Cây Tre Việt Nam (Thép Mới)

Cây tre Việt Nam (Thép Mới)

Cây tre là người bạn thân của nông thôn Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam.

Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là cây tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi… đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn.

Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.

Nhà thơ có lần ca ngợi: Bóng tre trùm mát rượi. Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hoá lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp. Tre, nứa, mai, vầu giúp người trăm nghìn công việc khác nhau. Tre là cánh tay của người nông dân:

Cánh đồng ta năm đôi ba vụ Tre với người vất vả quanh năm.

Tre với người như thế đã mấy nghìn năm. Một thế kỷ “văn minh”, “khai hoá” của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt. Tre vẫn phải còn vất vả mãi với người. Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.

Trong mỗi gia đình nông dân Việt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày.

Giang chẻ lạt, buộc mềm, khít chặt như những mối tình quê cái thuở ban đầu thường nỉ non dưới bóng tre, bóng nứa:

Lạt này gói bánh chưng xanh Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng…

Tre còn là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ. Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền đánh chắt bằng tre.

Tuổi già hút thuốc làm vui. Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái. Nhớ lại vụ mùa trước, nghĩ đến những mùa sau, hay nghĩ đến một ngày mai sẽ khác…

Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay[9], nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ.

Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất.

Người xưa có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”. Tre là thẳng thắn, bất khuất! Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta. Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc.

Buổi đầu, không một tấc sắt trong tay, tre là tất cả, tre là vũ khí. Muôn ngàn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng lên thành đồng Tổ quốc! Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre.

Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!

(…) Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc của đồng quê. Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê.

Diều bay, diều lá tre bay lưng trời… Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời… Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều.

Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre…

“Tre già măng mọc”. Măng mọc trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi Việt Nam, lứa măng non của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi măng cốt sắt.

Nhưng, nứa, tre sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc, hoà bình.

Ngày mai, trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi.

Cây tre Việt Nam! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thuỷ chung, can đảm. Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.

Chú thích: [1] Các giống cây cùng họ với tre (nứa: thân nhỏ và mỏng hơn tre, độ bền và dẻo kém hơn tre; trúc: thân nhỏ, lá nhỏ, đốt thẳng; mai: thân to hơn tre, gióng dài, lá to; vầu: thân nhỏ hơn mai). [2] Thái độ khiêm tốn, nhún nhường; ở đây nói về màu xanh bình dị, tươi mà không rực rỡ của tre. [3] Làng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Bắc. [4] Chỉ thời kì thực dân Pháp đô hộ nước ta, cách nói mang ý nghĩa mỉa mai, vì bọn thực dân thường rêu rao là đã “khai hoá văn minh” cho các xứ thuộc địa. [5] Cây thuộc loại tre, nứa, thân dẻo, gióng dài, dùng để chẻ lạt hoặc đan lát. Ở đây tác giả gợi đến câu tục ngữ: “Lạt mềm buộc chặt”. [6] Lúc mới quen biết, có cảm tình với nhau (thường nói về tình yêu đôi lứa). [7] Mai là cây hoa mai (không phải cây mai thuộc họ tre, nứa, như ở chú thích trước), mai và trúc là hai cây đẹp thường đi đôi với nhau trong văn chương, hội hoạ thời cổ để nói sự hoà hợp, tương xứng; ở đây là cách ví von để nói về ước nguyện kết duyên đôi lứa. [8] (Còn gọi là chuyền thẻ) trò chơi dân gian của trẻ em, thường là của con gái, dùng một số que trải ra đất rồi tung một hòn sỏi hoặc một quả nhỏ lên lượm lấy que tre và hứng lấy vật vừa tung lên. Trò chơi này rèn luyện sự nhanh nhẹn và khéo léo. [9] Chết. [10] Loại tre thân nhỏ, cứng, đặc, không có gai, thường dùng làm gậy. Buổi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, vì thiếu thốn vũ khí, nhân dân ta đã dùng gậy tầm vông đánh giặc. [11] Danh hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Nam Bộ trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do. 1955

Bài Cây tre Việt Nam là lời bình cho bộ phim cùng tên của các nhà điện ảnh Ba Lan. Thông qua hình ảnh cây tre (tượng trưng cho đất nước và con người Việt Nam), bộ phim ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

Nguồn: Thép Mới, theo Trích giảng Văn học lớp 7, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1980, có đối chiếu với cuốn Cây tre Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001

  • Biểu cảm về cây tre Việt Nam

Từ khóa » Cây Tre Của Nhà Văn Thép Mới