Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Từ 0 - 6 Tháng: Cần Chăm Con Thế Nào Cho đúng?
Có thể bạn quan tâm
Lần đầu tiên làm mẹ, ắt hẳn bạn sẽ rất bối rối không biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh thế nào cho đúng. Bạn có thể khá bỡ ngỡ khi có quá nhiều thứ phải học hỏi, quá nhiều việc phải thích nghi sau khi bé yêu ra đời.
Hãy tham khảo bài viết sau của Hello Bacsi để biết các nhu cầu của bé sơ sinh và cách chăm sóc trẻ sơ sinh thế nào cho đúng.
Bế trẻ sơ sinh thế nào cho đúng?
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh đúng trước tiên bạn cần biết là bế trẻ. Khi bế bé yêu lần đầu tiên, bạn có chút lúng túng không biết phải bế bé thế nào cho đúng. Đừng quá lo lắng, sau vài ngày chăm bé, bạn sẽ biết cách bế bé và nhận ra bé thích được bế ở tư thế nào nhất. Mỗi bé sẽ thích được bế theo một tư thế riêng, có bé thích được vác vai, song có bé lại thích được ẵm ngửa…
Dù bé khóc đòi bế hay đơn giản là bé đang thức nên bạn muốn ẵm lên để nựng nịu thì trước khi làm điều đó, hãy cho bé biết là bạn sẽ bế bé lên để con không giật mình, khóc hoảng. Hãy nhìn bé và âu yếm trò chuyện với bé, nhẹ nhàng luồn hai tay xuống dưới đầu, vai và mông bé trong khi nhấc bé lên một cách nhẹ nhàng.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi: Cho trẻ bú, ngủ thế nào là đúng?
1. Cho trẻ sơ sinh bú
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì dễ tiêu hóa, hiếm khi gây dị ứng và chứa nhiều kháng thể giúp bé có thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Sau khi sinh, hãy cho bé bú sớm nhất ngay khi có thể và cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, duy trì việc này càng lâu càng tốt.
Dạ dày bé sơ sinh khá nhỏ, bạn cần cho bé bú thường xuyên để con nhận đủ lượng sữa cần thiết. Bé sẽ bú mỗi 1 – 2 giờ/lần trong vài tuần đầu mới sinh, mỗi cữ bú kéo dài khoảng 15 – 30 phút tùy vào lượng sữa mẹ, nhu cầu bú của bé… Khi đói, bé sẽ có các dấu hiệu như khóc, ngọ nguậy không yên, tém miệng liên tục…
>>> Bạn có thể quan tâm: Làm sao biết bé đang đói để cho bú kịp thời?
Nếu đã đến cữ bú mà bé đang ngủ, bạn không nên đánh thức con. Trẻ sơ sinh cần ngủ khoảng 16 – 18 giờ/ngày, mỗi giấc kéo dài từ 1 – 3 giờ nên bạn có thể cho bé bú bù ngay sau khi con tỉnh giấc. Song nếu con đã ngủ quá 4 giờ, bạn nên đánh thức bé dậy và cho bé bú. Khi cho bé bú, bạn hãy trò chuyện, nựng nịu bé, đừng để bé ngủ khi mới chỉ bú mẹ được một chút.
Bạn có thể tham khảo một số tư thế cho bé bú để mẹ cảm thấy thoải mái.
2. Cách cho bé ợ hơi sau khi bú
Dù bạn cho bé bú mẹ hay uống sữa công thức, sau khi bé bú no, hãy cho bé ợ hơi, để tránh tình trạng ọc sữa.
Để cho bé ợ hơi, hãy bế bé ở tư thế vác vai, bụng bé áp sát vào ngực bạn, vỗ nhẹ lưng bé. Bế bé ở tư thế đó trong khoảng 10 – 15 phút, bạn hãy giữ đầu và cổ bé cẩn thận vì cổ bé sơ sinh còn rất yếu. Việc ợ hơi này giúp bé hạn chế bị ọc sữa sau khi bú no và tình trạng trào ngược dạ dày thực quản vì chức năng của van giữa thực quản và dạ dày của bé sơ sinh chưa hoàn thiện.
>>> Bạn có thể xem thêm: Bé hay ợ sữa hoặc nôn ói: Có nguy hiểm không?
3. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh: Đặt bé ngủ sao cho đúng?
