Cây Ráy: Thực Hư Loại Cây Dân Dã Có Tác Dụng Trị Bệnh

Nội dung bài viết

  • Giới thiệu về cây Ráy
  • Thành phần hóa học và tác dụng
  • Cách dùng và liều dùng
  • Một số bài thuốc kinh nghiệm
  • Kiêng kỵ

Cây Ráy là loài cây quen thuộc đối với nhân dân. Cây có nhiều tác dụng điều trị bệnh, đặc biệt là trong Đông y. Bài viết sau của Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

Giới thiệu về cây Ráy

  • Tên thường gọi: Ráy dại, Dã vu, Khoai sáp…
  • Tên khoa học: Alocasia odora (Roxb) C. Koch.
  • Họ khoa học: Ráy (Araceae).

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Ráy là một cây mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, thường ưa mọc tại rừng hay nơi ẩm thấp. Cây còn được thấy ở Lào, Campuchia, Hoa Nam Trung Quốc, châu Úc…

Lá và thân được thu hoạch quanh năm. Củ thường được thu hoạch đối với những cây từ 2 – 3 năm trở lên. Người ta thường đào cả củ, đem về rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, phơi khô hay dùng tươi.

Mùa hoa quả tháng 1 – 5.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Ráy là một loài cây mọc hoang ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam
Ráy là một loài cây mọc hoang ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam

Mô tả toàn cây

Cây Ráy là loại cây thân mềm, cao 0,3 – 1,4m, có cây cao tới 5m. Phần trên thẳng đứng, phần dưới bò. Rễ có hình cầu và mọc ra những củ dài có nhiều đốt ngắn. Các đốt này có vảy màu nâu.

Lá to, hình tim với kích thước dài 10 – 50cm, rộng 8 – 45 cm. Cuống lá dài 15 – 120cm. Cây có các bông mo và xung quanh có các quả mọng hình trứng màu đỏ.

Bông mo mang hoa cái ở phía gốc, hoa đực ở phía trên. Hoa đực có nhị tụ lại thành hình thoi hoặc hình 6 cạnh. Hoa cái có bầu thuôn dài.

Quả mọng hình trứng, màu đỏ, bao quanh mo.

Bộ phận làm thuốc – bào chế

Sử dụng toàn bộ cây Ráy để làm thuốc: thân, rễ, lá và cuống lá. Mỗi bộ phận của cây đều đem lại công dụng chữa bệnh khác nhau.

Đào về, gọt bỏ vỏ, thái mỏng, ngâm trong nước sạch 5 – 7 ngày, thay nước thường xuyên rồi phơi khô. Nếu dùng tươi, phải rang với gạo cho đến khi gạo cháy, rồi đổ nước vào, đun sôi đến khi gạo mềm nhừ mới vớt ra.

Trong quá trình chế biến cần lưu ý, trong cây có các chất độc gây ngứa, cần thận trọng.

Sử dụng dược liệu này khi được nấu chín.

Cây ráy có quả mọng hình trứng, màu đỏ
Cây có quả mọng hình trứng, màu đỏ

Bảo quản

Cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.

Ngoài cây Ráy, cây Bông gòn cũng là loài cây quen thuộc có tác dụng trị bệnh. Đọc thêm: Cây Bông gòn: Không chỉ là loài cây tạo bóng mát

Thành phần hóa học và tác dụng

Thành phần hóa học

Trong cây Ráy có chứa các thành phần sau: nước, calo, protein, chất béo lipid, carbohydrate, chất xơ cùng với một số các loại khoáng chất khác bao gồm canxi, sắt, magie, kali, natri, kẽm và hàm lượng các vitamin B1, B2, vitamin C và vitamin E.

Thân Ráy chứa chất alocasin. Ngoài ra, theo tài liệu Trung Quốc còn có trygochin, isotrygochin, các men beta glucosidase, vitamin A, D2, campestrol, redtinol…

Cây Ráy dễ gây kích ứng là do có oxalate canxi.

