Cây Sầu đâu Trị Bệnh Gì? Dùng Như Thế Nào Mới Hiệu ... - Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Tên thông thường: cây sầu đâu, neem, sầu đông, xoan Ấn Độ
Tên khoa học: Azadirachta indica
Tên tiếng Anh: neem tree
Tìm hiểu chung
Cây sầu đâu trị bệnh gì?
Công dụng của cây sầu đâu chủ yếu là chữa bệnh. Vỏ cây, lá, hạt, rễ, hoa hay quả đều có thể dùng để làm thuốc.
- Lá sầu đâu. Lá sầu đâu trị bệnh gì? Lá của cây thường được dùng để điều trị một số vấn đề như bệnh phong, rối loạn mắt, chảy máu mũi, giun đường ruột, buồn nôn, ăn mất ngon, loét da, bệnh tim mạch, sốt, tiểu đường, bệnh nướu răng và các vấn đề về gan. Bên cạnh đó, kiểm soát sinh sản cũng là một công dụng khác của lá sầu đâu ít người biết đến
- Vỏ sầu đâu. Vỏ cây được sử dụng để chữa bệnh sốt rét, dạ dày và ruột, bệnh da, đau và sốt.
- Hoa sầu đâu. Hoa được sử dụng để làm giảm mật, kiểm soát đờm và điều trị giun đường ruột.
- Trái sầu đâu. Trái sầu đâu được sử dụng để điều trị bệnh trĩ, giun đường ruột, rối loạn nước tiểu, chảy máu mũi, đờm, rối loạn mắt, đái tháo đường, vết thương và bệnh phong.
- Cành sầu đâu. Cành sầu đâu được sử dụng để điều trị ho, hen suyễn, bệnh trĩ, giun, mật độ tinh trùng thấp, rối loạn nước tiểu và tiểu đường.
- Hạt sầu đâu. Dầu hạt giống và hạt giống được sử dụng để điều trị bệnh phong và giun đường ruột, cũng được sử dụng để ngừa thai và phá thai.
- Cành, vỏ cây và quả. Cành, vỏ cây và quả được sử dụng làm thuốc bổ và chất làm se.
Bên cạnh đó, một số người sử dụng cây sầu đâu trực tiếp lên da để điều trị chí, bệnh da, vết thương, và loét da; như một chất chống muỗi và như một chất làm mềm da.
Cây sầu đâu có thể được sử dụng cho các mục đích sử dụng khác. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin.
Thành phần của cây sầu đâu là gì?
Tất cả các bộ phận của cây chứa một chất dầu đắng và axit margosic.
Hạt: chứa tới 4,5% dầu, dầu này chứa các chất đắng nimbin, nimbinin và nimbidin. Nimbidin là hoạt chất chứa sunfua.
Cụm hoa: chứa một glucozit nimbosterin (0,005%) và 0,5% tinh dầu, nimbosterol, nimberetin và axit béo.
Hoa: chứa một chất đắng, một chất dầu kích thích đắng.
Quả: chứa một chất đắng bakayamin.
Vỏ thân: chứa 0,04% nimbin, 09,001% nimbinin và 0,4% nimbidin; 0,02% tinh dầu.
Cơ chế hoạt động của thảo dược này là gì?
Cây sầu đâu chứa các chất có thể giúp làm giảm lượng đường trong máu, chữa lành vết loét trong đường tiêu hóa, ngăn ngừa thụ thai, diệt khuẩn và ngăn ngừa hình thành mảng bám trong miệng.
Hiện nay vẫn chưa có đủ nghiên cứu về tác dụng của loại thuốc này. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của cây sầu đâu là gì?
Chiết xuất vỏ cây sầu đâu:
Bệnh nhân có các vấn đề liên quan đến axit và loét được điều trị hai lần mỗi ngày trong 10 ngày với 30mg.
Loét tá tràng được cải thiện đáng kể ở liều tăng 30–60mg, uống 2 lần mỗi ngày trong 10 tuần.
Loét thực quản và loét dạ dày đã được làm lành hoàn toàn sau khi điều trị hai lần mỗi ngày trong 6 tuần với 30mg.
Dầu sầu đâu:
Bạn dùng 0,2ml/kg.
Viên sầu đâu:
Liều được khuyến cáo là 1–2 viên mỗi lần, 2–3 lần trong một tháng, sau bữa ăn, với nước.
Lá sầu đâu:
Công dụng của lá sầu đâu là thường được dùng để trị bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu đã chứng minh lá của cây sầu đâu rất hiệu quả trong việc giảm bớt nồng độ glucose trong cơ thể. Nó cho phép tuyến tụy tiết insulin, khiến lượng đường trong máu được kiểm soát trong mức cho phép.
Người bị tiểu đường có thể dùng 5–10 lá, tươi hoặc phơi trong mát cho hơi héo rồi đun sôi lấy nước uống mỗi ngày, nước thuốc có vị rất đắng nhưng hậu ngọt, cũng không khó uống.
Liều dùng của cây sầu đâu có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi của bạn, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Cây sầu đâu có thể không an toàn tuyệt đối. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Cỏ ngọt cũng là một loại thảo dược được lưu truyền trong dân gian với khả năng hỗ trợ điều trị tiểu đường. Hãy cùng tham khảo lời giải đáp Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền về tác dụng này của cỏ ngọt để biết thêm thông tin nhé! Tham khảo lời giải đáp từ bác sĩ qua bài viết: Hỏi đáp bác sĩ: Cỏ ngọt có tác dụng gì?
