Chăn Nuôi Lợn Đan Mạch: Hệ Thống Giống Lợn Hình Tháp Mang Lại ...

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, công tác giống lợn của các nước tiên tiến trên thế giới đều được thực hiện theo Hệ thống giống hình tháp nên đã mang lại quản lý dàng, công tác giống thuận tiện, năng suất được nâng cao và hiệu quả kinh tế thu được lớn. Đây là một mô hình phân cấp theo mức độ di truyền và đã tạo ra được hiệu quả cao trong việc cải tiến giống thông qua tiến bộ di truyền của công tác giống lợn. Vì vậy, bản chất của hệ thống giống lợn hình tháp cần được hiểu một cách chuẩn xác nhất nhằm giúp cho ngành chăn nuôi lợn thu được thành công lớn, đặc biệt cho các nhà chọn tạo giống lợn.

Chăn nuôi lợn Đan Mạch: Hệ thống giống lợn hình tháp mang lại hiệu quả cao

2. Khái niệm cơ bản về hệ thống giống lợn hình tháp

2.1. Cấu trúc của mô hình tháp giống lợn

Mô hình giống lợn hình tháp được phân thành 4 cấp giống tuân theo bản chất di truyền học. Mô hình tháp giống bốn cấp được thể hiện ở hình 1.

Hình 1. Sơ đồ mô hình tháp giống lợn

a) Đàn cụ kỵ hay hạt nhân (Great Grand Parent – GGP)

Đàn cụ kỵ được xếp ở tầng đỉnh của tháp giống với số lượng ít. Đàn nái thường chiếm khoảng 1,0% trong toàn bộ đàn nái cấp giống bố mẹ của tháp giống. Đàn cụ kỵ là đàn giống thuần, được nuôi dưỡng và chọn lọc với cường độ rất cao. Đàn này có nhiệm vụ cung cấp lợn đực thuần và cái thuần cho cấp giống ông bà, nhưng cũng có thể cung cấp cho các cấp giống khác trong hình tháp.

Những trại nuôi giống cụ kỵ phải có điều kiện chăn nuôi tốt và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt trong chọn lọc rất khắt khe nhằm không ngừng nâng cao tiến bộ di truyền cho đàn giống để các đàn khác trong hệ thống giống, nhất là đàn thương phẩm với số lượng khổng lồ được hưởng lợi tối đa từ đàn cụ kỵ này.

b) Đàn ông bà (Great Parent – GP)

Đàn ông bà nằm ở vị trí tầng thứ 2 trong hệ thống giống hình tháp. Tỷ lệ đàn nái cấp giống ông bà này thường chiếm khoảng 5,0% trong toàn bộ đàn nái cấp giống bố mẹ của tháp giống. Đàn này luôn được tiếp nhận thay thế bởi những cá thể giống đạt chất lượng tốt đã được chọn lọc sinh ra từ đàn cụ kỵ. Nhiệm vụ chính của đàn này là tạo ra các đực và cái lai thuộc thế hệ thứ nhất (F1) nhằm thoả mãn nhu cầu của người sản sản xuất về lợn nái lai và đực lai đã được tối ưu hóa ưu thế lai. Ở cấp giống ông bà này không tổ chức tiến hành kiểm tra chọn lọc mà chủ yếu tuyển chọn con giống dựa vào đặc điểm ngoại hình với những tính trạng được chú ý như thể chất, số núm vú và sức khỏe, chứ không dựa vào năng suất vì tiến bộ di truyền của đàn này đã được thừa hưởng từ sự chọn lọc rất nghiêm ngặt ở đàn cụ kỵ.

Đàn lợn cấp giống ông bà thường là các cặp lai: Yorkshire x Landrace hoặc Landrace x Yorkshire để làm dòng mẹ và Pietrain x Duroc hoặc Duroc x Pietrain làm dòng cha. Song, cũng có những hệ thống giống ở một số nước như Đan Mạch, Nhật Bản, … người ta sử dụng đực giống thuần chủng ở cấp giống ông bà.

c) Đàn bố mẹ (Parent Stoks – PS)

Đàn bố mẹ nằm ở tầng thứ 3 của tháp giống, gồm các đực và cái lai (có thể là đực thuần do đàn cụ kỵ cung cấp). Các nái lai hay đực lai đều do đàn ông bà cung cấp. Số lượng lợn nái của đàn giống cấp bố mẹ rất lớn, thường chiếm từ 94 đến 95% tổng số nái trong mô hình tháp giống lợn này. Nhiệm vụ của đàn này là sản xuất ra lợn con giống để nuôi thương phẩm. Tương tự như ở cấp giống ông bà, ở cấp giống bố mẹ này cũng không tổ chức kiểm tra chọn lọc mà chỉ tuyển chọn con giống dựa vào đặc điểm ngoại hình với những tính trạng được chú ý như thể chất, số núm vú và sức khỏe, chứ không dựa vào năng suất vì tiến bộ di truyền của đàn này đã được thừa hưởng từ sự chọn lọc rất nghiêm ngặt ở đàn cụ kỵ.

