Champions League Kém Hay Khi Bỏ Luật Bàn Thắng Sân Khách?

"Những trận cầu như Man Utd - Bayern hay Porto - Man Utd... ở Tứ kết Champions League năm nào sẽ không còn nữa. Bỏ luật bàn thắng sân khách sẽ làm giảm hết tính thú vị, bất ngờ mà bóng đá đem lại. Ví dụ, ở trận lượt đi, hai đội hòa nhau với tỷ số 1-1, nếu theo luật bàn thắng sân khách cũ, đội khách bắt buộc phải đá tấn công nếu không muốn bị loại. Còn giờ, khi luật mới được áp dụng, hai đội có thể đá kiểu chắc chắn, rình rập chứ không nhất thiết phải dồn lên tấn công sống chết để ghi bàn.

Rõ ràng, luật mới sẽ làm giảm đi sự hấp dẫn và kịch tính vốn có của Champions League. Đội cửa dưới đôi khi sẽ có lợi vì họ thường lấy được điểm tựa sân nhà để cầm cự đội cửa trên và khi làm khách, học sẽ không bị áp lực phải tấn công nữa mà có thể chọn lối đá tử thủ để kéo hai đội đến hiệp phụ rồi penalty. Hết tăng số đội đá vòng tròn ở vòng bảng rồi lại đến bỏ luật bàn thắng sân khách, C1 đúng là hết ý nghĩa danh giá".

Đó là quan điểm của độc giả Nguyen minh Duc xung quanh thông tin "UEFA bỏ luật bàn trên sân khách". Luật bàn trên sân khách là một phần của các trận đấu trong khuôn khổ UEFA từ khi được áp dụng năm 1965. Đã có những tranh cãi về việc có nên giữ luật này không nhiều năm qua. Nhiều HLV, người hâm mộ và các bên liên quan khác đã nghi ngờ tính công bằng và muốn xóa bỏ luật này. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến rằng việc bỏ luật bàn sân khách sẽ khiến các trận đấu đánh mất độ kịch tính và hấp dẫn đến phút cuối.

Cũng cho rằng việc bỏ luật bàn thắng sân khách sẽ làm giảm tính hấp dẫn của giải đấu, bạn đọc Quangminh.hanlong chia sẻ: "Đúng ra không nên bỏ luật này, bởi sẽ làm mất đi tính hấp dẫn của Champions League. Đội nhà đá trên sân của mình thì phải quyết tâm thắng chứ sao lại lo sợ thủng lưới? Còn đội khách cần phải tấn công để kiếm bàn để dẫn lợi thế cho trận lượt về. Cái đó đều là tính toán chiến thuật của hai đội cả. Đá sân nhà mà sợ thủng lưới thì cứ đi mà phòng ngự. Luật đưa ra là để cả hai bên phải chơi tấn công để kiếm bàn chứ không phải là lo sợ vì thủng lưới, bản chất là đem đến cho khán giả những trận cầu đôi công và kịch tính. Còn giờ bỏ đi thì các đội cứ đủng đỉnh mà đá, bàn thắng không có quá nhiều ý nghĩa".

Đồng quan điểm, độc giả Diệc Tà nhấn mạnh: "Vậy thì thời gian thi đấu sẽ càng kéo dài, cầu thủ sẽ chạy hết nổi và thở hồng hộc trên sân, đây là bước lùi 50 năm của bóng đá châu Âu. Các trận đấu sẽ càng lúc càng chán, và càng tàn phá thể lực cầu thủ, trong khi lịch thi đấu C1 từ năm 2024 trở đi lại tiếp tục dài hơn, và số lượng đội bóng lại càng tăng. Bởi vậy, các HLV, cầu thủ nói UEFA "không có tình người" là có lý do của nó cả".

>> Quyền lực của Messi

Luật bàn trên sân khách tồn tại từ năm 1965 và được áp dụng ở vòng knock-out các giải đấu cúp của UEFA, như Champions League hay Europa League. Với điều luật này, đội nào ghi nhiều bàn trên sân khách hơn sẽ nắm lợi thế. Trong trường hợp hai đội hòa nhau sau hai lượt trận, đội ghi nhiều bàn trên sân khách hơn, bao gồm cả thời gian hiệp phụ của trận lượt về, sẽ giành vé đi tiếp. Nhưng với thông báo của UEFA, luật này sẽ bị xóa bỏ sau gần 50 năm tồn tại. Nếu các trận đấu kết thúc với tỷ số hòa sau hai lượt trận, hai đội sẽ phải đá tiếp hai hiệp phụ kéo dài mỗi hiệp 15 phút, rồi đá luân lưu nếu vẫn hòa.

