Châm Cứu Cho Trẻ Tự Kỷ Và Những điều Bạn Cần Nên Biết - YouMed

Nội dung bài viết

  • Chứng tự kỷ dưới góc độ Y học hiện đại
  • Chứng tự kỷ dưới góc độ y học cổ truyền
  • Tác dụng của châm cứu cho trẻ tự kỷ
  • Cách châm cứu cho trẻ tự kỷ
  • Lưu ý khi châm cứu cho trẻ tự kỷ
  • Các phương pháp kết hợp khác

Theo Bộ Y tế, tự kỷ là một dạng bệnh trong nhóm rối loạn phát triển lan tỏa, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, nhất là kỹ năng giao tiếp, quan hệ xã hội và các hành vi bất thường. Hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để hỗ trợ điều trị cho chứng bệnh này. Trong đó, phương pháp y học cổ truyền, đặc biệt là châm cứu cho trẻ tự kỷ đã và đang mang lại những hiệu quả khá tích cực cho bệnh nhân. Cùng YouMed tìm hiểu kỹ hơn về liệu pháp này nhé.

Chứng tự kỷ dưới góc độ Y học hiện đại

Theo y học, tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ trên toàn cầu là 1/150 người, tỷ lệ nữ/nam là 1:3.

Yếu tố nguy cơ

Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã phân tích ra các yếu tố góp phần dẫn đến chứng tự kỷ ở trẻ em như:

Gen di truyền

Có khoảng 80% rối loạn phổ tự kỷ xuất hiện do có sự di truyền trong gen.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Châm cứu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Các yếu tố từ người mẹ trong quá trình mang thai

  • Sử dụng quá liều thuốc giảm đau.
  • Tiếp xúc với các chất độc hại như thủy ngân, thuốc lá, rượu, ma túy, bia…
  • Căng thẳng, stress quá nhiều.
  • Mắc các bệnh rubella ở những tháng thai kỳ đầu tiên hoặc , bị nhiễm trùng vào tuần thứ 8-12.

Các yếu tố từ môi trường

  • Trẻ tiếp xúc thường xuyên với những hóa chất độc hại, ô nhiễm,…
  • Trẻ sống trong môi trường, gia đình ít dạy dỗ, thờ ơ, bị bỏ mặc, không nhận được yêu thương.
  • Một số bệnh lý có liên quan như Rubella bẩm sinh,…

Một số biểu hiện chứng tự kỷ

  • Nói kém, ít biểu lộ cảm xúc, thích chơi một mình, kém tương tác với người xung quanh, hành vi rập khuôn.
  • Quá chậm nói so với tuổi hoặc mất khả năng ngôn ngữ, nhại lời, không hiểu ý nghĩa.
  • Tăng động, bứt rứt, ăn uống khó khăn, chất lượng giấc ngủ kém.
  • Các rối loạn cơ thể khác thường đi kèm như động kinh, chậm phát triển trí tuệ, kém tập trung.

Trên đây là những dấu hiệu gợi ý sớm cho gia đình và nhà trường về chứng tự kỷ của trẻ. Đặc biệt trong giai đoạn từ 18-24 tháng tuổi, cần được quan tâm đặc biệt.

Tự kỷ là một chứng bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Tự kỷ là một chứng bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Nguyên tắc điều trị chung

Việc điều trị trẻ tự kỷ sẽ dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Giúp trẻ có thể hòa nhập với gia đình, trường học, xã hội.
  • Điều chỉnh các cơ quan vận động, nhìn, sờ, xúc giác, khứu giác, âm thanh, vị giác,…
  • Tăng khả năng giao tiếp, tương tác với người khác, học tập, giáo dục kỹ năng sống.

Chứng tự kỷ dưới góc độ y học cổ truyền

Khái niệm

“Tự kỷ” nghĩa Hán – Việt có nghĩa là tự mình, rộng hơn là không quan tâm đến mọi thứ xung quanh mà chỉ tập trung hướng và chính bản thân người đó.

Theo y học cổ truyền, bệnh tự kỷ ở trẻ em thuộc “Nhi khoa thất thập chứng” gồm 70 chứng bệnh nhi khoa đã được các thầy thuốc Đông y đúc kết lại qua thực tiễn lâm sàng từ xa xưa. Cụ thể, tự kỷ được mô tả trong chứng “Ngũ trì” gồm: chậm phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển vận động, rối loạn thần trí.

