Cây Thiên Niên Kiện: Vị Thuốc Quý Trị đau Xương Khớp - YouMed

Nội dung bài viết

  • Thiên niên kiện là gì?
  • Tác dụng của Thiên niên kiện
  • Bài thuốc từ Thiên niên kiện
  • Lưu ý

Thiên niên kiện là một vị thuốc quý trị bệnh xương khớp trong Đông Y.  Tên gọi này là vì người ta cho rằng uống vị thuốc này thì nghìn năm khoẻ mạnh (thiên là nghìn, niên là năm, kiện là khoẻ mạnh). Đây là vị thuốc dùng chữa bệnh đau khớp, tay chân và các khớp xương nhức mỏi hoặc tê bại, rất tốt cho người cao tuổi, già yếu. Bài viết này trình bày cụ thể về công dụng, cách dùng và những điều cần biết về Thiên niên kiện

Thiên niên kiện là gì?

Thiên niên kiện còn có tên gọi khác là Bao kim, Vắt vẻo, Sơn thục, Trao yêng (Kho), Duyên (Bana), Ráy hương, Vạt hương (Tày), Hia hẩu ton (Dao). Tên khoa học của nó là Homalomena occulta (Lour.) Schott. Thuộc họ Ráy (Araceae).

Mô tả

Thiên niên kiện là cây sống lâu năm, có thân rễ mập, màu xanh.

Lá cây mọc so le, có cuống dài, màu xanh, mềm, nhẵn, phía dưới cuống nở rộng thành bẹ có màu vàng nhạt. Phiến lá hình đầu mũi tên, đầu nhọn, mép nguyên. Mặt trên của lá có màu đậm hơn, hai mặt đều nhẵn, gân ở hai mép đều hướng về phía đỉnh lá.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Cây mọc hoang rất nhiều ờ các miền rừng núi của nước ta. Loài cây này ưa những nơi ẩm ướt, cạnh suối hay dọc theo suối. Khai thác quanh năm

re-thien-nien-kien Rễ thiên niên kiện phơi khô là vị thuốc quý

Vị thuốc Thiên niên kiện

Thu hái Thiên niên kiện vào mùa xuân hay mùa thu. Thu về những thân rễ già, rửa sạch, bóc loại bỏ vỏ ngoài và các rễ con. Cắt thành đoạn ngắn 10 đến 30 cm. Sấy nhanh ở nhiệt độ khoảng 50 °C cho khô đều mặt ngoài. Bóc bỏ vỏ ngoài và rễ con. Tiếp tục phơi hoặc sấy ở 50 °C đến 60 °C cho đến khô.

Dược liệu là phần thân rễ, đoạn thẳng hay cong queo. Phiến có nhiều xơ, chắc, cứng, dài 10 cm đến 30 cm, đường kính 1 cm đến 1,5 cm, hai đầu đều nhau. Mặt ngoài có màu nâu nhạt hay nâu sẫm, nhiều nếp nhăn dọc hay vết tích của rễ con. Bề ngang dược liệu hơi dai, vết cắt có màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm, có một số sợi màu vàng ngà lởm chởm như bàn chải. Ngửi có mùi thơm hắc, vị cay.

Thiên niên kiện có chất gì?

Từ rễ của Thiên niên kiện người ta chiết xuất được rất nhiều hợp chất sesquiterpenoid.

Một nghiên cứu về thành phần hoá học trong tinh dầu ở vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An cho thấy:

  • Từ tinh dầu rễ đã xác định được 54 hợp chất, chiếm 88,8% tổng lượng tinh dầu.
  • Trong tinh dầu, các hợp chất monotecpen có hàm lượng 25,1% (16,1% là monotecpen hydrocacbon và 9,0% là monotecpen chứa oxy), các sesquitecpen (47,1%) với sesquitecpen chứa oxy chiếm 34,3% và sesquitecpen hydrocacbon là 12,8%. Các chất thơm chiếm 16,3%, các hợp chất khác có hàm lượng không đáng kể.

Ngoài ra, mùi thơm tinh dầu rễ được đặc trưng bởi các hợp chất thơm có hàm lượng tương đối cao (16,3%), trong đó benzyl benzoat là chất thơm chính chiếm tới 11,4%. Hơn thế nữa, thành phần chính của tinh dầu là α-bisabolol (22,8%), benzyl benzoat (11,4%), linalool (8,6%). Đây là các hợp chất chứa oxy tạo mùi thơm cho tinh dầu.

