Chăm Sóc Dinh Dưỡng Cơ Bản đối Với Bệnh Nhân Ung Thư

Ung thư và điều trị ung thư có thể gây nên những tác động bất lợi có liên quan đến dinh dưỡng đối với cơ thể bệnh nhân. Chế độ ăn là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Ăn đúng trước, trong và sau khi điều trị có thể giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được những bất lợi do các tác dụng phụ nói trên mang lại và giúp bệnh nhân có cảm giác sống khỏe hơn. Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnhc ần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo đủ các nhóm chất: đạm – bột đường – béo – vitamin, khoáng chất – nước.

Trong quá trình điều trị và cũng tự bản thân của căn bệnh có thể gây nên tình trạng chán ăn, khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể suy giảm… dẫn đến suy dinh dưỡng. Hậu quả là bệnh nhân gầy yếu, mệt mỏi, không đủ sức đề kháng chống đỡ nhiễm trùng cũng như không chịu nỗi liệu pháp điều trị ung thư nặng nề. Ăn quá ít đạm, quá ít năng lượng là một vấn đề rất thường gặp ở các bệnh nhân ung thư. Trong khi đó, dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp bệnh nhân mau lành vết thương, chống nhiễm trùng và cung cấp năng lượng cho cơ thể sống còn.

Suy dinh dưỡng là tình trạng thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư. Chứng suy mòn, làm cho bệnh nhân yếu đi, sụt cân, teo cơ, mất lớp mỡ dưới da… Suy dinh dưỡng và chứng suy mòn thông thường cùng xảy ra một lúc. Chứng suy mòn có thể xảy ra ngay cả ở những người ăn uống đầy đủ nhưng cơ thể lại không có khả năng hấp thụ được dưỡng chất. Một thói quen ăn uống tốt, có thể giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được nhiều bất lợi do quá trình điều trị cũng như chính bản thân căn bệnh mang lại. Khối u ác tính có thể sản sinh ra những chất làm ảnh hưởng xấu đến sự hấp thu dưỡng chất của cơ thể. Quá trình sử dụng chất đạm, bột đường, chất béo của cơ thể bị ảnh hưởng đặc biệt là khi khối u hiện diện ở dạ dày hay đường ruột. Bệnh nhân cảm thấy no ngang, đầy bụng, biếng ăn, không cảm giác đói mặc dù cơ thể không hấp thụ được dưỡng chất. Một chế độ ăn cao năng lượng, hàm lượng đạm cao hợp lý có thể điều chỉnh được vấn đề nêu trên và ngăn ngừa được chứng suy mòn. Những bất lợi thường gặp do ung thư và bản thân của quá trình điều trị gây nên có thể kể đến:

  • Biếng ăn                                
  • Thay đổi khẩu vị                    
  • Khô miệng                            
  • Đau và nhiễm trùng miệng, hầu họng
  • Buồn nôn – nôn
  • Tiêu chảy
  • Bạch cầu giảm trong máu
  • Vấn đề nước uống
  • Táo bón

Khi căn bệnh ung thư hoặc liệu pháp điều trị có ảnh hưởng đến chuyện ăn uống bình thường của người bệnh, cần phải có biện pháp điều chỉnh ngay nhằm giúp cho bệnh nhân tiếp nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân thuốc kích thích ngon miệng, bên cạnh đó cần phải ăn chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm. Tuy nhiên, do nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi bệnh nhân ung thư khác nhau đều có những đặc thù dinh dưỡng bệnh lý riêng biệt, bên cạnh đó khẩu vị từng bệnh nhân cũng khác nhau nên chế độ ăn cũng sẽ thay đổi. Do đó, bài viết dưới đây chỉ giới hạn trong trình bày những chăm sóc dinh dữơng cơ bản cho bệnh nhân ung thư mà không đề cập đến chế độ dinh dưỡng chuyên biệt hợp lý (như nuôi ăn qua sonde, nuôi ăn toàn thân qua đường truyền tĩnh mạch…).

