CHA NÀO, CON NẤY | Hoàng Hải Thuỷ

Đứng giữa: Đầu Xỏ Công An VC Mai Chí Thọ, Huỳnh Bá Thành đứng bên trái Mai Chí Thọ.

Đứng giữa: Đầu Xỏ Công An VC Mai Chí Thọ, Huỳnh Bá Thành đứng bên trái Mai Chí Thọ.

Tin trên báo VC ở Sài Gòn:

Đi xem “thầy” bói, chị Mai tình cờ quen một phụ nữ tự xưng là “nhà báo” có quen biết nhiều quan chức toà án và hứa sẽ chạy án cho chồng chị Mai với giá 360 triệu đồng.

Huỳnh Bá Thạch Thảo, con gái của Công An Huỳnh Bá Thành, bị bắt vì tội lừa tiền.

Huỳnh Bá Thạch Thảo, con gái của Công An Huỳnh Bá Thành, bị bắt vì tội lừa tiền.

Ngày 21/8, Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết: công an đã tạm giữ chị Huỳnh Bá Thạch Thảo, 42 tuổi, ngụ tại đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình, TP HCM, để  điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chị Phạm Thị Tuyết Mai, 34 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương, có chồng bị bắt vì tội đánh bạc. Nôn nóng muốn biết số phận của chồng mình như thế nào, chị Mai đi xem bói để nhờ “thầy” cho biết  mức án của ông chồng chị là bao lâu, tại đây chị Tuyết Mai gặp và quen chị Huỳnh Bá Thạch Thảo.

Thạch Thảo  gợi ý chị Mai muốn chồng trắng án thì phải chung tiền để Thạch Thảo chạy “sân sau”.

Để chị Mai tin tưởng, Thảo đưa tấm danh thiếp ghi rõ họ tên và cơ quan mình công tác kèm số điện thoại liên lạc là báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh – CATPHCM.  Thạch Thảo khoe có quen biết nhiều quan chức cấp cao nên có thể dàn xếp chạy án. Tin lời “nhà báo”, chị Mai đưa Thạch Thảo 360 triệu đồng nhờ chạy cho chồng được trắng án.

Thế nhưng khi tòa mở phiên xét xử thì chồng chị Mai bị tuyên án 12 tháng tù giam. Cho rằng “nhà báo” không làm được việc mà còn lấy tiền nhiều và nghĩ rằng mình bị lừa nên chị Mai nhờ người quen là một nhân viên công an tên Nguyễn Thanh Hải tìm cách đòi Thạch Thảo trả lại tiền.

Chị Mai giả vờ tiếp tục nhờ “nhà báo” tìm cách đưa chồng chị ra khỏi tù sớm và đồng ý chi thêm tiền. Nghĩ rằng “cá cắn câu,” nên sáng 20/8/2014, Thảo về Thủ Dầu Một để nhận tiền của chị Mai.

Trong lúc Thảo đang viết giấy mượn tiền của chị Mai tại một quán cà phê thì anh Nguyễn Thanh Hải cùng đồng đội đến, yêu cầu tất cả về công an phường làm rõ sự việc.

Tại cơ quan công an, Thảo khai nhận việc giả danh “nhà báo” nhằm mục đích lừa đảo, đồng thời chịu viết tờ cam kết trả nợ 360 triệu cho chị Mai trong thời gian sớm nhất.

Qua xác minh, Huỳnh Bá Thạch Thảo là con gái đầu của cố nhà báo lão thành Huỳnh Bá Thành, người nhân viên công an từng làm Tổng Biên Tập Tuần Báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh. Thạch Thảo từng là phóng viên báo CA TPHCM những năm 90. Sau đó vì nhiều lý do Thạch Thảo đã bị tờ báo cho thôi việc.

Hết bản tin về Huỳnh Bá Thạch Thảo trên Internet.

CTHĐ: Chuyện nhân viên công an, ký giả nhà báo Việt Cộng làm tiền, làm bậy là chuyện quá nhiều và quá nhàm ở Việt Nam hiện nay. CTHĐ tôi chú ý đến vụ Huỳnh Bá Thạch Thảo vì thị là con gái của anh công an Huỳnh Bá Thành.

