Chân Dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 1: 30 Năm Vẫn Còn Là Bí Mật
Có thể bạn quan tâm
Phạm Xuân Ẩn - Ông là ai?
Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn.sinh ngày 12-9-1927 tại Biên Hòa và mất ngày 20-9-2006 tại TP.Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi.
Những ngày này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, một số hãng thông tấn nước ngoài đều đưa tin nhà tình báo vĩ đại, tầm cỡ thế giới, nhà báo chuyên nghiệp đã ra đi.
Những nhân vật nổi tiếng thường chinh phục người khác bằng tài năng của chiến công, nghị lực và sức tỏa sáng từ phẩm chất của họ. Nhưng với Phạm Xuân Ẩn, hình như là một ngoại lệ. Trông bề ngoài ông cũng như bao người bình thường khác, thật khó phát hiện điều gì ẩn chứa bên trong.
Năm 2002, sau gần 10 năm tiếp cận ông Ẩn, nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã hoàn thành cuốn sách về ông với tựa đề Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời. Tác giả đã đi vào chiều sâu tinh tế rất khó lột tả về tư chất, phong thái, nghề nghiệp ở ông.
Vẻ thầm lặng đôi lúc hài hước của ông có cái gì đó rất đặc biệt. Cuốn sách đã phác họa chân dung với đầy đủ ý nghĩa cao quý của con người như lúc sinh thời ông Ẩn thường tâm niệm: Tôi chiến đấu cho độc lập và công lý xã hội.
Trong sách có đoạn viết: “Vị tướng đã yếu do bệnh và tuổi cao. Dáng đi của ông hơi còng xuống, do cao gầy, hay là do thân thể ấy đã mang vác một cuộc đời quá phong phú và gian truân. Chỉ vẻ mặt, đôi mắt to đen, thông minh và đôi tai to, người trong nghề nhạc gọi là đôi tai thẩm âm tốt, làm toát lên vẻ linh hoạt trẻ trung của một trí tuệ vẫn mạnh mẽ”.
Cùng chung một cảm nhận với nhà báo, nhà văn Ngọc Hải, năm 2005, Jean-Claude Pomonti, nhà báo Pháp kỳ cựu của nhật báo Le Monde, người nhiều năm quen biết, tác nghiệp cùng ông Ẩn đã viết cuốn sách về ông với tựa đề: Người Việt thầm lặng (Nhà xuất bản Editions des Equateurs) đánh giá rất cao phẩm chất làm báo của ông Ẩn. Hơn thế, từ vỏ bọc một nhà báo chuyên nghiệp ở văn phòng tạp chí Time, ông Ẩn đã làm nên sự bất ngờ, bởi chiến công của nhà tình báo chiến lược trong cuộc chiến tranh Việt Nam. “Phạm Xuân Ẩn, người Việt Nam mà phía Mỹ ưa chuộng nhất đã lừa chính quyền Hoa Kỳ từ đầu đến cuối”.
Với trên 200 trang sách, Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời, một cuốn truyện ký văn học của Nguyễn Thị Ngọc Hải lần đầu tiên đã giới thiệu con người này với công chúng. Sau đó có các nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước đã và sẽ viết về ông. Nhưng với tác phẩm này, đã gây được dấu ấn đối với bạn đọc, đặc biệt trong giới chính trị, quân sự, tình báo và với những người viết văn. Cuốn sách đã đoạt giải thưởng loại A của “Giải thưởng văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 1995-2005” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Rất nhiều bạn đọc đã đề nghị chúng tôi cung cấp thêm thông tin về con người vĩ đại mà bí ẩn này. Được sự cho phép của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu lần lượt từng chương sách. Hy vọng với bút lực của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, bạn đọc sẽ được gặp gỡ Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn trong cuộc đời, như một con người bằng xướng bằng thịt.
.......................................
Phóng to |
Peter thuyết phục một cách đầy hứng khởi. Ông ta còn đề nghị cái tựa cho quyển sách ấy: A man of honor: The life of Pham Xuan An.