Biếng ăn:

Biếng ăn là một trong những vấn đề thường gặp nhất ở những bệnh nhân ung thư hoặc đang được điều trị ung thư. Trầm cảm, nỗi sợ hãi cũng làm cho người bệnh mất ngon miệng. Đôi khi, những tác dụng phụ của quá trình điều trị như buồn nôn, nôn, những thay đổi về khẩu vị cũng góp phần làm cho bệnh nhân càng không thích ăn. Đối với một số người, biếng ăn chỉ kéo dài trong vài ngày. Ở những người khác, biếng ăn có thể kéo dài lâu hơn. Dù với bất kỳ lý do gì, một số gợi ý sau đây có thể giúp cải thiện tình trạng trên:

  • Ăn chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm, nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa ăn lớn chính. Cách ăn này giúp người bệnh có thể ăn nhiều hơn nhưng không gây đầy bụng.
  • Bổ sung thêm năng lượng và đạm vào thực phẩm (bơ, sữa bột, mật ong, đường đen…).
  • Bổ sung nước uống (những thức uống đặc biệt có chứa dưỡng chất), canh súp, sữa, nước ép (trái cây, rau, thịt), thức ăn nghiền, trộn, xay nhuyễn…(trong trường hợp bệnh nhân khó ăn được những thức ăn rắn).
  • Chuẩn bị và dự trữ thực phẩm hợp khẩu vị nhằm tiện sử dung mọi lúc mọi nơi một cách dễ dàng mỗi khi đói (phômai, bánh quy dòn, nho khô…)
  • Buổi sáng phải là buổi ăn chính, chiếm 1/3 tổng năng lượng và lượng đạm nhập cho suốt một ngày.
  • Ăn những thực phẩm hương vị thơm ngon hấp dẫn. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với những thực phẩm nặng mùi, nên sử dụng bếp có quạt hút mùi, nấu ăn ngoài trời, sử dụng thực phẩm nguội thay cho nóng (vì thức ăn đang nóng, thực phẩm sẽ có mùi rất mạnh), mở nắp xoong nồi thức ăn cho giảm bớt mùi trước khi mang thức ăn vào phòng cho bệnh nhân. Sử dụng quạt để xua bớt mùi thức ăn quanh người bệnh.
  • Sáng tạo đổi món, đa dạng hóa thức ăn và món tráng miệng.
  • Thời gian lúc ăn phải thư giãn, vui vẻ, buổi ăn cần được trình bày thật hấp dẫn.
  • Thể dục, vận động thường xuyên sẽ giúp ngon miệng hơn. Cần gặp bác sĩ để biết được loại hình vận động nào phù hợp với chính bản thân mình.

Thay đổi khẩu vị:

Điều này có thể xảy ra trong suốt thời gian bệnh và điều trị. Thực phẩm đặc biệt là thịt hoặc những thực phẩm có hàm lượng cao thường gây cho bệnh nhân có cảm giác đắng hoặc có mùi tanh. Ở hầu hết bệnh nhân, những vấn đề về thay đổi khẩu vị sẽ biến mất sau khi chấm dứt điều trị. Không có một phương pháp cụ thể nào nhằm ngăn ngừa vấn đề thay đổi khẩu vị bởi lẽ mỗi người bệnh sẽ có những ảnh hưởng khác nhau do căn bệnh và liệu pháp điều trị. Tuy nhiên, một số phương pháp sau đây có thể giúp người bệnh giảm thiểu được tình trạng khó chịu nêu trên (những phương pháp sau đây chỉ dành cho những bệnh nhân không có tình trạng đau hoặc bị thương tổn ở răng miệng hầu họng, nếu có những vấn đề này cần gặp bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng…)

