Chăm Sóc Sau Sinh Mổ: Những Vấn đề Cần Lưu ý

Nội dung bài viết

  • Thế nào là sinh mổ
  • Vì sao phải sinh mổ?
  • Những ưu điểm và khuyết điểm của hình thức sinh mổ
  • 4. Chăm sóc sau sinh mổ – vấn đề phục hồi sau sinh
  • Chăm sóc sau sinh mổ vào những ngày còn nằm viện
  • Chăm sóc sau sinh mổ khi xuất viện về nhà

Sinh mổ là một trong những hình thức sinh con khá phổ biến hiện nay. Cùng với sự tiến bộ của y học thì ngày càng có nhiều mẹ bầu ưa chuộng hình thức sinh mổ hơn. Tuy nhiên, cách sinh này cũng tồn tại những khuyết điểm nhất định. Vậy thì những ưu và khuyết điểm của sinh mổ là gì? Vấn đề chăm sóc sau sinh mổ, thai phụ cần lưu ý những gì? Hãy đọc qua bài viết sau đây để tìm được câu trả lời nhé các bạn!

Thế nào là sinh mổ

Trước khi tìm hiểu chăm sóc sau sinh mổ thì bài viết xin cung cấp những thông tin tổng quát về sinh mổ. Sinh mổ được khái niệm là việc sinh em bé thông qua các vết rạch ở bụng và tử cung của người mẹ.

Sinh mổ có thể được lên kế hoạch trước nếu thai phụ xuất hiện các biến chứng trong thai kỳ. Hoặc mẹ bầu đã từng sinh mổ trước đó và không cân nhắc sinh ngả âm đạo sau khi mổ lấy thai. Tuy nhiên, nhu cầu sinh mổ lần đầu thường không thật rõ ràng cho đến khi quá trình chuyển dạ bắt đầu.

Sinh mổ ngày càng trở nên phổ biến - chăm sóc sau sinh mổ
Sinh mổ ngày càng trở nên phổ biến

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, đây là một phương pháp phổ biến được sử dụng để sinh gần một phần ba số trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ. Sinh mổ thường hạn chế trước khi thai được 39 tuần. Mục đích là để đứa trẻ có thời gian đầy đủ để phát triển trong bụng mẹ. Tuy nhiên, đôi khi có những biến chứng phát sinh và phải tiến hành mổ lấy thai trước tuần thứ 39 của thai kỳ.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc mẹ sau sinh, tải ngay ứng dụng YouMed.

Vì sao phải sinh mổ?

Đôi khi sinh mổ sẽ là biện pháp an toàn cho bạn hoặc em bé hơn so với sinh thường qua ngả âm đạo. Các bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa sẽ chỉ định sinh mổ trong những trường hợp sau:

Quá trình chuyển dạ không tiến triển như mong đợi

Chuyển dạ bị ngưng trệ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của sinh mổ. Quá trình chuyển dạ bị ngưng trệ có thể xảy ra nếu cổ tử cung của bạn không mở đủ mặc dù các cơn co tử cung diễn ra khá mạnh trong vài giờ.

Thai nhi đang gặp một số bất thường nào đó

Nếu bác sĩ chuyên khoa lo lắng về những thay đổi trong nhịp tim của thai nhi, sinh mổ có thể là lựa chọn tối ưu nhất.

Ngôi thai bất thường

Ngôi thai bình thường có thể sinh qua ngả âm đạo là ngôi chẩm. Tuy nhiên, nếu em bé trong bụng có một vị trí bất thường sẽ tạo nên một ngôi thai bất thường. Những ngôi thai bất thường ấy ngăn cản phương pháp sinh qua ngả âm đạo. Chẳng hạn như ngôi ngang, ngôi mông, ngôi chân, ngôi trán,…

Ngôi ngang - chăm sóc sau sinh mổ
Ngôi ngang

Đa thai

Sinh mổ có thể cần thiết nếu bạn đang mang song thai và em bé đầu lòng ở vị trí bất thường. Hoặc nếu bạn sinh ba trở lên.

Nhau thai bất thường

Khi nhau thai che phần mở của cổ tử cung sẽ được gọi là nhau thai tiền đạo, lúc này cần phải mổ lấy thai. Hoặc nhau bong non cũng là một trường hợp được chỉ định sinh mổ.

Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo

Sa dây rốn

Sinh mổ có thể được chỉ định nếu một vòng dây rốn trượt qua cổ tử cung trước mặt thai nhi.

Có những vấn đề sức khỏe cản trở sinh qua ngả âm đạo

Mổ lấy thai có thể được chỉ định nếu thai phụ có những vấn đề sức khỏe đáng quan tâm, chẳng hạn như bệnh tim hoặc não. Sinh mổ cũng được khuyến nghị nếu mẹ bầu bị nhiễm herpes sinh dục tại thời điểm chuyển dạ.

