Cha đơn Thân: Khó, Khổ đủ Bề! - PLO

Ca dao xưa đề cao người cha trong nuôi con: “Còn cha gót đỏ như son/ Một mai cha chết gót con thâm sì”.

Nhưng cũng chính ca dao bi quan về sự chăm sóc của người cha: “Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi má liếm là đầu đường”.

Làm cha đơn thân không phải là sự lựa chọn dễ dàng. Tất cả đều hướng về tương lai con mình nhưng mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một khả năng, những người cha đơn thân đều đang đứng trước nhiều khó khăn khó thể vượt qua.

Câu hỏi không thể trả lời

Chuyện đã xảy ra khá lâu nhưng anh Nam (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn đau như dao cắt. Bỏ đi theo người đàn ông khác, vợ anh “từ biệt” chồng, bố mẹ chồng bằng một tin nhắn xin lỗi về khoản nợ hơn 800 triệu đồng; trong đó có 400 triệu đồng do bố mẹ chồng đứng tên vay giúp để chị làm ăn và nửa còn lại là do chị vay nặng lãi. Chủ nợ ngày ngày tới đòi tiền, hăm dọa, bố mẹ anh phải bán mảnh đất hương hỏa ở Tây Ninh để trả nợ thay con dâu. Có lúc anh đã nghĩ đến cái chết nhưng sợ hai con không có người chăm sóc, anh cắn răng chịu đựng. Từ nỗi ghê tởm, sợ hãi người đàn bà anh từng yêu thương hết mực, anh trở nên sợ hãi, mất lòng tin phụ nữ và quyết định sống cảnh gà trống nuôi con.

Bố mẹ lo nghĩ quá mà sinh bạo bệnh, một mình anh Nam tất bật đi làm, chăm bố mẹ, chăm con. Những việc trước đây anh chưa từng biết tới như nấu cháo, pha sữa… đã được đôi tay vốn vụng về của anh làm thuần thục. Hết giờ dạy, anh lại lục hụi đi đón con rồi đi chợ, tắm rửa, nấu nướng, cho con ăn. Vất vả anh cố vượt qua nhưng điều làm anh đau đớn nhất là việc hai đứa nhỏ cứ hỏi mẹ đâu. Giờ các con còn nhỏ anh còn có thể nói tránh rằng mẹ đi việc này việc kia nhưng anh rất lo khi chúng lớn hơn anh biết trả lời cho con thế nào trước câu hỏi này.

Khoảng trống không thể lấp

Anh Quang (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng chấp nhận cảnh làm cha đơn thân vì một lý do rất khác: Thương con và hình ảnh người vợ trước lúc ra đi. Anh vốn là nhân viên bưu điện, kết hôn với cô vợ cùng ngành. Kết hôn không bao lâu, vợ anh mang thai. Chị xinh đẹp, hiền lành nhưng lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Vì quá yêu, sợ mất anh, chị giấu nhẹm chồng việc mình mang bệnh. Chỉ đến ngày vào phòng sinh, bác sĩ cho hay chị bị bệnh tim khó có thể giữ được tính mạng khi sinh con, anh mới té ngửa.

Cha đơn thân: Khó, khổ đủ bề! ảnh 1

Đến giờ, anh vẫn nhớ như in hình ảnh vợ lúc hấp hối, tay nắm chặt tay anh nói lời xin lỗi, dặn dò và gửi gắm anh trông nom cô con gái nhỏ. Mỗi lần nhớ vợ, nước mắt anh lại trào ra.

Một ngày của anh Quang bắt đầu từ tờ mờ sáng với công việc pha sữa, nấu cháo rồi dỗ dành con uống từng ngụm sữa, ăn từng muỗng cháo. Có những đêm con khóc ngằn ngặt, anh lại bồng con đi khắp nhà, ru con bằng cái giọng ồm ồm. Thấy anh loay hoay, vụng về, ba mẹ anh khuyên con kiếm người giúp việc thì anh trả lời: “Cháu đã không có mẹ bú mớm, lại không có cha dỗ dành nữa thì tội nghiệp lắm”. Khi mẹ anh gợi ý kiếm người làm mẹ cho cháu, anh trả lời: “Con vừa là cha vừa là mẹ của cháu rồi”. Đã ba năm trôi qua, anh không thể đến với ai khác vì nỗi nhớ vợ, thương con. Không băn khoăn về mình nhưng đêm đêm nhìn thấy con đang ngủ chợt giật mình chới với tay chụp vào khoảng không anh thấy lòng se thắt. Có một khoảng trống, một thiếu thốn của con mà vòng tay anh chưa lấp đủ.

