Chẩn đoán Và điều Trị Viêm Bàng Quang Cấp - Sỏi Tiết Niệu
Có thể bạn quan tâm
Viêm bàng quang cấp là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính tại bàng quang. Biểu hiện lâm sàng thường có hội chứng bàng quang rõ với tiểu buốt, tiểu dắt, có thể có tiểu máu, tiểu mủ ở cuối bãi. Xét nghiệm nước tiểu có bạch cầu niệu và vi khuẩn niệu. Bệnh thường gặp ở nữ với tỷ lệ nữ/nam = 9/1. Chẩn đoán và điều trị phụ thuộc vào các thể lâm sàng: viêm bàng quang cấp thông thường hay viêm bàng quang cấp biến chứng.
1. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH
1.1. Các loại vi khuẩn thường gặp:
Vi khuẩn gram(-) chiếm khoảng 90%, vi khuẩn gram(+) chiếm khoảng 10%. Thường gặp là:
– Escherichia coli: 70 – 80% người bệnh.
– Proteus mirabilis: 10 – 15% người bệnh.
– Klebsiella: 5 – 10% người bệnh.
– Staphylococus saprophyticus: 5 – 10% người bệnh.
– Pseudomoras aeruginosa: 1 – 2% người bệnh.
– Staphylococus aereus: 1 – 2% người bệnh.
1.2. Nguyên nhân thuận lợi:
– Phì đại lành tính hoặc u tuyến tiền liệt.
– Sỏi, u bàng quang.
– Hẹp niệu đạo, hẹp bao qui đầu.
– Đái tháo đường.
– Có thai.
– Đặt sonde dẫn lưu bàng quang hoặc can thiệp bàng quang, niệu đạo…
2. CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
2.1. Chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang cấp thông thường ở phụ nữ
2.1.1. Chẩn đoán: Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng.
a) Lâm sàng:
– Có hội chứng bàng quang rõ với tiểu buốt, tiểu dắt, có thể tiểu máu, tiểu mủ cuối bãi.
– Có thể có đau nhẹ vùng trên khớp mu khi bàng quang căng.
– Đôi khi triệu chứng không điển hình, chỉ có nóng rát khi đi tiểu hoặc tiểu dắt.
– Thường không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ ( nhiệt độ < 38oC).
b) Cận lâm sàng:
– Xét nghiệm nước tiểu:
+ Bạch cầu niệu dương tính từ (++) đến (+++) (> 10^4 bạch cầu/ml). Tuy nhiên khi trên kính hiển vi soi có nhều bạch cầu đa nhân thoái hóa ở mẫu nước tiểu tươi thì không cần đến số lượng > 104 bạch cầu/ml nước tiểu vẫn được chẩn đoán.
+ Nitrit niệu (+)
+ Vi khuẩn niệu > 105/ml nước tiểu cấy. Tuy nhiên chỉ cần cấy nước tiểu khi điều trị thông thường không đáp ứng hoặc tái phát.
+ Không có protein niệu trừ khi có tiểu máu, tiểu mủ đại thể.
– Xét nghiệm máu:
+ Thường không cần xét nghiệm.
+ Bạch cầu máu thường không cao.
– Siêu âm: Có thể thấy thành bàng quang dày hơn bình thường.
– Soi bàng quang. Hình ảnh viêm bàng quang
Hình ảnh viêm bàng quang khi soi bàng quang
2.1.2. Điều trị:
Thường điều trị kháng sinh một liệu trình ngắn từ 3- 5 ngày, có thể dùng một trong những thuốc sau:
– Trimethoprim sulfamethoxazol: viên 480 mg, uống 1-2 viên/lần, 2 lần/ngày cách nhau 12 giờ trong 3 – 5 ngày.
– Cephalexin: viên 500 mg, uống 1- 2 viên/lần, 2 lần/ngày cách nhau 12 giờ trong 5 ngày.
– Nitrofurantoin: viên 100 mg, uống 1 viên/lần, 2 lần/ngày cách nhau 12 giờ trong 5 ngày.
