó, hỗ trợ điều trị bệnh nhiệt miệng, tưa lưỡi ở trẻ em hoặc các trường hợp bị mụn nhọt.

Ngoài ra, giới Đông y cổ truyền còn ghi nhận nhiều công dụng khác của cây nở ngày đất, cụ thể như:

  • Giúp thải độc, điều huyết, chống sưng nề;
  • Tán phong, tiêu viêm cho phụ nữ sau khi sinh;
  • Rễ cây có tác dụng trị cảm cúm, ho có đờm, tiêu độc;
  • Lá cây có tác dụng chữa ho, tốt cho người bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp;
  • Hoa của cây có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống phù nề;
  • Toàn cây có tác dụng trị mỡ trong máu.

Tính vị và quy kinh của vị thuốc cây nở ngày đất

Chưa có tài liệu nào nghiên cứu về tính vị và quy kinh của vị thuốc cây nở ngày đất

Cách dùng và liều lượng sử dụng vị thuốc cây nở ngày đất

  • Liều dùng: Dùng 30gr/ ngày. Tuy nhiên, liều lượng có thể gia giảm tùy vào từng đối tượng hay từng bài thuốc cụ thể.
  • Cách dùng: Dùng độc vị hoặc kết hợp cây nở ngày đất cùng với một số vị thuốc khác ở dạng thuốc sắc.

Những bài thuốc chữa bệnh hay từ cây nở ngày đất theo kinh nghiệm của dân gian

Với những thành phần và công dụng đã được đề cập, cây nở ngày đất được dân gian sử dụng khá nhiều trong một số bài thuốc, điển hình là một số bài thuốc dưới đây:

bài thuốc từ cây nở ngày đất
Cây nở ngày đất có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gout, đau nhức xương khớp, bệnh tiểu đường, cảm cúm, sốt,…

1. Bài thuốc điều trị bệnh gout, đau nhức xương khớp

  • Nguyên liệu: 200gr cây nở ngày đất tươi (cả phần hoa).
  • Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ cây nở ngày đất vừa được chuẩn bị bằng nước muối pha loãng rồi cho Vào nồi cùng với 1,5 lít nước. Tiến hành đun cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 500ml là được. Dùng nước sắc được thay cho nước trà. Khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm thì giảm liều dùng còn 100gr.

2. Bài thuốc giúp an thần, trị bệnh tiểu đường

+ Cách số 1:

  • Nguyên liệu: Cây nở ngày đất khô.
  • Cách thực hiện: Mỗi lần sử dụng một lượng vừa đủ cây nở ngày đất khô để hãm cùng với nước sôi như nước trà. Chắt lọc lấy phần nước để uống trị bệnh tiểu đường.

+ Cách số 2:

  • Nguyên liệu: 70gr cây nở ngày đất và 50gr dây thìa canh.
  • Cách thực hiện: Làm sạch hai vị thuốc trên rồi đem sắc cùng với 1,5 lít nước. Tiến hành đun cho đến khi nước còn lại khoảng phân nửa. Chắt lọc lấy phần nước và sử dụng thay cho nước trà hằng ngày.

3. Bài thuốc trị bệnh sốt, cảm cúm, giúp tiêu độc

  • Nguyên liệu: 30gr lá, thân và rễ của cây nở ngày đất.
  • Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị rồi đem sắc cùng với 1 lít nước. Tiến hành đun cho đến lượng nước cô đặc lại còn phân nửa. Chắc lọc lấy phần nước và dùng thay cho nước trà. Nên dùng nước sau mỗi bữa ăn.

4. Bài thuốc trị chứng huyết áp cao, bệnh tim mạch, giúp giảm cholesterol trong máu

  • Nguyên liệu: 50gr toàn cây nở ngày đất.
  • Cách thực hiện: Mang cây nở ngày đất đã được làm sạch vào trong nồi cùng với 1 lít nước. Đun cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại 1/3. Chắt lọc lấy phần nước để uống sau mỗi bữa ăn.

Một số lưu ý khi sử dụng cây nở ngày đất

Để phòng tránh một số rủi ro có thể xảy ra, trong quá trình sử dụng, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong cây nở ngày đất tuyệt đối không được sử dụng. Nếu sử dụng phải có thể làm gia tăng tác dụng phụ;
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không được sử dụng;
  • Không nên sử dụng bài thuốc từ cây nở ngày đất cho người có hệ tiêu hóa kém;
  • Thận trọng khi sử dụng dược liệu cho các đối tượng bị huyết áp thấp;
  • Cây nở ngày đấy có hoa màu tím hoặc đỏ không được sử dụng. Theo sự ghi nhận của giới y học cổ truyền, chỉ có cây màu trắng mới có tác dụng chữa bệnh;
  • Tạm ngừng việc sử dụng cây nở ngày đất nếu cơ thể xuất hiện một số triệu chứng bất thường, đặc biệt là khi bị tiêu chảy.
một số lưu ý khi sử dụng cây nở ngày đất
Không sử dụng cây nở ngày đất có hoa màu đỏ hoặc tím để làm thuốc chữa bệnh

Qua đây là những thông tin liên quan đến cây nở ngày đất cũng như một số bài thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm của dân gian từ loại dược liệu này. Tuy nhiên, thông tin của loại cây này còn khá hạn hẹn và chưa được xác thực bởi giới chuyên môn. Do đó, nếu có ý định sử dụng, bạn nên tham vấn ý kiến chuyên khoa để phòng tránh một số rủi ro có thể xảy ra.

Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Có thể bạn đọc chưa biết:

  • Cây trắc bách diệp: Tác dụng dược lý và Ứng dụng lâm sàng
  • Cây rau sam: Mô tả, tính vị, công dụng và các bài thuốc liên quan
  • Táo mèo: Đặc điểm sinh thái, Tính vị, Qui kinh và Ứng dụng lâm sàng

Từ khóa » Nó Chữa Bệnh Gì