Châm cứu cho trẻ tự kỷ là áp dụng các phương pháp châm cứu (dùng kim đâm vào hoặc kích thích huyệt vị) như điện châm, nhĩ châm, thủy châm,… vào điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Nguyên nhân

Trong quá trình mang thai

  • Mắc các bệnh nặng, đau ốm nhiều, đặc biệt là cảm cúm, dân gian gọi là “Cảm mạo lưu hành”. Những bệnh này thường dễ bị nhiễm vào mùa thu đông, đông xuân, khi thời tiết lạnh.
  • Ăn nhiều thức ăn cay nóng, uống rượu nhiều.
  • Tổn thương khí huyết, tức giận nhiều.
  • Bố và mẹ đã lớn tuổi, tạng phủ bị suy yếu, đặc biệt là Thận âm và Thận dương. Do đó, khi thai nhi sinh ra, không được hưởng đầy đủ khí tiên thiên từ cha mẹ, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ. Trong đông y, thận là tạng phủ chủ về tinh, chí, là gốc rễ của hoạt động sống và là nền móng của sự di truyền. Khi chức năng của chúng bị giảm, trẻ thường chậm phát triển, nhút nhát, sợ hãi, kém trí nhớ.
  • Sinh non, yếu, trẻ bị ngạt,…

Trong quá trình nuôi dưỡng

  • Trẻ không được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt, thiếu thốn mà dẫn đến khí huyết không đầy đủ, suy dinh dưỡng.
  • Môi trường sống như nhà ở thiếu ánh sáng mặt trời, tối tăm, ẩm thấp.
  • Xã hội thờ ơ, bỏ mặc, bị cô lập, không nhận được sự quan tâm từ cả gia đình và nhà trường.

Biểu hiện của trẻ tự kỷ

Theo đông y, tùy theo biểu hiện của trẻ mà cách tiếp cận, điều trị cũng khác nhau như:

  • Trẻ hay sợ hãi, nhút nhát, thu mình, lười vận động…thường do Thận suy, khí huyết không đủ cần phải bổ Thận, ích khí dưỡng huyết để chữa bệnh.
  • Trẻ tăng động, không nghe lời, nghịch ngợm, quậy phá… thường do khi bố mẹ tức giận khi có thai, bị bệnh cảm cúm, nan y, y học cổ truyền gọi là “Can hỏa uất sinh phong”.
  • Biểu hiệu của trẻ thờ ơ, không quan tâm đến những thứ xung quanh, dễ thay đổi tính khí, lúc giận, lúc buồn, vui, tình cảm hướng vào trong là bởi Can khí mất sự cân bằng và điều hòa.
  • Hay sợ hãi, thu mình, hồi hộp, mất ngủ… do Tâm khí hư ảnh hưởng công năng phủ Đởm, Tâm chủ thần minh, Đởm chủ quyết đoán.
Trong quá trình mang thai, người mẹ sử dụng chất kích thích, rượu bia, stress...sẽ làm tăng nguy cơ con mắc chứng tự kỷ.
Thai phụ sử dụng chất kích thích, rượu bia, stress… làm tăng nguy cơ con mắc chứng tự kỷ

Tác dụng của châm cứu cho trẻ tự kỷ

Với những trẻ mắc chứng tự kỷ, nguyên tắc điều trị chung là điều chỉnh lại các hành vi, thuộc tính, giao tiếp, tương tác và hòa nhập với xã hội. Có rất nhiều những phương pháp điều trị bệnh được nghiên cứu, trong đó chữa tự kỷ bằng châm cứu cho trẻ đang nhận được nhiều tín hiệu khả quan. Thông qua việc kích thích, tác động vào các vị trí huyệt sẽ giúp bệnh nhân:

  • Khai khiếu: Khai mở các khiếu (đông y coi tiếng nói là một khiếu).
  • Thanh nhiệt, tỉnh thần (tinh thần minh mẫn, sáng suốt, tỉnh táo).
  • Ích khí, dưỡng huyết, bồi bổ lục phủ ngũ tạng.
  • Cân bằng âm dương, thông kinh mạch, hỗ trợ giấc ngủ.

Ngoài ra việc kết hợp châm cứu cho trẻ tự kỷ bằng các phương pháp điện châm, điện nhĩ châm, thủy châm, cấy chỉ sẽ làm tăng thêm hiệu quả điều trị bệnh. Quan trọng nhất là nên bắt đầu các liệu trình càng sớm càng tốt và cần kiên trì trong quá trình điều trị.