Bây giờ Peter đi dạy học và viết sách: Khi Miền Nam giải phóng, ông ta về nước, dẫn theo cô bồ người Việt. Trong khoảng thời gian dài sau này hình như họ đã ly dị. Thì Phạm Xuân Ẩn, năm nay cũng đã ngoài 70, vẫn tính hài hước đặc sắc: “Thành họ nhà ma rồi còn gì” - Thời gian đang trôi nhanh. Nói như triết, thì chẳng có gì mất đi hết, mặc dù chẳng có cái gì tồn tại mãi. “Chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Các yếu tố tinh thần có như vậy không? Nó có chuyển các đặc điểm của mình vào các thế hệ sau? Hay là nó mang đi theo các người già nằm xuống? Có người không chịu viết hồi ký, vì dù có khách quan đến mấy thì cũng viết về mình - Mà con người ta thường nhớ kỹ những điều hay, quên đi điều dở… Nhưng cuộc đời của vô số trong số họ, đã là tài sản tinh thần, là những số phận cụ thể không có viện bảo tàng nào giữ được, nếu họ không ghi lại… Rồi đến con cái cũng chẳng hiểu ngày xưa bố mẹ mình làm gì. Đó là những lý thuyết đối chọi nhau trong việc viết hồi ký.
Với Phạm Xuân Ẩn, lý do cũng mang đậm màu sắc khó tả: Ông không viết hồi ký, từ chối tất cả các cuộc gặp gỡ báo chí để viết về ông. Tuy nhiên ông sẵn sàng gặp với tư cách đồng nghiệp hay tình bạn. Vừa mang đặc điểm thận trọng của nghề tình báo, vừa là ý thích của một “ông già” tự thấy cần một cuộc sống thanh thản. Luôn tự trào, nhìn mọi việc bằng cái nhìn hài hước: “Chẳng có ông già nào không bảo thủ hết. Thay đổi là khó chịu. Dọn nhà là khổ. Tụi trẻ đang lên, anh này lấy cô kia, chẳng sợ thay đổi. Nó chưa trải. Hồi nhỏ mình bạt mạng, nay thấy con cái bạt mạng lại không cho. Thì mày trả giá bằng cuộc đời mày. Học bài người khác trả tiền hơn là học bài mình trả…”
Ông đã trải đời mình cùng với lịch sử kháng chiến của Việt Nam, là quân nhân trong ba quân đội khác nhau. Tham gia Vệ quốc đoàn khi 18 tuổi, bị trả về vì thiếu súng đạn, vũ khí lúc đó dành cho thành phần cơ bản. Ông hòa vào phong trào học sinh sinh viên Trần Văn Ơn tại Sài Gòn năm 1950.
Trở thành lính trong quân đội Pháp, không phải lính bộ binh, mà là bí thư cho trưởng phòng lo về chính trị trong quân đội. Khi hòa bình lập lại ở Đông Dương sau hội nghị Genève, Mỹ can thiệp dựng Ngô Đình Diệm với chủ trương phá hoại Hiệp định, không chịu tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam sau hai năm như đã ký kết. Mỹ đổ tiền của vào Việt Nam để giúp họ Ngô đứng vững. Ba cơ quan như cái trụ ba chân được thành lập: Phòng thông tin Mỹ (USIS), Quân sự (MAAG) và kinh tế hành chính (USOM). Đến năm 1962 USIS đổi tên là JUSPAO và MAAG lấy tên là MACV, USOM lấy tên là USAID. Ông Ẩn do có tiếng Anh và thạo nghề, nên lại trở thành nhân viên dịch thuật tại Bộ Tổng tham mưu, tham dự vào việc thành lập những sư đoàn đầu tiên do Mỹ tuyển chọn và đào tạo.
