Chăm Sóc Trẻ Sinh Non Tại đơn Vị Chăm Sóc Tăng Cường Sơ Sinh

Trẻ sinh non ngoài sức đề kháng yếu, bé còn nhẹ cân, dễ suy dinh dưỡng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Do đó, ngay từ lúc lọt lòng, bé nên được tăng cường chăm sóc với sự hỗ trợ đặc biệt tại các Trung tâm chuyên chăm sóc trẻ sinh non, giúp bé mau chóng hồi phục và trở thành những em bé phát triển khỏe mạnh, bình thường. Chính vì vậy, Hạnh Phúc đầu tư trang thiết bị chăm sóc hiện đai bật nhất tại Đơn vị Chăm sóc Tăng cường Sơ sinh (Neonatal Intensive Care Unit – NICU) – Khoa trọng yếu của Bệnh viện Quốc tế Hạnh phúc, nơi nhân viên y tế chăm sóc các trẻ sơ sinh bị bệnh nặng hoặc sinh non.

Tại sao cần đưa bé sinh non vào đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh?

Trẻ sinh non là trẻ được sinh ra trước 37 tuần tuổi hoặc trước 259 ngày tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối của mẹ. Sự ra đời “bất đắc dĩ” này đã khiến các em phải đối diện với nhiều nguy cơ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên nhập ngay các em vào đơn vị tăng cường chăm sóc trẻ sơ sinh nếu: Bé bị bệnh nặng khi vừa mới sinh hoặc sinh non (sinh sớm trước 37 tuần thai). Mẹ gặp vấn đề trong quá trình sinh nở như: bệnh não thiếu oxy thiếu máu cục bộ, nhiễm trùng hoặc suy hô hấp. Bé có nhiều biểu hiện các vấn đề về sức khỏe trong vòng vài ngày sau sinh như: vàng da nặng hoặc các vấn đề về tim, phổi hoặc tiêu hóa…

Ai sẽ điều trị cho con bạn trong đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh?

Con của bạn sẽ nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ các bác sĩ, chuyên gia và điều dưỡng đã qua huấn luyện đặc biệt trong việc tăng cường chăm sóc các trẻ mới sinh bị bệnh hoặc sinh non, đội ngũ này có thể bao gồm: Các bác sĩ chuyên khoa: Là các bác sĩ được đào tạo điều trị các vấn đề cụ thể hoặc chuyên khoa như tim mạch, mắt hoặc thần kinh hoặc phẫu thuật sơ sinh. Điều dưỡng: Có thể có một hoặc nhiều điều dưỡng chăm sóc con bạn.

Con bạn được chăm sóc như thế nào tại đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh?

Chăm sóc trẻ sinh non ngoài các yêu cầu đặc biệt về kiến thức, khả năng chăm sóc, các hoạt động trong đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh cũng cần được đặt biệt lưu tâm và để ý. Trước hết, bé phải được đặt trong một giường đặc biệt với:

  • Lồng ấp: là loại giường được bao bọc bằng lớp nhựa trong suốt giúp bé an toàn và đảm bảo giữ ấm và độ ẩm phù hợp.
  • Giường sưởi: là loại giường mở có máy làm ấm ở phía trên.

Một số việc thường được thực hiện trong đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh bao gồm:

Theo dõi sát diễn tiến các nguy cơ và biến chứng: Bác sĩ và điều dưỡng theo dõi cẩn thận mỗi trẻ. Mỗi bé sẽ được theo dõi kĩ qua một màn hình (tương tự như tivi). Bạn có thể thấy nhiều dây kết nối giữa con bạn với màn hình này. Các dây này được gắn vào da qua những miếng dính không đau cho trẻ. Các dấu hiệu sinh tồn sẽ hiển thị trên đây. Dấu hiệu sinh tồn bao gồm nhiệt độ, mạch, nhịp thở, nồng độ oxy trong máu và huyết áp. Việc thăm khám và theo dõi liên tục, nhiều lần trong ngày, giúp các bác sĩ đánh giá được diễn tiến bệnh và đáp ứng điều trị của trẻ.

Xét nghiệm: Bác sĩ và điều dưỡng trong đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh có thể thực hiện các xét nghiệm như: máu, nước tiểu, siêu âm hoặc chụp x-quang để đảm bảo điều trị tốt nhất cho trẻ.