Châm cứu cho trẻ tự kỷ là phương pháp khá hiệu quả trong việc điều trị bệnh.
Châm cứu cho trẻ tự kỷ là phương pháp khá hiệu quả trong việc điều trị bệnh

Cách châm cứu cho trẻ tự kỷ

Tùy theo tình trạng bệnh mà các y, bác sĩ sẽ áp dụng các liệu pháp châm cứu cho trẻ tự kỷ với phác đồ điều trị cụ thể, công thức huyệt khác nhau.

Chỉ định của châm cứu cho trẻ tự kỷ

Trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ theo tiêu chuẩn DSM IV.

Chống chỉ định chữa châm cứu cho trẻ tự kỷ

  • Trẻ mắc bệnh tự kỷ đang bị các bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính.
  • Vùng cần châm cứu có vấn đề bệnh ngoài da, nhiễm trùng…

Cách phương pháp châm cứu cho trẻ tự kỷ

Điện châm

Huyệt

  • Châm tả: Bách hội, Ấn đường, Phong trì, Hợp cốc, Thái dương, Thượng tinh, Nội quan, Giản sử, Thần môn, Phong phủ.
  • Châm bổ: Thái xung, Thái khê, Thận du, Tam âm giao.

Tần số: Nối cặp dây của máy điện châm với kim đã châm vào huyệt theo tần số bổ-tả của máy điện châm.

  • Tần số tả 5-10 Hz.
  • Tần số bổ 1-3 Hz.

Cường độ: từ 0-150 micro Ampe, tùy theo mức chịu đựng của người bệnh.

Thời gian châm: 20-30 phút.

Sau đó, rút kim, sát khuẩn da vùng huyệt vừa châm. Liệu trình một lần/ngày, kéo dài khoảng 10-15 lần.

Nhĩ châm (điện nhĩ châm)

Phác đồ:

  • Châm tả : Dưới não, Thận môn, Giao cảm, Tâm
  • Châm bổ: Tỳ, Thận

Sau khi sát trùng, xác định huyệt cần châm, châm kim nhanh qua da, đẩy kim từ từ theo hướng đã định, đến khi đạt cảm giác “đắc khí”, tránh châm xuyên qua sụn.

Tần số: Nối cặp dây của máy điện châm với kim đã châm vào huyệt theo tần số bổ-tả của máy điện châm.

  • Tần số tả 5-10 Hz.
  • Tần số bổ 1-3 Hz.

Cường độ từ 0-30 micro Ampe, tùy theo mức chịu đựng của người bệnh.

Thời gian châm khoảng 20-30 phút.

Sau đó, rút kim, sát khuẩn da vùng huyệt vừa châm. Liệu trình một lần/ngày, kéo dài khoảng 25-30 lần.

Châm cứu cho trẻ tự kỷ bằng phương pháp nhĩ châm cũng đang dần được áp dụng rộng rãi.
Châm cứu cho trẻ tự kỷ bằng phương pháp nhĩ châm cũng đang dần được áp dụng rộng rãi

Cấy chỉ

Áp dụng khi trẻ không có điều kiện để điện châm và thủy châm mỗi ngày hoặc nghỉ giữa các đợt điều trị thì sẽ được cấy chỉ. Đây là chỉ tự tiêu, sẽ gây kích thích huyệt đạo, có tác dụng chữa bệnh. Thời gian để chỉ tiêu hết, tùy vào từng loại chỉ khác nhau. Mỗi lần cấy, có thể làm từ 10-15 huyệt, tùy theo mức độ tổn thương.

Huyệt: Phong trì, Thượng liêm tuyền, Khúc trì, Nội quan, Thái dương, Tam âm giao, Thận du, Tâm du, Thần môn.

Thủy châm

Thủy châm là phương thức tiêm thuốc dưỡng não, bổ não, tăng dẫn truyền thần kinh vào huyệt vị…như vitamin B1, B12, thuốc dinh dưỡng thần kinh: cerberolysin, ginkgo biloba, piracetam… thuốc tăng dẫn truyền phản xạ thần kinh như citicholine, choline alforcerate, Magne B6….

Huyệt: Phong trì, Thái dương, Khúc trì, Nội quan, Tam âm giao, Thận du

Mỗi huyệt bơm khoảng 1-2 ml thuốc.

Thủy châm mỗi ngày 1 lần, mỗi lần khoảng 2-3 huyệt. Một liệu trình từ 25-30 ngày.