Với quan điểm ủng hộ thay đổi của UEFA, bạn đọc Dang Huan nhận định: 'Bỏ là đúng, điều này tôi đã có ý kiến từ lâu rồi. Mặc dù luật bàn thắng sân nhà, sân khách vẫn đảm bảo sự công bằng nhưng nó không hợp lý. Mục tiêu của bóng đá là bàn thắng mà phân biệt như vậy thì bàn thắng ở sân khách lại quan trọng hơn ở sân nhà? Cùng ghi được số bàn thắng như nhau nhưng đội thua, đội thắng. Hợp lý nhất khi hòa thì đá lại trên sân trung lập, hoặc tính chỉ số fairplay, bốc thăm. Sút luân lưu luôn cũng có thể chấp nhận được nhưng nếu đá hiệp phụ thì có thể gây mất công bằng vì có đội được đá trên sân nhà nhiều hơn".

"Luật bàn thắng sân khách làm cho các CLB và giới cầu thủ chán chường khi đã gỡ hòa nhưng phải dừng bước. UEFA bỏ luật này là đúng vì không thể để sự bất công như vậy. Theo tôi, không cần luật sân khách, cứ gỡ hòa khi kết thúc hai lượt là phải có hai hiệp phụ, nếu bất phân thắng bại thì đá luân lưu. Phải bỏ luật này thì giải đấu mới công bằng được", độc giả Qn94538 bổ sung.

Chỉ ra những điểm tích cực khi bỏ luật bàn thắng sân khác, bạn đọc Hero phân tích:

"- Thứ nhất, UEFA đưa ra quyết định hủy luật không phải bởi họ độc quyền ra quy định, mà đó là sự thống nhất sau nhiều cuộc họp của nhiều thành viên.

- Thứ hai, bóng đá vẫn sẽ hấp dẫn như bình thường vì luật bàn thắng sân khách chỉ một phần khuyến khích các CLB, cầu thủ tránh tính toán mà phải tấn công, ghi bàn. Nhưng, nếu sân nhà mà thắng cách biệt 2-3 trái thì đi sân khách vẫn tâm lý phòng thủ. Sân nhà có hòa 3-3, 4-4 thì sân khách vẫn cẩn thận chứ không ào lên tấn công... Hoặc khi thắng sân khách cách biệt 2-0, 3-0 thì về sân nhà vẫn cẩn thận và thi đấu chặt chẽ, tâm lý phòng thủ.

- Thứ ba, trong nhiều trận đấu, dù đang áp dụng bàn thắng sân khách, nhưng vẫn không thiếu những trường hợp tỷ số sân khách là 0-0, 1-1, 2-2... rồi về sân nhà cũng có tỷ số tương tự, trận đấu vẫn bị kéo dài thêm hiệp phụ và có thể là phạt luân lưu 11m.

Như vậy, luật bàn thắng sân khách cũng chỉ là một biện pháp tác động nhỏ, cũng có cả ưu và nhược điểm, có mặt tích cực và tiêu cực trong đó. Chúng ta không nên áp đặt suy nghĩ mà nhìn nhận thiển cận".

Thành Lê tổng hợp

>> Bạn nghĩ sao về quyết định bỏ luật bàn thắng sân khách của UEFA? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

  • 'Bóng đá khó chuyên nghiệp khi ông bầu thay việc huấn luyện viên'
  • 'Trọng tài phá nát bóng đá Việt'
  • Tuyển Việt Nam khó tiến xa nếu chỉ lo phòng ngự
  • Việt Nam nên chơi tấn công ở Vòng loại cuối World Cup
  • 'HLV Park nên trao cơ hội cho các nhân tố mới'
  • Việt Nam mơ gì ở Vòng loại thứ ba World Cup 2022?

Từ khóa » C1 đổi Luật