Cây Trắc Bách Diệp: Tác Dụng Dược Lý Và Ứng Dụng Lâm Sàng

Cây trắc bách diệp

Cây trắc bách diệp

Đặt lịch

Cây trắc bách diệp thuộc họ Trắc bách. Thảo dược này thường được dùng để trị đại tiện ra máu, xuất huyết do loét dạ dày tá tràng, bệnh trĩ, lao phổi và một số bệnh ngoài da.

cây trắc bách diệp wiki
Cây trắc bách diệp thuộc họ Trắc bách (danh pháp khoa học: Cupressaceae)

1. Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Trắc bá diệp, Bá tử nhân, Trắc bá diệp,…

Tên khoa học: Thuja orientalis L.

Họ: Trắc bách (danh pháp khoa học: Cupressaceae)

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả:

Trắc bách diệp là loài cây đẹp nên thường được trồng để làm cảnh, cây xanh tốt quanh năm. Chiều cao trung bình từ 6 – 8m, thân cây phân nhánh nhiều, lá mọc xum xuê khiến dáng cây nhìn rất đặc trưng. Lá mọc đối, có hình vẩy, dẹp, màu xanh tươi. Hạt không có cạnh, hình trứng và có màu nâu sẫm.

Phân bố:

Cây trắc bách diệp được trồng ở nhiều nơi như Liên Xô, Trung Quốc,… Hiện nay loài cây này được du nhập vào nước ta để trồng làm cảnh và làm dược liệu.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Lá và hạt của cây trắc bách diệp được thu hái làm dược liệu.

Thu hái: Có thể thu hái lá quanh năm nhưng thời điểm thích hợp nhất là vào tháng 9 -11. Hạt được thu hái vào mùa thu và mùa đông.

Chế biến: Hái cả cành, cắt bỏ những cành to, chỉ lấy lá, đem phơi khô trong bóng râm. Đối với hạt, nên phơi khô, xát bỏ lớp vỏ bên ngoài, rồi lấy hạt phơi khô và dùng dần.

Bảo quản: Nơi thoáng mát.

4. Thành phần hóa học

Trắc bách diệp chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm: fenchome, thujene, caryophyllene, quercetin, hinokiglavone, tannin, vitamin C, thujone, pinene, aromadendrin, hinokiglavone,…

5. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng cầm máu: Nước sắc từ trắc bách diệp có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu đối với thỏ và chuột nhắt. Do đó có tác dụng cầm máu tốt, tuy nhiên tác dụng này ở than trắc bách diệp kém hơn so với các dạng bào chế khác.
  • Tác dụng long đờm: Dịch cồn từ trắc bách diệp có tác dụng long đờm.
  • Tác dụng an thần: Nước sắc từ trắc bách diệp có tác dụng gây mê và làm giảm hoạt động của súc vật thực nghiệm.
  • Tác dụng kháng khuẩn: Trắc bách diệp có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ, bạch hầu, trực khuẩn lao, tụ cầu khuẩn vàng, thương hàn, liên cầu khuẩn B, virus cúm 68-1 và virus ban phỏng.
  • Tác dụng giảm ho: Dịch chiết từ cồn và phần lắng đọng của nước sắc với rượu có tác dụng giảm ho rõ rệt. Có thể dược liệu trắc bách diệp có tác động đến trung khu thần kinh.
  • Tác dụng giảm cơn hen: Cặn lắng từ nước sắc cồn trắc bách diệp có tác dụng giãn cơ trơn khí quản ở chuột nhắt và chuột Hà Lan.
  • Tác dụng đối với hệ tuần hoàn: Dùng cồn hoặc phần nước lắng cặn đem chích hoặc thụt rửa dạ dày mèo nhận thấy có tác dụng hạ áp nhẹ. Áp dụng với thỏ nhận thấy có tác dụng giãn mạch.

Theo y học cổ truyền:

  • Tác dụng sát trùng, thanh thấp nhiệt, sát trùng, làm đen râu tóc,…

6. Tính vị

Trắc bách diệp có vị chát, đắng, hơi lạnh (theo Đông y)

7. Qui kinh

Qui vào kinh Can, Phế và Đại tràng.