Phòng ngủ của bé nên sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh để bé dễ ngủ. Với trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh, nhiệt độ phòng thích hợp là khoảng 28ºC. Nếu dùng điều hòa, bạn không nên để nhiệt độ phòng quá thấp vì có thể khiến bé bị cảm lạnh dù đã được quấn khăn và đắp chăn đầy đủ. Song bạn cũng không nên để con ngủ trong phòng có nhiệt độ cao khiến con dễ đổ mồ hôi gây ngứa ngáy, khó chịu, bé ngủ không ngon giấc.
Việc ngủ ngon giấc sẽ giúp trẻ phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ chỉ có thể ngủ ngon khi được bú no, cơ thể sạch sẽ, phòng ngủ yên tĩnh, thoáng mát. Bạn có thể massage nhẹ nhàng cho bé trước khi con ngủ. Bạn có thể cho bé nằm nôi và đung đưa nhẹ, hát ru khe khẽ hoặc mở nhạc êm dịu để bé dễ ngủ hơn.
Bạn nên tránh cho bé ngủ ở tư thế nằm sấp, nếu cho trẻ nằm sấp thì phải theo dõi cẩn thận vì trẻ dễ có nguy cơ đột tử. Thêm một lưu ý nhỏ nhưng rất quan trọng là bạn không nên để gối, thú nhồi bông… xung quanh trẻ. Những thứ này dễ khiến trẻ bị ngạt thở nếu chẳng may chúng đè vào mũi bé.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi: Cách vệ sinh, tắm rửa cho trẻ, chăm sóc rốn
1. Cách thay tã cho trẻ sơ sinh
Bạn có thể cho bé dùng tã vải hay tã giấy hoặc dùng xen kẽ cả hai loại tã để tiết kiệm. Khi chọn tã giấy cho con, bạn nên chọn loại có kích cỡ thích hợp, có tính năng chống hăm, ngứa. Nếu cho con dùng tã vải, bạn nên chọn loại có chất liệu cotton mềm, thấm nước tốt.
Bạn nên thay tã cho bé ngay sau khi bé tè đầy hay ị. Khi thay, phải vệ sinh sạch vùng hậu môn và bộ phận sinh dục của bé bằng khăn mềm và nước ấm theo hướng từ trước ra sau. Bạn hãy thoa kem chống hăm hoặc kem bảo vệ da trước khi mặc tã mới cho trẻ.
>>> Bạn có thể quan tâm: Mẹ nên sử dụng tã vải hay tã giấy cho bé?
2. Cách tắm cho trẻ sơ sinh
Chuẩn bị chăm trẻ sơ sinh trước khi tắm
Để tiện dụng, bạn nên dùng sữa tắm gội 2 trong 1 dành cho trẻ sơ sinh để tắm cho bé. Trước khi tắm, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các thứ sau:
- Rửa tay thật sạch. Lưu ý, khi chăm sóc trẻ sơ sinh, bạn không nên để móng tay dài hay đeo nữ trang có bề mặt xù xì hay sắc cạnh, vì chúng có thể làm trầy xước da bé.
- Khăn xô khổ nhỏ, khăn xô khổ lớn, quần áo, mũ, bao tay, vớ…
- Gạc, bông gòn, tăm bông, băng rốn vô trùng.
- Nước muối sinh lý 0,9%.
Trước khi tắm cho bé, hãy tắt quạt, tắt máy lạnh, cởi áo và tã rồi tiến hành massage cho bé. Dùng nước sạch pha với nước sôi để tắm cho bé. Nước có nhiệt độ khoảng 36 – 38°C là thích hợp. Nếu không có nhiệt kế đo nhiệt độ nước tắm, bạn có thể dùng cùi chỏ tay để thử. Lưu ý là trong khi tắm cho bé, bạn nên trò chuyện âu yếm với trẻ để con cảm nhận được tình yêu thương.
Bước chăm sóc bé sơ sinh khi tắm
Khi đã chuẩn bị mọi thứ, bạn tiến hành tắm cho trẻ theo các bước sau:
- Đặt bé nằm trên giường hoặc mặt phẳng, dùng bông gòn thấm nước muối sinh lý lau mắt cho bé theo hướng từ trong ra ngoài.
- Dùng tăm bông để làm sạch lỗ mũi bé.
- Lau mặt.