Năm 1957 ông là sinh viên Việt Nam đầu tiên đến học về báo chí ở quận Cam và sống ở California trong hai năm. Ngày nay trong cuốn niên giám của trường Đại học Columbia của Mỹ, ở trang 2 in hình và giới thiệu về chàng sinh viên Việt Nam với tên Pham An, như mọi cuốn kỷ yếu của các trường học. Nhưng không ai biết được ngoài việc học thực sự kiến thức, chàng sinh viên ấy đã trở thành Đảng viên Cộng sản từ năm 1953, được chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào Chiến khu D từ 1952.
Sang Mỹ học, Ẩn còn có nhiệm vụ tìm hiểu về văn hóa Mỹ vì Đảng đã nhìn thấy sự dính líu sâu sắc của Mỹ đối với Việt Nam. Muốn chiến thắng kẻ thù này, việc đào tạo những người có điều kiện như Ẩn, “chuyển qua làm với Mỹ, phải được đào tạo trình độ phù hợp với yêu cầu của Mỹ”. Sau khi học ở Mỹ về, Phạm Xuân Ẩn hành nghề báo chí, từ Việt Tấn xã dưới thời Ngô Đình Diệm, cho tới làm phóng viên cho các hãng nước ngoài tại Việt Nam như Reuters, Time… Ông là người Việt Nam duy nhất vào biên chế của hãng nước ngoài với lương rất cao thời đó, 750 đô la một tháng. Phạm Xuân Ẩn hành nghề báo chí và trở thành ký giả thực sự có tên tuổi. Chỉ có điều khác lạ là ông còn trở thành một vị Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông? Đó là một nhân cách, một tài năng. Đời ông là một câu trả lời lớn cho nhiều câu hỏi vẫn làm đau đầu nhiều người bạn Mỹ của ông. Đến hôm nay họ quay lại đất nước này vẫn tìm ông để mong có câu giải đáp vì sao Mỹ thất bại ở Việt Nam. Vì sao một trí thức giỏi và sống có nhân cách theo “kiểu Mỹ” như ông Ẩn lại có thể là người đứng trong tổ chức chặt chẽ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của ngành tình báo vốn đầy hiểm nguy? Có những người Mỹ là bạn cũ trong giới báo chí của ông, nay đã mất nhưng dặn lại con cái họ sang Việt Nam hãy tìm đến ông Ẩn. Họ nói sẽ học được nhiều ở con người đó. Quả thật, cuốn sách viết về ông nên có tên là “Người có cuộc đời bí ẩn như cái tên” - chứ không cần đến cái tựa đề của Peter Ross Range đề nghị.
Bởi vì, cuộc đời ông không được ông viết ra bao giờ. Năm 1989, 14 năm sau ngày miền Nam giải phóng, Morley Safer chủ biên Chương trình 60 phút nổi tiếng của đài truyền hình CBS đã trở lại Sài Gòn, gặp ông Phạm Xuân Ẩn như người bạn làm báo cũ trong thời kỳ chiến tranh. Cuộc gặp gỡ này đã được viết thành hẳn một chương trong cuốn sách Hồi tưởng: Khi trở lại thăm Việt Nam của Morley Safer do Nhà xuất bản Random House xuất bản năm 1989.
Hãy xem dưới mắt nhà báo phương Tây, ông Ẩn đã hiện ra như thế nào:
“Phạm Xuân Ẩn đang đứng nơi cổng sắt đã mở sẵn với một cặp chó Đức kèm sát bên. Ẩn và những con chó thân yêu của anh ta. Anh ta thường dắt chó đi khắp nơi, hay uống café buổi sáng ở khách sạn Continental với con chó Đức thò cái mõm đen ra khỏi gầm bàn. Anh ta tiến về phía tôi, mở rộng vòng tay choàng ôm hôn, một cung cách ít thấy ở người Việt”.
Có lẽ Morley Safer đang sống lại những cảm xúc của một thời đã xa, khi họ còn làm báo ở Sài Gòn và Continental là nơi họ tụ họp mỗi buổi sáng vừa điểm tâm vừa trao đổi tin tức. Với Morley, lúc đó Ẩn là nhà báo thực thụ của tuần báo Time, người rất nhạy bén về các vấn đề thời cuộc, cả chính trị lẫn quân sự. Anh có nhiều mối quen biết quan trọng.