Huỳnh Bá Thành là Việt Cộng nằm vùng nhiều năm trước năm 1975. Y là Hoạ sĩ Ớt vẽ tranh biếm trích trên nhật báo Điện Tín của Chủ nhiệm Hồng Sơn Đông. Sau ngày 30 Tháng Tư 1975, Huỳnh Bá Thành là viên công an thẩm vấn nhiều ký giả, văn nghệ sĩ Sài Gòn bị bọn Công An Thành Hồ bắt giam. Y từng viết tiểu thuyết dài Lệnh Truy Nã đăng trên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng. Thời gian Y đắc thế nhất là thời Y làm Trưởng Ban Biên Tập tuần báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh. 

Khi tôi bị bắt lần thứ nhất – lần bị bắt này của tôi không được hai anh Nam Thi – Minh Kiên nhắc đến, dù chỉ nhắc sơ nửa dòng trong quyển Những Tên Biệt Kích Cầm Bút – người phụ trách thẩm vấn tôi là Huỳnh Bá Thành. Lần thứ nhất gặp tôi trong phòng thẩm vấn của Nhà Giam Số 4 Phan Đăng Lưu, Huỳnh Bá Thành tự giới thiệu:

– Tôi là Huỳnh Bá Thành, họa sĩ Ớt báo Đồng Nai. Chắc anh có biết tên tôi. Anh gặp những anh văn nghệ sĩ bị bắt và đã được thả chắc cũng có nghe nói đến tôi.

Tôi có nghe anh em kể vài mẩu chuyện trong tù nhưng thực sự tôi chưa một lần nghe anh em nào của tôi nói đến tên anh Công An VC Huỳnh Bá Thành.

Trước mắt tôi, Huỳnh Bá Thành gầy, nước da mái mái, tái tái, tóc chải sang bên trái cho tôi biết anh thuận tay trái. Anh cho tôi biết bí danh anh là Ba Trung. Anh cũng tự giới thiệu anh là tác giả quyển Vụ Án Hồ Con Rùa.

Tôi không nói cho anh biết là tôi chưa nghe ai nói đến tên anh lần nào, tôi không biết họa sĩ Ớt – đúng ra tôi không để ý đến anh – so với Hoạ sĩ Choé thì Hoạ sĩ Ớt thua xa –  Hoạ sĩ Ớt, so với Hoạ sĩ Choé thì Hoạ sĩ Ớt thua xa — và tôi cũng chưa từng để mắt đọc nửa trang truyện Vụ Án Hồ Con Rùa.

Tôi bị bắt chiều thứ Bảy – công an đến nhà tôi lúc 11 giờ trưa, khám xét, tìm tang vật mãi đến khoảng 5 giờ chiều tôi mới vào đến Biệt giam Số 15 khu B, Nhà Số 4 Phan Đăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn của Sở Công An VC Sài Gòn – 10 giờ sáng Chủ nhật hôm sau Huỳnh Bá Thành đã gọi tôi ra phòng thẩm vấn.

Mỗi lần Ba Trung thẩm vấn tôi rất lâu. Ngoài phần hỏi đáp ghi biên bản còn có phần nói chuyện linh tinh, lang tang về văn nghệ, văn gừng, chính em, chính chị. Ba Trung tỏ ra thích thú nói chuyện văn nghệ, Y thường gọi tôi ra thẩm vấn vào buổi chiều, ngồi mãi đến chín, mười giờ tối mới thả tôi về xà lim, VC gọi theo Tầu là biệt giam. Tôi không lấy gì làm phiền nhiễu vì những buổi hỏi cung dài lòng thòng này. Mới bị bắt nằm xà lim một mình buồn thấy mồ đi. Được ra ngoài ngồi thoải mái, được có người nói chuyện qua lại – dù người đó là Công An ViXi – cũng đỡ buồn hơn là cứ nằm đến mỏi nhừ cả người trên nền xi măng xà lim.