– Amoxycillin + Clavulanate: viên 625 mg, uống 1 viên/lần, 2 lần/ngày cách nhau 12 giờ trong 5 ngày.
– Nhóm Fluoroquinolones không phải là lựa chọn đầu tay trừ khi điều trị các kháng sinh khác thất bại hoặc đã tái phát. Thuốc thường được chọn là Norfloxacin 400 mg, uống mỗi lần 1 viên cách nhau 12 giờ trong 3 – 5 ngày.
Uống đủ nước, nước tiểu ít nhất > 1,5 lít/24h và không nhịn tiểu quá 6 giờ là một yếu tố quan trọng giúp điều trị và dự phòng nhiếm khuẩn.
2.2. Chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang cấp ở phụ nữ có thai:
2.2.1. Chẩn đoán:
Viêm bàng quang cấp ở phụ nữ có thai triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng cũng như viêm bàng quang cấp thông thường. Để tránh viêm thận bể thận cấp dễ gây sảy thai cần điều trị sớm. Nên cấy nước tiểu trước khi dùng kháng sinh. Cần lựa chọn kháng sinh không ảnh hưởng đến thai nhi. Thời gian điều trị cũng nên kéo dài hơn, trung bình là 1 tuần lễ. Khi có vi khuẩn niệu > 105/ml thì dù không có triệu chứng lâm sàng vẫn cần được điều trị. Vì vậy nên chủ động xét nghiệm nước tiểu và cấy nước tiểu khi khám thai định kỳ, đặc biệt là ở những thai phụ đã có tiền sử nhiễm khuẩn tiết niệu để khẳng định có vi khuẩn niệu (+) hay không.
2.2.2. Điều trị:
Có thể dùng một trong những thuốc sau:
– Cephalexin: viên 500 mg, uống 1-2 viên/lần, 2 lần/ngày cách nhau 12 giờ trong 7 ngày.
– Amoxycillin + Clavulanate: viên 625 mg, uống 1 viên/lần, 2 lần/ngày cách nhau 12h trong 7 ngày.
– Nếu cấy có vi khuẩn niệu (+), lựa chọn theo kháng sinh đồ.
– Tránh sử dụng nhóm fluoroquinolones và Trimethoprim- Sulfamethoxazol do các thuốc này có nguy cơ gây quái thai và ảnh hưởng đến thai nhi ngay cả ở những tháng cuối của thai kỳ. Cũng không dùng nitrofurantoin ở 3 tháng cuối thai kỳ vì có nguy cơ tan huyết sơ sinh.
– Uống đủ nước và không nhịn tiểu cũng là rất cần thiết.
2.3. Chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang cấp ở nam giới:
2.3.1. Chẩn đoán:
Chẩn đoán viêm bàng quang cấp ở nam giới cũng dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như viêm bàng quang cấp thông thường ở nữ giới. Điều quan trọng là cần tìm nguyên nhân liên quan như viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn … để có lựa chọn kháng sinh và thời gian điều trị cho thích hợp. Khi chưa rõ có nguyên nhân liên quan, thời gian dùng thuốc cũng nên kéo dài hơn.
2.3.2. Điều trị:
Nên ưu tiên dùng nhóm quinolone vì thuốc có khả năng thâm nhập vào mô tuyến tiền liệt tốt nhất. Có thể dùng một trong những thuốc sau:
– Trimethoprim – sulfamethoxazol: viên 480 mg, uống 2 viên/lần, 2 lần/ngày trong 7- 10 ngày.
– Cephalexin: viên 500 mg, uống 2 viên/lần, 2 lần/ngày trong 7- 14 ngày.
– Amoxycillin + Clavulanate: viên 1000 mg, uống 1 viên/lần, 2 lần/ngày trong 7- 14 ngày.
– Norfloxacin viên 400 mg, uống 1 viên/lần, 2 lần/ ngày trong 7-14 ngày.
– Uống đủ nước và không nhịn tiểu quá 6 giờ.
– Nếu phát hiện được các nguyên nhân như: viêm tuyến tiền liệt cấp hoặc mạn tính … sẽ có phác đồ điều trị riêng.