Lại lời Morley Safer: “Ở tòa báo Time anh được coi là người khôn khéo. Ẩn luôn luôn được giao nhiệm vụ thuyết trình cho nhóm phóng viên mới tới. Và cũng chính anh ta là người gỡ mối cho những vấn đề chính trị rối mù của chính giới Việt Nam lúc đó. Anh là người cởi mở, dấn thân và có óc hài hước, luôn được niềm nở tiếp đón trong các giới quân sự và ngoại giao Việt - Mỹ và cũng là một trong số rất ít ký giả Việt được cho phép tham dự các buổi thuyết trình hạn chế của phái bộ Mỹ”.
Khi Morley đến gặp Phạm Xuân Ẩn muốn có người cùng đi là Patti Hassler - nhà sản xuất Chương trình 60 phút vì Morley không muốn ghi chép như mọi lần hành nghề khác. Ông muốn có một nhân chứng cho cuộc gặp này, để mọi chi tiết đều được ghi nhớ. Morley đã bộc bạch cái cảm giác của người bình thường vẫn có khi bị làm nhân vật cho người khác phỏng vấn. Đấy là cảm giác rất thật mà dân nhà nghề đã quan sát được ở các nhân vật của mình. Thật chẳng an tâm chút nào khi đang nói mà có người ghi chép, hoặc dễ sợ hơn nữa là có người dùng máy ghi âm. Và Morley đã gặp ông Ẩn trong tư thế những bạn bè cũ cùng nghề, trao đổi về thời cuộc.
“Ẩn rất ít thay đổi” - Morley viết - “Nay đã 61 nhưng trông anh vẫn ở cái tuổi cách đây 30 năm. Có thể nói dáng anh vốn lòng khòng nay thêm gầy đi và khô đét…”
Morley nói ông Ẩn còn là một bí mật. Thật ra điều đó chỉ đúng với cảm giác của Morley, còn với người Việt Nam thì ông nếu có là một bí mật thì chỉ là vì ông ít bộc bạch cuộc đời mình. Người Việt Nam đều biết ông là Anh hùng tình báo, một Thiếu tướng được kính trọng. Không ai còn hỏi như Morley hỏi hôm đó: “Anh đang còn là một bí mật. Dân chúng vẫn chưa biết chắc là anh hoạt động cho phe nào. Vậy sự thật ra sao?”
“Ẩn cười lớn: Sự thật? Sự thật nào mới được chứ? Có một sự thật là trong 10 năm tôi là phóng viên cho tòa soạn tuần báo Time và trước đó làm cho hãng Reuters. Một sự thật khác nữa là tôi gia nhập phong trào cách mạng từ năm 1944 và là thành viên của họ từ đó với các chức vụ khác nhau. Hai sự thật, hai sự thật… đều thật”.
Trong cái nhìn của Morley, ông Ẩn là một sự bí ẩn, cũng khó giải thích và có những vấn đề chưa thể hiểu hết như chính cuộc chiến ở Việt Nam mà Mỹ thất bại. Vậy là đối với các ký giả Mỹ như thế này, nhiệm vụ của họ là “hai trong một”. Hiểu được những con người như Phạm Xuân Ẩn cũng có thể tiến gần tới việc hiểu vì sao Mỹ thua cuộc. Và nếu nghề nghiệp thúc đẩy họ với bản chất nghề báo “A nose for news” thì họ còn muốn biết hơn thế: Nhìn nhận con đường phát triển hiện tại của nước Việt Nam thông qua một con người đáng tin cậy. Ý muốn đó thôi thúc Morley do phẩm chất cá nhân, và cũng do sự khách quan của một ký giả lỗi lạc. Theo Morley, trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, chính ông Ẩn là người đã thuyết phục giới chức Mỹ đem đi di tản một số bạn hữu của mình rời khỏi Việt Nam. Ông Ẩn cũng thu xếp để vợ và 4 con lên máy bay, còn mình thì ở lại.
