Chăn Nuôi Dê, Cừu ở Việt Nam: Cần Những Bước đi Vững Chắc

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong những năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm của chăn nuôi dê cừu tăng nhanh. Mặt khác, năm 2019, khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra khiến một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi lợn chuyển sang chăn nuôi dê cừu. Tuy nhiên, để tránh tình trạng cung vượt cầu, gây thiệt hại cho người nuôi, cần thiết có những giải pháp đồng bộ và hướng tới sự chuyên nghiệp.

Vai trò của ngành chăn nuôi dê, cừu tại Việt Nam

 

Chăn nuôi dê, cừu cung cấp nhiều sản phẩm thiết thực cho xã hội. Phân dê, cừu quay lại cải thiện độ phì cho đất, làm tăng năng suất cho cây trồng; lông, da, sừng móng của cừu, dê là nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp nhẹ; sữa dê cung cấp dinh dưỡng cho người tiêu dùng đặc biệt đối với trẻ em, người già và làm đẹp cho phụ nữ.

 

Dê, cừu ăn được nhiều loại thức ăn thô xanh như lá cây, cỏ. Thức ăn của chúng lại không canh tranh lương thực của con người. Dê dễ thích nghi, thích nghi với phổ địa lý, khí hậu khác nhau trong nước, ít bệnh, tật. Cừu ưa khí hậu khô cạn, các khu vực miền Trung cừu đều có thể sống và phát triển tốt. Cả dê và cừu đều có hiệu suất sử dụng thức ăn cao. Dê, cừu là loài vật mắn đẻ, nuôi con tốt. Khả năng cho sữa cao, chất lượng sữa tốt. Chi phí đầu tư vào chăn nuôi dê, cừu không cao, chuồng trại đơn giản, khả năng thu vốn nhanh. Nguồn thực phẩm hữu cơ được dê, cừu cung cấp là nhanh, an toàn so với các vật nuôi khác.

 

Ngoài ra, khi nói đến dê hầu hết người Việt Nam đều biết, vì dê được nuôi ở khắp các tỉnh thành trong cả nước và nhiều cửa hàng ăn thương hiệu là dê như: Nhất dê, Lẩu dê quán, Dê núi, Dũng râu – lẩu dê….

 

Đàn dê, cừu nước tăng nhanh

 

Theo Cục Chăn nuôi, từ năm 2016-2018, đàn dê cừu nước ta tăng trưởng 15,45%; sản lượng thịt tăng gần 20% đối với dê và cừu. Năm 2018, nước ta có đàn dê và cừu trên 2,8 triệu con. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng của đàn dê, cừu là 15,45%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng của dê, cừu tăng gần 20%.

 

Theo đó, đàn dê nước ta tập trung chủ yếu ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Hai vùng này chiếm 57,41% về tổng đàn dê và 51,16% về sản lượng thịt dê; ĐBSCL, Tây Nguyên cũng có sự phân bố tương đối về đầu đàn và sản lượng và ít nhất là ĐBSH. Chăn nuôi dê chủ yếu ở quy mô nông hộ với giống dê bản địa hoặc dê lai nhưng cũng đã xuất hiện ở một số trang trại nuôi dê thịt lớn từ 1.000 đến 3.000 dê thịt, chủ yếu là giống ngoại ở Lâm Đồng, Ninh Bình và Long An.

 

10 tỉnh có đàn dê lớn nhất cả nước năm 2018 lần lượt là Nghệ An (237.000 con), Đồng Nai (203.132 con), Sơn La (200.903 con),  Bến Tre (179.215 con), Hà Giang (164.909 con), Thanh Hóa (135.831 con), Ninh Thuận 135.189 con, Tiền Giang 132.572 con, Điện Biên 73 352 con. Số đầu dê của 10 tỉnh này chiếm 59,44 % tổng đàn dê của cả nước.

 

Đàn cừu: Không giống như các loại vật nuôi khác, chỉ có 16/63 tỉnh chăn nuôi cừu là: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Đắc Lắc, Tiền Giang, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Kiên Giang, Bình Định, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bắc Ninh. Trong đó, tình Ninh Thuận chiếm hơn 91,8% số đầu đàn cừu và 92% sản lượng thịt cừu cả nước.