Tác dụng của Thiên niên kiện

Theo Đông Y

Thiên niên kiện có công dụng trừ phong thấp, mạnh cân cốt. Chủ trị các chứng thắt lưng và đầu gối lạnh đau, các khớp sưng đau nhức, chân co rút tê bại.

Ở Trung Quốc, thân rễ được dùng trị té ngã tổn thương, gãy xương, ngoại thương xuất huyết. Trị được chứng tứ chi tê bại, đau dạ dày, viêm dạ dày và ruột, gân mạch khó co duỗi, phong thấp đau lưng đùi, loại phong thấp đau nhức khớp xương. Còn ở Ấn Độ, thân rễ được dùng làm chất thơm và kích thích. Bột thân rễ được cho vào thuốc lá hoặc trong thành phần các thuốc bột để hít. Toàn cây dùng chữa bệnh ngoài da. Tinh dầu được dùng làm hương liệu trong công nghệ làm nước hoa.

Cách dùng: Ngày dùng từ 4,5 g đến 9 g, thường phối hợp trong các bài thuốc hoặc ngâm rượu. Dùng ngoài thì lấy thân rễ tươi giã nát, sao nóng, bóp vào chỗ đau nhức. Hoặc ngâm Thiên niên kiện khô với rượu xoa bóp chỗ đau nhức, tê bại và phong thấp.

Thận trọng: Không dùng cho người hay nóng trong người, bức rứt, đầu lưỡi đỏ, miệng khô, họng đắng

Thiên niên kiện rất tốt cho sức khỏe xương khớp Thiên niên kiện rất tốt cho sức khỏe xương khớp

Theo Y học hiện đại

Thiên niên kiện là một trong những thành phần của chế phẩm Cốt Thoái Vương. Thuốc này được nhóm nghiên cứu trường đại học Y Dược Hà Nội tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh giá tác dụng của chế phẩm Cốt Thoái Vương trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân gây đau thần kinh tọa” do thoái hóa cột sống. Kết quả cho thấy các bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi những cơn đau, chống viêm, tăng cường lưu thông máu, nuôi dưỡng đến các đốt sống đĩa đệm.

Các nghiên cứu ngoài nước đã cô lập được 3 chất mới thuộc nhóm eudesmane sesquiterpenoid, và 8 chất đã biết trước. Các chất này có hoạt tính kháng khuẩn trên 6 dòng vi khuẩn khác nhau, hầu hết đều có tính kháng khuẩn yếu. Năm 2008, nhóm nghiên cứu trường đại học dược ở Trung Quốc chứng minh được rằng các chất trong nhóm sesquiterpenoid có khả năng làm tăng sinh và biệt hóa các tế bào tạo xương trong ống nghiệm. Chiết xuất của Thiên niện kiên ức chế sự phát triển của vi khuẩn Pseudomonas stutzer, chống lại hoạt động của enzyme phá hủy chất trung gian dẫn truyền thần kinh.

Bài thuốc từ Thiên niên kiện

Chữa thấp khớp, đau nhức xương

Thiên niên kiện 12g, rễ cỏ xước 40g, hy thiêm 28g, thổ phục linh 20g, cỏ nhọ nồi 16g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g. Sao vàng rồi sắc, uống ngày một thang.

Thiên niên kiện 12g, bưởi bung 10g, quả dành dành 8g. Đem tất cả thái mỏng phơi khô, ngâm với rượu uống.

Chữa đau bụng kinh

Thân rễ thiên niên kiện, rễ bưởi bung, rễ bướm bạc, gỗ vang, rễ sim rừng các vị bằng nhau, sắc uống.

Chữa dị ứng, mẩn ngứa

Rễ cây này kết hợp với sả gừng, mỗi vị 10g. Sắc uống trong ngày.

Lưu ý

Người âm hư nội nhiệt, táo bón, nhức đầu không nên dùng.

Thiên niên kiện là vị thuốc quý có công dụng trị các chứng thắt lưng và đầu gối lạnh đau, các khớp sưng đau nhức, chân co rút tê bại. Những thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo. Nếu muốn sử dụng Thiên niện kiện, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

Từ khóa » Tác Dụng Của Cây Sơn Thục