Chẩn đoán Và điều Trị Gãy Xương đòn - Bác Sĩ Luân

Gãy xương đòn (xương quai xanh) là một trong những loại gãy xương hay gặp nhất trên cơ thể. Nguyên nhân thường do chấn thương trong tai nạn giao thông hay tai nạn sinh hoạt. Vậy chẩn đoán và điều trị gãy xương đòn được thực hiện như thế nào?

1. Đại cương

Gãy xương đòn chiếm tỉ lệ 35-43% tất cả các gãy xương vùng vai và 4% gãy xương cả cơ thể.

Tùy theo vị trí gãy, gãy xương đòn được chia làm 3 loại: Gãy 1/3 ngoài, Gãy 1/3 giữa, Gãy 1/3 trong.

Gãy 1/3 giữa chiếm tỷ lệ 69%- 82% tất cả các trường hợp gãy xương đòn. Thường gặp ở trẻ em và thanh niên với lực chấn thương có năng lượng cao gây gãy nhiều mãnh, di lệch nhiều. Nếu ở người trên 70 tuổi thì thường do năng lượng thấp và xương gãy ít di lệch hơn.

Gãy 1/3 ngoài xương đòn chiếm 10% -30% các trường hợp. Các trường hợp gãy 1/3 ngoài thường không di lệch, dễ liền xương. Tuy nhiên nếu nhưng các trường hợp gãy không vững thời gian liền xương thường kéo dài hơn và tỉ lệ khớp giả trên phim x-quang có thể gặp từ 10%- 44%.

Gãy 1/3 trong xương đòn hiếm gặp. Nếu gãy 1/3 trong và xương di lệch ra sau cần cảnh giác các thương tổn mạch máu, thần kinh và các cơ quan nằm trong trung thất.

Hình ảnh gãy xương đòn trên phim X quang

2. Giải phẫu

Xương đòn là một xương dài, tạo nên phần trước của đai vai. Thân xương dẹt, cong hình chữ S. Phía ngoài khớp với mõm cùng vai, phía trong khớp với xương ức. Điểm yếu của xương đòn là ở chỗ nối giữa 1/3 ngoài và 1/3 trong thân xương.

Giải phẫu của xương đòn và vùng vai

Ở đầu ngoài, xương đòn nối với xương vai qua khớp cung đòn, dây chằng cùng đòn, dây chằng quạ đòn và dây chằng cùng quạ.

Dây chằng cùng đòn nằm trên bao khớp cùng đòn, tăng cường thêm độ vững cho bao khớp, bám vào mặt trong của mõm cùng vai và xương đòn ở vị trí cách 6mm tính từ khớp cùng đòn.

Dây chằng quạ đòn gồm có 2 bó (Trapezoid, Conoid), xuất phát từ nền mõm quạ xương vai và bám vào mặt dưới xương đòn. Dây chằng Trapezoid nằm ở phía ngoài, bám vào mặt dưới xương đòn cách khớp cùng đòn khoảng 2cm, dây chằng Conoid bám vào mặt dưới xương đòn, cách khớp cùng đòn 4mm.

Khoảng cách bình thường giữa mặt dưới xương đòn và mõm quạ (khoảng quạ – đòn) là 1,1- 1,3cm.

Ở đầu trong xương đòn khớp với xương ức qua khớp ức đòn. Khớp ức đòn là một khớp hoạt dịch và được cố định bởi các dây chằng ức đòn trước, ức đòn sau, sườn đòn và liên xương đòn.

Ngoài ra xương đòn cũng là nơi bám của một số cơ vùng vai như: Cơ ức đòn chủm, bó trước cơ Delta và cơ thang.

Tùy theo vị trí gãy xương, sự co kéo của các cơ tạo ra các lực biến dạng khác nhau.

3. Chẩn đoán gãy xương đòn

Triệu chứng lâm sàng

Có các dấu hiệu gãy xương như đau, sưng nề, bầm tím vùng vai bên gãy. Sờ nắn thấy điểm đau chói tương ứng vị trí ổ gãy. Có thể có lạo xạo xương. Giảm hoặc mất vận động cơ năng khớp vai.