Ngoài ra, trong nhiều nghiên cứu khác còn chỉ ra một số thành phần khác như: men polyphenol oxidase, nhiều loại lectin, sterol… khác nhau.

Tác dụng y học hiện đại

  • Thân, rễ và cuống lá của cây Ráy chứa ít các chất độc lại, thường được làm thực phẩm.
  • Kháng côn trùng.
  • Hiệu quả trị bỏng và vết thương phần mềm.
  • Nhân dân dùng để chữa mụn nhọt, ghẻ, sưng tay chân, giải ngứa lá Han…
  • Tinh thể canxi oxalate gây kích ứng da, viêm khoang miệng và niêm mạc.
  • Củ Ráy có hàm lượng sapotoxin cao nên thường gây ngứa, tê môi, lưỡi và cứng hàm khi dùng trực tiếp.

2.3. Tác dụng y học cổ truyền

Củ Ráy có vị nhạt, cay, tính hàn, có độc nhiều. Ăn vào gây ngứa trong miệng và cổ họng.

Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, trừ đàm, bình suyễn, giảm đau. Thân rễ Ráy chủ yếu chữa bệnh ngoài da như mề đay, ghẻ, trượt ngã bị thương, rắn cắn.

Thân rễ Ráy chủ yếu chữa bệnh ngoài da như mề đay, ghẻ, trượt ngã bị thương...
Thân rễ Ráy chủ yếu chữa bệnh ngoài da như mề đay, ghẻ, trượt ngã bị thương…

Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau.

Liều dùng: 10 – 15g mỗi ngày. Dùng bôi ngoài không kể liều lượng.

Một số bài thuốc kinh nghiệm

Chữa mụn nhọt

Củ Ráy 80 –100g, Nghệ 60g được rửa sạch, đem nấu nhừ chung với dầu Vừng, ít dầu Thông và sáp ong. Khi hỗn hợp nguội, phết lên giấy xốp rồi đắp lên vị trí bị mụn nhọt.

Hỗ trợ điều trị bệnh Gout

Củ Ráy (xắt nhỏ phơi khô sấy vàng) 20g, Chuối hột già (phơi khô) 20g, tất cả sao vàng sắc uống trong ngày.

Hoặc củ Ráy 20g, Chuối hột khô 20g, lá Lốt khô 20g, sắc chung, uống trong, điều trị viêm đau nhức rất tốt.

Cây Ráy là vị thuốc hỗ trợ điều trị bệnh Gout
Cây Ráy là vị thuốc hỗ trợ điều trị bệnh Gout

Giải ngứa lá Han

Khi bị trúng độc của lá Han, người bệnh có thể lấy một củ Ráy cắt đôi rồi xát vào nơi bị ngứa.

Kiêng kỵ

Lưu ý, không sử dụng cây Ráy cho một số đối tượng sau đây:

  • Người hư hàn không dùng.
  • Không sử dụng cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong dược liệu.
  • Không sử dụng cây Ráy khi chưa được nấu chín. Bởi các loại cây này còn sống khi sử dụng có thể gây ngứa cổ họng và miệng.

Thực tế, nhiều người dân vì tin theo các phương pháp dân gian được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Dẫn đến việc sử dụng các loại cây thuốc sai cách, gây ra các tác dụng không mong muốn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Vậy nên khi có nhu cầu sử dụng cây Ráy hay các loại dược liệu khác, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chính xác, phù hợp với tình trạng mình đang mắc phải.

Bạn có thể nhận tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa qua ứng dụng YouMed. Chỉ cần tải app YouMed, bạn có thể nhắn tin hoặc gọi video ngay tại nhà để đặt câu hỏi cho các bác sĩ Y học cổ truyền giàu kinh nghiệm. Sự tư vấn y khoa từ bác sĩ sẽ giúp bạn sử dụng vị thuốc một cách hiệu quả, hạn chế rủi ro và các tác dụng không mong muốn.

Từ khóa » Cay Củ Ráy