Cây Sài đất: Mô Tả, Phân Bố, Thành Phần Hóa Học Và Tác Dụng Dược Lý

Cây sài đất

Cây sài đất

Đặt lịch

Cây sài đất còn có tên gọi khác là Húng trám, Ngổ núi, thuộc họ Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae). Thảo dược này được trồng để làm thuốc vì có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, tiêu viêm,…

1. Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Cúc nháp, Húng trám, Ngổ núi,…

Tên khoa học: Wedelia chinensis (Osbeck) Merr.

Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae).

cây sài đất mua ở đâu
Cây sài đất là vị thuốc dân gian, thuộc họ Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae)

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả:

Sài đất là cây thân thảo, sống dai, mọc bò hoặc đứng thẳng, chiều cao trung bình khoảng 40cm. Thân cây màu xanh, có phủ lông trắng, lá mọc sát vào thân, không có cuống.

Lá mọc đối xứng, hình bầu dục, kích thước nhỏ. Viền có răng cưa to và nông. Phiến lá có 1 gân chính và 2 gân phụ, xuất phát từ cuống. Các đường gân nổi rõ trên mặt lá.

cây sài đất chữa viêm da cơ địa
Sài đất là cây thân thảo, sống dai, thường mọc bò sát mặt đất

Cây ra hoa vào mùa hè, có màu vàng tươi, nhiều cánh, thường mọc ở ngọn. Quả bế, nhỏ, thường không có lông.

Phân bố:

Cây sài đất mọc hoang nhiều ở Ấn Độ, Malaysia. Hiện nay loài cây này đã được di thực vào Việt Nam để trồng làm cảnh hoặc để làm thuốc.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Toàn bộ cây sài đất được sử dụng làm dược liệu.

Thu hái: Có thể thu hái quanh năm, nhưng thời điểm chủ yếu thường rơi vào cuối hè, đầu thu.

Chế biến: Đem toàn cây rửa sạch, có thể dùng trực tiếp hoặc phơi khô dùng dần.

Bảo quản: Nơi thoáng mát.

4. Thành phần hóa học

Dịch ép từ cây sài đất có chứa hợp chất béo 29.7%, caroten 1.14%, nhựa 44.955, tanin, đường, saponin, pectin, lignin, solice, mucin, phytosterol 3.75%,… Lá cây còn chứa wedelolacton, muối vô cơ và tinh dầu.

5. Tác dụng dược lý

+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

Chưa có nghiên cứu.

+Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Thanh nhiệt, long đờm, giải độc, tiêu viêm, chống ho. Mát gan, mát máu.
  • Chủ trị: Trị cảm cúm, sổ mũi, dự phòng bệnh sởi. Trị viêm phổi nhẹ và viêm khí quản, huyết áp cao, viêm bạch hầu, viêm hầu và viêm amidan. Chữa ghẻ lở, đinh nhọt, sưng vú, sưng tấy ngoài da.

6. Tính vị

Vị hơi mặn, hơi đắng, tính mát.

Vị hơi chua, ngọt, tính mát.

7. Qui kinh

Qui vào kinh Can và Thận.

8. Liều dùng, cách dùng

Có thể dùng cây sài đất để ăn sống, sắc thuốc. Nên dùng 15 – 30g/ ngày ở dạng thuốc sắc. Nếu ăn sống có thể dùng từ 200 – 300g/ ngày.

9. Bài thuốc

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây sài đất:

cây sài đất trị mụn
Toàn thân cây sài đất được thu hoạch để làm dược liệu, có thể dùng tươi hoặc sắc nước uống
  • Bài thuốc dự phòng bạch hầu và sởi: Dùng 15 – 30g sài đất khô, đem sắc nước uống. Dùng liên tục trong vòng 3 ngày.
  • Bài thuốc chữa rôm sảy ở trẻ em: Dùng cây sài đất rửa sạch, sau đó vò nát và pha vào nước tắm cho trẻ.
  • Bài thuốc chữa sốt xuất huyết: Dùng sài đất tươi 30g, lá trắc bá (sao đen) 20g, kim ngân hoa 20g, củ sắn dây 20g, cam thảo đất 16g, hoa hòe (sao cháy) 16g. Đem tất cả sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang. Nếu bệnh nặng, thân nhiệt cao có thể thêm mạch môn 20g.
  • Bài thuốc chữa viêm bàng quang: Dùng bồ công anh, mã đề, mỗi thứ 20g, sài đất tươi 30g với cam thảo đất 16g đem sắc uống. Dùng mỗi ngày 1 thang.
  • Bài thuốc chữa lở, chàm, mụn: Dùng kim ngân hoa (chỉ dùng lá) 15g, sài đất 30g, ké đầu ngựa 12g, khúc khắc 10g, cam thảo đất 16g đem sắc uống. Dùng mỗi ngày 1 thang.
  • Bài thuốc trị ban trái, ban độc ở trẻ em: Dùng trùn hổ chế 3 con, sài đất 6g, nhãn lồng 4g, thạch cao 2g, cỏ mực 4g, bạc hà 4g đem sắc với 600ml nước, còn lại 200ml. Chia thành 3 lần uống, dùng hết trong ngày.
  • Bài thuốc chữa sốt cao: Dùng sài đất 20 – 50g, đem rửa sạch, giã nát và pha với nước uống. Đồng thời đem bã đắp vào lòng bàn chân.
  • Bài thuốc chữa viêm tuyến vú: Dùng bồ công anh, thông thảo, kim ngân hoa, mỗi thứ 20g, cam thảo đất 16g với sài đất 50g. Đem sắc uống mỗi ngày 1 thang.
  • Bài thuốc chữa nhọt: Dùng bồ công anh 20g, sài đất 30g, lá kim ngân hoa 15g, thổ phục linh 10g đem sắc uống. Dùng mỗi ngày 1 thang.
  • Bài thuốc chữa ung thư môn vị: Dùng sài đất, bạch hoa xà thiệt, bán chi liên, mỗi thứ 30g. Đem sắc uống mỗi ngày 1 thang.
  • Bài thuốc thanh nhiệt: Dùng cây sài đất tươi ăn với thịt, cá. Mỗi ngày ăn khoảng 100 – 200g để làm mát và thải độc cho gan.
  • Bài thuốc trị miệng lưỡi nhiệt, miệng hôi, sưng mủ chân răng: Dùng sài đất 16g, thục địa 16g, thạch cao 16g, thạch môn 12g, rễ cỏ xước 10g đem sắc uống. Mỗi ngày sắc 1 thang, đem chia thành 2 lần uống.
  • Bài thuốc trị rôm nổi thành đám: Dùng sài đất 100g, đem giã nát đun, thêm ít muối, cho 100ml nước sôi để nguội vào. Sau đó vắt lấy nước, chia thành 2 lần, uống hết trong ngày. Dùng bã đắp lên vùng da nổi rôm. Hoặc dùng sài đất khô 50g sắc với 500ml nước, sắc còn 200ml, đem chia thành 2 lần uống.
  • Bài thuốc trị viêm nhiễm phần mềm (viêm quầng, sưng tấy da,…): Dùng sài đất 20 – 30g đem rửa sạch, sau đó giã nát và đắp lên phần mềm bị tổn thương. Không áp dụng cho nhiễm trùng dạng áp xe, mưng mủ.
  • Bài thuốc chống cảm cúm: Dùng kim ngân hóa, sài đất, mỗi thứ 12g, kinh giới, tía tô, mỗi thứ 8g, mạn kinh tử 10g, cam thảo 4g đem sắc với 3 lát gừng. Ngày sắc 1 thang, chia thành 3 lần uống.
  • Bài thuốc trị viêm da dị ứng, eczema, ngứa da theo mùa: Dùng sài đất, kim ngân hoa, mỗi thứ 30g, rau má, kinh giới, mỗi thứ 15g, lá khế 10g đem rửa sạch và đun với nước. Khi nước nguội bớt, đem thấm khăn và lau khắp người.
  • Bài thuốc trị ngứa do mụn: Dùng thiên niên kiện 8g, sài đất 15g, diệp hạ châu 10g, kim ngân hoa 12g, ngưu tất 12g, nhân trần 10g, cam thảo 4g, hà thủ ô 12g, sa sâm 12g, thạch cao 6g, sinh địa 15g đem sắc uống. Mỗi ngày sắc 1 thang, chia thành 2 lần uống.
  • Bài thuốc giảm sưng vú: Dùng sài đất 20g giã nát, đem đắp lên vùng vú bị sưng đỏ. Đắp khoảng 60 phút, sau đó rửa sạch bằng nước lạnh. Ngày thực hiện 2 lần.
  • Bài thuốc thông sữa tiêu viêm: Dùng bồ công anh, sài đất, mỗi thứ 30g, huyền sâm, sa tiền tử, kim ngân hoa, liên kiều, thạch cao, mỗi thứ 16g, xuyên khung, thông thảo, hoàng cầm, mỗi thứ 12g, chỉ thực, thanh bì, sài hồ, mỗi thứ 8g, tạo giác thích 6g đem sắc uống. Mỗi ngày sắc 1 thang, chia thành 2 lần uống.
  • Bài thuốc trị viêm bàng quang: Dùng liên kiều, mã đề, bồ công anh, mỗi thứ 20g, cam thảo 16g, sài đất 30g đem sắc uống. Mỗi ngày dùng 1 thang, chia thành 2 lần uống.

10. Lưu ý

Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng những bài thuốc từ cây sài đất.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên hay chỉ dẫn thay thế cho nhân viên y tế.

Dược liệu nên kết hợp

  • Cây ý dĩ: mô tả, tính vị, công dụng và một số bài thuốc
  • Cây xương rồng và những lợi ích đối với sức khỏe con người

Từ khóa » Tác Dụng Phụ Của Cây Sài đất