Tôi phải viết là Huỳnh Bá Thành đối xử với tôi rất nhã, lịch sự. Anh ta không nói nặng tôi nửa câu, không tỏ ra khinh bỉ hay vô lễ với tôi, anh cũng không đe dọa tôi nửa lời. Anh có thể đe dọa tôi, đánh tôi, chửi tôi, nhưng anh đã không làm những việc ấy. Anh cũng không nói lời gì để tôi thêm buồn, thêm sợ. Anh có đọc tập thơ của tôi. Sau ngày oan nghiệt 30 Tháng Tư 75, tôi có làm một số bài thơ vẩn vương, chép vào một tập để ngay trên bàn. Bọn công an đến nhà tôi bắt tôi, lục xét nhà tôi, vồ được tập thơ này của tôi. Giờ này tập thơ xưa của tôi chắc vẫn nằm yên trong kho Lưu trữ Tang vật của Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong tập có bài thơ tả cảnh Chợ Trời Sài Gòn sau ngày ta mất nước:

Chợ Trời

Trời chiều đi dạo Chợ Trời Xem đồ ta, ngắm đồ người cho vui Tìm vui chỉ thấy ngậm ngùi Vỉa hè này những khóc cười bầy ra Lạc loài áo gấm, quần hoa Này trong khuê các, sao mà đến đây? Chợ bầy những đọa cùng đầy Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa Bán đồ toàn những người ta Mua đồ thì rặt những ma cùng Mường Chợ Trời hay Chợ Đoạn Trường ? Đầu Âm Phủ, cuối Thiên Đường là đây.

Huỳnh Bá Thành đọc bài thơ trên của tôi, Y nói với tôi:

“Anh làm thơ gọi chúng tôi là Mán, là Muờng, nếu các chú đến bắt anh mỗi chú cho anh một đấm thôi, giờ này anh nằm chứ anh không ngồi như vầy được.”

Y có đọc bài thơ Buồn của tôi, trong bài có câu:

“Em đứng mỏi mòn sau dàn ván gỗ Như người chinh phụ ôm con đợi trông. Anh đứng võ vàng sau khung cửa sổ Như người tù nhìn trời qua chấn song..”

Nên Y nói:

“Nay anh được nhìn trời qua chấn song rồi đó, anh hài lòng chưa?”

Bọn ký giả Thành Phố Hồ Chí Minh viết về Huỳnh Bá Thành:

Những năm 1971-1973, ở Sài Gòn và miền Nam,  người đọc báo, nhất là đọc báo Điện Tín đều biết tên tuổi “Họa sĩ Ớt” ký dưới những bức tranh biếm họa độc đáo, nhưng ngày đó ít ai biết  tên thật của Hoạ sĩ Ớt  là Huỳnh Thanh Tâm. Còn Huỳnh Bá Thành là bút danh của Ớt làm báo sau ngày năm 1975. Huỳnh Bá Thành sinh năm 1942, qua đời năm 1993, vì một cơn bạo bệnh. Huỳnh Bá Thành, quê làng Khái Đông, H. Hòa Vang, nay là P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Ngay ở quê nhà Hòa Vang, Đà Nẵng cũng không mấy người biết anh, một chiến sĩ tình báo cách mạng hào hoa, từ ngày anh lặng lẽ rời Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng vào Sài Gòn hoạt động những năm 1963 cho đến sau này.

Trong những ngày đi tìm tài liệu để biên soạn cuốn “Đà Nẵng -mảnh đất con người”, tôi càng thật sự bất ngờ và cảm phục tính cách, phong cách của một “thư sinh” trong bão táp cách mạng sống động ở miền Nam. Nhất là khi tôi đọc được các tập sách thuộc loại tài liệu lịch sử như “Điệp báo A10” của Nông Huyền Sơn, “Hồi ký không tên” của Lý Quý Chung, trong từng nơi, từng lúc, bằng tình cảm trân trọng, các tác giả đã viết về Huỳnh Bá Thành khá chi tiết. Mới đây, trong một lá thư của ông Võ Vân, cháu ruột của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, là cựu thành viên Cụm Điệp báo A10, hiện đang công tác ở Sở Giao thông Vận tải TPHCM, được tác giả Nguyễn Lê ghi lại, càng hiện rõ chân dung người con của Đà thành, người đã có một thời lặng lẽ cùng đồng nghiệp, đồng đội góp phần khuấy động chính trường Sài Gòn vốn chao đảo bằng nhiều hình thức đấu tranh đa dạng, quyết liệt với kẻ thù cho đến ngày toàn thắng.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng Hòa Hải, Non Nước có nhiều căn cứ của địch đóng chốt, nơi đây cũng là vùng ngoại vi vành đai thành phố có nhiều cơ sở hoạt động của ta trong thế giằng co ác liệt. Huỳnh Bá Thành công tác và trưởng thành trong chiếc nôi cách mạng đó, rồi tham gia phong trào học sinh, sinh viên Đà Nẵng cho đến lúc vào Sài Gòn tiếp tục học tập, móc nối cơ sở, được tổ chức đưa vào mạng lưới tình báo nội thành, mang mật danh Ban An ninh T4 (Sài Gòn – Gia Định).