- Bế bé lên và gội đầu cho bé: Ngón cái và ngón đeo nhẫn của bàn tay bế bé ép nhẹ 2 vành tai vào sát lỗ tai để tránh nước chảy vào tai bé, tay kia dùng khăn (gạc) thấm nước làm ướt tóc bé. Tiếp theo, bạn lấy một ít dầu gội thoa đều lên tóc bé rồi xả lại cho sạch, dùng khăn lau khô đầu bé.
- Khi bé chưa rụng rốn, bạn nên dùng khăn mềm lau người cho bé, tránh làm ướt rốn. Nếu muốn tắm cho bé, bạn đặt bé vào trong chậu nước có hòa sẵn chút sữa tắm để tắm nhưng sau đó cần lau khô vùng rốn cho bé, tránh nhiễm khuẩn.
- Cho trẻ sang chậu nước tắm khác để tắm cho sạch lại.
- Đặt trẻ nằm trên giường hoặc mặt phẳng có lót khăn xô khổ lớn, dùng khăn lau khô và ủ ấm cho trẻ.
- Nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mắt, mũi rồi dùng bông gòn lau từ trong ra ngoài. Dùng tăm bông/bông gòn để làm sạch vùng bên ngoài tai cho trẻ. Tránh để đầu chai nước muối hay thuốc nhỏ mắt chạm vào mắt, mũi trẻ.
- Nhỏ nước muối sinh lý lên gạc rơ lưỡi để làm vệ sinh miệng cho bé.
- Dùng bông gòn thấm sạch nước quanh rốn, dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý lau khô rốn. Bạn nên để rốn thoáng, tránh quấn băng gạc ngay nhằm giúp rốn mau khô, nhanh rụng hơn.
- Mặc áo, tã, bao tay, vớ và cho bé bú ngay nếu thấy bé có nhu cầu.
>>> Bạn có thể quan tâm: Mách bạn 4 cách cho con bú không bị sặc sữa
Nếu muốn cắt móng tay cho bé yêu, bạn hãy cắt sau khi bé vừa tắm xong. Lúc này, bé đang thoải mái và móng lại rất mềm, dễ cắt. Ngoài ra, bạn cũng có thể đợi cho bé ngủ say rồi cắt. Việc cắt móng tay, móng chân thường xuyên sẽ giúp móng tay, móng chân bé không bị xước, hạn chế tình trạng móng xước móc vào bao tay, vớ khiến bé đau, khó chịu hoặc bé tự làm đau mình.
3. Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách là cần phải biết cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh. Cuống rốn của trẻ sơ sinh là một vết thương hở, nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ rất dễ bị nhiễm trùng. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu ở trẻ.Các bước vệ sinh rốn cho trẻ
Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh phải được làm hằng ngày và theo các bước sau:
- Trước khi chăm sóc rốn cho trẻ, bạn cần rửa tay thật sạch, sát trùng tay bằng cồn 90°.
- Nhẹ nhàng tháo băng rốn và gạc rốn ra.
- Quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh rốn xem rốn có bị viêm đỏ, có mủ, chảy dịch vàng, chảy máu, có mùi hôi hay có bất kỳ bất thường nào khác không.
- Lau rốn bằng bông gòn với nước chín vô trùng, sau đó thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn.
- Sát trùng vùng da quanh rốn bằng nước muối sinh lý.
- Có thể để hở rốn hoặc chỉ cần che rốn bằng một lớp gạc mỏng vô trùng.
- Quấn tã vùng dưới rốn, tránh để phân, nước tiểu hay bất kỳ thứ gì vấy bẩn vùng rốn.
Lưu ý khi vệ sinh rốn cho bé
Nếu phát hiện một trong các dấu hiệu sau, hãy đưa bé đi khám tại chuyên khoa nhi ngay:
- Rốn rỉ nước vàng, có mùi hôi hoặc có mủ.
- Rốn chảy máu nhiều và khó cầm.
- Da quanh rốn sưng, đỏ.
- Rốn có chồi, rỉ nước kéo dài.
- Rốn chưa rụng dù bé đã sinh được 3 tuần.
Nếu thấy rốn con có dấu hiệu bất thường, bạn tuyệt đối không được cho bé dùng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
>>> Bạn có thể quan tâm: 4 cách đơn giản giúp bạn chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Chăm sóc da cho trẻ sơ sinh
1. Cách chăm sóc da nhạy cảm cho bé
Làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên việc chăm sóc da cho bé cần phải được chú trọng. Việc chăm sóc da, chọn các sản phẩm chăm sóc da cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng: Bạn hãy chọn mua loại quần áo có chất liệu mềm, cắt bỏ nhãn mác. Dù sự cọ xát là nhẹ nhưng lặp đi lặp lại cũng có thể khiến da trẻ bị trầy xước dễ dẫn đến viêm nhiễm. Dùng xà phòng loại dành cho trẻ nhỏ hay cho da nhạy cảm để giặt đồ cho bé. Bạn nên dùng các sản phẩm nhẹ dịu đã được kiểm chứng lâm sàng để tránh kích ứng da.