Mô hình quản lý giống lợn hình tháp đã được ứng dụng rất rộng rãi tại các nước phát triển từ lâu. Ví dụ, ở Pháp, đàn lợn cụ kỵ vào năm 1999 có 18.000 nái, được phân ra ở 130 cơ sở nuôi. Đàn ông bà có khoảng 100.000 con, được nuôi ở 800 cơ sở.

d) Đàn thương phẩm (Commercial) hay sản xuất

Đây là đàn nằm ở tầng đáy của hình tháp, bao gồm tất cả các đực và cái lai được cung cấp bởi đàn bố mẹ và chỉ để nuôi thương phẩm. Số lượng lợn của đàn thương phẩm rất lớn, thường có số lượng gấp đàn nái cấp giống bố mẹ khoảng 22-28 lần vì mỗi lợn nái bố mẹ thường sản xuất 22-28 lợn con thương phẩm/năm.

2.2. Những ưu điểm và hạn chế của hệ thống giống hình tháp

a, Ưu điểm:

– Có đầy đủ tư liệu về giống do các cá thể lợn giống thuần chủng đã được đăng ký giống quốc gia.

– Cho phép người chăn nuôi có thể lựa chọn linh hoạt hơn về con giống thích hợp nhất theo điều kiện của cơ sở mình.

– Có thể tối đa hoá ưu thế lai trong hệ thống giống lợn nên năng suất vật nuôi cao nhất.

– Chi phí quản lý thấp hơn so với các cách quản lý khác và triển khai kế hoạch giống thuận tiện và hiệu quả hơn bất kỳ mô hình nào và năng suất được cải tiến rõ rệt nhất.

– Rủi ro về bệnh tật ít hơn dẫn đến sức khoẻ đàn giống tốt hơn nên năng suất đạt cao nhất.

b, Hạn chế

– Bắt buộc phải ghi chép đầy đủ đúng với hệ thống mẫu mã đã được quy định.

– Cần phải có kỹ thuật chọn lọc giống tốt.

2.3. Điều kiện để xây dựng hệ thống nhân giống lợn hình tháp

– Phải có mục tiêu công tác giống rõ ràng với các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn một cách cụ thể và mục tiêu cho từng giai đoạn.

– Phải có kinh phí lớn để thực hiện chương trình giống: nhân lực, thiết bị, đàn giống, chuồng trại, thức ăn, môi trường.

– Phải có con người với những kiến thức đầy đủ về hệ thống lợn hình tháp.

– Phải có một số giống và dòng thuần chủng chất lượng tốt nhất định và mỗi dòng phải có số lượng lớn để đảm bảo nhân giống và chọn lọc với một áp lực chọn lọc phù hợp.

– Phải có chương trình chọn lọc, lai tạo từ các dòng lợn khác nhau để sản xuất lợn cấp giống ông bà, bố mẹ và lợn thịt thương phẩm nhằm đáp ứng được năng suất cao và hiệu quả lớn trong toàn bộ hệ thống giống, đáp ứng nhu cầu sản phẩm thịt cho xã hội cung như đạt được các mục tiêu kinh tế.

3. Hệ thống giống lợn hình tháp ở Đan Mạch

3.1. Cấu trúc tháp giống lợn Đan Mạch

3.1.1. Các giống lợn sử dụng trong tháp giống lợn Đan Mạch

Giống lợn sử dụng trong hệ thống giống lợn hình tháp của Đan Mạch chủ yêu gồm 3 giống: Duroc được sử dụng chủ yeuus ở vai trò làm đực cuối cùng. Hai tổ hợp lai giữa giống Landrace và Yorkshire được sử dụng làm tổ hợp lợn nái lai nhằm khai thác tối đa ưu thế lai về các tính trạng sinh sản (100% ưu thế lai). Tổ hợp lợn lai 3 giống thương phẩm nuôi thịt là Duroc x (Landarce x Yorkshire) hoặc Duroc x (Yorkshire x Landrace) được sử dụng nhằm thu được năng suất sản xuất cao nhờ vào khai thác tối đa ưu thế lai (100% ưu thế lai).