Nhà báo Morley sau gần 15 năm Sài Gòn được giải phóng, vẫn không hiểu làm thế nào ông Ẩn có thể giữ được bí mật tung tích riêng trong suốt thời gian đó. Ông Ẩn đã bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng ra sao? Ông phải làm nhiệm vụ gì trong suốt thời gian làm báo, và ông có “làm gì” trong báo Time không? Ông có cách nào chuyển tin tức đi? Ông có sợ mình bị phát hiện không? Điều gì xảy ra sau cái hôm mọi người di tản? Tại sao cuộc cách mạng lại còn nhiều điều chưa thành công trong cải cách? Người ta có rình rập ông không? Ông có được quyền ra đi không? Ông có bao giờ hối tiếc về những điều đã làm và bây giờ ông đã thấy kết quả?...
Chỉ xem qua những câu Morley hỏi cũng đủ biết người Mỹ còn vất vả, thậm chí có những điều họ sẽ không sao hiểu hết trong mọi câu trả lời của Phạm Xuân Ẩn. Dĩ nhiên, ông không trả lời theo công thức hoặc ít ra cũng là để “giữ mình” một cách cần thiết. “Tại sao cuộc cách mạng gặp những thất bại?” Morley hỏi về những suy thoái và khó khăn trong cải cách hiện nay. Ông Ẩn không “sửa gáy” người hỏi để giữ cho mình “có lập trường”. Ông đã nói thẳng thắn như xưa nay phân tích thực chất các hiện tượng một cách khách quan. “Có nhiều lý do. Có quá nhiều lỗi lầm chỉ vì sự dốt. Như mọi cuộc cách mạng, chúng tôi gọi đây là cuộc cách mạng nhân dân, nhưng dĩ nhiên chính nhân dân là thành phần đầu tiên chịu khốn khổ”.
Ông cũng không ngại ngần nhận định: “Khi nào mà dân chúng còn ngủ đầu đường xó chợ thì khi đó cuộc cách mạng còn thất bại. Không phải do giới lãnh đạo là những người tàn nhẫn, nhưng đó là hậu quả của chính sách cha chú của nhân dân cũng như các lý thuyết lỗi thời về kinh tế”. Morley nhận thấy còn nhiều người nằm vỉa hè khi ông tản bộ trên đường phố Sài Gòn vào ban đêm. “Khi tôi đề cập điều này thì Ẩn có vẻ bối rối như là chính anh đã tiếp tay cho tấn thảm kịch. Tôi nghĩ, theo một nghĩa nào đó anh ta đã có sự liêm khiết để biết hổ thẹn”.
Khi nghe ông Ẩn nhận xét về “những thất bại của cách mạng”, nhà báo Mỹ không khỏi bật ra câu hỏi: “Anh không ngại phải nói thẳng ra như vậy sao? Có nguy hiểm không?”
Ông Ẩn đã nói rằng mọi người đều biết ông nghĩ gì, vì ông không giấu giếm những suy nghĩ trung thực của mình. Không phải bây giờ, mà là từ ngày xưa, từ bản chất. Ông nhắc lại cho Morley nhớ cái thời họ cùng làm báo ở Sài Gòn trước 1975: “Thời Thiệu, chính quyền ấy biết rõ là tôi nghĩ gì về bọn trộm cắp ấy. Tôi đã quá già để có thể thay đổi”. Ẩn cười lớn: “Tôi cũng quá già để mà câm miệng lại”.