 

Đối với chăn nuôi dê, theo thống kê của Tổng cục thống kê, cả nước có 417.188 hộ chăn nuôi dê. Trong đó, có 306.305 hộ nuôi dưới 10 con/hộ, chiếm 73,42%; 97.019 hộ nuôi từ 10-29 con/hộ (chiếm 23,26%); có 10. 620 con hộ nuôi từ 30-49con/hộ, chiếm 2,55%, số hộ nuôi trên 50 con/hộ chỉ chiếm 0,78%.

 

Đã xuất hiện những chuỗi chăn nuôi dê, cừu. Cụ thể như sau, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dê, cừu của cơ sở Triệu Tín ở Ninh Thuận liên kết với 40 hộ nuôi, nhưng chỉ đầu tư 50% con giống, không đầu tư thức ăn. Sau thời gian nuôi 5-6 tháng sẽ thu mua lại bằng giá thị trường và tính lãi suất giá trị đầu tư. Cơ sở Triệu Tín kết hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh sản xuất các các sản phẩm từ dê, cừu như: thịt dê ép dẻo, dê sấy, thịt cừu xông khói, thịt cừu khô tẩm gia vị, cừu sấy dẻo, cừu chà bông… Đầu ra doanh nghiệp là giết mổ tại lò, sản phẩm thịt tươi bán cho nhà hàng quán ăn, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đối với dê, cừu sống xuất ra các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…

Ngoài ra chuỗi giá trị này còn có 03 chủ cơ sở giết mổ dê cừu như: cơ sở giết mổ Bích Huyền ở TP Phan Rang – Tháp Chàm liên kết với trên 100 hộ chăn nuôi và 5 thương lái. Các chủ cơ sở giết mổ liên kết với hộ nuôi và thương lái để có nguồn hàng đáp ứng nhu cầu cung cấp cho cơ sở. Trong chuỗi giá trị này, chủ cơ sở giết mổ, thương lái sẽ cung cấp cừu giống ban đầu cho mỗi hộ từ 10-30 con với trọng lượng từ 10-15kg/con theo giá trị trường và sẽ tính lãi 2-3%/tháng. Sau thời gian nuôi từ 4-5 tháng, thương lái, chủ cơ sở giết mổ sẽ thu mua lại của người chăn nuôi khi xuất bán theo giá trị trường và thanh toán tiên sau khi trừ cả vốn lẫn lãi. Người chăn nuôi lãi từ 0,5-0,6 triệu đồng/con.

 

Để phục vụ cho tiêu dùng thịt dê, cừu của nước ta đang tăng nhanh, năm 2018, nước ta đã nhập khẩu 525.600 kg từ một số quốc gia như Úc, Newzealand…

 

PV

Để phát triển đàn dê, cừu theo hướng bền vững, PGS TS Hoàng Kim Giao – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam (ảnh) lưu ý những điểm sau.

1. Giống

Chọn lọc, nhân thuần các giống dê, cừu nội hiện có trên cơ sở xây dựng, cũng cố các vùng giống địa phương. Đề nghị xây dựng và hình thành các vùng giống dê, cừu như sau: Vùng giống dê sữa – thịt tại: Ninh thuận, Bình Thuận, Hà Nội (Hà Tây cũ), Bình Dương, Thành phố HCM; Tây Ninh, Vũng Tàu; Vùng giống dê thịt – sữa tại: Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, các tỉnh Tây Nguyên; Vùng giống dê thịt tại: Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Giang…

Chọn lọc, cải tạo, nhân thuần theo định hướng để 25-30 năm sau hoặc lâu hơn Việt Nam sẽ có giống dê, cừu năng suất cao và phù hợp với điều kiện sinh thái của Việt Nam.

Xây dựng dự án, chương trình có sự hỗ trợ của nhà nước đẩy nhanh cải tạo, lai tạo giữa các giống hiện có trong nước và nhập khẩu một số giống chuyên dụng sữa thịt trên thế giới.

Chọn lọc những đực giống tốt (đực thuần, đực lai) với tiêu chuẩn cụ thế cho mỗi loại, mỗi vùng, miền. Phổ biến rộng rãi, nhanh những đực giống trên cho người chăn nuôi sử dụng nhảy, giao phối trực tiếp với dê, cừu cái của địa phương. Cũng có thể sử dụng Thụ tinh nhân tạo ở những cơ sở chăn nuôi có điều kiện. Thường xuyên thay đổi, trao đổi đực giống giữa các vùng, địa phương để tránh đồng huyết.

