CDC Hà Nội: Đã Có Bệnh Nhân Thế Hệ Thứ Hai Mắc COVID-19 Từ Đà ...

Sáng nay, 9/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.

Thông tin bệnh nhân số 812 mới được Bộ Y tế công bố vào sáng 9/8, Giám đốc sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết bệnh nhân là F1 làm cùng cửa hàng bánh Pizza, có tiếp xúc gần với bệnh nhân 447.

Nam bệnh nhân 63 tuổi, là nhân viên giao hàng, ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Ngày 29/7 Trung tâm Y tế Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 1, kết quả âm tính, được chuyển cách ly tại Bệnh viện Công an thành phố. Ngày 3/8, bệnh nhân có sốt, mệt mỏi được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn cách ly, điều trị.

Ngày 4/8, Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm PCR (lần 2) ngày 4/8 kết quả âm tính. Ngày 7/8 các triệu chứng bệnh tăng lên, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (lần 3) gửi CDC Hà Nội xét nghiệm, ngày 8/8 có kết quả dương tính.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn đánh giá bệnh nhân 812 có thời gian tiếp xúc 9 ngày (từ ngày 16-24/7) với bệnh nhân 447, đặc biệt trong ngày 23 và 24/7 khi bệnh nhân 447 khởi bệnh hai người vẫn tiếp xúc với nhau.

"Từ trường hợp bệnh nhân 882 cho thấy Hà Nội đã có thế hệ thứ 2 nhiễm COVID-19 liên quan đến ca bệnh từ Đà Nẵng, điều này cho thấy nguy cơ cho tất cả đối tượng từ Đà Nẵng trở về" ông Tuấn nói.

Liên quan ca bệnh này, Bí thư, Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, đây là một trong 9 trường hợp F1 của bệnh nhân 447. Trước đó, bệnh nhân đã được cách ly tại bệnh viện 9 ngày.

Quận đã cho điều tra, 4 bệnh nhân F2 trở thành F1 (gồm vợ, con trai, con gái và con rể) đã lấy mẫu và cách ly tập trung. Quận tiếp tục cho điều tra trường hợp F2, cho phun khử khuẩn khu vực sinh sống của bệnh nhân, khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng nhấn mạnh, hiện nay trên địa bàn thành phố đã có ca lây thứ phát trong cộng đồng, diễn biến hết sức phức tạp. "Nếu chúng ta không triển khai quyết liệt các biện pháp thành phố đang chỉ đạo thì sẽ có nguy cơ dịch lan rộng hơn", ông Quý nói.

Theo ông Quý, cần thực hiện quyết liệt, chính xác 3 việc quan trọng. Thứ nhất là truy vết, quản lý trường hợp F1, F2. Việc này các quận huyện, đơn vị làm "khá tốt", nhưng cần tiếp tục rà soát F1 đặc biệt trên các chuyến bay, chuyến xe và rà soát F0 do đã đi nhiều nơi.

Thứ hai, xét nghiệm là giải pháp quan trọng mà thành phố đã chỉ đạo đối với những người đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15/7 được xét nghiệm RT-PCR, hôm qua mới lấy được 1.021 mẫu. "Thành phố yêu cầu mỗi ngày phải lấy ít nhất 10.000 mẫu. Như vậy là quá ít. Đề nghị CDC cung cấp đầy đủ vật tư cho các đơn vị quận huyện xét nghiệm", ông Qúy cho biết.

Thứ 3, theo ông Quý, vấn đề cách ly cần quan tâm, gồm các trường hợp đi từ Đà Nẵng về; chưa qua 14 ngày cần giám sát và đã qua 14 ngày nhưng chưa xét nghiệm. "Chỗ này tôi đang rất lo, qua báo cáo các quận huyện cho thấy chưa được quyết liệt, tôi đề nghị vấn đề này cần được chú trọng, cần đồng bộ cách ly với xét nghiệm", ông Qúy bày tỏ.

Trường Phong

Từ khóa » F1 Của Bệnh Nhân 447