Những sự cản trở cơ học

Thai phụ có thể cần sinh mổ nếu có khối u xơ lớn gây tắc nghẽn đường sinh nở. Gãy xương chậu di lệch nghiêm trọng hoặc thai nhi có một tình trạng đầu to bất thường (não úng thủy nghiêm trọng).

Xem thêm: Làm thế nào để nhanh hồi phục sau khi sinh mổ?

Sự bất tương xứng giữa kích thước thai và kích thước khung chậu

Trước khi sinh qua ngả âm đạo, các bác sĩ sẽ ước lượng kích thước thai nhi như đầu, vai, mông,… Thông qua các biện pháp đo vòng bụng của thai phụ, siêu âm. Nếu có sự bất tương xứng giữa kích thước thai nhi và khung chậu người mẹ thì phương pháp sinh mổ sẽ được chỉ định. Chẳng hạn như thai quá to, khung chậu quá nhỏ hoặc kết hợp cả hai yếu tố.

Thai to
Thai to

Những ưu điểm và khuyết điểm của hình thức sinh mổ

Ưu điểm

Một trường hợp mổ lấy thai theo kế hoạch có thể làm giảm nguy cơ khi sinh như ngạt (thiếu oxy), đẻ khó do vai và tình trạng gãy xương. Đồng thời, sinh mổ còn giúp giảm một số nguy cơ nhất định như:

  • Đau đớn trong và sau khi sinh.
  • Chấn thương âm đạo.
  • Chảy máu nhiều sau sinh thường.
  • Mất hoặc giảm trương lực bàng quang.
  • Tử cung, âm đạo, ruột hoặc bàng quang đẩy vào thành âm đạo (sa cơ quan vùng chậu).

Vấn đề này không có nghĩa là những nguy cơ này sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, những nguy cơ ấy tương đối thấp hơn so với khi thai phụ sinh thường.

Sinh mổ có những ưu điểm nhất định- chăm sóc sau sinh mổ
Sinh mổ có những ưu điểm nhất định

Khuyết điểm

Những khuyết điểm hay nguy cơ tồn tại của sinh bằng phương pháp mổ lấy thai bao gồm:

Đối với thai phụ

  • Sự chảy máu khó cầm.
  • Hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn những mạch máu lớn. Chẳng hạn như mạch vành, mạch não,…
  • Tăng rủi ro cho những lần mang thai tiếp theo.
  • Nguy cơ nhiễm trùng cao hơn sinh thường.
  • Thời gian phục hồi lâu hơn so với sinh qua ngả âm đạo.
  • Chấn thương do phẫu thuật cho các cơ quan khác. Chẳng hạn như ruột non, ruột già, bàng quang,…
  • Dính, thoát vị và các biến chứng khác của phẫu thuật bụng.
Nguy cơ nhiễm trùng do sinh mổ
Nguy cơ nhiễm trùng do sinh mổ

Đối với em bé

  • Vết cắt trên da của em bé, gây ra trong quá trình phẫu thuật. Đây thường là vết cắt nhỏ và nhanh chóng lành lặn.
  • Nguy cơ nhập viện sơ sinh cao hơn
  • Gặp những vấn đề về hô hấp. Tình trạng này thường xảy ra hơn nếu thai nhi được sinh ra trước tuần thứ 39 của thai kỳ. Hầu hết các vấn đề về hô hấp sẽ thuyên giảm sau một vài ngày. Tuy nhiên, một số trẻ cần phải chuyển sang khoa hồi sức sơ sinh.

Xem thêm: Chăm sóc phụ nữ thời kì hậu sản

4. Chăm sóc sau sinh mổ – vấn đề phục hồi sau sinh

Nhiều nghiên cứu cho rằng việc phục hồi hoàn toàn sau sinh mổ phải mất từ 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, thời gian phục hồi khác nhau tùy từng người. Ví dụ, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 60% phụ nữ bị đau ở vết mổ 24 tuần sau khi sinh.

Nằm viện sau sinh mổ - chăm sóc sau sinh mổ
Nằm viện sau sinh mổ

Hầu hết những thai phụ sau sinh mổ sẽ ở lại bệnh viện từ 3 đến 5 ngày. Trong khoảng thời gian này, các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của thai phụ. Bao gồm:

  • Độ co hồi của tử cung.
  • Tình trạng vết mổ.
  • Sự phục hồi nhu động ruột (trung tiện được hay chưa).
  • Sự phục hồi nhu động bàng quang (đi tiểu được hay chưa).

Chăm sóc sau sinh mổ vào những ngày còn nằm viện

Cục máu đông

Một trong những rủi ro lớn nhất của sinh mổ là hình thành cục máu đông ở chân. Tình trạng này dễ xảy ra hơn ở những người thừa cân hoặc bất động trong thời gian dài. Những phụ nữ không thể đi lại có thể được thiết kế băng quấn ở chân để giữ máu lưu thông. Nếu họ có thể đi lại, họ nên đứng dậy và di chuyển càng nhanh càng tốt. Việc di chuyển còn giúp phòng ngừa táo bón.