Cần lưu ý các tổn thương mạch máu, đám rối thần kinh cánh tay, tràn khí, tràn máu màng phổi

Dấu hiệu X-quang

Chụp X-quang xương đòn

Giúp chẩn đoán xác định gãy xương đòn, vị trí gãy, mức độ di lệch phức tạp

Một số trường hợp có thể khảo sát bằng CT scan, đặt biệt là gãy ở đầu trong xương đòn

Chụp X-quang ngực

Để phát hiện xem có tràn máu – khí màng phổi, gãy xương sườn kèm theo hay không.

4. Phân loại

Phân loại theo Thomson dựa trên vị trí ổ gãy, di lệch và các biến chứng thần kinh mạch máu:

Type I: Tổn thương khớp cùng đòn

Type II: Gãy 1/3 ngoài xương đòn

Type III: Gãy 1/3 giữa xương đòn

Type IV: Gãy 1/3 trong xương đòn

A: Di lêch không hoàn toàn

B: Di lệch hoàn toàn, có hoặc không có mãnh rời

C: Tổn thương mạch máu thần kinh

Thomson đặc biệt lưu ý loại gãy IIIB, có nguy cơ khớp gỉa cao nếu điều trị bảo tồn vì thường có cơ thang chèn giữa ổ gãy.

5. Điều trị gãy xương đòn

Hiện nay có 2 phương pháp chính để điều trị gãy xương đòn là điều trị bảo tồn và điều trị bằng phẫu thuật

5.1. Điều trị bảo tồn

Mục tiêu của điều trị gãy xương đòn là phục hồi lại chức năng của khớp vai như trước khi bị gãy xương.

Chỉ định: Gãy xương đòn không di lệch hay di lệch ít (dưới 15mm)

Kỹ thuật: Có rất nhiều kỹ thuật điều trị bảo tồn gãy xương đòn nhưng 2 phương pháp thường được sử dụng nhất hiện nay là treo tay (sling) và băng số 8 (Figure-8-bandage)

Cố định xương đòn bằng áo treo tay (Áo Desault)
Cố định xương đòn bằng đai số 8

Điều trị bằng treo tay làm bệnh nhân dễ chịu hơn là băng số 8, tuy nhiên không có sự khác biệt về tỉ lệ liền xương. Cả 2 phương pháp này đều không cố định được ổ gãy sau khi đã nắn chỉnh.

Bệnh nhân cần được cố định từ 2 – 6 tuần. Sau 2 – 4 tuần bệnh nhân có thể vận động nhẹ khớp vai nhưng không nên đưa tay quá đầu. Các hoạt động nâng tay cao quá đầu, chơi thể thao, lao động nặng chỉ được thực hiện khi đã có dấu hiệu liền xương trên lâm sàng và X quang.

5.2. Điều trị phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật
Theo đặc điểm của gãy xương:

Di lệch > 2cm

Chồng ngắn > 2cm

Gãy nhiều mảnh

Gãy nhiều tầng

Gãy hở

Đe dọa chọc thủng da

Khám thấy xương bả vai sai vị trí hay lật ra

Các tổn thương phối hợp:

Tổn thương mạch máu cần khâu nối

Giảm chức năng thần kinh tiến triển

Có gãy xương hay tổn thương chi trên cùng bên

Gãy nhiều xương sườn lân cận

Khớp vai “bập bềnh”

Gãy 2 xương đòn

Các yếu tố bệnh nhân:

Đa chấn thương cần vận động sớm chi trên

Bệnh nhân mong muốn sớm có lại chức năng chi

Phương pháp phẫu thuật

Kết hợp xương đòn băng đinh nội tủy hay nẹp vít.