Trả lời cho câu hỏi: “Trong những năm hoạt động đó anh có sợ mình sẽ bị phát hiện không?” Ông Ẩn bộc bạch không lên gân giả dối: ông nói mình sợ thường xuyên. Bởi luôn có nguy hiểm. “Anh đã biết vào khoảng những năm 60 có tin đồn tôi làm việc cho CIA. Tôi muốn duy trì những tin đồn như vậy vì nghĩ rằng điều ấy sẽ che chở tôi phần nào. Nhưng dĩ nhiên về sau điều này trở thành một đe dọa. Tôi hoạt động trong phạm vi an ninh rất chặt chẽ, rất ít người biết được hoạt động của tôi. Vào khoảng những năm 70 khi chính quyền Sài Gòn ngày càng tồi tệ, tôi sợ rằng kkhi tình hình suy sụp, tôi sẽ chẳng có thì giờ đâu để giải thích với mấy cậu lính giải phóng trẻ với cây AK.47 trên tay rằng tôi là đại tá trong quân đội của họ. Tôi thường nói với mọi người: Có lẽ tụi nhỏ đó sẽ giết tôi đồng thời nướng sống mấy con chó của tôi nữa”.
Những mối lo rất thực tế ấy càng chứng tỏ thêm nhiều hoàn cảnh phức tạp mà nghề tình báo luôn gặp phải. Vậy mà Morley cho rằng những giải thích của ông Ẩn không làm sáng sủa gì hơn mà lại càng khiến ông thêm bí ẩn. “Anh có hối tiếc gì về điều đã làm không? Và bây giờ anh đã thấy kết quả?” Câu hỏi này được đặt ra sau khi Morley đã hỏi ông Ẩn về những ngày đầu sau giải phóng “Ẩn ở trong trại… không phải trại cải tạo nhưng là một trại đặc biệt gần Hà Nội dành cho các “đồng chí” có thể đã bị nhiễm độc vì quá gần gũi với người Mỹ”.
Ông có phút giây nào hối tiếc không? “Tôi ghét câu hỏi đó, tôi đã tự hỏi tôi câu hỏi ấy hàng ngàn lần. Nhưng tôi lại càng ghét câu trả lời hơn nữa. Không, không hối tiếc. Tôi phải làm như vậy. Hòa bình mà chúng tôi giành được có thể phải trả giá bằng sự khốn khổ của xứ sở này nhưng chiến tranh cũng đã giết chết bao nhiêu sinh linh. Cho dù tôi yêu nước Mỹ đến như thế nào, Mỹ không thể có quyền gì ở đây. Bằng cách này hay cách khác người Mỹ cũng bị đẩy ra khỏi Việt Nam. Chúng tôi phải tự chọn cách xây dựng xứ sở mình”. Đó là những câu kết trong một chương sách của Morley.
(còn tiếp)...
Từ khóa » đọc Sách Phạm Xuân ẩn Tên Người Như Cuộc đời
-
Phạm Xuân Ẩn – Tên Người Như Cuộc đời | Tải Sách Miễn Phí
-
Phạm Xuân Ẩn - Tên Người Như Cuộc Đời - Tiki
-
Truyện Phạm Xuân Ẩn - Tên Người Như Cuộc đời - Truyen3h
-
Tải Về Phạm Xuân Ẩn - Tên Người Như Cuộc Đời Sách Miễn Phí Pdf ...
-
Phạm Xuân Ẩn – Tên Người Như Cuộc đời - LibVui
-
Phạm Xuân Ẩn: Tên Người Như Cuộc đời - Goodreads
-
Phạm Xuân Ẩn - Tên Người Như Cuộc đời - Quansuvn
-
Phạm Xuân Ẩn - Tên Người Như Cuộc đời | Nguyễn Thị Ngọc Hải
-
[Tải Sách] Phạm Xuân Ẩn - Tên Người Như Cuộc Đời PDF.
-
PHAM XUAN AN - People's Names Are Like Life - Episode 02 - YouTube
-
Phạm Xuân Ẩn – Tên Người Như Cuộc đời
-
Phạm Xuân Ẩn: Tên Người Như Cuộc đời - Sách Chuyền Tay
-
Phạm Xuân Ẩn – Tên Người Như Cuộc đời
-
Tên Người Như Cuộc Đời - Nơi Bán Phạm Xuân Ẩn - Websosanh