Không gì tốt hơn, khoác áo họa sĩ, nhà báo, là điều kiện để Ớt (Huỳnh Bá Thành) che mắt kẻ thù, có quan hệ rộng rãi với nhiều đối tượng xã hội và đi lại hợp pháp dễ dàng. Huỳnh Bá Thành cùng làm việc trong nhóm các nhà báo uy tín, có lập trường, tư tưởng tiến bộ, yêu nước, chống Mỹ – Thiệu – Kỳ, tập hợp ở nhật báo Điện Tín, như Lý Quý Chung, Trương Lộc, Trần Trọng Thức, Cung Văn (Nguyễn Vạn Hồng), Minh Đỗ, tờ Điện Tín do Lý Quý Chung làm chủ bút.

Sở dĩ tờ báo thu hút đông đảo người đọc ở miền Nam lúc bấy giờ là nhờ các chuyên mục nóng bỏng tính thời sự. Đặc biệt, là những bức biếm họa bằng bút pháp tả thực lợi hại, sắc sảo của họa sĩ Ớt. Có thể nói hầu hết các nhân vật tai to mặt lớn, tướng lĩnh háo danh, khát máu, tay sai của Mỹ ở “Phủ đầu rồng”, thượng, hạ viện Sài Gòn, đến Bôn – ke Đại sứ quán Mỹ, Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ như Johnxon, Nixon, H.Kissinger, kể cả những sự kiện chính trị đen tối như vụ Watergate; việc Tướng Mỹ Fred Weyand cuốn cờ ở Sân bay Tây Sơn Nhất… đều là đối tượng, mục tiêu để Ớt đả kích, vạch trần, tố cáo. Nhiều tác phẩm của họa sĩ Ớt, được các báo ở Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Tây Đức, Nhật Bản trích đăng lại. Trong vỏ bọc nhà báo, hầu hết các sự kiện, vụ việc lớn nhỏ xảy ra trong nội đô, Huỳnh Bá Thành đều có mặt trực tiếp viết bài, vẽ tranh, nhanh chóng cung cấp tình hình, tin tức về cho cấp trên, nắm bắt diễn biến tư tưởng, động thái của giới tri thức, văn nghệ sĩ để có cách hướng dẫn dư luận, đối phó kịp thời.

Trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, người chỉ huy trực tiếp của Ớt bị địch bắt. Ớt mất liên lạc. Trong khi chờ đợi móc nối trở lại, Ớt vẫn tiếp tục chiến đấu bằng vũ khí ngòi bút của mình. Đến khi được trở về với đơn vị Cụm A10, Ớt được giao một công việc cực kỳ khó khăn – Với tư cách ký giả trong nhóm đối lập, có nhiều nhà báo, nghị sĩ, thân thiết với Tướng Dương Văn Minh chống Thiệu, Ớt đã tìm cách vào dinh Hoa Lan (biệt thự Tướng Minh) tìm hiểu các thế lực chính trị đang bao quanh vị tướng này, đồng thời kết thân với ông ta, đàm đạo thời cuộc rồi vẽ tranh viết bài đưa lên mặt báo đập lại luận điệu kéo dài chiến tranh, trì hoãn ký kết hòa đàm Paris về Việt Nam của Nguyễn Văn Thiệu. Ớt đã thực hiện hoàn hảo nhiệm vụ.