  • Súc miệng với nước sạch trước khi ăn.
  • Thử ăn những loại trái cây có vị chua (cam, quýt, chanh, bưởi…) ngoại trừ trường hợp những bệnh nhân đang bị tổn thương đau ở miệng, hầu họng.
  • Ăn bữa ăn nhỏ nhiều lần trong ngày.
  • Sử dụng đồ đựng thực phẩm bằng mủ (nhựa) thay vì kim loại đối với những bệnh nhân nào dị ứng với vị tanh.
  • Tăng cường ăn những thức ăn khoái khẩu (nếu phù hợp)
  • Sử dụng thịt gia cầm (thịt gà, vịt bỏ da), cá, trứng, phô mai thay cho thịt đỏ (thịt bò…)
  • Tăng chế độ giàu đạm bằng cách sử dụng đạm thực vật như trong chế độ ăn chay.
  • Nếu miệng có vị tanh hoặc đắng hãy thử nếm một vài giọt chanh (cam, quýt, bưởi…) hoặc tinh chất bạc hà.
  • Thêm gia vị và nước xốt vào thức ăn.
  • Chú ý trong quá trình xạ trị ở vùng đầu, cổ nên bổ sung thêm viên kẽm sulfate có thể giúp khắc phục tình trạng tanh miệng bất thường nhanh chóng.

Khô miệng:

Hóa trị liệu hoặc xạ trị ở vùng đầu, cổ… có thể gây ra sự giảm tiết nước bọt và dẫn đến khô miệng rất khó chịu. Khi gặp phải điều này, thức ăn đối với bệnh nhân sẽ trở nên cứng hơn, khó nhai và khó nuốt. Khô miệng góp phần làm tình trạng chán ăn càng trầm trọng. Trong trường hợp này, cần lưu ý:

  • Nên ăn thức ăn mềm xay nhuyễn, hoặc chế biến nhiều nước như xốt, nước thịt, xà lách trộn…
  • Có thể nhai kẹo hơi cứng hoặc nhai chewgum nhằm tăng tiết nước bọt nhiều hơn.
  • Sử dụng đồ tráng miệng ướp lạnh.
  • Vệ sinh răng miệng (kể cả răng giả) và súc miệng tối thiểu 4 lần 1 ngày (sau mỗi bữa ăn và trước lúc đi ngủ).
  • Uống từng ngụm nước, hoặc nước canh sau mỗi vài phút để giúp nuốt dễ dàng hơn. Nhớ đem theo nước uống khi ra khỏi nhà để tiện sử dụng mọi lúc mọi nơi.
  • Thử sử dụng một số thức ăn đồ uống chua (không nên thực hiện điều này nếu bệnh nhân đang có những vết thương gây đau ở vùng hầu họng) nhằm giúp tăng tiết nước bọt.
  • Tránh các thức ăn đồ uống chứa nhiều đường.
  • Tránh súc miệng bằng những dung dịch có chứa cồn.
  • Luôn giữ ẩm cho đôi môi bằng vaselin thoa môi.
  • Nếu tình trạng khô miệng trở nên trầm trọng, cần gặp bác sĩ chuyên khoa.

Đau và nhiễm trùng miệng, hầu họng:

Đau họng , miệng, lợi răng sưng, ấn đau… thường hay gặp ở những bệnh nhân ung thư đang phải chịu xạ trị, hóa trị liệu hoặc đang có những vấn đề nhiễm trùng. Khi thấy đau răng miệng, đầu tiên nên gặp bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo chắc chắn rằng vấn đề đau ở đây là do tác dụng phụ của liệu pháp điều trị chứ không phải do các bệnh răng miệng gây ra.

Một số thực phẩm nhất định có thể kích thích nhiều hơn tình trạng răng miệng của chúng ta do gia vị cay nồng, cứng quá khó nuốt, do đó cần phải biết lựa chọn thực phẩm. Nên ăn những thực phẩm mềm, dễ dàng nhai và nuốt:

  • Trái cây mềm (chuối, dưa hấu…)
  • Phô mai
  • Khoai tây nghiền
  • Mỳ sợi, nui, bún, phở
  • Sữa, bột ngũ cốc khuấy
  • Tránh những thức ăn khô, thô, cứng (rau sống, bánh mỳ nướng, bánh quy giòn…)
  • Tránh thức ăn cay, mặn.
  • Tránh trái cây và nước quả có vị chua (cam, quýt, bưởi…)
  • Nấu thức ăn cho đến khi thật mềm, chín tới.
  • Thực phẩm nên cắt nhỏ
  • Ăn thực phẩm lạnh hoặc để nguội bằng nhiệt độ phòng
  • Chà (đánh) răng (kể cả răng giả). Súc miệng ít nhất 4 lần trong ngày.