Phẫu thuật được thực hiên với tư thế bệnh nhân nằm ngữa hoặc tư thế “beach chair”, đầu cổ nghiêng về phía đối diện. Đặt một túi hơi dưới xương vai để giúp nắn xương và quan sát được vùng vai. Cánh cẳng tay cũng cần chuẩn bị để giúp kéo nắn thêm trong các trường hợp cần thiết

Kết hợp xương bằng nẹp vít

Đặt nẹp ở vị trí trước trên (trên mặt căng của xương) tạo ra sự vững chắc sinh cơ học hơn ở những nơi khác. Tuy nhiên đặt nẹp ở vị trí trước dưới cũng thành công về mặt lâm sàng. Các thuận lợi khi đặt nẹp trước dưới là ít có khả năng gây tổn thương phổi, màng phổi, bó mạch dưới đòn khi bắt vít và về lý thuyết cách đặt nẹp này ít gây ra sự kích thích với dụng cụ kết hợp xương. Đặt nẹp ở vị trí trước dưới cũng có một số bất tiện. Đó là cần phải bóc tách thêm mô mềm và khó tạo hình nẹp hơn, dù nẹp tạo hình trước cho từng vị trí gãy đã có sẵn

Kết hợp xương đòn bằng nẹp vít

Sử dụng nẹp DCP 3,5 mm hoặc nẹp có độ cứng tương tự với 6 lỗ là lý tưởng nhất. Các nẹp bán ống (semitubular), nẹp mỏng thường không đủ vững và không nên sử dụng. Nẹp dẽo (Reconstruction plates) dễ tạo hình thích hợp với xương đòn hơn cũng đã được sử dụng thành công nhưng cũng có nhiều thất bại đã được báo cáo. Nẹp khóa thường không cần thiết và cũng không thấy có ưu điểm hơn nẹp truyền thống nhưng giá rất đắt. Nẹp khóa chỉ nên sử dụng cho các bệnh nhân loãng xương.

Sau khi kết hợp xương nẹp vít đủ vững, bệnh nhâ có thể vận động khớp vai không hạn chế ngoại trừ động tác đưa tay quá đầu trong 4 -6 tuần sau mổ cho đến khi có dấu hiệu liền xương trên X quang.

Kết hợp xương bằng đinh nội tủy

Trong hơn 40 năm qua, có rất nhiều loại đinh nội tủy được dùng để kết hợp xương đòn: Đinh Hagie, đinh Hagie cải tiến, đinh Knowles, đinh Kirchner, đinh steimann, đinh đàn hồi, vit xốp, vít Herbett.

Nhiều cải tiến về dụng cụ kết hợp xương cũng như về kỹ thuật đã làm hồi sinh phương pháp đóng đinh nội tủy điều trị gãy xương đòn. So với nẹp vít, kỹ thuật đinh nội tủy ít cần bóc tách mô mềm hơn, thẩm mỹ hơn do đường mổ nhỏ và dễ tháo dụng cụ kết hợp xương hơn. Tuy nhiên kết hợp xương đinh nội tủy có nguy cơ di trú đinh đi nơi khác mặc dù với tỉ lệ thấp.

Về kỹ thuật, tư thế bn cũng giống như trong kết hợp xương nẹp vít, rạch da đường mổ nhỏ trên vị trí gãy.

Kết hợp xương đòn bằng đinh nội tủy

Sau mổ xương đòn bệnh nhân được phép vận động khớp vai sớm nhưng không dạng và nâng vai quá 90 độ trong 4 tuần đầu sau mổ.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Bài viết liên quan:

  1. Gãy xương cẳng chân: Chẩn đoán và hướng điều trị
  2. Gãy thân hai xương cẳng tay
  3. Cách chăm sóc bệnh nhân sau bó bột
  4. Gãy mấu chuyển xương đùi
  5. Thời gian rút đinh/tháo nẹp xương sau bao lâu là tốt nhất?
  6. Tìm hiểu chung về gãy xương và các phương pháp điều trị gãy xương
  7. Gãy xương sườn thương tật bao nhiêu phần trăm?
  8. Gãy xương đòn thương tật bao nhiều phần trăm?
  9. Gãy tay tỷ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm?
  10. Gãy chân tỷ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm?

Từ khóa » Giải Phẫu X Quang Xương đòn