2. Thức ăn

Tạo nguồn thức ăn thô xanh đầy đủ cho dê, cừu trên cơ sở trồng các loại cỏ, cây lá những loại dê, cừu thích ăn; Xây dựng tiêu chuẩn khẩu phần ăn phù hợp với từng giống dê, cừu và phù hợp với giai đoạn phát triển sinh lý khác nhau của chúng.

Bổ sung thức ăn tinh phù hợp với nhu cầu sinh lý của vật nuôi. Khuyến khích sử dụng thức ăn TMR đối với tất cả các đối tượng vật nuôi trừ loại vật non đang bú sữa. Tạo khu, vùng chăn thả cho dê, cừu. Ngoài việc thu nhận, tìm kiếm thức ăn, dê, cừu còn kích thích tăng khả năng sinh sản của chúng.

3. Thú y

Chấp hành thật tốt Luật thú y kể cả không gian và thời gian.

4. Đào tạo tập huấn kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật

Phân loại đào tạo để quá trình đào tạo sát với thực tế và hiệu quả đào tạo thu được sẽ cao hơn. Phân loại đào tạo theo: (+) đối tượng đào tạo (+) Nội dung đào tạo (+) Thời gian đào tạo.

Trong quá trình đào tạo yêu cầu học viên phải Tuân thủ thực hiện đúng những gì đã được đào tạo, tập huấn; học đi với hành, thậm chí phải “cầm tay chỉ việc” đối với những người mới; kết hợp tốt giữa kỹ thuật với quản lý.

Tổ chức Hội nghị, hội thảo trao đổi và phổ biến nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; trao đổi những kinh nghiệm, những bài học rút ra từ thực tế cơ sở ở các địa phương khác nhau.

5. Tổ chức sản xuất

Quy hoạch vùng chăn nuôi đối với từng đối tượng vật nuôi. Ví dụ: (1) Dê tập trung nuôi tại vùng miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung, có thể mở rộng và phát triển dê tại Đông Nam Bộ; Tây Nguyên; những vùng cao, gò đồi tại Đồng Bằng Sông Cửu Long; vùng núi đồi của Đồng Bằng Sông Hồng. (2) Cừu tập trung  vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung; Đông Nam Bộ; Tây Nguyên và một số nơi tại Đồng Bằng Sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc.

–  Quy hoạch bãi chăn, đồng cỏ. Bãi chăn, đồng cỏ ngoài việc vận động thu lượm cỏ, khoáng… còn tạo điều kiện cho đực, cái tiếp xúc lẫn nhau để kích thích và tăng khả năng sinh sản cho chúng.

–  Quy hoạch lại các chợ bán gia súc sống, lò giết mổ dê, cừu. Có thể ghép lò giết mổ cừu, dê vào các lò giết mổ trâu, bò, ngựa.

–  Duy trì tất cả các phương thức chăn nuôi hiện nay: Chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi quảng canh; chăn nuôi gia trại, chăn nuôi trang trại, chăn nuôi trang trại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chăn nuôi hình thức nào cũng được miễn là: (+) Phát huy lợi thế tự nhiên, (+) Sử dụng tốt hiệu quả nguồn thức ăn và lao động tại địa phương, (+) Tùy thuộc điều kiện để tăng quy mô đàn đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, (+) Tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng.

–  Tổ chức liên doanh, liên kết, hình thành các HTX, các câu lạc bộ chăn nuôi dê, cừu.Khuyến khích đăng ký xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Tổ chức hội thi, triển lãm, hội chợ đấu xảo vật nuôi.

– Quản lý theo hệ thống: theo chuỗi ngành hàng thịt dê, cừu; sữa dê, cừu trên cơ sở để truy xét nguồn gốc nếu sản phẩm có vấn đề xảy ra.

– Xây dựng những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả mọi người, mọi tổ chức có điều kiện tham gia phát triển chăn nuôi dê…

PV

Từ khóa
  • chăn nuôi dê

Để lại comment của bạn

Nhấp chuột vào đây để hủy trả lời.

Họ tên:

Email:

Bình luận

Δ

Từ khóa » Các Giống Cừu Nuôi ở Việt Nam