Thêm một tư liệu quý về Cụm Điệp báo A 10 và Huỳnh Bá Thành. Suốt thời gian hoạt động ra, vô nội thành bưng biền mà không bị lộ, bị địch tình nghi, bắt bớ, bảo toàn được mạng lưới giữa hang ổ địch. Có người nghi Huỳnh Bá Thành làm việc cho Tình báo Mỹ – Ngụy, hay công an chìm, mà không biết anh là điệp viên Cụm Điệp báo A10, thuộc Ban An ninh T4, nhận chỉ đạo của trên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hòa bình năm 1975, Huỳnh Bá Thành được về làm việc ở Sở Công an TP Hồ Chí Minh với quân hàm Trung tá. Huỳnh Bá Thành có công tham gia đề xuất chuyển tờ tin nội bộ của Sở, thành tờ báo Công an khi sang công tác ở đây, Huỳnh Bá Thành được cử làm Phó tổng biên tập, rồi Tổng biên tập tuần báo Công An, anh đã mày mò xây dựng, cải tiến từ nội dung đến hình thức, tìm ra công thức làm báo hiện đại, cho ra tờ Công an giữa làng báo TPHCM và cả nước. Năm 1980, Huỳnh Bá Thành tập hợp biên soạn xuất bản toàn bộ các tác phẩm in báo của anh trong cuốn “Ký sự nhân vật”, mà mỗi lần xem lại, người ta vẫn còn cảm giác lôi cuốn, hấp dẫn, bởi đề tài, và nét vẽ “ma thuật” của Ớt. Ớt là một nhà báo hết lòng với nghề, lấy ngòi bút tiến công kẻ thù. Nhưng trước hết, Ớt là một nhà hoạt động tình báo trầm tĩnh, gan dạ trong đội ngũ chiến sĩ tình báo cách mạng luôn làm kẻ thù run sợ, bị động đối phó, và Ớt là một người Cộng sản, trung thành với lý tưởng mà Ớt đã chọn và cống hiến.

Người viết Đào Hiếu bốc Huỳnh Bá Thành:

Huỳnh Bá Thành

Viết đến đây tôi nhớ anh Huỳnh Bá Thành, cố tổng biên tập báo Công an TPHCM, một người bạn cũng ở trong phong trào sinh viên chống Mỹ ngày xưa.

Năm ấy thấy tôi sống vất vả quá, anh bảo tôi làm “ngoài giờ”, phụ anh sửa bài. Có lần báo anh có một sơ xuất gì đó, anh bị thành ủy gọi lên nhắc nhở, khi trở về, anh nói oang oang trong cuộc họp toà soạn (có tôi dự):

– Các anh chị biết tôi đã nói gì với thành ủy không? Tôi nói: Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng!

Một người khác là nhà thơ châm biếm nổi tiếng, cũng là đảng viên, gốc sinh viên tranh đấu, từng là cán bộ có cỡ của một tờ báo lớn của TPHCM, bữa kia anh nhậu với tôi, kể:

– Có thằng nhà báo Pháp gặp tao, nó hỏi: “Việt Nam hiện nay có mấy tờ báo và tạp chí?” Tao đáp: “Có chừng 700.” Nó kêu: “Ô, thế thì báo chí Việt Nam thật là phong phú.” Tao nói: “Coi vậy mà không phải vậy. Vì có 700 tờ báo nhưng chỉ có một ông Tổng biên tập.”

Thằng Tây nó cười gần chết.

TRÚC GIANG viết về  HUỲNH BÁ THÀNH.

Trích Internet. Blog Sơn Trung:

Họa sĩ Ớt, tên hung thần của văn nghệ sĩ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà.

Sau ngày 30-4-1975, bọn Việt Cộng nằm vùng lòi mặt ra hết, trong đó, người hung hãn nhất, tên VC gây kinh hoàng trong giới văn nghệ sĩ Sài Gòn, là họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành. Tên thật là Huỳnh Thanh Tâm, bí danh là Ba Trung,  Y làm trưởng ban “chống tình báo CIA” của Sở Công An Thành Phố Sài Gòn.

Chính họa sĩ Ớt, Huỳnh Bá Thành, chỉ huy những cuộc theo dõi, bố ráp, bắt giữ, thẩm vấn và giam cầm những văn nghệ sĩ nạn nhân, bị cho là gián điệp của CIA Hoa Kỳ. Đồng thời bỏ tù những tu sĩ Phật Giáo bị gán tội phản cách mạng.

Hai vụ điển hình là, “Vụ án Thập nhị tăng ni Già Lam” và “Vụ án Hồ Con Rùa” hay là vụ “Những tên biệt kích cầm bút”.

