Cây Trinh Nữ Hoàng Cung Và Những Công Dụng Tuyệt Vời - YouMed

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về cây Trinh nữ hoàng cung 
  • Hoạt chất trong cây Trinh nữ hoàng cung 
  • Trinh nữ hoàng cung có tác dụng gì?
  • Cây trinh nữ hoàng cung trị bệnh gì?
  • Những lưu ý về Trinh nữ hoàng cung 

Cây Trinh nữ hoàng cung từ lâu đã nổi danh là thần dược trong điều trị U xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến… Tuy được sử dụng phổ biến trong dân gian là vậy, nhưng đến nay mức độ hiệu quả của loại thảo dược này vẫn còn là một ẩn số. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. 

Tổng quan về cây Trinh nữ hoàng cung 

Lý giải cái tên Trinh nữ hoàng cung 

Trinh nữ hoàng cung có tên khoa hoc là Crinum latifolium L., thuộc họ Náng (Amarylidaceae). Cây còn được gọi là Náng lá rộng, Tỏi lơi lá rộng. 

Tên của nó được bắt nguồn từ thời phong kiến. Vì đây là thảo dược thường được dùng để trị bệnh phụ nữ. Dành cho những cung nữ còn trinh tiết, được tuyển chọn vào cung nhưng không được vua để ý.  

Đặc điểm nhận biết

Trinh nữ hoàng cung là một loại cỏ. Thân hành như củ hành tây, to, đường kính 10 – 15 cm. Bẹ lá úp vào nhau thành một thân giả dài khoảng 10 – 15 cm.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Lá mỏng kéo dài từ 80 – 100 cm, hai bên mép lá lượn sóng. Gân lá song song, đầu bẹ lá nơi sát đất có màu đỏ tím. Mặt trên lá lõm thành rãnh, mặt dưới lá có một sống lá nổi rất rõ, 

Hoa mọc thành tán gồm 6 -18 hoa, trên một cán hoa dài 30 –  60 cm. Cánh hoa màu trắng có điểm màu tím đỏ. Từ thân hành mọc rất nhiều củ con có thể tách ra để trồng riêng dễ dàng.

Mùa hoa quả: tháng 8 – 9

Trinh nữ hoàng cung
Cận cảnh hoa trinh nữ hoàng cung màu trắng

Đặc điểm phân bố, bộ phận dùng 

Cây có nguồn gốc từ Ấn độ. Cây được trồng rộng rãi ở nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, Philippin, Lào, Việt Nam, Ấn độ và cả ở phía nam Trung Quốc.

Ở nước ta, cây được trồng chủ yếu ở các tỉnh từ Quảng Nam trở vào, sau được trồng ở các tỉnh phía Bắc.

Bộ phận dùng: Người dân thường dùng lá tươi hay phơi khô, thái nhỏ sao vàng, dùng dần. Nhưng ở một số nước khác, người dân thường dùng cán hoa, thân hành của cây, thái nhỏ phơi khô.

Hoạt chất trong cây Trinh nữ hoàng cung 

Được nghiên cứu về thành phần hóa học chủ yếu từ năm 1980. Thành phần chính trong cây có tác dụng là alcaloid. Các alcaloid được chia làm 2 nhóm chính: 

  • Không dị vòng: latisolin, latisodin, beladin
  • Dị vòng: ambelin, crinafolin, crinafolidin…có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào u.

Ngoài ra trong thân hành lúc đang ra hoa còn có: pratorimin, pratosin, ambelin, lycorin… 

Lá trinh nữ hoàng cung phơi khô
Lá trinh nữ hoàng cung phơi khô được dùng để bào chế thuốc

Trinh nữ hoàng cung có tác dụng gì?

Tác dụng ức chế khối u của Trinh nữ hoàng cung

Loài cây này đã và đang được người dân dùng nhiều để điều trị các bệnh lý như u xơ tử cung, u nang buồng trứng… Nhiều nghiên cứu đã chứng minh về hoạt tính kháng u của loài cây này. U xơ tử cung là bệnh lý thường gặp của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. U xơ tử cung thường tồn tại thầm lặng và không gây bất kì triệu chứng nào. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, u xơ tử cung biểu hiện triệu chứng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của chị em phụ nữ.