- Hạn chế để da bé tiếp xúc với phân và nước tiểu: Bạn thay tã cho bé ngay sau khi bé tè hay ị. Chọn loại tã phù hợp cho bé. Việc không thay tã thường xuyên (kể cả tã vải, tã giấy) và môi trường nóng ẩm có thể khiến da bé bị nhiễm trùng, nhiễm nấm. Mỗi khi thay tã cho bé, bạn cần rửa sạch vùng mặc tã với chất làm sạch nhẹ dịu và lau khô cho bé.
- Tránh để các chất độc hại có thể ảnh hưởng đến mắt bé: Trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhắm mắt và bài tiết nước mắt nên bạn cần giữ bé tránh xa khói thuốc lá hoặc nơi môi trường bị ô nhiễm. Dùng các sản phẩm chăm sóc da và tóc nhẹ dịu, không gây cay mắt. Tránh các sản phẩm làm sạch có chứa cồn hoặc xà phòng có chất tẩy mạnh.
- Luôn giữ cho da bé có độ ẩm thích hợp: Khí hậu khô hanh hoặc tắm rửa nhiều quá có thể khiến da bé mất nước. Bạn nên thoa kem dưỡng da ở những vùng da khô hay bong tróc của bé.
- Hạn chế tác động đến sự cân bằng của các loại vi khuẩn thường trú trên da của trẻ: Các chủng vi khuẩn thường trú trên da trẻ sơ sinh có ngay sau khi bé sinh ra. Chúng hiếm khi gây bệnh trừ khi da có vết thương hở hoặc độ axit tự nhiên trên da bị phá hủy. Do vậy, bạn cần phải giữ cuống rốn luôn sạch và khô, thoáng. Tắm cho bé bằng loại sữa tắm nhẹ dịu và có độ pH cân bằng phù hợp với làn da của trẻ.
Ngoài ra, bạn nên cho trẻ tắm nắng hàng ngày để con có đủ lượng canxi cần thiết cho quá trình phát triển. Việc phơi nắng cho trẻ sơ sinh còn là cơ hội cho bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
>>> Bạn có thể quan tâm: Bí quyết chọn kem dưỡng da cho bé có làn da rất nhạy cảm đúng cách
2. Theo dõi tình trạng vàng da của trẻ sơ sinh
Tình trạng vàng da sơ sinh là khá phổ biến. Nhiều thống kê cho thấy 25 – 30% trẻ sinh đủ tháng và gần 100% trẻ sinh non, nặng dưới 1,5kg bị vàng da.
Trẻ sơ sinh bị vàng da sẽ rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nguyên nhân, tình trạng vàng da dễ gây ra biến chứng do tình trạng nhiễm độc thần kinh dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề. Do đó, bạn cần đưa con đi khám ngay nếu thấy bé có dấu hiệu vàng da.
Hãy lưu ý rằng tình trạng vàng da ở trẻ chỉ được coi là vàng da sinh lý tại thời điểm được khám nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn sau:
- Vàng da xuất hiện sau khi sinh 24 giờ.
- Bé bị vàng da và hết trong vòng 1 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng.
- Mức độ vàng da nhẹ (chỉ ở vùng mặt, cổ, ngực).
- Chỉ vàng da và không có các triệu chứng bất thường khác như trẻ bị thiếu máu, gan lách to, bé bỏ bú, lừ đừ…
- Nồng độ billirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ sinh đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ sinh thiếu tháng.
- Tốc độ tăng billirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Một số vấn đề khác trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh
1. Cho bé chích ngừa đầy đủ, đúng lịch: Cách chăm trẻ sơ sinh mẹ cần lưu ý
Bạn hãy tìm hiểu trẻ cần phải chích ngừa những vắc xin gì và chích như thế nào? Hãy cố gắng ghi nhớ lịch tiêm chủng cho trẻ và cho bé chích đầy đủ, đúng lịch. Việc cho trẻ chích ngừa vắc xin giúp trẻ tránh được nhiều bệnh nguy hiểm.