Dạng bào chế của cây sầu đâu là gì?
Cây sầu đâu có các dạng bào chế:
- Tươi
- Chiết xuất vỏ cây
- Bột nhão hoặc dầu
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng cây sầu đâu?
Những tác dụng phụ nghiêm trọng khi bạn dùng cây sầu đâu trị bệnh có thể bao gồm:
- Nôn
- Bệnh tiêu chảy
- Buồn ngủ
- Rối loạn máu
- Động kinh
- Mất ý thức
- Rối loạn não
- Tử vong
Ngoài ra, một tác dụng phụ của lá sầu đâu ít người biết là gây sẩy thai. Do đó, phụ nữ mang thai cần đặc biệt cẩn trọng khi có ý định sử dụng loại thảo dược này.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.
Thận trọng
Trước khi dùng cây sầu đâu, bạn nên biết những gì?
Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ, nếu:
- Bạn có thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ
- Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác
- Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào của cây sầu đâu hoặc các loại thuốc khác hoặc các loại thảo mộc khác
- Bạn có bất kỳ bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác
- Bạn có bất kỳ loại dị ứng nào khác, như thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản, hay động vật.
Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng cây sầu đâu với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của cây sầu đâu như thế nào?
Đối với trẻ em. Dùng hạt sầu đâu hoặc dầu để uống không an toàn cho trẻ em. Các phản ứng phụ nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể xảy ra trong vòng vài giờ sau khi dùng dầu sầu đâu.
Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Dầu và vỏ cây sầu đâu không an toàn khi uống trong thai kỳ vì có thể gây sẩy thai. Không có đủ thông tin việc sử dụng cây sầu đâu trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Hãy tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Dùng trong phẫu thuật. Bạn nên ngừng dùng ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
Tương tác với các thuốc khác
Cây sầu đâu có thể tương tác với những gì?
Thảo dược này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng cây sầu đâu.
Những điều kiện sức khỏe hoặc thuốc có thể tương tác với dược liệu cây sầu đâu bao gồm:
Lithium
Sầu đâu có tác dụng như thuốc lợi tiểu. Dùng sầu đâu có thể làm cơ thể giảm quá trình loại bỏ lithium. Điều này có thể làm tăng lượng lithium trong cơ thể và gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng sản phẩm từ sầu đâu nếu bạn đang dùng lithium. Có thể cần thay đổi liều lithium của bạn.
Thuốc cho bệnh tiểu đường
Sầu đâu có thể làm giảm lượng đường trong máu. Thuốc tiểu đường cũng được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu. Dùng sầu đâu cùng với thuốc tiểu đường có thể gây ra lượng đường trong máu quá thấp. Theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu của bạn. Liều thuốc tiểu đường của bạn có thể cần phải thay đổi.
Một số thuốc dùng cho bệnh tiểu đường bao gồm glimepiride, glyburide, insulin, pioglitazone, rosiglitazone (Avandia), chlorpropamide, glipizide, tolbutamide.
Thuốc ức chế miễn dịch
Sầu đâu có thể làm tăng cường hệ thống miễn dịch. Bằng cách tăng hệ thống miễn dịch, sầu đâu có thể làm giảm hiệu quả của thuốc giảm hệ miễn dịch.
Một số loại thuốc giảm hệ miễn dịch bao gồm azathioprine, basiliximab, cyclosporine, daclizumab. muromonab-CD3, mycophenolate, tacrolimus, sirolimus, prednisone, corticosteroid (glucocorticoid) và các loại khác.
Bệnh tiểu đường
Sầu đâu có thể làm giảm lượng đường trong máu và có thể làm cho lượng đường trong máu đi quá thấp. Nếu bạn bị tiểu đường và sử dụng sầu đâu, hãy kiểm tra lượng đường trong máu của bạn một cách cẩn thận.
Giảm khả năng có con
Một số nghiên cứu cho thấy sầu đâu có thể gây hại cho tinh trùng. Sầu đâu cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản theo những cách khác. Nếu bạn đang cố gắng có con, tránh sử dụng sầu đâu.
[embed-health-tool-bmi]
Từ khóa » Cây Xoan Sầu đâu
-
Đắng Cay Vị Gỏi Sầu đâu - VnExpress Du Lịch
-
Cây Sầu đâu Có Tác Dụng Gì? - Vinmec
-
Cây Xoan - Sầu Đâu Vị Thuốc Chữa Giun Diệt Trùng
-
Cây Sầu đâu Chữa Bệnh? - Báo Đà Nẵng
-
Cây Sầu đâu Có Phải Là Cây Xoan - Nấm Lim Quảng Nam
-
Phân Biệt Cây Xoan đào Và Xoan Ta( Sầu đâu, Sầu đông), Xoan Lai
-
Giải Nghĩa Tiếng Việt "cây Sầu đâu Là Cây Xoan" Trong SGK Lớp 4 Gây ...
-
Cây Sầu đâu Có Phải Là Cây Xoan
-
Cây Sầu Đâu Có Phải Là Cây Xoan, Phân Biệt Cây ... - Haiermobile
-
Sầu đâu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cây Sầu đâu Rừng - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Cây Sầu đâu - Vị Thuốc Dân Dã Chữa Nhiều Bệnh Không Ngờ đến?
-
Cây Sầu Đâu Có Phải Là Cây Xoan, Cây Sầu Đâu Rừng - Dolatrees