>>> Tìm hiểu thêm về căn bệnh này qua bài viết: Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán u xơ-cơ tử cung.

Panacrin là chế phẩm thuốc bào chế từ hỗn hợp 3 dược liệu: lá Trinh nữ hoàng cung, củ tam thất, lá đu đủ, được nghiên cứu về tác dụng chống ung thư. Trên mô hình gây u báng ở chuột nhắt trắng, thuốc đã có tác dụng làm giảm tổng số tế bào, hạn chế sự phát triển của khối u cũng như sự di căn lên gan, phổi, lách. Thuốc có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột mang khối u được điều trị gần gấp đôi so với nhóm chuột đối chứng.

Khả năng kích thích miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là phương pháp giúp bảo vệ cơ thể chống lại tế bào ung thư. Trong đó sự tăng sinh của tế bào lympho T có tầm quan trọng đặc biệt. Trong thử nghiệm in vitro, chuột nhắt trắng được uống cao chiết nước nóng từ cây. Kết quả cho thấy tác dụng kích thích sự sinh sản của tế bào lympho T, và hoạt hóa mạnh tế bào lympho trong máu của chuột thử nghiệm của cây trinh nữ hoàng cung

Ngoài cơ chế kích thích miễn dịch nêu trên, một số alcaloid như: lycorine, pseudolycorine, hippadine… Còn có tác dụng ngăn cản sự tổng hợp protein dẫn đến sự phát triển chậm lại của khối u.

Hiệu quả điều trị u xơ tiền liệt tuyến  

Trong nghiên cứu in vitro với chiết suất từ cây, thử nghiệm trên tế bào ung thư tuyến tiền liệt PC3, LNCaP và BHP-1. Kết quả điều trị cho thấy chiết suất giúp ức chế đáng kể sự tăng trưởng của tế bào, nhạy nhất là tế bào BHP-1. 

Tác dụng chống oxy hóa của Trinh nữ hoàng cung

Chiết xuất của cây còn cho thấy khả năng chống oxy hóa khá cao, với chỉ số ORAC (chỉ số đo lường khả năng hấp thu gốc oxy hóa) là 1610 ± 150 μmol TE/g, tuy nhiên vẫn thấp hơn một vài loại thảo dược như Câu kỷ tử, Atiso…

Tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh 

Trong thử nghiệm điều trị với cao chiết Trinh nữ hoàng cung trên chuột bị tiêm Trimethyltin (chất có độc tính cao đối với hệ thần kinh trung ương). Mặc dù kết quả thấp hơn so với nhóm chứng dương Galanthamine. Tuy nhiên cao chiết vẫn cho thấy khả năng bảo vệ tế bào thần kinh ở mức độ nhất định. 

Cây trinh nữ hoàng cung có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe
Cây trinh nữ hoàng cung có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe

Cây trinh nữ hoàng cung trị bệnh gì?

Chữa u xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến 

Dùng 3 – 5 lá, thái nhỏ, sao vàng, sắc lấy nước uống. Uống 3 đợt (7 ngày/đợt, mỗi đợt cách nhau 7 ngày). 

Chữa tê thấp, đau nhức, bầm mình 

Dùng ngoài. Hái lá rửa sạch giã nát; hoặc dùng thân hành, nướng nóng giã ra, rồi đắp vào vùng chấn thương. Mỗi ngày 2 – 3 lần. 

Những lưu ý về Trinh nữ hoàng cung 

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp người dùng không phân biệt kĩ giữa các loài trong quần thể này, dẫn đến ngộ độc hoặc hậu quả nghiêm trọng khác. Phân biệt giữa Trinh nữ hoàng cung với các loại dược liệu khác có thể dựa vào đặc điểm của hoa, nên người dùng cần chú ý đặc điểm này. 

Trinh nữ hoàng cung vốn nổi tiếng từ lâu về công dụng điều trị bệnh u xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến… Nay đã được làm rõ hơn dưới góc nhìn khoa học. Tuy nhiên, cũng giống như các loại thảo dược khác, Trinh nữ hoàng cung cũng có mặt lợi, hại của mình. Quý độc giả trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để đạt hiệu quả tốt nhất.

Từ khóa » Hình ảnh Về Cây Trinh Nữ Hoàng Cung