>>> Bạn có thể quan tâm: Trẻ trong tình trạng nào thì không nên chích ngừa vaccine?
2. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh: Theo dõi nhiệt độ của trẻ
Bạn nên mua một nhiệt kế để đo nhiệt độ cho trẻ bất cứ lúc nào. Khi thấy bé nóng sốt, bạn nên đo nhiệt độ cho bé trước khi cân nhắc đến việc có nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt hay không. Tùy theo thân nhiệt của bé, bạn có các điều chỉnh việc chăm sóc bé cho phù hợp:- Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh là 36,5 – 37,5°C.
- Nếu thân nhiệt của bé thấp hơn 36,5°C, bạn cần ủ ấm cho bé ngay.
- Nếu thân nhiệt của bé cao hơn 37,5°C, bạn nên bỏ bớt khăn, mền, cởi bớt quần áo, mũ, vớ, cho bé bú nhiều hơn, theo dõi nhiệt độ của bé thật kỹ.
- Nếu thân nhiệt của bé cao hơn 38°C, bé đã bị sốt. Bạn làm như trên, cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng và nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời.
- Ở nách: Bạn đặt nhiệt kế vào nách bé và giữ trong khoảng 2 phút, nhiệt độ ở nách cộng thêm 0,50C mới là nhiệt độ thực tế của bé.
- Ở hậu môn: Bạn đặt nhiệt kế vào hậu môn bé và giữ trong 1 phút, nhiệt độ đo được ở hậu môn chính là thân nhiệt thật của bé.
>>> Bạn có thể quan tâm: Làm gì khi trẻ bị sốt? Mách mẹ cách xử lý hiệu quả
3. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh hay khóc đêm
Một số trẻ sơ sinh sẽ hay khóc đêm (dân gian gọi là khóc dạ đề, Tây y gọi là hội chứng Colic). Khóc dạ đề thường gặp ở trẻ từ 2 – 16 tuần tuổi, cơn khóc của trẻ thường kéo dài khoảng 3 giờ hoặc hơn và hay xảy ra vào chiều, tối. Ngoài một số bệnh lý thực thể ở trẻ sơ sinh cần được bác sĩ nhi khoa khám và loại trừ, Colic là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ khóc đêm. Hội chứng này xảy ra ở 1/3 số trẻ sơ sinh và tự khỏi mà không cần phải điều trị. Bạn có thể tìm hiểu thêm về hội chứng Colic để biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh khóc đêm nhé.
Nếu việc mang nặng đẻ đau là một việc cực kỳ khó khăn thì việc chăm sóc trẻ sơ sinh càng khó hơn vạn lần, đặc biệt với những người lần đầu làm mẹ. Hello Bacsi chia sẻ một số kiến thức để giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh cũng như hiểu thêm về tâm lý của trẻ.
[embed-health-tool-vaccination-tool]
Từ khóa » Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh 1 đến 2 Tháng Tuổi
-
Cách Chăm Sóc Trẻ Từ 1 Đến 2 Tháng Tuổi | Bé Khỏe, Phát Triển Tốt
-
Cách Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Dưới 2 Tháng Tuổi - - Fysoline
-
Lịch Trình ăn, Ngủ Tham Khảo Cho Trẻ 1-2 Tháng Tuổi - Vinmec
-
Cách Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Vừa Chào đời Từ 0 đến 6 Tháng Tuổi
-
Cách Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh 2 Tháng Tuổi: Lưu ý Quan Trọng Cần Nhớ!
-
Trẻ Sơ Sinh Từ 1 đến 2 Tháng Tuổi: Sự Phát Triển Và Cách Nuôi Dạy Con ...
-
Cách Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Từ 0-6 Tháng Tuổi - Huggies
-
Trẻ 2 Tháng Tuổi: Phát Triển, Dinh Dưỡng, Vận động - Huggies
-
Cách Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Cho Người Lần đầu Làm Mẹ
-
11 Cách Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh 2 Tháng Tuổi Mẹ Cần Biết - Unica
-
Cẩm Nang Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Chi Tiết Từ 1 đến 12 Tháng Tuổi
-
Bác Sĩ Hướng Dẫn Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh 2 Tháng Tuổi - YouTube
-
Sự Phát Triển Của Trẻ Sơ Sinh 2 Tháng Tuổi Có Gì Thú Vị?
-
Cẩm Nang Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Từ 4 đến 6 Tháng Tuổi - Bio-acimin