Vụ Án “Thập nhị Tăng ni Già Lam”

Ngày 30-3-1984,  buổi sáng, Hoà thượng Thích Trí Thủ, trụ trì chùa Già Lam, Phú Nhuận, được mời lên văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc, Hòa thượng được cho nghe cuộn băng ghi tiếng nói – lời khai – của một tăng sinh bị bắt về “tội phản động”. Tăng sinh đó khai Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thượng toạ Thích Trí Siêu và Ni cô Thích Trí Hải là những người trong ban lãnh đạo của một tổ chức phản động, mưu đồ lập chiến khu gây bạo động

Trong khi Hòa thượng Trí Thủ ở văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc, thì tại chùa Già Lam, hai Thượng tọa Tuệ Sĩ và Trí Siêu bị bắt. Đồng thời, ni cô Trí Hải cũng bị bắt từ Hố Nai đưa về trung tâm thẩm vấn và tạm giam ở Số 4 đường Phan Đăng Lưu.

Vài ngày sau đó, Hòa thượng Trí Thủ bị chết bất đắc kỳ tử, và thông tin nước ngoài cho rằng ông bị bọn VC ám sát.

Trong đợt hành quân lớn, 19 tăng, ni, cư sĩ khác cũng bị bắt, giam đến ngày 30-9-1988, (4 năm) mới đưa ra tòa xét xử.

Hai Thuợng tọa Thích Tuệ Sĩ và Thích Trí Siêu bị tòa kết án tử hình.

Hai án chung thân dành cho hai cư sĩ Phan Văn Ty và Tôn Thất Kỳ.

Hoà thượng Thích Đức Nhuận lãnh án 10 năm. Các vị khác bị từ 4 đến 15 năm.

Ngày hôm sau, 1-10-1988, báo Sài Gòn Giải Phóng loan tin, hai vị Tuệ Sĩ và Trí Siêu ngoan cố, không chịu nhận tội. Đó là “tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Cộng Sản”.

Thích Tuệ Sĩ và Thích Trí Siêu là hai nhà sư uyên bác nhất của Phật Giáo Việt Nam.

Thích Tuệ Sĩ, tục danh là Phạm Văn Thương, một học giả uyên bác về Phật Giáo. Là Giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh, thông thạo tiếng Anh, Pháp, Trung Hoa, Nhật, Pali, Phạn và tiếng Đức.

Thích Trí Siêu là giáo sư, tiến sĩ, sử gia, thiền sư Lê Mạnh Thát.

Do áp lực quốc tế và sự vận động của người Việt ở nước ngoài, ngày 15-11-1988, Hà Nội phải mở phiên xử phúc thẩm để giảm hai án tử hình xuống còn 20 năm tù. Hai án chung thân giảm xuống còn 18 và 16 năm. Hoà thuợng Thích Đức Nhuận giảm xuống còn 9 năm tù.

Những cuộc bố ráp, bắt giam, thẩn vấn và kết tội nhóm Tăng Ni Già Lam là do Họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành trực tiếp chỉ huy.

Vụ án “Hồ Con Rùa” hay “Biệt Kích Cầm Bút” là việc bắt giam môt số văn nghệ sĩ Sài Gòn.

“Biệt kích cầm bút” là cái tên do 2 đại tá VC, Tổng và Phó Ban biên tập tuần báo Công An Saì Gòn ghép tội cho các văn nghệ sĩ miền Nam sau ngày 30-4-1975 để bắt bỏ tù họ.

Ngày 2-4-1984, một vụ nổ lớn xẩy ra tại tháp Hồ Con Rùa ở ngã tư Duy Tân – Trần Quý Cáp thuộc khu vực nhà thờ Đức Bà quận 1 Sài Gòn. Báo nhà nước quy kết tội phá hoại, một người trong số chủ mưu thiệt mạng và những người khác bị bắt.

Sau vụ nổ, hơn 200 văn nghệ sĩ, nhà văn, giáo sư bị bắt đi tù. Người chỉ huy, điều động bắt bớ  chính là họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành, bí danh Ba Trung. Những nhân vật nổi tiếng như Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Sĩ Tế… Đặc biệt, Nhã Ca là nhà văn nữ duy nhất có tên trong danh sách “Mười Biệt Kích Cầm Bút” (BKCB) bị cầm tù trong cuộc hành quân lớn của công an Sài Gòn.