8. Liều dùng, cách dùng

Có thể dùng trắc bách diệp sắc uống, tán bột làm hoàn, nấu thành cao, làm tinh dầu,… hoặc dùng phối hợp với các thảo dược khác. Chưa có nghiên cứu về liều dùng tối đa mỗi ngày.

Tuy nhiên trắc bách diệp có chứa độc, do đó bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều lượng cụ thể.

9. Bài thuốc

Một số ứng dụng lâm sàng của trắc bách diệp:

cây trắc bách diệp giá bao nhiêu
Trắc bách diệp được ứng dụng vào bài thuốc trị xuất huyết dạ dày, trĩ, các bệnh ngoài da,…
  • Bài thuốc chữa khái huyết do nhiễm phong tà (miệng khô, sốt, mũi ráo, ho ra đờm có máu,…): Dùng lá trắc bách diệp với lá ngải cứu tươi, mỗi thứ 20g, lá sen tươi, cỏ nhọ nồi, mỗi thứ 20g đem sắc với 600ml nước, còn lại 300ml. Chia thành 2 lần uống, dùng hết trong ngày.
  • Bài thuốc trị xuất huyết do loét dạ dày tá tràng: Dùng lá trắc bách diệp 15g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị bệnh ngoài da: Dùng lá cây trắc bách diệp, địa long, mỗi thứ 20g, địa hoàng, hoàng liên, mỗi thứ 25g, khinh phấn 10g, hùng hoàng 15g, tùng hương 6g đem đi tán bột mịn rồi trộn đều với dầu thơm. Dùng thoa lên vùng da bị bệnh, mỗi ngày 1 lần.
  • Bài thuốc trị lao phổi: Dùng viên và dịch chích trắc bách diệp cho bệnh nhân lao phổi nhận thấy các triệu chứng như ho ra máu, mệt mỏi, ho, đổ mồ hôi trộm,… giảm rõ rệt.
  • Bài thuốc trị quai bị: Dùng trắc bách diệp 200 – 300g, đem rửa sạch rồi giã nát với lòng trắng trứng gà. Sau đó đem trộn đều rồi đắp lên vùng đau. Mỗi ngày đắp từ 7 – 8 lần.
  • Bài thuốc chữa đại tiện ra máu (trĩ, viêm trực tràng,…): Dùng trắc bách diệp đã sao đen 30g, hoa hòe, hoa kinh giới, các vị đều sao đen, mỗi thứ 30g, chỉ xác bỏ ruột 20g. Đem các vị đi tán nhỏ, rây kĩ. Mỗi lần dùng 8g với nước đun sôi để nguội.
  • Bài thuốc trị trĩ xuất huyết: Sao trắc bách diệp 30g, than địa hoàng 20g, kinh giới sao đen 15g đem tán bột. Sau đó cho khoảng 200ml nước sôi vào thụt rửa. Ngày thực hiện 1 lần.
  • Bài thuốc trị ho gà: Dùng trắc bách diệp tươi 30g đem sắc với nước, còn lại 100ml. Cho mật ong 20ml vào. Trẻ dưới 2 tuổi uống từ 12 – 20ml, dùng ngày 3 lần. Tăng liều đối với trẻ lớn hơn.
  • Bài thuốc trị sói tóc: Dùng trắc bách diệp tươi (dùng cả quả non) 25 – 35g đem xắt nhỏ và cho vào 100ml cồn 60 – 75%. Sau 7 ngày, lọc bã, dùng nước xát vào chỗ rụng tóc. Ngày thực hiện 3 – 4 lần.

10. Lưu ý

Cần xác thực tính hiệu quả của các bài thuốc này trước khi thực hiện – đặc biệt là đối với phụ nữ đang có thai và cho con bú.

Thông tin trong bài viết về trắc bách diệp chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để được giải đáp cụ thể về dược liệu này.

Xem thêm:

  • Cây mã đề: Tính vị, Qui kinh và Ứng dụng lâm sàng
  • Cây đinh hương: Mô tả, Tác dụng dược lý và Ứng dụng lâm sàng

Từ khóa » Cây Trắc Bá Diệp