Cây Rễ Cọc Và Cây Rễ Chùm - Học Đúng Cách - YBOX

Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây
Minh Tâm

Sinh Viên

~100.000 followers

Theo dõi Nhắn tin
Thông tin
  • Đang cập nhật...
  • Sinh Viên
  • Đang cập nhật... ~ 100.000 người
Sở thích

Chưa có thông tin

Cần tim bạn

Chưa có thông tin

  • Đang cập nhật...
Minh Tâm@Triết Học Tuổi Trẻ

public3 năm trước

Cây Rễ Cọc Và Cây Rễ Chùm - Học Đúng Cách

Hệ kiến thức “cọc” và “chùm”

Từ thơ văn đến triết học, người ta hình tượng hóa con người, cũng như cuộc đời con người bằng nhiều thứ. Từ chiếc lá đến con sóng, từ cơn gió đến giọt nước, mỗi sự hình tượng hóa đấy đều để nói lên cái điều mà người tạo hình tượng muốn truyền tải. Còn hôm nay, để nói về cách học đúng, tôi chọn cái cây để tả cuộc đời.

Hình tượng hóa cuộc đời của một người là một cái cây, thì thân cây sẽ là sự nghiệp, hoa trái sẽ là thành công, còn rễ cây sẽ là kiến thức. Kiến thức, cũng như rễ cây, là gốc của tất cả. Kiến thức xây dựng sự nghiệp, kiến thức phát triển cuộc sống, kiến thức kiến tạo thành công. Kiến thức tốt, cây cuộc đời mới có thể khỏe mạnh.

Nhưng thế nào là kiến thức tốt? Cây có hai loại rễ, rễ cọc và rễ chùm, thì kiến thức cũng có kiến thức “cọc” và kiến thức “chùm”

Rễ cọc, theo Greening Office, là “bộ rễ gồm rễ chính phát triển đâm sâu xuống dưới lòng đất như một cái cọc, một cái trụ và rễ bên của cây nhỏ không đáng kể được mọc ở xung quanh”. Đơn giản hơn, rễ cọc giữ cây bằng một trụ lớn, đâm sâu vào lòng đất, nên những cây có rễ cọc là loại cây chống chịu bão tốt nhất, vững chãi nhất và có tuổi thọ lâu đời nhất. Kiến thức “cọc” cũng vậy. Kiến thức “cọc”, không phải là chỉ có kiến thức ở một mảng, mà là có kiến thức theo hệ thống, có định hướng và đạt tầm chuyên môn. Và để có thể đạt được hệ kiến thức “cọc” này, yêu cầu việc học có lộ trình, có ý chí, có tính lâu dài và quan trọng nhất là có mục tiêu dài hạn.

Còn rễ chùm thì sao? Khác với rễ cọc, rễ chùm dựng cây bằng một lượng lớn các sợi rễ nhỏ, ngắn, đâm nông. Liên hệ với kiến thức, kiến thức “chùm” là hệ kiến thức phong phú nhiều mảng, nhưng thiếu tính tập trung cũng như tính hệ thống. Cũng vì kiến thức quá mức phong phú như vậy, nên người có hệ kiến thức “chùm” sẽ không có một chiếc “cọc” nào cả, tức kiến thức ở mảng nào cũng nông cạn, biết nhiều nhưng biết hời hợt, biết qua loa, biết mà không có tính đào sâu.

Vậy khác biệt giữa người phát triển được hệ kiến thức “cọc” và người có hệ kiến thức “chùm” là gì? Cây rễ cọc và cây rễ chùm, ở điều kiện bình thường, gần như không có biểu hiện gì khác nhau, thậm chí cây rễ chùm còn có xu hướng phát triển nhanh hơn và vạm vỡ hơn hẳn cây rễ cọc. Ấy vậy mà khi đối diện với giông bão, cây rễ chùm không thể giữ được dáng cây vạm vỡ ấy, và dẫu có thân hình to lớn và nhanh ra hoa trái, cây rễ chùm sẽ bị quật ngã từ cơn bão đầu tiên. Nhưng cây rễ cọc, dù lớn chậm hơn, ra hoa lâu hơn, nhưng sẽ tồn tại qua hàng chục cơn giông mà vẫn giữ cho dáng cây đứng thẳng, để cây tiếp tục lớn mạnh thật lâu, thật xa. Cuộc đời con người cũng vậy. Sự nghiệp của người biết nhiều nhưng nông có thể trổ bông rất nhanh, phát triển thần tốc, nhưng chỉ cần gặp phải biến cố sẽ ngay lập tức sụp đổ. Vì sao? Vì tư duy thiếu định hướng và thiếu kỹ năng, kiến thức chuyên sâu, nên không đủ khả năng chèo lái trước bão. Ngược lại, với người có hệ thống kiến thức độc hướng và sâu sắc, sẽ từng bước xây dựng sự nghiệp, dù có thể chậm, nhưng vững chắc, và chính hệ kiến thức đó sẽ cho họ bản lĩnh đối đầu với vô vàn khó khăn trên đường sự nghiệp, dù khó khăn ấy có lớn đến mức nào đi chăng nữa.