Cứu

Thường dùng cho trẻ mắc bệnh có thể hàn như sợ lạnh, tay chân lạnh, thích uống nước ấm,…

Huyệt: Bách hội, Ấn đường, Phong trì, Hợp cốc, Thái dương, Thượng tinh, Nội quan, Giản sử, Thần môn, Phong phủ, Thái xung, Thái khê, Thận du, Tam âm giao.

Mỗi huyệt cứu khoảng 10-15 phút. Bệnh nhân thấy nóng vừa phải vùng huyệt cứu, tránh quá nóng dẫn đến phỏng.

Cứu một ngày 1-2 lần, một liệu trình 10-15 lần.

Chú ý
  • Bỏng có thể xảy ra trên những bệnh nhi bị giảm hoặc mất cảm giác nông. Thường là bỏng độ 1, có thể bôi mỡ vaseline, băng lại, tránh nhiễm trùng.
  • Không nên cứu nhiều huyệt một lúc và không được rời bệnh nhân để làm việc khác.

Lưu ý khi châm cứu cho trẻ tự kỷ

Sau khi châm cứu cho trẻ tự kỷ, cần theo dõi toàn trạng người bệnh.

Vựng châm

  • Người bệnh hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.
  • Xử trí: Tắt máy điện châm, rút kim ngay, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, cho người bệnh nằm nghỉ tại chỗ. Ngoài ra có thể, day bấm các huyệt Thái dương, Nội quan. Quan trọng là phải theo dõi sát mạch và huyết áp của người bệnh.

Chảy máu khi rút kim

Dùng bông vô khuẩn ấn tại chỗ không day.

Đau sưng nơi cấy chỉ

Chườm nóng, thuốc chống phù nề, kháng sinh uống nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn.

Các phương pháp kết hợp khác

Không chỉ có châm cứu cho trẻ tự kỷ mà xoa bóp bấm huyệt cũng có nhiều ích lợi đối với bệnh này. Nguyên lý của phương pháp này là bấm vào huyệt đạo để kích thích, điều chỉnh các rối loạn chức năng, làm mềm cơ và khớp, thông kinh lạc, cân bằng âm dương…

Bên cạnh đó, kết hợp với vật lý trị liệu càng làm tăng hiệu quả chữa bệnh:

  • Vận động thô (động tác mạnh, đòi hỏi lực và tốc độ nhiều như ném, đá bóng, xếp hình…
  • Vận động tinh vi (động tác nhỏ, tinh tế, khéo léo như viết chữ, tô màu, xâu vòng…)
  • Giáo dục kỹ năng sống luyện nói, phát âm, giao tiếp…

Xoa bóp bấm huyệt

Không nên thực hiện với trẻ bị bệnh ngoài da ở vùng cần xoa bóp.

Xoa, xát, miết, day, bóp, lăn các vùng đầu cổ, vai, tay, chân.

Bấm tả: Bách hội, Ấn đường, Phong trì, Hợp cốc, Thái dương, Thượng tinh, Nội quan, Giản sử, Thần môn, Phong phủ.

Day bổ: Thái xung, Thái khê, Thận du, Tam âm giao.

Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình từ 15-30 ngày, tùy theo mức độ và diễn tiến của bệnh, có thể điều trị nhiều liệu trình.

Thuốc và dinh dưỡng

Dù hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho chứng tự kỷ. Tuy nhiên, ta vẫn có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ cho trẻ khi có các tổn thương não kèm theo như động kinh, co giật… và một số thuốc dưỡng thần kinh, tăng phản xạ thần kinh, vitamin cần thiết cho cơ thể. Không chỉ có thế, dinh dưỡng cũng góp phần quan trọng để phát triển cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch và đề kháng trước những tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài.

Gia đình và nhà trường là nền tảng, chỗ dựa vững chắc cho trẻ.
Gia đình và nhà trường là nền tảng, chỗ dựa vững chắc cho trẻ tự ky

Có thể nói rằng, ở thời điểm hiện tại, các kỹ thuật điều trị và chăm sóc, đặc biệt là châm cứu cho trẻ tự kỷ đang mang lại nhiều kết quả khả quan. Cộng đồng cần nâng cao nhận thức cũng như việc tăng cường phát hiện, can thiệp sớm đối với chứng bệnh này sẽ giúp trẻ sớm tham gia học tập, vui chơi, hòa nhập với cộng đồng xã hội. Ngoài ra, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển tâm lý của trẻ. Cha mẹ nên thường xuyên tâm sự, chia sẻ và làm điểm tựa cho con để chúng có thể phát triển toàn diện nhất.

Từ khóa » Phác đồ Châm Cứu Cho Trẻ Tự Kỷ