2.4. Chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang cấp biến chứng:
2.4.1. Chẩn đoán:
Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như viêm bàng quang cấp thông thường.
– Phát hiện được một trong các nguyên nhân thuận lợi thường gặp: tắc nghẽn đường bài niệu (sỏi, u, nước tiểu tồn dư > 100 ml, bàng quang thần kinh, đặt sonde bàng quang hoặc soi bàng quang, can thiệp niệu đạo (vi khuẩn bệnh viện kháng thuốc), đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.)
– Cần cấy nước tiểu trước khi dùng kháng sinh. Khi có triệu chứng lâm sàng tiểu buốt, tiểu rắt thì số lượng bạch cầu niệu < 104 bạch cầu/ml và vi khuẩn niệu < 105 vi khuẩn/ml vẫn được chẩn đoán là nhiễm khuẩn tiết niệu, nhất là khi có nguyên nhân thuận lợi hoặc những vi khuẩn ít gặp (tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh…).
– Thời gian dùng kháng sinh cũng cần kéo dài hơn.
2.4.2. Điều trị:
Có thể dùng một trong những thuốc sau:
– Các thuốc nhóm quinolon, viên 400 mg, 500 mg, uống 1 viên/lần, 2 lần/ ngày trong 10- 14 ngày.
– Amoxycilline + Clavulanate viên 1 gram, uống 1 viên/lần, 2 lần/ ngày trong 10- 14 ngày.
– Nếu nước tiểu có vi khuẩn niệu (+) sẽ dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ. v Điều trị loại bỏ nguyên nhân thuận lợi nếu có thể loại bỏ được:
– Lấy sỏi, u…
– Rút sonde hoặc thay sonde bàng quang. v Uống đủ nước và không nhịn tiểu quá 6 giờ.
2.5. Chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang cấp hay tái phát
2.5.1. Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm bàng quang cấp hay tái phát khi có viêm bàng quang cấp > 4 lần trong năm. Nếu cấy vi khuẩn thì thường gặp cùng một loại vi khuẩn gây bệnh. Khi có viêm bàng quang cấp hay tái phát cũng cần phải tìm kiếm các nguyên nhân thuận lợi đi kèm.
2.5.2. Điều trị
Sau điều trị đợt kháng sinh như viêm bàng quang cấp thông thường, nên xem xét việc tiếp tục điều trị duy trì. Có thể dùng một trong các phác đồ sau:
– Dùng một liều kháng sinh trước hoặc sau quan hệ tình dục. Ví dụ:
+ Trimethoprim- sulfamethoxazol viên 480 mg, uống 1 viên.
+ Noroxin viên 400 mg uống % viên
+ Nitrofurantoin viên 100 mg uống 1 viên.
– Dùng kháng sinh liều thấp hàng ngày, vào buổi tối trước khi đi ngủ, kéo dài 3 tháng hoặc hơn.
+ Trimethoprim- sulfamethoxazol viên 480 mg uống % viên.
+ Nitrofurantoin viên 50 mg: uống 1 viên
+ Cephalexin viên 250 mg: uống 1 viên.
+ Norfloxacin viên 400 mg uống % viên.
+ Ciprofloxacin viên 250 mg uống % viên.
Uống nhiều nước để nước tiểu ít nhất > 1,5 lít/ 24h và không nhịn tiểu quá 6 giờ là rất quan trọng.
2.6. Một số tác dụng phụ của thuốc và tương tác thuốc:
– Nhóm fluoroquinolon: Không dùng nhóm quinolon cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 15 tuổi, người có tiền sử co giật và có tiền sử dị ứng với thuốc. Thận trọng dùng Peflacin ở người bệnh có suy gan nặng.
– Nhóm beta-lactam: Thuốc có khả năng gây sốc phản vệ nên chống chỉ định khi có tiền sử dị ứng với penicilin hoặc các thuốc trong nhóm. Giảm liều khi mức lọc cầu thận <30 ml/1 phút đối với những sản phẩm có acid clavulanic và sulbactam.
