Cha Bề Trên: Làm Gì Có Chuyện Uống Thuốc Rồi Có Thai

Chiều 3/4, chúng tôi quay lại khu vực Đan viện Biển Đức Thiên Phước (phường Tam Bình, Thủ Đức). Trong khuôn viên của nhà dòng, gần 10 xe ôtô biển số các tỉnh đậu phía trong. Hàng chục người vẫn nghí ngoáy viết lời cầu vào giấy và bỏ vào thùng.

Tại khu vực phòng khám của sơ Yến, cửa phòng khám đóng kín, bên ngoài 4-5 mảnh giấy khổ A3 đề dòng chữ "Phòng thuốc tạm ngưng chữa bệnh từ thứ 5 ngày 2/4" nhưng vẫn còn rất nhiều người tìm đến khám, mua thuốc…

Vẫn còn nhiều người tin thai ảo

Tại khu vực ghi lời cầu khấn trong Đan viện Biển Đức Thiên Phước, nhìn vào những tờ giấy cầu khấn mà các phụ nữ đủ mọi lứa tuổi ở đây ghi lên, chúng tôi thấy có rất nhiều địa chỉ nằm ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc và miền Tây. Phần đông họ là những người từ 35-40 tuổi.

Một chị quê ở Hà Nam cho biết: "Có đọc thông tin đăng tải trên mấy tờ báo nói về Đan viện này nhưng lỡ đặt xe và chuẩn bị cả tuần rồi nên cứ đi. Đã qua bên khu vực phòng khám của sơ Yến, nhưng thấy đóng cửa, chắc phải chờ lâu lắm mới được chữa trị".

Chúng tôi ghé đến phòng khám của sơ Yến, bên phía ngoài, các cảnh cửa đóng kín mít, gần 10 người với ba lô lỉnh kỉnh đang chăm chú theo dõi tấm giấy khổ A3 thông báo về việc ngưng khám bệnh. Một phụ nữ mặc đồ đen thấy chúng tôi tìm kiếm bèn hỏi: "Khám bệnh hả, sơ tạm nghỉ rồi, có gì tháng sau quay lại (!)".

Chúng tôi đều nhận ra những gương mặt tiu nghỉu của các cặp vợ chồng đến đây khám nhưng thấy phòng khám đóng cửa. Quá trưa, vài người ăn vội đĩa cơm bên đường rồi thuê xe ôm ra QL1A bắt xe đò về quê. Có những người "cùng cảnh ngộ" xin số điện thoại của nhau để hẹn ngày gặp lại...

Có kiểm tra nhưng… chưa chặt

Những người dân đến muộn ra về trong "thất vọng".

Trong tuần qua liên tiếp các báo đài lên tiếng cảnh báo về tình trạng thai ảo trong đó có các bác sĩ chuyên khoa phát hiện ra những bà bầu trên đều mang "thai ảo" nhưng tình trạng người từ khắp nơi đổ về vẫn không thuyên giảm. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra cơ sở trên của sơ Yến.

Theo giấy phép kinh doanh của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp cho lương y Nguyễn Thị Bạch Yến (53 tuổi, quê quán Lâm Đồng) với ngành nghề được phép kinh doanh là "khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (trong giấy phép có ghi rõ: Bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thang, châm cứu)".

Qua theo dõi của chúng tôi, mỗi ngày phòng mạch của lương y Yến có hơn 200 lượt khách đến khám chữa bệnh (chủ yếu là khám thai), nhưng trong hồ sơ khám chữa bệnh hằng ngày tại đây chỉ có khoảng 20-30 người đến khám với các loại bệnh thông thường.

Khi đoàn kiểm tra tới, một tấm bảng mới toanh đặt trên bàn ghi chú: Không khám cho người có thai (?!) đã làm chúng tôi thấy lạ bởi mới sáng 28/3, đồng nghiệp của tôi vừa được sơ Yến phán: "Có thai 2 tháng rồi!".

Ngoài ra, Sở Y tế chỉ mới tìm ra được những chi tiết sai quy định như những loại thuốc không rõ nguồn gốc, kỹ thuật viên không đúng chuyên môn… và mời lương y Nguyễn Thị Bạch Yến về Sở làm rõ những sai phạm.

Một cán bộ Công an phường Bình Chiểu cho chúng tôi biết: “Chuyện người dân đến khám cầu khấn xin con xảy ra trên 2 phường Tam Bình và Bình Chiểu đã xuất hiện từ hơn một năm nay nhưng rộ lên cách đây khoảng 3 tháng. Những vấn đề này chúng tôi đều nắm được và đã từng đi kiểm tra.

Lương y Nguyễn Thị Bạch Yến có giấy phép kinh doanh nên chúng tôi chỉ lập các biên bản về việc làm mất an ninh trật tự, tụ tập đông người. Nhưng vụ việc mà người dân phản ánh này chúng tôi sẽ nắm kỹ và tham mưu cho Đảng ủy, UBND quận Thủ Đức để làm rõ. Trong thời gian này, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi và nắm tình hình diễn biến vụ việc trên trong địa bàn”.

Trao đổi với đoàn kiểm tra và các phóng viên, cha Beda Lê Minh Thúy (77 tuổi, nguyên bề trên của Đan viện) cho biết: "Cha cũng đã nắm được sự việc này và đã nhiều lần thuyết giảng trong nhà thờ rằng chúa ở đâu cũng có không nhất thiết mọi người phải kéo nhau từ khắp mọi nơi để đến đây cầu nguyện vừa mất công sức, vừa tốn tiền bạc".

Về chuyện có thai do cầu nguyện, cha Thúy trả lời: "Chuyện đi khấn ở đây uống thuốc rồi có thai chỉ là ảo tưởng".

Cha Lê Văn Tấn, một thành viên của Đan viện Biển Đức Thiên Phước nói: "Đã nhiều lần các thành viên trong Đan viện thấy người đến cầu khấn đông đúc phức tạp và giải thích "đây chỉ là lời đồn thổi" nhưng người dân không nghe mà cứ kéo đến cầu nguyện mỗi lúc mỗi đông"

Từ khóa » đan Viện Biển đức Thiên Hà