Buồn nôn – nôn:

  • Nên ăn trước khi đói thực sự vì cơn đói làm tăng cảm giác buồn nôn mạnh hơn.
  • Uống ít nước trong khi ăn tránh gây tăng cảm giác đầy bụng, óc ách dễ nôn. Tốt nhất là uống chậm, nhiều hớp có thể suốt ngày. Sử dụng ống hút rất hữu ích.
  • Tránh những thức ăn dầu mỡ, cay nồng, nặng mùi…
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
  • Ăn những thực phẩm khô như bánh quy giòn, bánh mì nướng rải đều trong ngày.
  • Nên ngồi hoặc nằm tư thế nữa nằm nữa ngồi sau khi ăn khoảng 1 tiếng.
  • Tránh ăn uống những thực phẩm đậm mùi trong phòng kín. Đừng ép mình phải ăn một thực phẩm đã từng ưa thích nào đó khi đã buồn nôn, vì điều này có thể làm cho người bệnh ghét thực phẩm đó vĩnh viễn.
  • Không gian sống phải thoáng, không khí trong lành.
  • Nếu tình trạng buồn nôn xảy ra trong suốt thời gian xạ trị hoặc hóa liệu pháp, bệnh nhân cần tránh ăn trước khi điều trị khoảng 1-2 tiếng đồng hồ.
  • Mặc áo quần thích hợp, rộng rãi.

Vệ sinh an toàn thực phẩm:

  • Chú ý không nên mua và sử dụng những thực phẩm quá hạn sử dụng.
  • Không mua đồ hộp sưng phồng móp méo.
  • Thực phẩm xả đông cần phải được nấu, chế biến ngay sau đó.
  • Tất cả thức ăn còn dư phải được ướp lạnh bảo quản và cần phải được tiêu thụ trong vòng 24 tiếng.
  • Không sử dụng trái cây, rau quả đã bị cũ, mốc meo hoặc bầm dập.
  • Nấu chín tất cả thịt, cá. Tránh ăn trứng sống hoặc cá sống.
  • Mua thực phẩm với số lượng đã được tính toán kỹ để tránh dư thưa, hết hạn hoặc không đảm bảo được vấn đề bảo quản tốt.
  • Tránh tiếp xúc nhiều, thường xuyên với cộng đồng người bệnh.
  • Rửa tay thường xuyên nhằm hạn chế lây truyền mầm bệnh.

Vấn đề nước uống:

  • Uống 8 – 12 ly nước mỗi ngày. Nước ở đây có thể là nước chín, nước ép rau, quả, thịt…) sữa hoặc những thực phẩm có chứa nhiều nước.
  • Luôn đem theo nước mỗi khi rời nhà. Điều quan trọng là uống nước ngay cả những lúc không khát vì khát không phải là một dấu chỉ điểm cho thấy cơ thể cần nước.
  • Hạn chế những thức uống chứa cafein như càfê, trà đậm.
  • Nên uống nước sau hoặc giữa bữa ăn.

Táo bón:

Đây là một vấn đề rất thường thấy ở bệnh nhân ung thư. Nguyên nhân có thể là do thiếu nước hoặc thiếu nhiều chất xơ trong chế độ ăn, thiếu hoạt động thể lực, những tác động bởi liệu pháp điều trị. Một số gợi ý sau đây có thể giúp ngăn ngừa táo bón:

  • Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước (lượng xơ khuyến cáo là 25 – 35g cho 1 người/ngày).
  • Uống từ 8 – 10 ly nước mỗi ngày
  • Nước chín, nước ép (rau, quả, thịt) ấm, nước chanh, trà không có cafein sẽ rất hiệu quả.
  • Nên đi bộ và vận động thường xuyên.
  • Nếu táo bón vẫn tồn tại sau những biện pháp dinh dưỡng, vận động và đi bộ. Có thể sử dụng thuốc để điều chỉnh.

THS BS DƯƠNG CÔNG MINH BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Từ khóa » Dinh Dưỡng Cho Người Ung Thư Não