– Nhóm sulfamid: Thuốc ít có tác dụng phụ. Đôi khi có phản ứng dị ứng nặng kiểu hội chứng Steven-Johnson, giảm bạch cầu hạt. Chống chỉ định dùng thuốc khi có suy gan, suy thận nặng, phụ nữ có thai, quá mẫn cảm với thuốc.
2.7. Tiên lượng:
– Đối với thể viêm bàng quang cấp thông thường: Có tiên lượng tốt, bệnh thường khỏi hẳn sau một liệu trình kháng sinh ngắn phù hợp. Tuy nhiên vi khuẩn vẫn có khả năng ngược dòng lên niệu quản, bể thận, thận gây viêm thận, bể thận cấp, một tình trạng cấp cứu nội khoa. Bệnh cũng có thể tái phát. Nếu viêm tái phát từ 4 lần trở lên trong 1 năm thì cần có thái độ điều trị dự phòng. Khi viêm kéo dài hoặc hay tái phát để lại nhiều sẹo xơ được chẩn đoán là viêm bàng quang mạn tính.
– Đối với thể viêm bàng quang cấp có nguyên nhân thuận lợi biến chứng thì tiên lượng dè dặt hơn. Bên cạnh việc điều trị kháng sinh chống nhiễm khuẩn, cần điều trị loại bỏ nguyên nhân thuận lợi nếu có thể điều trị được thì mới có tiên lượng tốt. Liệu pháp kháng sinh chống nhiễm khuẩn đòi hỏi dài ngày hơn.
3. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bệnh học nội khoa tập 1,2012. Nhà xuất bản Y học.
2. Hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở Việt Nam,2013. Hội thận học Việt Nam.
3. Robert B. Taylor, 1997. Manual of Family Practice. First edition. Little, Brown and Company, Boston Massachusetts.
4. Massry & Glassock’s, 2002. Text book of Nephrology. Fourth edition. Lippincott Williams & Wilkins.
5. Therapeutic Guidelines Antibiotic, 2010. Version 14. Therapeutic Guidelines Limited, Melbourne.
6. Grabe M., Bjerklund – Johansen T.E., H Botto et al, 2012. Guidelines on Urological Infections. European Association of Urology.
Xem thêm: – Nguyên tắc điều trị kháng sinh trong nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Website Soitietnieu.com được xây dựng và quản lý bởi Bs Mai Văn Lực. Chúng tôi hỗ trợ khám và điều trị các bệnh lý Ngoại khoa tiết niệu tại các bệnh viện uy tín do các bác sĩ giỏi, giáo sư đầu ngành trực tiếp khám và điều trị.Liên hệ: 0984 260 391 - 0886 999 115
Từ khóa » Chẩn đoán Viêm Bàng Quang Xuất Huyết
-
Hiểu Hơn Về Viêm Bàng Quang Xuất Huyết Và Cách điều Trị
-
Viêm Bàng Quang Xuất Huyết: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách ...
-
Viêm Bàng Quang: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và Phòng ...
-
Hiện Tượng Xuất Huyết ở Bàng Quang - Vinmec
-
4 Biến Chứng Viêm Bàng Quang Nguy Hiểm Nhất Cần Cảnh Giác
-
Viêm Bàng Quang - Dieutri.Vn
-
VIÊM BÀNG QUANG CẤP
-
Nhiễm Trùng đường Niệu Do Vi Khuẩn - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
[ THÔNG TIN ] 3 Cách điều Trị Viêm Bàng Quang Xuất Huyết Hiệu Quả ...
-
Viêm Bàng Quang Xuất Huyết: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách ...
-
Viêm Bàng Quang Xuất Huyết: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Nguy Hiểm ...
-
Thông Tin Về Viêm Bàng Quang Nữ Và Cách điều Trị • Hello Bacsi
-
Viêm Bàng Quang Xuất Huyết ở Nữ Giới: Nguyên Nhân, Triệu Chứng ...
-
Kháng Sinh điều Trị Viêm Bàng Quang Cấp - Health Việt Nam