Thuốc: Đa số trẻ nhập đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh cần phải dùng một hoặc nhiều loại thuốc. Thuốc có thể bao gồm kháng sinh (để điều trị nhiễm trùng) hoặc thuốc hỗ trợ tim hay phổi. Con bạn có thể được đặt đường truyền tĩnh mạch (một ống nhựa mảnh hoặc còn gọi là cathlon, vô trùng đặt trong tĩnh mạch) để giúp đưa thuốc và/ hoặc dịch truyền nuôi ăn dễ dàng hơn và liên tục.

Các điều trị khác: Tùy thuộc vào lý do con bạn nhập đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh, bé có thể cần các điều trị khác, cụ thể:

  • Trẻ bị vàng da được chiếu đèn, trẻ nằm dưới ánh sáng đặc biệt.
  • Trẻ có vấn đề về hô hấp có thể được gắn máy thở, hoặc thở áp lực dương liên tục qua mũi (CPAP) hoặc thở oxy.
  • Trẻ sẽ được nuôi dưỡng đường tiêu hóa và/ hoặc đường tĩnh mạch tùy khả năng dung nạp.

Ba mẹ có thể thăm con trong đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh?

Ba mẹ nên dành thời gian với con nhiều hơn khi phải nhập đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh nhưng vẫn có những hạn chế nhất định để đảm bảo an toàn cho trẻ, cụ thể:

  • Có thể không được ôm con nếu bé yếu hoặc sinh quá non. Nhưng ba mẹ vẫn có thể nắm tay hoặc vuốt đầu con. Thậm chí nếu không thể sờ con, ba mẹ vẫn có thể nói hoặc hát cho bé nghe. Nhân viên y tế trong đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh sẽ giúp ba mẹ cách tiếp xúc trẻ an toàn.
  • Những thành viên khác trong gia đình cũng có thể thăm trẻ trong đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh. Nhưng sẽ có những hạn chế về thời gian thăm, số người vào và các quy định (như rửa tay hoặc mang nón, khẩu trang đặc biệt).
  • Trẻ em không được vào thăm do dễ mang mầm bệnh ảnh hưởng đến trẻ sinh non tháng hoặc đang bị bệnh.
  • Những người trong gia đình đang bị nhiễm khuẩn cấp, đang sốt hoặc tiêu chảy, cũng không nên vào khu vực chăm sóc trẻ sinh non.

Con bạn sẽ ăn uống thế nào trong đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh?

Điều đó tùy thuộc vào mức độ bệnh hoặc mức độ non tháng của bé. Con bạn có thể được cho bú hoặc uống sữa mẹ/ sữa công thức khi không có sữa mẹ hoặc sữa từ ngân hàng sữa mẹ. Trẻ cũng có thể phải đặt ống thông dạ dày nuôi ăn. Đây là một ống nhỏ đi qua mũi hoặc miệng của trẻ để vào trong dạ dày. Ống này dùng để đưa sữa mẹ hoặc sữa công thức trực tiếp vào dạ dày.

Ở những trẻ bệnh quá nặng chưa thể ăn qua ống, các chất dinh dưỡng sẽ được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Nhiều trẻ sơ sinh sinh quá non hoặc sau thời gian bệnh nặng, cần phải tập bú, có thể mất khoảng thời gian vài ngày hoặc lâu hơn, trẻ có thể sẽ cần được tập phối hợp động tác bú, nuốt và thở.

Khi nào con bạn có thể về nhà?

Điều đó tùy thuộc vào tình trạng của con bạn. Đối với một số bệnh, trẻ chỉ cần ở trong đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh vài ngày. Những trẻ bệnh nặng hoặc sinh cực non có thể phải ở lại nhiều tuần thậm chí nhiều tháng đến khi các chỉ số sức khỏe hoàn toàn bình thường. Bạn sẽ được nhân viên y tế giải thích và cập nhật tình trạng của trẻ hàng ngày và khi nào có thể xuất viện.

Trước khi xuất viện, bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ hướng dẫn bạn chăm sóc con tiếp tục tại nhà và chế độ tái khám. Khi chưa tự tin cách chăm sóc trẻ hoặc cho trẻ bú, bạn cần thực hành trước tại đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh hoặc khoa sơ sinh, trước khi trẻ xuất viện. Chăm sóc trẻ sinh non là cả một quá trình và cần sự kết hợp nhịp nhàng từ cả đơn vị chăm sóc và ba mẹ. Hi vọng các thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp ba mẹ an tâm hơn phần nào khi chăm sóc bé con nhé!

Từ khóa » Cách Nuôi Trẻ Sơ Sinh Thiếu Tháng