Không chỉ là cơm áo!

Anh Kháng ở Gò Vấp hoàn cảnh càng khốn khó hơn, vợ chồng ăn ở với nhau được 10 năm có hai mụn con có cả nếp lẫn tẻ, họ dành dụm góp nhóp mua được ngôi nhà nhỏ. Thoát khỏi cảnh ở nhà thuê, hưởng hạnh phúc an cư lạc nghiệp chưa bao lâu thì giông bão nổi lên, chị mắc chứng bệnh Luppus đỏ rất hiếm gặp ở Việt Nam. Hệ quả bệnh là hệ thống miễn nhiễm của cơ thể quay lại tấn công cơ thể. Chứng bệnh như án tử chờ ngày thi hành, anh chị cố gắng điều trị nhưng tất cả tiền bạc dành dụm như muối bỏ biển. Chị qua đời, để lại anh hai đứa trẻ và món nợ không nhỏ. Người thân khuyên đi bước nữa để có người giúp đỡ nuôi con, anh cười buồn: “Người độc thân có ai dại gì lãnh nợ cho mình. Cưới người đồng cảnh lại chuyện mẹ ghẻ con chồng, con anh con tôi càng rối”.

Anh Kháng một mình xoay xở vừa đi làm kiếm tiền nuôi con, trả nợ, vừa chăm sóc con. Vốn chịu khó, biết tổ chức công việc nên sinh hoạt, đời sống không đến nỗi bế tắc. Con gái lớn học trường gần nhà, có xe của trường đưa rước. Con trai nhỏ học nội trú ở gần cơ quan mỗi sáng, mỗi chiều anh đưa rước. Công việc ở nhà chia ra mỗi người tùy sức mà làm. Thế nhưng có nhiều chuyện anh Kháng bế tắc. Tháng trước, cháu gái có kinh nguyệt lần đầu, cháu hoảng sợ khóc nức nở, còn anh cũng bối rối không biết phải làm sao. May là có em gái anh ở gần đó chạy sang hướng dẫn cháu làm vệ sinh thân thể. Từ chuyện này, anh Kháng nhận ra con trai anh có biểu hiện tâm lý bất thường, ít nói, ít cười, ít giao tiếp với người khác. Hóa ra mải chạy lo cơm áo gạo tiền anh ít có thời giờ chơi đùa với con. Một khoảng trống lớn về tình cảm cha con, cách dạy con bù đắp mất mát tinh thần anh hoàn toàn mù tịt.

Cần trang bị kỹ năng lắng nghe, đối thoại

Người cha đơn thân có điểm chung: Bị rơi vào hoàn cảnh buộc phải đóng vai này nên rất bị động; đều gặp khó khăn khi phải chăm sóc con do đó không phải thiên chức của họ. Họ không có kỹ năng, kiến thức và cả đức tính cần mẫn, sự kiên nhẫn trong chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, ở họ đều có điểm chung là tình yêu thương con. Họ có tầm nhìn định hướng cho tương lai sau này của con…

Đứa trẻ con của người cha đơn thân ít biết cách thể hiện cảm xúc, do ảnh hưởng từ cha - thiếu âu yếm, dịu dàng, chu đáo như mẹ. Với những bé gái, người cha sẽ gặp khó khăn khi dạy con những kỹ năng cho phụ nữ hay chia sẻ cùng con những chuyện thầm kín của phái nữ.

Người cha đơn thân nên thiết lập mối quan hệ bạn bè với con, để cha con có thể chia sẻ với nhau mọi sự. Người cha đơn thân cũng cần trang bị kỹ năng lắng nghe và đối thoại với con, sao cho con có niềm tin vào “người bạn lớn”.

ThS tâm lý NGUYỄN THỊ TÂM, Giám đốc Trung tâm Tư vấntâm lý Hồn Việt

PHẠM THỦY

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Cách Làm Cha đơn Thân