Tình trạng đau do co thắt

Trong 24 giờ đầu, thai phụ thường cảm thấy đau tại vết mổ. Nhiều phụ nữ cũng cảm thấy đau co thắt do tử cung co lại. Những cảm giác này tương tự như đau bụng kinh nhưng có thể dữ dội hơn. Thuốc giảm đau sẽ được chỉ định nhằm hạn chế những cơn đau như thế này.

Xem thêm: Cách đối mặt với những vấn đề sau sinh

Đề phòng nhiễm trùng

Y tá hoặc bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận vết mổ lấy thai để tìm dấu hiệu nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch sẽ được chỉ định để dự phòng nhiễm trùng vết mổ. Đồng thời, thai phụ cũng cần tự mình giữ vệ sinh vết mổ. Không tự ý tháo mở hoặc rửa vết mổ bằng nước.

Cho con bú

Bạn sẽ có thể bắt đầu cho con bú ngay sau khi bạn cảm thấy thoải mái. Hãy nhờ nữ hộ sinh hoặc điều dưỡng hướng dẫn bạn tư thế và cách nâng đỡ em bé sao cho bạn cảm thấy thoải mái nhất.

Cho con bú sau sinh
Cho con bú sau sinh

Vấn đề ăn uống

Thai phụ được khuyến khích ăn từ lỏng đến đặc dần. Mục đích là để cung cấp năng lượng để nhanh chóng hồi phục sau mổ. Uống nhiều nước cũng được các bác sĩ khuyến khích thai phụ nên thực hiện. Việc làm này sẽ kích thích nhu động bàng quang cũng như phòng tránh táo bón.

Chăm sóc sau sinh mổ khi xuất viện về nhà

Thư giãn và nghỉ ngơi

Hãy thư giãn và nghỉ ngơi để tinh thần được thoải mái. Trong vài tuần đầu tiên, bạn không nên vận động nhiều hoặc nâng những vật nặng. Ngoài ra, hạn chế tư thế ngồi xổm vì có thể tác động đến vết mổ lấy thai.

Giảm đau

Đau sau sinh mổ là tình trạng rất hiển nhiên. Để làm dịu cơn đau vết mổ, các bác sĩ sẽ khuyến khích bạn chườm nóng. Đồng thời, thuốc giảm đau như Ibuprofen hoặc Paracetamol cũng có thể được chỉ định khi bạn xuất viện. Nói chung, các loại thuốc giảm đau đều an toàn cho phụ nữ đang cho con bú.

Chườm nóng tại vết mổ
Chườm nóng tại vết mổ

Vấn đề quan hệ tình dục

Để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng, phụ nữ sau sinh cần tránh quan hệ tình dục trong sáu tuần sau khi sinh mổ.

Vấn đề ăn uống

Nên ăn uống đầy đủ chất để cung cấp năng lượng cho quá trình phục hồi của cơ thể. Uống nhiều nước mỗi ngày (từ 1,5 đến 2 lít nước/ngày). Bổ sung trái cây, rau củ và các loại chất xơ khác. Hạn chế sử dụng những thực phẩm vốn đã gây dị ứng cho bạn. Chẳng hạn như cá ngừ, tôm, cua, tép,…

Vệ sinh cơ thể

Phụ nữ sau sinh có thể tắm rửa để vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Tuy nhiên, các bạn nên lưu ý giữ vệ sinh vết mổ. Đồng thời, đừng nên ngâm mình trong bồn tắm quá lâu. Lý tưởng nhất là tắm rửa sạch sẽ, nhanh chóng với nước ấm.

Tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa

Khi gặp phải những trường hợp sau đây, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay:

  • Vết mổ sung huyết, đau nhiều, nóng, rỉ dịch.
  • Bị chảy máu nhiều ở vết mổ hoặc qua ngả âm đạo.
  • Cơn đau ngày một nặng hơn.
  • Tâm trạng thay đổi, tính khí nóng nảy hoặc buồn bã bất thường. Tình trạng này gợi ý bạn bị trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh

Chuyển dạ sinh em bé là một quá trình rất thiêng liêng và ý nghĩa. Vì một lý do nào đó, thai phụ không thể sinh thường bằng ngả âm đạo mà phải sinh mổ. Sau cuộc phẫu thuật, các bạn nên nắm bắt được những cách chăm sóc sau sinh mổ. Mục tiêu là để cơ thể khỏe mạnh, nhanh chóng phục hồi và đủ sức khỏe để chăm lo cho em bé.

Xem thêm: Giảm đau khi sinh: Bạn đã biết cách chưa?

Từ khóa » Chăm Sóc Mẹ Bầu Sau Khi Sinh Mổ