Vậy nên, trong thời kì mà Internet khiến việc học mọi trình độ, mọi chuyên môn được phổ biến hơn bao giờ hết, hãy vạch ra con đường học có định hướng, có mục tiêu và theo đuổi sự sâu sắc trong kiến thức, tức hướng đến tính chuyên môn. Quan trọng nhất, hãy có ý chí theo đuổi con đường đó đến cuối cùng. Hãy trở thành một con người với hệ kiến thức “rễ cọc”, để có thể vững chãi xây dựng sự nghiệp của mình.

Làm thế nào để học đúng

Như đã nói, hiện nay Internet đã khiến việc học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tất cả các chuyên môn, ở mọi trình độ, từ mới bắt đầu đến bậc Tiến Sĩ, mọi hình thức, học bằng tài liệu, học qua giáo viên, học qua video, thậm chí với với mọi yêu cầu, từ học theo giáo trình chuẩn hóa của các tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới đến học “siêu tốc” trong 15 phút, chỉ cần một lần tìm kiếm, Internet đã cho bạn hàng trăm cách học. Nên câu hỏi ở thời đại này, không còn là học như thế nào, mà là chọn học cái gì?

Như phần trên đã viết, chúng ta giờ đã biết điều cần phải được hướng tới là hệ kiến thức “cọc”. Vì khả năng của con người là có hạn, nên đa số mọi người chỉ có thể có một “cọc” kiến thức trong đời. Vậy làm thế nào để chọn “cọc”? Đây là câu hỏi cả đời, nhưng đa số lại bị bắt phải trả lời ở độ tuổi mười tám dưới dạng câu hỏi khác, “Chọn nghề gì?”. Tuy nhiên, đây không phải bài viết nhằm mục đích hướng dẫn các bạn cách chọn ngành, nên không thể đi sâu vào câu hỏi này được. Chỉ khuyên các bạn rằng, trước khi trả lời câu hỏi này, hãy suy nghĩ thật kĩ và nhìn từ thật nhiều góc độ nhưng vẫn phải đặt góc nhìn của bản thân lên đầu tiên, vì người chịu trách nhiệm cho câu trả lời này, cũng như là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ quyết định này là chính bạn.

Sau khi đã quyết định “cọc” của mình, hãy nắm chắc nó, và cố gắng đừng bao giờ buông tay, mà nếu có buông tay, thì hãy nghĩ kĩ trước khi làm. Bạn có thể chọn “cọc” sai, đương nhiên rồi, nhưng cố gắng đừng chọn sai quá nhiều lần. Vì đổi “cọc” liên tục sẽ khiến bạn có một hệ kiến thức rễ chùm trước khi bạn kịp nhận ra điều đó. Sự thiếu kiên trì là kẻ thù lớn nhất trên con đường xây dựng hệ kiến thức “cọc”, đừng bao giờ quên. Hãy bằng tất cả ý chí và kiên định vốn có, nuôi dưỡng và không ngừng phát triển chuyên môn đã chọn. Đọc sách, đọc tài liệu, tận dụng nguồn kiến thức khổng lồ là Internet, tìm đến những người cùng con đường với mình, học hỏi từ những Thạc Sĩ, Tiến Sĩ, nhà nghiên cứu trong ngành, và còn rất nhiều cách học khác để làm chiếc “rễ cọc” ấy to lớn, cắm sâu hơn, để tán cây được trải rộng hơn và hoa trái sai quả kết mùa. Đặt cái tâm mình vào việc học, không bao giờ ngừng nghĩ về việc học, và đặc biệt là phải tự tạo nên áp lực tự thân cho chính mình để thúc đẩy bản thân đi thật xa trên con đường học tập chuyên ngành. Nên chỉ có chăm chỉ, cần cù, kiên trì và có khát khao học mới có thể dựng lên cho chúng ta một hệ rễ cọc, hay nói cách khác, là một hệ kiến thức xuất sắc, sâu sắc, hứa hẹn một tương lai vững chắc trước giông bão, bản lĩnh trước chông gai.

Vậy, cách học đúng rốt cuộc là như thế nào? Là xác định rằng mình phải xây dựng một hệ kiến thức sâu, không nhất thiết phải rộng, nhưng phải sâu, rồi sau đó xác định cái “cọc” đó là cái gì, là ngành nào, là mảng gì. Tiếp theo và cuối cùng là kiên trì theo đuổi và không ngừng học tập, sáng tạo trong chuyên ngành đó, lấy sự chuyên sâu làm mục tiêu phấn đấu. Với định hướng đó, cùng với điều kiện học phổ biến như hiện nay, một hệ kiến thức “rễ cọc” xuất chúng và chuyên sâu sẽ được hình thành, biến bạn trở thành một cá thể xuất chúng trong xã hội, một cá thể với góc nhìn sâu sắc đa chiều và bản lĩnh vững chắc để xây dựng cuộc đời.

Nguồn ảnh: Mục vụ Giới trẻ

Tác Giả: Minh Tâm

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100007045926598

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,235 lượt xem, 1,903 người xem - 1903 điểm

Thích 0Không thích 0Chia sẻ Lưu bài Có thể bạn thích

Từ khóa » Cây Của Rễ Chùm