Mười “BKCB” gồm có: Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Khuất Duy Trác, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Trần Ngọc Tư và Lý Thụy Ý.

Ban đầu, những văn nghệ sĩ miền Nam bị ghép vào tội “Gián điệp”, nhưng đến năm 1988, đổi lại thành tội “Tuyên truyền phản cách mạng”.

Vụ án văn nghệ sĩ Sài Gòn được công an in thành sách, dựng thành phim  mang tên “Vụ Án Hồ Con Rùa”.

Thật ra, có một số bài viết được gởi ra nước ngoài. Luật sư Triệu Quốc Mạnh, một tên VC nằm vùng tại Nha Cảnh Sát Đô Thành, với cấp bậc đại úy, được chỉ định là luật sư biện hộ cho các văn nghệ sĩ, Mạnh nói với các nạn nhân: “Các anh viết bài gởi ra nước ngoài, dù chỉ than thở nghèo đói cũng là bôi bác chế độ. Các anh làm cho họ đau lắm. Các anh làm cho họ đau, họ bỏ tù các anh, như vậy là huề”. Luật sư biện hộ mà nói với thân chủ của mình như thế, thì biện hộ theo cái kiểu gì đây?

Ớt bị thất sủng và cái chết bất đắc kỳ tử.

Sau thời gian gây kinh hoàng cho giới văn nghệ sĩ, khi anh Trần Bạch Đằng, bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý, người đỡ đầu cho họa sĩ Ớt bị điều ra Bắc, và Hà Nội đưa người cài vào các cơ quan miền Nam, thì Huỳnh Bá Thành mất chỗ dựa, không còn tung hoành được như trước nữa. Ớt đã từng tống tiền, bắt địa những người Hoa xin xuất cảnh ra nước ngoài, anh ta được xem như tay tổ tham nhũng, cũng giống như Năm Thạch, đại tá VC Nguyễn Văn Năm, làm giám đốc Sở Công tác về người nước ngoài, trụ sở số 161 đường Nguyễn Du, cấp giấy xuất cảnh cho các diện con lai, người đi nước ngoài chữa bịnh và chương trình ODP, xum họp gia đình do thân nhân bảo lãnh. Năm Thạch vốn là VC nằm vùng, từng làm quản lý  đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga.

Thạch là tên CAVC ăn hối lộ trắng trợn, nên bị Hà Nội cho người vào bắt ép phải tự tử tại nhà Y ở đường Công Lý, công an mở cửa nhà cho công chúng vào xem xác chết Năm Thạch. Ngay sau đó, vợ con Năm Thạch bị đuổi ra khỏi nhà để bọn CA Hà Nội đập tường, đào nền nhà tìm vàng do Năm Thạch chôn dấu.

Huỳnh Bá Thành bị thất sủng ngay sau khi người em ruột của Y vượt biên qua Mỹ. Sau chuyến Huỳnh Bá Thành đi công tác qua Pháp, lý do là để tổ chức hệ thống gián điệp VC ở Pháp, nhưng thực ra Y sang Pháp với mục đích về tài chánh, như việc chuyển tiền, vàng từ Việt Nam sang Pháp. Khi Huỳnh Bá Thành từ Pháp về VN thì bị chết bất đắc kỳ tử, vài ngày sau tên đàn em thân tín của Thành, tên công an chuyên thu tiền cho Thành, là Trung úy Sơn, người Quảng Nam, cũng chết đột ngột với nguyên nhân mờ ám. Dư luận cho rằng Huỳnh Bá Thành, và tên Sơn, bị bọn Công An đầu độc, thanh toán. Nguyên nhân vì ân oán trong những cuộc tranh ăn.

CTHĐ: Theo tôi, anh Công An Huỳnh Bá Thành không phải là nhân vật quan trọng như được mô tả trong những bài viết trên đây. Bọn tổ chức bắt văn nghệ sĩ, tăng ni là bọn cấp trên của Huỳnh Bá Thành.

Bố làm công an VC, bị đồng bọn giết, con gái lừa đảo, bị bọn Công An VC bắt giam. Một nhà lụn bại.

Trời có mắt.

Share this:

  • Facebook
  • X
Like Loading...

Related

Filed under: Viết Ở Rừng Phong |

Từ khóa » Hoạ Sĩ ớt