3.1.2.Cấu trúc đàn lợn nái trong tháp giống

Tháp giống lợn Đan Mạch được phân thành 3 cấp giống tuân theo bản chất di truyền học. Trong hệ thống lợn này, lợn đực giống Duroc được sử dụng như là đực cuối cùng. Trong lúc đó, đàn lợn nái chỉ sử dụng nái lai giữa 2 giống Landrace và Yorkshire để khai thác ưu thế lai của mẹ lai. Số lượng lợn nái mỗi cấp giống trong hệ thống hình tháp được phân bổ như ở hình 2.

Hình 2. Chương trình lợn giống Danbred

Như vậy, Trong hệ thống giống lợn hình tháp của Đan Mạch được thể hiện rất rõ về cấu trúc đàn lợn nái: để sản xuất được 28.600.000 lợn con cung cấp cho đàn thương phẩm, đàn lợn nái ở cấp giống bố mẹ phải có 1.108.000 con, chiếm 94,5% trong tổng số lợn nái của hệ thống giống lợn hình tháp này; đàn lợn nái cấp giống ông bà phải có 53.350 con, chiếm 4,82% và số lượng lợn nái ở cấp giống cụ kỵ hay còn gọi đàn hạt nhân phải có 7.520 con, chiếm 0,68% trong tổng số lợn nái của hệ thống hình tháp.

3.2. Sự thành công của tháp giống lợn Đan Mạch

3.2.1. Tiến bộ di truyền hàng năm

Tiến bộ di truyền hàng năm (∆g) trong 4 năm qua của một số tính trạng cơ bản thuộc hệ thống giống lợn hình tháp của Đan Mạch thu được là:

  • Tăng khối lượng hàng ngày từ 0 đến 30 kg: 0,90g/ngày.
  • Tăng khối lượng hàng ngày từ 30 đến 100 kg: 11,50g/ngày.
  • Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng: -0,027đơn vị thức ăn/kg tăng khối lượng
  • Tỷ lệ thịt nạc: 0,09%
  • Số con sơ sinh sống/ổ: 0,44 con.

3.2.2. Năng suất của lợn nái

Năng suất sinh sản của các tổ hợp lợn nái lai Đan Mạch rất tốt vì các tổ hợp lai tạo thành đã khai thác tối đa ưu thế lai của các tính trạng sinh sản của dòng mẹ đạt tới 15%. Ví dụ, năng suất sinh sản của 5 đàn lợn nái lai tốt nhất của Đan Mạch (năm 2011) được thể hiện ở bảng 1.

Bảng 1. Một số chỉ tiêu sinh sản của 5 đàn lợn nái lai tốt nhất của đan Mạch

Tính trạng

Giá trị trung bình

Số con sơ sinh sống/ổ (con)

14,8

Số con cai sữa/ổ (con)

12,7

Tuổi cai sữa (ngày)

30,7

Khối lượng cai sữa (kg)

7,1

Số con cai sữa/nái/năm (con)

28,8

Tỷ lệ đẻ (%)

86,7

3.2.3. Năng suất của lợn thương phẩm

Năng suất trung bình thu được từ 173 lợn lai thương phẩm là tổ hợp lai giữa Duroc(Landrace x Yorkshire) hoặc Duroc (Yorkshire x Landrace) của 3 chỉ tiêu chính đạt rất cao: Tăng khối lượng hàng ngày là 967 gam/ngày; Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là 2,52 đơn vị thức ăn/kg tăng khối lượng và tỷ lệ nạc là 60,2%.

4. Kết luận

Hệ thống giống lợn hình tháp là hệ thống giống lợn tốt nhất: dễ quản lý, tạo chọn giống thuận tiện, năng suất cao và hiệu quả kinh tế lớn.

Đan Mạch thực hiện hệ thống giống lợn hình tháp nên thu được kết quả rất tốt: năng suất sinh sản của lợn nái rất cao, khả năng sản xuất của các tổ hợp lợn lai thương phẩm rất lớn và hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi lợn rất cao.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức

Từ khóa » Các Loại Heo Trên Thế Giới